Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

NGHE TRỊNH


Nghe Trịnh tôi nát tan đi. Không gian luôn loang một vệt nắng xế ngang chiều, luôn ẩm một chút mù sương đủ cho tâm hồn ẩn trú nhưng thực ra lại làm nó phơi ra trần trụi trước nắng, gió, mưa... cõi này.

Nghe Trịnh, những mất mát tràn bờ như sóng dâng vỗ dào dạt. Mỗi lớp sóng xô hồn tôi như bờ cát ràn rụa từng lớp lớp trôi về phía vô cùng.

Nghe Trịnh, tôi yêu quá con người và tôi nhớ ra tôi đau lắm cũng vì yêu quá cõi người ta. Yêu và yêu theo mọi nhẽ...

Nghe Trịnh, tôi khóc mà không lăn nổi giọt nước mắt khỏi mí. Ấy gọi là rưng rưng từ ngàn trước tới mãi ngàn sau. Tôi khóc vì tôi bao nhiêu đen trắng màu sương tóc trên đầu mà lỡ hiểu những cung lẩn chìm trong thứ ngôn ngữ thơ đầy tượng thanh, tượng hình, tượng cảm của Trịnh.

Tôi bị tác động dữ dội quá, nhiều đau đớn quá nên nghe Trịnh tôi dễ trầm cảm, dễ bùng cháy, dễ lịm đi trong cõi một mình đơn côi và không đơn côi. Đỉnh, đáy nhiều quá, dày quá, không quy luật sóng nào cho tôi còn có thể nương theo mà chịu đựng, chống chọi.

Vì thế tôi không bao giờ tự mình tìm đến nhạc Trịnh. Những thoáng qua lạc tới tôi đã quá thừa để tôi vỡ, tôi tan đi...

Hoá ra Trịnh đã  10 năm ngưng viết những chuỗi âm thanh, những con chữ ám ảnh làm tôi đớn đau. Thế mà tôi tưởng Trịnh vẫn đang viết. Tôi tưởng Trịnh vẫn đâu đó viết để tôi biết mình không đơn độc trên đời.

Tôi tưởng Trịnh vẫn ngồi đấy, tay gầy, tóc nhẹ, mắt mơ hồ nơi cõi thế để nhìn thấy giùm tôi rằng tôi sẽ đi được qua cõi này mà không tan nát thành bụi, thành mây, thành sương khói vì Trịnh biết cõi này nhiều người đã trải được qua.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

HOA MUỘI TRẮNG


Một vầng hoa trắng rưng rưng trong gió, bám trên thân cây cổ thụ. Nét dịu dàng mong manh trào dâng bên trầm lắng cột trụ. 

Mắt cận tiến lại gần, nhận ra loài hoa dại rất quen từ thơ ấu. Nhưng chả nhớ ngay ra tên. Những nụ liti như gạo nõn, những hoa bé xíu xiu mà sắc trắng ngọc ngà hợp sức toả sáng một khung trời ngày thừa mây thiếu nắng.

Về mới nhớ ra tên hoa ngày xưa tự đặt: HOA MUỘI TRẮNG.

Có ai biết tên hoa thì chia sẻ với!

















Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

GIÔNG GIÓ CỬA ĐÌNH





 
Thị Kính, Thị Màu, Mẹ Đốp, chàng Nô
Bốn góc đảo chao sân đình rạn vỡ
Táo rụng xuống, né chân ta bước lỡ
Trượt vào lòng những thế kỷ nhân sinh


Những đảo điên, rên xiết lối tình
Màu có biết Kính hiểu mình da diết
Thân cô phụ xót cho hồn thiếu nữ
Vẫy cuồng nơi lỡ cỡ thước khuôn


Kính mong manh trong suốt những oan hờn
Ngậm tiếng mõ khỏi lọt lời lửa buốt
Dựa tường Phật khấn nỗi đời cạn kiệt
Mà chữ Tâm không lịm nổi giữa lòng


Cõi ân tình chao đảo có với không
Nô phận mỏng gồng mình rát ruột
Vô tình nhỉ, hay hữu tình... Mẹ Đốp?
Vạt váy khua vang che những mặt đời


Biết bao giờ thôi khuấy đảo tình ơi
Chiếu khỏi xô nghiêng dạt lòng người nấc nhịp
Gót Màu khỏi cuộn sóng đời đơn bạc
Kính thảnh thơi thu giông gió cửa đình

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

HOA THÌA LÀ

Trong truyện cổ, Thìa Là là loài… rau đến muộn phiên chầu. Khi ông Trời ban xong tên gọi cho muôn loài rồi thì hắn mới hấp tấp lao vào xin một tên gọi cho bằng với thiên hạ. 

Ông Trời già cả không phản ứng nhanh được nữa, lúng búng trong miệng lựa con chữ “ thì là… thì là…”. Đồ hấp tấp ấy lại lần nữa… hấp tấp. Hắn lao vọt về hạ giới mà chưa cần ông Trời ký duyệt cộp triện vào giấy khai sinh.

Ai hỏi tên chi, rằng tên tớ Thì Là. Rồi hắn cũng vỡ lẽ. Tính kiện lại Trời nhưng ớn đường đi xa ngái và thiên hạ đã quen mồm gọi Thì Là nên thằng đại khái trong hắn chặc lưỡi ừ đại cho rồi nợ. Miễn không ai lầm hắn là cây Đa là được rồi. Hihi.

Nghe kể sau này hắn làm con blog, hấp tấp đặt nick cho kịp đua với người ta, táng phím nhầm thành Thìa Là. Từ đó, xứ gọi Thì Là, nơi kêu Thìa Là. Đều hắn ấy hết trơn.

Blog hắn hot y như thân phận rau gia vị của hắn vậy. Hắn khua môi múa mép nêm nếm món nào thì món đó lập tức dậy hương cho đời từng thưởng ngoạn ắt trở nên mê nghiện. Này là sang trọng canh cá, chả bò mà thiếu hắn thì buồn teo. Này là dân dã cải thìa xào có hắn chia sẻ, nhấn nhá khắc thành đặc sản mâm cơm thanh đạm. Này nữa, có khi hắn bốc máu lo tăng sữa cho vợ… thiên hạ nuôi con. Lúc ấy hắn thành chủ vị trong bát canh nấu thìa là thịt nạc lợn.

Hắn hấp tấp, đại khái vì hắn là lãng tử đẹp trai, hào sảng. Kìa... Nom lá hắn mướt mát xanh mỏng mảnh, tinh tế. Nom hoa hắn li ti vàng như vô vàn Mặt Trời toả nắng ấm nồng nàn giữa nhân gian. 

Thế là ta lại phải lòng, lại giơ SONY ghẻ chộp lia lịa như sợ chậm chút thôi là hắn giận hờn mà biến mất vào mây trời.
















Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

THÓI QUEN OÁNH VẦN (hơi bậy bạ tí)

Quốc An tối nào cũng chịu ách thống trị bình dân học vụ của ba. Đánh vần trẹo mồm một tiếng đồng hồ, ngáp ngắn ngáp dài mới được đi ngủ.

Đến đoạn cuối vần tuôn theo quán tính là chính. Cũng phải thôi, mục đích là cho thuận mồm đặng sau này đi học đỡ đánh vần kiểu "bờ ô bô sắc láo".

Tối nay ba bực chị Hà An, chả nhìn đồng hồ. Cậu đánh tan nát vần vèo gần tiếng rưỡi. Đoạn cuối dặt dẹo cho qua chuyện.

Ba dạy: "U tờ út. Bờ út bút sắc bút. Bút. Cái bút". Cứ thế qua cái kẹo, cái bánh, cái bàn, cái... cái... cái... Chỉ việc thêm "cái" vào là xong chuyện.

Đến "I mờ im. Chờ im chim. Chim. Cái chim". Ba gầm lên "Thằng này bậy bạ. Học hành thế à. Bla... bla... bla". Ông con ú ớ một lúc mới giật nảy mình sửa lỗi sai chết người. Hoá ra sang hệ con rồi mà vẫn quen mồm hệ cái. Con Chim ạ.

Con chim thì đỡ bậy bạ hơn cái chim à?

P/S: Thực ra con với cái thì ba nó cũng chả tỉnh ngay vì cốt nó đánh vần đúng chữ Chim thôi, cũng quán tính mà. Đến sau đó nó nhìn hình minh hoạ con bướm đậu trên cành hoa mà vẫn quen thói thì ba mới giật đùng đùng lên bụp con. Héhé. Mẹ cháu phải cải biên đuôi như ở trên để ba cháu và các bác có đọc thì đỡ bảo mẹ cháu cũng bậy bạ y như ba cháu và các bác... đang nghĩ. Bản thân cháu nó trong sáng như gương ấy chứ.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

BIẾT MÌNH MUỐN GÌ


1.
Có thể gọi cái này là kungfu được lắm. 

Khi nào rỗng tuyếch, buồn tênh mới thấm độ lợi hại của nó. Lúc đó gọi được tên của  một sự muốn thôi là xem như lao đi giải tỏa ngon xoét.

Khi nào bốc hỏa quá đầu như chị Kim Ngân VTV hay đơn giản là lúc sùng cỡ sôi sùng sục thì kungfu ấy cũng hữu ích lắm đấy. Thi triển nó lúc ấy rất khó nhưng không  nhờ nó thì nát bét hết, lỡ làng tuốt.

Khi nào đớn đau, khi nào xót xa, khi nào lạc quan quá đà, gió xuân đắc ý quá trớn thì kungfu ấy thật sự là cứu tinh của một trạng thái an bình cần có.

Khi nào dục vọng và chữ lợi bốc thành mù mây trong người ta, kungfu này là kim chỉ nam cho đích đến bền vững và là tiền đề của thành công.

2.
Biết thế nhưng mà quá khó. Nhất là khi người ta trẻ, khi người ta ở xa sợi dây trung bình cân bằng quá, khi người ta đã lấn sâu quá vào đâu đó, khi người ta đuối...

Biết thế nhưng mà không dễ biết mình muốn gì. Long đong lận đận lắm cho thành kungfu.

Biết thế nhưng biết rồi mà làm cho được không phải lúc nào cũng lực tòng tâm.

Biết thế nhưng rất thường khi cơ hội cho trái chín đã rời xa khi ngộ ra. Xót xa vì tay tự rơi, vì người khác làm mất đi cái điểm vàng của sự chia sẻ cho thành mùa hương thơm trái ngọt.

3.
Hic. Dần dà cũng biết mình muốn gì nhưng thường khi là sa vào sự mới té ngửa lúc trước tưởng muốn cái đó mà hóa ra thực tình cần cái khác.

Long đong chọn cái cần hay cái muốn. Quyền lựa chọn chính đáng. Nhưng tại sao muốn cái không cần?

Cái cần mới là cái thực muốn, chứ cái muốn mà không phải cái cần thì giống như ước muốn hư không, hão huyền thừa thãi. Thứ đó thua cả thứ ước muốn viển vông ngoài tầm tay với vì phí cả công ước muốn rồi chả để làm gì. Kể cả gặt về một nỗi buồn vì không đạt được, cho tâm hồn chín thêm chút, lớn thêm chút cũng chả có luôn. Nhạt phèo.

4.
Vòng vèo thế thôi. Mãi rồi đời mình cũng qua. Mãi rồi cũng biết phân biệt  sơ sơ mình muốn gì.

Những thứ muốn cho giống người ta vì ai cũng thực cần: gia đình, con cái, hơi ấm...

Những thứ muốn cũng bậy bạ như thiên hạ bao la và cái bỏ, cái làm...

Những thứ muốn cũng thanh tao như  nhân gian bình dị, an nhiên...

Giữa những đỉnh, đáy, bất công, oan ức, vui như điên, phiền não như bùn lầy dần biết cách chầm chậm lắng nghe xem mình muốn gì, làm được gì, yêu thương ra sao, không hờn hận thế nào...

Rồi cũng dần dễ chịu dẫu kungfu trầy trật lắm. Bạn nói có lẽ một ngày kia ta cũng sẽ lên đai chút nữa. Ta nhớ bạn, nhớ lời bạn lắm.

5.
Những ngày này hàng năm hay được hỏi "muốn gì không?". Thường chả biết muốn gì vì muốn toàn những thứ hoặc không ai giúp được thay mình, hoặc kể ra thì ngượng vì riêng quá, hoặc là lú cả đi không nhớ ra.

Sáng nay biết ngoài những ước mong nọ kia thì có một điều muốn rất khẩn cấp, rất cụ thể.

Con khốn chuột lại cắn nát bét dây sạc Nokia vốn đã vá chằng vá đụp của mình. Giờ những đoạn khả dĩ nhất nối với nhau cũng chỉ còn dài có hơn một gang tay. Trông cái điện thoại lắt lẻo treo khi sạc mà thảm. Thay bằng cái sạc dỏm thì vừa chai pin, vừa sạc cả tiếng không bằng nửa tiếng sạc đau thương đang dùng. Ra cửa hàng lớn mua thì chả có sạc xịn bán riêng. Máy xịn còn bị tráo sạc đểu nữa là.

Rất khẩn vì nếu không là : 1, Khó khăn về đường buôn chuyện; 2, Ức chế vì mỗi lần nhìn thấy cái sạc tội nghiệp ấy đủ để mình nóng bừng bừng hoặc rỗng tênh mất thôi.

Cụ thể thế rồi. Biết mình muốn gì rồi. Thế mà hơi muộn. Hôm nọ có đứa hỏi muốn rì thì đớ ra chả biết muốn rì. Giờ biết muốn rì thì nó không hỏi nữa và chưa thấy đứa nào hỏi nữa cả.

Ôi, bi kịch cả khi ta biết muốn gì. Hic hic.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

DÒNG MÁU ẤM

 
 
Bài viết theo "đặt hàng" của chị Diễm Xưa Hà Nội. Đã đăng trên tạp chí GIA ĐÌNH TRẺ số tháng 6 năm 2008. Rất cám ơn chị về sự động viên bền bỉ giúp mẹ Hà An vượt qua được ấn tượng nặng nề để hoàn thành những dòng này.

Post lại để bè bạn cùng tham khảo về căn bệnh kinh hoàng  do muỗi truyền: SỐT XUẤT HUYẾT.

Entry liên quan: VÌ MÀY TAO PHẢI ĐÁNH TAO

 

Con gái sốt. Nghe tin trường báo về, ba bỏ hết việc để tới đón con ngay. Hơi buồn vì con sốt đúng ngày em con đầy năm. Nhưng không thể ngờ rằng đó chỉ là dấu hiệu khởi đầu cho chuỗi ngày mơ hoảng dài như thế kỷ sau đó. Chuỗi ngày con gái mẹ vật lộn với cơn trọng bệnh cấp tính - sốt xuất huyết.

Trước đó, cũng đã nghe đài, đọc báo nói về dịch đang xuất hiện, cũng nhận cá cờ của trạm y tế thả vào bể nước để diệt ấu trùng muỗi, cũng súc hết các vật chứa nước đọng quanh và trong nhà. Cũng theo phong trào thế nhưng lòng dạ thì nhởn nhơ như thể chuyện ở đẩu đâu chứ chả bao giờ rơi trúng đầu mình, đầu con cái thân yêu.

Cơn sốt mỗi lúc một dày, nhiệt độ mỗi lúc một cao lên. Con còn thương em, mặt đỏ bừng bừng mà ôm em chụp ảnh. Rồi con dựa tường gắng ngồi ăn đôi miếng cho nhà vui. Nghĩ lại mà thương con quá, buốt ruột mẹ.

Vẫn cho con hạ sốt như thường lệ. Chỉ cảnh giác không dùng mấy thứ chống chỉ định sốt xuất huyết. Dỗ con uống nước. Mỗi lúc con lại lịm hơn. Đến 11h đêm thì không thể nào gan nữa. Con sốt vọt lên tới 39 độ 7. Mẹ chỉ còn đủ minh mẫn quyết định gọi ngay xe cấp cứu. Trong lúc chờ xe, cuống cuồng cởi hết quần áo con. Con 10 tuổi, con ốm thế mà vẫn ngượng rúm người, lại thêm cảm giác lạnh vì sốt, nài nỉ mẹ phủ cho con cái khăn mỏng. Biết là rất không nên, nhưng vẫn phải chiều con. Muốn ôm con vào lòng quá mà lại sợ thành vô tình ủ con nóng thêm. Rút kinh nghiệm lần em Tý sốt, bác sỹ dặn tuyệt đối không chườm đá như mẹo trước kia, sợ tuyến mồ hôi co thì không toát được nhiệt mà. Pha nước ấm thấp bằng thân nhiệt bình thường, lau cho con liên tục. 15 phút chờ xe mà dài dằng dặc đến mê muội.

Không ngờ khi bác sỹ tới, nhìn cảnh cấp tốc hạ nhiệt cho con mà mẹ sốc luôn. Người nhà yêu cầu ra khỏi phòng. Rồi mẹ cũng phải ra vì chịu không nổi. Mình ba con giúp hai bác sỹ pha cả chậu to nước ấm, bắt con đứng yên giữ nhà, tội quá, nước xối như tắm. Con quằn quại vì đau da, sốt cao thế chỉ cần bàn tay mẹ xoa lướt dủ như dao cắt da con rồi. Nhưng phải giao phó cho bác sỹ thôi. Rồi khi con hạ sốt hơn, mẹ con mình tới viện. Xe hú, đường vắng mà sao vẫn chậm thế.... Nhanh tới đâu cho đủ. Bác sỹ nhìn mẹ con mình thông cảm lắm, nhắc hãy bình tĩnh và chờ đợi. Sau mới biết lời nhắc ấy là cực kỳ thiết thân suốt 10 ngày chiến đấu nữa.

Suốt bốn ngày đầu, con chập chờn giữa những nhịp sốt dày đặc. Cách 5-6 tiếng mới được một lần dùng thuốc giảm sốt mà mỗi nhịp sốt của con chỉ ngơi ra được chưa đầy 2 tiếng. Đủ mọi phương cách được áp dụng để kéo dài vô vọng nhịp sốt. Thậm chí là pha cồn loãng vào nước để lau cho nhanh hạ nhiệt hơn. Nước sôi tiếp liên tục vào bốn năm cái phích để chườm suốt ngày đêm. Hai ngày đầu con còn đủ sức để kiên trì uống nước, ăn cháo, rồi đuối dần. Con dần trở nên cáu gắt, từ chối hết mọi thức uống. Cả nhà hết ngọt đến nặng để dỗ con mà không xong. Thế là truyền nước. Truyền liên tục. Nếu con chịu khó uống được thì đã không phải vất vả truyền nước đến thế. Cơn sốt không nhường sân gì cả. Vẫn lấn lướt không thương tiếc. Sau mới biết đó là một trong những dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết. Sốt chán thì nó mới chuyển bệnh. Đã có những bệnh nhân cùng phòng phát ra dấu hiệu xuất huyết. Máu xuất lấm tấm khắp da như phát ban, mỗi lúc một dày hơn.

Cơn sốt của con có vẻ thưa dần vào ngày thứ 5 và sau đó chỉ còn hâm hấp sốt. Bác sỹ vẫn cho xét nghiệm máu đều đặn. Con vẫn mệt nhưng đã chịu uống nước. Tạm dừng truyền. Bác sỹ nhắc theo dõi con chặt chẽ vì không loại trừ con mắc một chủng xuất huyết không thông dụng. Mà chả cứ sốt xuất huyết, ngay sốt phát ban như em Tý đợt trước, bác sỹ cũng đã nhắc mẹ hết sức cẩn thận theo dõi việc giảm thân nhiệt sau sốt cao. Chả may thì sẽ rơi vào sụt thân nhiệt xuống dưới mức cho phép, còn khó cứu chữa hơn khi cần giảm sốt.

Chỉ chừng 5-7 tiếng sau cơn sốt, con lại uể oải, rồi triệu chứng lạ. Không xuất huyết đỏ dưới da như mọi người nhưng hai mí mắt con phồng dần, mọng như hai nửa quả chanh. Bụng con cũng trướng lên mỗi lúc một căng. Con bắt đầu khó thở. Con được chuyển sang phòng cấp cứu của khoa điều trị. Bác sỹ hội chẩn gấp. Mẹ căng người lên theo con. Không hiểu chuyện gì xảy ra. Hình như người ta bắt đầu truyền cho con những thứ dịch gì đó đặc biệt. Ngay sau đó, bác sỹ mời gia đình vào gặp, thông báo chuyển con sang khoa chăm sóc tăng cường. Bác sỹ thông báo vắn tắt rằng con đang gặp những biến chứng nguy hiểm. Thông báo vắn tắt ấy làm mẹ thành con người khác hẳn. Sự căng thẳng vì thiếu thông tin chi tiết thật đáng sợ.

Hai y tá khiêng con rất thận trọng, rón rén xuống từng bậc cầu thang. Đích thân bác sỹ trưởng khoa nâng chai dịch và mắt chăm chú theo dõi sắc mặt con. Ông bà, ba mẹ bước theo trong sự im lặng dồn nén.

Con được xếp vào giường hồi sức số 1 của khoa tăng cường nhi với hàng đống dây dợ đeo ngoắc khắp người. Người nhà ở ngoài hết. Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Đêm nặng trịch. Mẹ không còn nghĩ rằng em con bé xíu khát sữa nằm nhà. Chỉ có ba tỉnh táo hơn là gọi về để bác giúp việc cho em uống sữa ngoài. Mẹ tê đờ trong nỗi kinh hãi mà không hề biết rằng cao trào chỉ vừa bắt đầu.

Bác sỹ trực thông báo với gia đình: con bị sốt xuất huyết tuýp hai, đã sang thể tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và suy gan cấp. Như một cơn động đất. Sụp đổ gì đó không thể kiểm soát. Con bé bỏng, mong manh thế kia mà chừng đó thứ nguy nan đang hiện hữu, đang tàn phá con.

Mẹ gạn lời nài nỉ bác sỹ để xin nhắc lại vì không tin nổi vào tai nữa. Suy gan cấp? Có phải con em chớm suy gan hả chị? Suy rồi chứ chớm gì nữa. Có lẽ chi tiết mẹ viết đây thật là khác với hành xử thông thường của mẹ, nhưng điều mà bác sỹ đó làm thật sự bất nhẫn. Mẹ không bao giờ quên được rằng sự láu cá vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người bác sỹ đó thật bất nhẫn. Bác sỹ kê một thứ thuốc viên để trợ gan và yêu cầu mua ngay.

2 giờ sáng. Hiệu thuốc bệnh viện không có thứ đó. Ba trông con vì mẹ nhất định đòi đi mua. Vốn thường ngày mọi thứ thuốc trong gia đình thì mẹ lo mà. Mẹ đủ tỉnh để không tự lao xe đi ở trạng thái căng như dây đàn thế. Không cần suy xét nhiều. Lên một chiếc xe ôm cổng viện. Rồi mặc cả loáng thoáng giá tiền, chỉ biết bao nhiêu cũng ừ. Người lái xe ôm lao đi trong đêm. Mẹ không khóc nổi, chỉ liên tục: anh đi nhanh nữa đi, con em chết…. con em chết… con em chết. Rồi quên mọi ngượng ngùng, mẹ nghe lời, ôm chặt và gục vào lưng người ta mà lẩm bẩm… con em chết…

Đúng 30 phút cho quãng đường vòng khắp các hiệu thuốc ở khu vực lân cận để mua vỉ thuốc trị giá… 5 ngàn đồng. Không biết làm cách nào cho con uống, vì được lệnh không cho ăn uống gì nữa, chỉ truyền và theo dõi. Mạch máu của con đã có dấu tắc nghẽn vì bị xuất tiểu cầu quá nhiều. Bác sỹ thản nhiên nói với người vừa tưởng chết đi trên đường mưa gió trong nỗi điên cuồng sợ không kịp về nhìn thấy con còn sống: để đấy, 2-3 ngày nữa nó đỡ mới cho uống. Thật sự, mẹ muốn tát thẳng vào cái khuôn mặt kia, nhưng rồi không đủ sức…

Ngay từ lúc con chuyển bệnh, 4 giờ chiều ngày 20.11.2006. Gia đình nhận thông báo chuẩn bị máu để truyền cho con. Các thao tác thử nhóm máu, gọi ngân hàng máu…. dồn dập. Mẹ làm theo như cái máy trong lúc chờ ba con từ nhà tới. Mùa dịch, dù máu con thuộc nhóm O là nhóm không hiếm nhưng ngân hàng máu cạn kiệt. Bắt đầu chuỗi điện thoại tới họ hàng, anh em, bè bạn để thông báo tình hình và nhờ cậy mua máu. Bất lực.

5h30 chiều. Bắt đầu cơn mưa đá đổ xuống Hà Nội. Chuyện kỳ diệu về dòng máu ấm cũng bắt đầu.

Bắt đầu là bác Anh, bạn ba mẹ, bác sỹ sản đã đỡ con ra đời, lại đến trước hết để cho con máu. Rồi anh em họ của con, bạn thân của ba mẹ, ông bà, các bác … đội mưa đá, vượt ngập tắc khắp thành phố để tới với chúng ta. Ai cũng sẵn lòng cho máu để cứu con, cứu gia đình mình. Bác sỹ huyết học xúc động lây trước tình nghĩa của mọi người, ưu tiên con tối đa đấy, khẩn trương tối đa để có thể tách lọc tiểu cầu nhanh nhất mà tiếp cho con. Nhóm máu O của cả gia đình ta lúc này như một sợi dây liên kết chặt đến nghẹt thở, lại được tiếp thêm độ ấm nóng từ những giọt máu đào của người thân yêu đang hiến dâng để giành lại sự sống của con.

Nghe bác sỹ giải thích mẹ mới hiểu rằng nếu con xuất tiểu cầu thì rất mất thời giờ mới tách được thành phần đó ra mà tiếp. Nếu tiếp cho người bị thể xuất huyết thông thường dễ hơn nhiều, chỉ truyền trực tiếp máu là xong. Gần ba tiếng sau đã có tiểu cầu cho con. Bác sỹ dặn tất cả mọi người chuẩn bị tinh thần để tiếp tục cho máu vì may mắn thì chỉ một lần tiếp sẽ qua khỏi, nhưng nếu không thì còn cần trong vài ngày tiếp theo.

Và đến giờ, mẹ với ba vẫn nhắc lại cùng nhau câu chuyện suốt ba ngày tiếp theo đó như một nghĩa ân đời ba mẹ không bao giờ có thể nghĩ rằng đã từng nhận được, lại được phép lãng quên. Đó cũng chính là lý do mẹ viết những dòng này kể lại với con gái yêu.

Đêm đó, song song với truyền dịch đặc biệt là tiếp máu. Sáng hôm sau, khoa hội chẩn. Bác sỹ trưởng khoa tăng cường nhi mời gia đình gặp riêng. Hết sức xúc động và cảm ơn bác sỹ vì hành xử vô cùng nhân văn của bác. Bác sỹ xin lỗi vì việc mua thuốc chưa quá cần thiết hồi đêm. Mẹ không ngờ trong bể định kiến mà người ta đang dìm nghề y vào đã nhầm lẫn mà oan cho những người chính trực như vậy. Bác sỹ thông báo rõ ràng hiện trạng bệnh của con, yêu cầu gia đình tỉnh táo đối diện với nguy cơ cuối cùng. Con sốt xuất huyết tuýp 2 - dạng hiếm, độ 3 (trên 4), mấp mé bờ hôn mê sâu. Nếu sau 72 tiếng nữa mà không bị tràn dịch não, tim và con không hôn mê sâu thì sẽ là phép thần kỳ có thực trên đời, con sẽ sống.

Ba và mẹ không còn hốt hoảng, không còn tê dại, chỉ còn là những con người hành động. Tim luôn nghẹt lại. Mẹ không ăn gì suốt 72 tiếng đó. Không thể… Không thể cả trả lời bất kỳ một câu hỏi nào dù đơn giản nhất từ bất kỳ ai, trừ bác sỹ. Ba con mạnh mẽ hơn, đi lại như con thoi lo cho em ở nhà, lo mua bán đồ dùng cần thiết và tiếp khách.

Sau này nghe kể lại mẹ mới biết rằng những ngày lao đi trong cơn bão số mệnh cũng chính là những ngày tình thương yêu của con người, của cuộc đời dồn tới cho chúng ta như những dòng sông cuồn cuộn chảy về.

Những người đã thử máu trong đêm trước và hàng mấy chục người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng nhóm máu O của mẹ, của ba đã suốt ba ngày ròng rã ăn uống kiêng khem để giữ gìn chất lượng máu mà cứu con ngay khi cần. Suốt cuộc đời này, chúng ta mang trong lòng món nợ mà có lẽ mẹ, ba và con không bao giờ đủ sức đáp đền: nợ ân tình, nợ máu ấm.

Sân trước của khoa cấp cứu lúc nào cũng có người quen tới thăm con. Đến mức ngại ngùng vì làm phiền các gia đình bệnh nhân khác. Mọi người chủ động chia nhau tới giúp trông chăm con, chăm cả mẹ luôn. Không bao giờ tin được rằng gia đình ta, ba và mẹ của con chỉ là những con người hết sức bình thường lại nhận được sự động viên chia sẻ ngập tràn đến vậy.

Bác sỹ cũng cảm động theo mà an ủi mẹ, em hãy làm tất cả những gì em muốn làm cho con em đi. Và thế là con ạ, những chuyến ô tô, xe máy lại tự xuôi ngược tìm tới cả những điện thờ, thầy cúng… cầu cho con tai qua nạn khỏi… Mọi người cứ tự tâm mà vì chúng ta như vậy. Có lẽ thần linh, ông bà tổ tiên và Phật đã chứng cho lòng thành ngút ngàn đó mà phù hộ cho con.

May ghê, con chỉ một lần truyền máu là đã hồi được tiểu cầu. Sang tới sáng ngày cuối cùng của thử thách, đã có dấu hiệu hồi dịch tràn. Bụng xẹp dần, thở dễ hơn, mắt con dịu xuống. Men gan cũng giảm. Bác sỹ thông báo và cũng an ủi rằng, dù chưa hết nguy kịch nhưng nếu con qua được, sẽ không có di chứng nào để lại. Tới sáng ngày sau nữa, bác sỹ vào khám, vuốt tóc con và nói: sống rồi con gái nhé… Lời nói giản dị mà có sức mạnh phi thường. Mẹ không thể tả nổi cảm giác khi đó. Chúng ta đã chiến thắng. Tin lan đi rất nhanh trong mọi người đang bỏng lòng chờ đợi.

Đúng 10 ngày ở viện. Con hồi phục rất nhanh sau đó. Con về với mẹ, với ba, với em. Con về với cuộc đời tràn ngập ánh nắng và tình yêu thương.

Con về, con kinh sợ những nốt muỗi đốt tới tận hôm nay chưa nguôi. Phải tới vài đợt cảm sốt sau, nỗi sợ chết cứ bóp nghẹt tim con mẹ. Con thảng thốt… Thương quá chừng. Con chăm chỉ mắc màn mỗi tối, giành cả phần thay mẹ. Và con sốt sắng thông báo lại cho mẹ những kiến thức con học được, đọc được, nghe được về căn bệnh sốt xuất huyết. Con hỏi lại chi tiết diễn biến đợt ốm của con. Đây, mẹ viết lại để con lưu nhớ đây.

Mọi lời cám ơn của chúng ta trước tấm lòng của các ân nhân đều là khách sáo và không thể đủ. Con yêu dấu, cuộc sống của con hôm nay không tự nhiên có nhé con. Con mang trong huyết quản những giọt máu nghĩa ân đỏ thắm, ấm nồng. Ba mẹ sinh ra con nhưng biết bao người đã lao tâm khổ tứ giành lại con từ tay tử thần ngày đó. Mong rằng con sẽ sống cuộc đời có ý nghĩa, xứng với tình yêu bao la đó. Yêu thương con người mãi mãi con nhé...

VÌ MÀY TAO PHẢI ĐÁNH TAO

MUỖI. Cái gì đó không đáng để nói, không đáng bận tâm, dễ dàng vượt qua, dễ hoàn thành, dân Hà Nội và vài tỉnh lân cận hay bĩu môi nhả tiếng: "Muỗi!". Khinh con muỗi bé, đập phát chết tươi mà.

Đùa à. Mình không dám chủ quan khinh địch. Nó mà chọc cái vòi, nhẹ thì ngứa giãy, nặng thì ngắc ngoải vì sốt xuất huyết. Con gái Hà An ngày 20.11.2006 tưởng đã vĩnh viễn rời tay mẹ vì căn bệnh đáng ghét đó. Nghĩ lại mẹ cháu còn lạnh gáy.

Ngày còn thênh thang chân tay, nghĩa là hội độc thân vui vẻ, chả vướng gì ai, nghe vo ve, chả cần biết trong hay ngoài màn. Lười. Trùm chăn kín đầu là yên tâm khò. Lại còn tự nhủ: mình không sát sinh. Vớ con bạn gấu hơn xui mình, giết làm gì, mày ráng bắt nó nhẹ nhàng vào, ngắt cánh là xong. Giỏi nữa, mắt tinh thì ngắt cái vòi nó là tiệt nọc. Nó giỏi chứ mình thì chưa làm được lần nào. Chưa kịp ngắt cánh con nào đã lấy chồng, có con rồi. Mất hết cả cơ hội. Chẹp!

Mất chứ còn gì. Mới cưới thì chồng lo dém màn, bắt muỗi. Tay chồng to như cái bàn vồ, đập phát nào dính chấu phát ấy. Mình học được theo chồng vụ đón đường bay của muỗi để đập. Ngon lành. Hơi đâu mà bắt. Còn muốn di cho nát bét ấy. Dám đốt con tao à.

Biết khoái cái câu: Vì mày tao phải đánh tao, vì tao tao đánh cả tao lẫn mày.

Đẻ tới mống thứ 2 thì thiên hạ hiện đaị hoá ngút trời. Vợt muỗi Tàu cải tiến liên tục. Từ một chữ A đến hai chữ A to chành bành trên mặt vợt. Từ vợt con nổ tung, con khẩy mũi cười nhạo, đến chỗ dính phát một. Muỗi nổ như pháo hoa, còn khét thơm cả mũi. Khoái trá. Bõ hờn. Một phát vung tay toi ngay 7 mạng.

Đêm qua quên mang vợt để đầu giường, nghe vi vi vu vu, bật dậy ngay, điện sáng, thao tác tay mãi mới chụp được "con đĩ" muỗi (nó đốt thằng cu Tý thì nó phải là... muỗi cái). Hết vo ve nhé.

Yên tĩnh được lập lại. Duỗi chân, duỗi tay, ngủ tít nữa thôi. Vậy mà thao thức. Thao thức nhớ mẹ mình xưa. Đêm muỗi, màn xô, đèn dầu bóng quả trứng, nhẹ nhẹ bước qua người con để hớt từng con muỗi. Sáng hôm sau lòng chân bóng xác muỗi khô ngang dọc. Bao năm tháng rồi, sao con không quên được cảm giác hơi ấm của mẹ lướt qua, gấu quần mẹ quệt nhẹ. Và lần nào con cũng giả ngủ để tận hưởng tình yêu của mẹ.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

KÈN LÁ CHUỐI

Tuổi thơ lũ trẻ nông thôn, và có lẽ cả thành phố, lớp 5X, 6X, đầu 7X chắc ít đứa nào không biết Kèn lá Chuối.

Nó là thứ đồ chơi tự tạo bằng một dải lá chuối cuốn vào thành hình cái kèn tổ sâu. Bóp một đầu tạo le rồi cứ thế ò í e to, nhỏ, trầm, thanh, dịu, gắt... đủ kiểu.

Bí quyết để ra âm thanh riêng biệt, làm kèn trăm phát có tiếng cả trăm thì phải... lớn rồi Chuồn tớ mới nắm bắt được, chứ hồi bé thì cũng như mọi đứa, rất ăn may.

Trước hết là chọn loại lá chuối. Dứt khoát nên dài chừng 15 cm (cộng trừ chút) là chuẩn vì ngắn hơn thì hụt lúc tạo búp kèn, không đủ vòng cuốn sẽ dễ bung hoặc chưa đủ vòm để ra tiếng như ý. Bản rộng cũng chả nên nhỏ hơn 2cm hoặc rộng hơn vì sẽ dễ tuột kèn hoặc không điều chỉnh được le như ý. Đừng chọn lá non vì lá mềm quá, không đủ độ căng để le nẩy, ống kèn hay móp và nhanh héo. Có ăn may được tiếng kèn như ý thì rồi kèn cũng mau héo quá, tiếc chết đi được. Chọn lá già thì lá giòn, hay gãy dập lúc quấn, le lựa lựa bóp được thì lại gẫy rời mất. Cứ lá bánh tẻ, xanh vừa mà chơi. Độ dày của lá bánh tẻ cũng làm cho cái le rất đủ độ không quá mỏng, không quá dầy, tiếng mới hay được. Lúc đó chuyện thanh âm chỉ còn phụ thuộc tài bóp le, cách tạo vòm, nối ống, tạo miệng loe.

Nguyên liệu rất giản dị. Ngoài lá chuối chuẩn như trên, thêm vài cuộng rơm. Sau giải phóng miền Nam, chun vòng là thứ rất tốt để thay cho rơm. Tuy nhiên bây giờ Chuồn vẫn chỉ thích buộc bằng rơm cho đúng phong vị và ký ức hiền hoà.

Kèn bắt đầu cuốn từ đầu mép lá chuối. Ống cuộn to sẽ cho tiếng trầm, ồm. To nhất đường kính cũng không nên quá 0,7cm vì to nữa là khó có tiếng và thổi tốn hơi. Ống nhỏ sẽ cho tiếng thanh hơn. Nhỏ nhất không nên quá 0,2 cm vì nhỏ nữa thì đứa nào mà rặn đẩy được hơi chứ, tịt ngóm. Tính để xéo vòng thế nào cho chênh nhau chỉ độ 0,5 mm đến 1 mm mỗi vòng thôi nhé. Tức là lớp ngoài sẽ tụt lé lớp trong chừng đó mà tạo xoắn ốc, chứ đã quấn thì vòng nọ phải khít rịt vòng kia về độ chặt thì mới có vòm kèn được (đoạn này mà có lá chắc tớ quay đoạn video giới thiệu cho chắc ăn, dễ hiểu). Quấn chắc tay thì sau này lúc nối vòm và uốn vòm mới không bung. Quấn hết chiều dài lá là có vòm kèn cơ bản. Một sợi rơm nhỏ, tước lấy đoạn dai và dẻo, quấn giữ vòng lá cuối, buộc chặt. Kèn lá chuối đã nên hình đấy người ơi.

Giờ tạo le nhé. Tạo le trước xem tiếng kèn có đủ âm vang như ý để chỉnh uốn vòm và rồi nối vòm cho hoành tráng bõ công.

Khâu này khó nhất, quyết định nó là cái kèn lá chuối hay chỉ đáng là sâu kèn để nhồi tý thuốc lào cho các cụ phả khói.

Ở đầu nhỏ của ống kèn, vòng lá chuối đầu tiên, lựa bóp bẹp. Khó là chỉnh để mép của vòng lá đầu tiên đó sẽ được bóp thành le. Cái le đã bóp được chỉnh nằm chắn chính giữa đầu kèn. Bóp một xíu độ 1 cm ống thôi chứ đừng ra công bóp cả ống nhá. Mép le phải nằm che vừa xinh từ bên này vết bóp tới bên kia vết bóp thì mới ra tiếng. Hụt, hở le là xem như toi công. Le thừa tí nằm gập mép cũng vứt. Chính xác tuyệt đối. Bí quyết chỉ có thế thôi mà Chuồn tớ phải làm không biết bao nhiêu kèn hú hoạ, tốn cả rừng chuối chứ chả ít.

Khi le đã bóp thành công, có thể để nguyên ống kèn thẳng tự nhiên hoặc uốn vòm hơi cong một chút để vừa có dáng hơn lại vừa có âm thanh rõ sắc, rõ trầm hơn. Bẻ vừa kẻo tung hết giờ. Uốn rất khẽ tay thôi "nghệ nhân" ạ!

Trong dàn hợp xướng có kèn bé tí, kèn to đùng. Dân chơi hàng kèn lá chuối cũng có thể nối vòm kèn khéo léo để cái cái kèn to đủ cỡ, kể cả bằng cổ tay người lớn, như cái tù và. Dễ thôi. Tháo sợi rơm của kèn ban đầu. Giữ chặt tay nhé. Lấy tiếp các dải lá chuối, cuốn bồi thêm theo vòng ban đầu, rộng dần, rộng dần.

Chỉ xin lưu ý, mỗi lần bồi xong một đoạn lá cho vòm thì nên thử lại tiếng, hễ tiếng đủ ưng thì dừng nhé. Một vòm kèn to quá cũng có thể làm lạc thanh âm ban đầu không bao giờ lặp lại của mỗi cái kèn đấy.

Phải lũ trẻ lớn, gần hết tuổi chơi kèn, hoặc lũ trẻ... già, tức là bố mẹ, ông bà của lũ chơi kèn thì mới đủ khéo léo và sức tay để bồi vòm kèn. Chuồn tớ cũng có lần rảnh làm cái kèn đại cho con Dế em bốn tuổi chơi mà nó làm tuột tan hoang ngay, buốt ruột tiếc cơ chứ. Giờ nó đọc ẻn này nó chả nhớ đâu. May hồi đó ấp Thái Hà (Hà Nội) còn bạt ngàn vườn tược để lá chuối đầy rẫy, dễ tìm mà phục... hận không thì ức lắm.

Tiếng kèn lá tí te vóng vót hay ồm đục những trưa hè trốn ngủ đi chơi. Ba mẹ mà nóng mặt lên vì tội trốn ngủ lê la phơi nắng thì cứ là giật phắt kèn vứt đi như nó là bằng chứng tội lỗi. Ôi đau lòng!

Hồi nhỏ, khi phát hiện ra tính độc đáo không bao giờ lặp lại của thanh âm kèn lá chuối, con Chuồn bé bỏng ước ao bao giờ lũ bạn trong khu tập thể của nó có được một dàn kèn lá chuối đủ các giọng, biết đâu lại tấu nên vô số bản nhạc thiếu nhi, thiếu niên hoành tráng.

Chỉ mơ ước thôi chứ ngay cả bây giờ, khi đã tạm nắm bí quyết làm kèn nó cũng chả bao giờ dám tin con người ta có thể biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Mỗi đời kèn phụ thuộc vào tuổi thọ ngắn ngủi của lá chuối từ tươi tới héo, lại càng dễ hỏng hơn khi đứa chơi thường là em ngốc dại của đứa làm kèn.

Ôi giấc mơ dàn giao hưởng Kèn Lá Chuối ơi!

Lần làm kèn cuối cùng của mình là năm 1995, khi chưa cưới ba lũ nhỏ bây giờ.

Năm ấy đi công tác ở Hải Hậu (vùng lúa tám thơm đặc sản), tỉnh Nam Hà. Xong việc trước, ra chờ  em Chi ở bờ anh nhà anh Tánh. Tiện tàu chuối sà gần mặt, làm mấy chiếc kèn to to, nhỏ nhỏ. Hoá ra nàng Chi cũng ham chơi đồ nghệ thuật trẻ con. Hai chị em tước mớ lá chuối về thử làm dàn kèn. Chỉ béo mấy đứa con chị Huyền chủ nhà. Con trai, con gái chị năm ấy cũng chừng lớp 3, lớp 4. Chúng mê tít hai cô về vụ kèn lá chuối. Hai anh chị bất ngờ vì sao lũ thành phố nó lại chơi kèn quê siêu hơn cả quê. Chia tay, chị Huyền khóc  nói bao giờ lại về làm kèn cho chị nghe hử Th. ơi. Mấy năm sau nghiên cứu lặp lại, mình đã cưới, đã bầu, đã đẻ Hà An. Chả còn dịp nào về chơi nữa. Lần nào đoàn công tác trở về cũng nhận được lời anh chị hỏi thăm và quà quê. Muốn khóc. Trong giấc mơ đôi lần cứ về lại miền quê ấy, tiếng kèn ấy.

Giờ người ta có xu hướng khôi phục các trò chơi dân gian mỗi dịp ngày thiếu nhi, Trung thu như trò trình diễn. Nhà hàng nào đó ở Hà Nội cũng lấy kèn lá chuối làm điểm nhấn dân gian thương hiệu. Thế mà khắp thế giới phẳng chả thấy cái ảnh kèn lá chuối nào.

Thiên hạ so sánh kèn lá chuối với vuvuzela. Haha. Thực sự nếu có sự kiện WCup ở Việt Nam mà lấy kèn lá chuối làm biểu tượng thì âm thanh trên sân vận động máu mê, sinh động hơn nhiều so với thứ tiếng ong vo ve buồn ngủ kia. Tiếng âm vang của một cái kèn lá chuối chuẩn có thể đủ to, đủ réo rắt khiến dân tình từ đầu này tới đầu kia làng nhớ ngày xưa chứ chả ít.

Bao giờ có lá chuối để làm kèn cho con chơi? Chả biết giờ ra chợ đặt mấy chị hay mang đồ quê lên bán thì có được tàu lá như ý không?

Người phố nhớ đồ quê. Thể nào cũng có kẻ bảo mình già rồi đâm lẩn thẩn hồi tưởng chứ trẻ con giờ nó thích vuvuzela - hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt hơn. Bố mẹ nó cũng thích thế hơn vì kèn lá chuối đã là thú chơi thất truyền rồi. Kèn công nghiệp mua vèo phát có và chơi bền gấp mấy cái kèn lá chuối kia. Chao ôi! Hay là nhân dịp Trung Thu, kiếm tàu lá chuối, làm kèn, quay video quảng bá trên mạng cho nó độc đáo nhỉ.


Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

CHUYỆN TRONG NHÀ NGOÀI NGÕ

1.
Trời mưa dầm dề cộng với nhiệt độ gần bằng đỉnh rét hồi Tết khiến cảm giác đây mới thật là những ngày chán nhất của năm.

Thêm lượng thông tin tràn ngập đượm màu sắc xót thương, nhân ái và bất an mang tên Nhật Bản khiến cuộc sống như ở một khoảng nặng nề.

Đầu ong ong đau. Bó chân trong nhà chăm con gái truyền dịch vì Rubela trong thời gian nước rút học thi của nó, ruột mình sốt tưng tưng. Nhà ngoại rối bời vì đủ sự ốm đau của người lớn người bé. Nhìn ra trời mưa lạnh mà xót lòng vì không lên được mẹ. Ba phải một mình trụ trông mẹ. Đẻ ba đứa con rồi chỉ có cụ ông là biết chăm cụ bà nhất. Nghĩ gì giờ cơ chứ. Nẫu quá trời ạ. 

Cũng muốn viết gì đó cho sáng sủa tâm hồn lên nhưng toàn mẩu vụn không nở ra được thành mây xốp bồng bềnh. Hic

2.
Hình như mấy vụ cụ Rùa với Nhật Bản làm người ta bớt chú ý đến giá tiêu dùng tăng lì lợm như xe lu mù đèn.

Cô bé bán bánh mì lấp liếm chuyện bánh vẫn 3k mà bé bằng 2/3 mọi bữa. Mưa gió thế này thì bánh nó nở làm sao được mà chị thắc mắc. Chị cứ hỏi mấy người làm bánh bao, bánh mì thì mới biết.

Cái giọng nó điêu như thể lưỡi nó đang đánh đảo đánh điên cho nước bọt tung trắng xoá tràn ra mép. Bố khỉ. Chả thèm cãi vã với mày. Thừa biết tiền mất giá thì lò bánh phải nặn bé đi nhưng mày leo lẻo thế này thì lần sau đừng mời. Đau đầu.

Học mấy chị hàng thịt, hàng rau kia kìa. Tỉnh bơ tăng giá, thế thôi.

Ví teo nhỏ theo giá vàng, giá đồng tiền. Bao giờ nắng nó cũng chả nở ra đâu.

3.
Hai ba con thằng Quốc An dạy nhau đánh vần như oánh nhau. Ấy là luyện quân để cho xông trận vào lớp Một tới đây.

Thằng con đòi hỏi lão ba phải bình đẳng. Tức là: 1. Dạy nó một lúc thì phải cho nó dạy lại; 2. Trả lời đúng hết thì nó chán nó sẽ không học nữa nên lão ba cũng phải đánh vần sai tí ti; 3. Mẹ mắng nó vì nó đọc sai thì cũng phải mắng ba vì ba đọc trật.

Nó hù ba y như mẹ hù nó:
- Đọc sai quá thế thì không cho gọi là mẹ nữa, gọi là chị nghe chưa.

Chả là mỗi lần nó quậy gì đó xong sẽ lao ra ôm mẹ chữa đòn bằng cách rối rít con yêu mẹ. Khi đó mẹ sẽ nghiêm mặt doạ không cho gọi là mẹ nữa mà phải gọi là chị, gọi ba là ... anh. Hihi. Nó vật vã xin lỗi, hứa hẹn để bảo toàn quyền làm con ngay.

4.
Giá mà sự đời êm ái như má con áp vào má mẹ thì tốt biết bao.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

NHỮNG VÒNG SÓNG THÁNG NGÀY


1.
Tháng Hai rét lộc.  Mưa và gió gào xé đưa rét lộc về.

Trong di động tràn ngập tin nhắn ra đường trời mưa nhớ đội mũ và trùm áo mưa vì mưa hôm nay có thể là mưa axit do ảnh hưởng của phóng xạ từ Nhật. Chả tin là bao nhưng dĩ nhiên ra đường trời mưa gió tơi bời lá hoa thế này thì hâm à mà đi trần.

Lao lên bệnh viện, nhận ra mình cần bình tĩnh hơn, đây không phải sóng thần ụp vào. Đơn giản hơn nhiều: gió mưa vần vũ làm người ta kinh khiếp về những bất yên của đời này đang lan tràn khắp nơi và lòng mình đang cháy vì âu lo...

2.
Tinh mơ, bạn bày tỏ nỗi bực thay cho mình vì nghe tin mình bị nói xấu suốt mấy năm.

Bạn à, giờ bạn mới nghe thì bạn bực là phải, mình bực xong rồi, xong lâu rồi và mọi sự cũng chỉ còn trên miệng kẻ nói xấu. Cả những làn sóng tò mò khi nghe tin hot cũng đã chán trào dâng vì nguồn năng lượng môi mép ấy không đủ biến nó thành sóng thần. Nói thế có làm mình  xấu đi được đâu. Thông cảm đi, vì họ vẫn còn chưa có được cái họ muốn có bằng cách nói xấu mình thôi.

Vì sao mình không phản ứng để biện minh ư? Ừ, tin đồn là thứ cối xay gió, mình đâu phải Đông ki sốt mà đánh nhau chả vì đâu. Mình không tiếp thêm "nhiệt huyết" cho họ chế sôi, chế nổi hơn những chuyện thiên đường khiêu vũ với địa ngục mà họ muốn có thêm chi tiết để chứng tỏ, chứng minh không cho mình, không cho chính họ (vì họ quá hiểu) mà cho đại chúng. Mình không cho được, không nhường được cái họ muốn có vì mình không muốn có và chả có. Mình không bỏ đi và cũng không biết phải nói gì vì mình không từng ở trong chuyện họ vẽ vời và cũng chả liên quan gì.

Mình quen với việc cứ để yên rồi sóng thần hay bão cũng dần lặng khi nó hả cơn. Logic cuộc sống giản dị sẽ còn nguyên mà. Ôi dào.

3.
Những thương cảm dành cho cụ Rùa hình như đã xẹp nhiều trên báo chí trong nước và truyền thông quốc tế vì người ta hướng về Nhật Bản.

Người ta tràn xúc cảm, người ta hành động. Trái tim bung xoã những năng lượng yêu thương có đích hướng tới xứng đáng.

Người ta nhột, người ta nhắc tới những yêu thương cần tỏ ngay khi chưa muộn, những tha thứ cần thực hành ngay khi còn có thể là thông điệp của an hoà.

Mình cũng đớn đau trong lòng vì mình mang ở đó một nỗi buồn hay nỗi xót xa nào đó về ai đó đã làm mình tổn thương quá đỗi. Mình muốn thứ tha như từng học được ở nhau, mình muốn gửi thông điệp rằng mình không giận, không khinh, không gì theo hướng đó cả, hãy sống như cần sống đẹp đi khi còn có thể. Nhưng mình trân trọng những điều tốt đẹp từng tồn tại tới mức hành vi gửi đi thông điệp cũng phải thực sự xuất phát từ sâu xa tâm mình, tim mình thực sự. Tuy không trống vô cảm, có nhẹ nhõm hơn vì mình hiểu nhưng một năng lượng niềm tin đủ để biết rằng mình có thể thanh thản  gửi thông điệp một cách thực sự ý nghĩa thì không đủ.

Trải nghiệm này rất chậm rãi trôi qua con người mình, mình lắng nghe mình để thấy mình muốn gì, có thể làm gì, đáng làm gì... Có lẽ việc đó nhiều ý nghĩa với mình hơn là mình tưởng trước tới nay nên trải nghiệm mới diễn ra theo nhịp của làn nước trôi qua, thấm qua mình như thế.

Mình kiềm chế để không làm hỏng tiết tấu ấy. Nó là tiết tấu đặc biệt, chưa từng có với mình - kẻ vừa sống vừa chiêm ngưỡng đời này. Mình kiềm chế để không chết chìm trong nỗi khát khao viết hết nó ra tới tận cùng. Mình sợ nó qua đi vì không biết sau nó là gì, vầng sáng rực bình minh hay ánh chiều trầm dịu, hay lại là trống rỗng mà đặc quánh của bóng đêm. Mình lại cũng chả muốn còn nó nữa vì chịu đựng những đỉnh đáy của xúc cảm, dù dạng gì, cũng là trải nghiệm mình không ham muốn, dẫu biết nhờ nó mình sẽ hiểu mình hơn và chín hơn.

Dẫu sao mình cũng muốn những thứ tha cho đời này trọn nhịp hiền hoà. Buông bỏ là khó nhưng tự làm được. Thứ tha từ sâu thẳm cho cả những điều còn ý nghĩa hay chẳng còn để làm gì hoá ra như khát vọng vời vợi, đòi hỏi sự thật tâm từ mọi phía.

Có nghe thấu chăng!

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

CẢM GIÁC MONG MANH

Bỗng thấy mình cứ bơ vơ, cô độc khiếp đi. Thấy xung quanh xa lạnh. Thấy đời quay cuồng vần vũ và mình như hạt thóc lép vất vưởng trong đó.

Ghét cảm giác yếm thế nhưng lúc này thấy mình chênh vênh trên mép vực của những mất còn mà sức, tài đều ở mức  mỏng manh.

Mấy ngày cứ bơi lòng vòng trong những tìm tòi quan hệ để lo việc nhà. Diễn biến như thuận mà trong lòng cứ có gì xuội đi vì cảm giác yếm thế, yếm lực lần này.

Vẫn biết quanh mình chưa hũ nút, gợi đâu bật ra lối đấy. Sao cứ nặng đến đau thật ở vai, cánh tay.

Sợ những linh cảm rẽ nẻo bất thường lắm. Có gì đó nhắc cố lên, quyết lên để bươn qua. Có vầng mây nào đó vẩn che trong đầu. Nhủ lòng phải bứt lên đi mà quyết, mà hành động. Mình cứ ù ờ sao ấy, như trong giấc mơ sông chảy lờ đờ.

Ngó buồng chuối lắt lẻo chín cây mà buốt nỗi tháng ngày...

Mò về lại ngã tư phố quen gần hai mươi năm trước cửa cơ quan cũ. Ngã tư ngay trong lòng Hà Nội, dễ đi qua. Như không gian ký ức mãi còn đấy. Khi thấy lòng bất yên cứ muốn dựa về. Ăn vạ chị Dung mấy cốc trà nóng nhạt. Ăn vạ em Lan nắm xôi chả. Ăn vạ mây trời hơi gió những cảm giác thân quen. Về nhà qua những lối phố quen tưởng chừng nhắm mắt cũng lướt ngon. Cầu cho lòng nhẹ nhõm giữa những gần gũi thanh bình. Cảm giác lưu tới mấy ngày nhưng nhẹ nhõm chỉ đôi giờ là tuột mất.  

Chát chít buôn với người bạn xa xôi. Chữ thiền, chữ sự, chữ thanh tâm. Mới thấy bè bạn là để làm đầy nhau, chẳng kể chi trước sau trên dưới. Tự nhiên bắt đầu một chu kỳ mới của niềm tin vào những bao bọc của bè bạn giữa nhân gian dẫu vẫn thấy quanh mình vắng quá, quanh mình nhoà nhạt quá.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

ẢO DIỆU LOA KÈN



Đi ngang phố trong cái pha trộn ấm ức của nồm ẩm và gió oi ả ngày cuối xuân đầu hạ, người như muốn bung lên trời cho thoáng đãng chứ nơi mặt đất này có gì níu kéo thanh thản đâu. Ấy thế mà có đấy, nhìn kìa, loa kèn trắng đang vào phố. Cứu tinh của lòng người trong trẻo ngọc ngà làm phố, làm ánh mắt người tươi lên quên hết vướng víu nhân gian mà đắm tình vào sắc tinh khôi ấy.

Nàng từ nơi xa lắm về với xứ Việt. Gốc gác từ vương quốc nổi tiếng thanh lịch hào hoa - nước Pháp, gắn với những không gian văn hoá nặng tính quý tộc, vương giả, trước kia loa kèn là gì đó xa vời với đời sống dân dã. Rồi nàng tiên ấy hoá ra lại rất dịu dàng và thân ái. Nàng được người dân những vùng trồng hoa nổi tiếng như Đà Lạt, hay ven Hà Nội như Ngọc Hà trước đây, Mê Linh, Thanh Trì sau này… chăm chút nâng niu và mỗi ngày một phổ biến hơn, gần gũi hơn với văn hoá thưởng hoa của chúng ta.

Photobucket

Cứ cuối tháng ba, đầu tháng tư là vào vụ. Vụ hoa loa kèn không dài đâu, chỉ đôi ba tuần thôi. Sự ngắn ngủi đó cộng với khát khao thanh tẩy tâm hồn trong khắc giao mùa khó ở khiến thị trường hoa cứ như cơn sốt bùng bùng. Bà nội trợ, cô thiếu nữ háo hức chờ, háo hức mua được những đoá đầu mùa hiếm hoi, tới mùa rộ, rồi tiếc nuối níu giữ hương ngát cuối mùa. Cứ gọi là quên mất giá cả cao thấp, bất kể nó ngự nơi kệ hàng hoa sang trọng hay giản dị trên xe đạp bán rong. Sắc trắng ấy, làn hương ấy có sức ma mỵ người đời đến khó hiểu.

 Photobucket

Loa kèn trắng Hà Nội được biết nhiều nhất qua bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân. Thì nó vốn thuộc họ Huệ mà. Người ta cũng vẽ thiếu nữ với thật nhiều hoa khác nhưng ấn tượng thanh tú nhất vẫn là bên hoa Loa kèn trắng. Nhìn cái cách nụ của nó vươn, khó lòng không liên tưởng tới dáng vươn mảnh mai và dịu dàng của thân hình thiếu nữ với cổ cao ba ngấn trong tà áo dài cổ truyền.


Thực sự không gì đẹp bằng hình ảnh thiếu nữ Hà Nội duyên dáng đang chọn, đang giao hồn với từng nụ loa kèn, từng cánh đang hé, đang thả hương ra mênh mang trời đất giao mùa.
Bông hoa nở toả hương dịu, không quá ngát như hoa huệ trắng, không quá hắc như nàng Ly thơm sau này. Đằng sau làn hương ấy là gợi mở những trầm mặc phố Hà Nội. Dòng sông loa kèn chảy vào phố làm phố đang sẫm buồn phút mây xám ủ ê, bỗng vươn mình dậy để trong veo, để háo hức chờ điều gì như thể ánh sáng, như thể tương lai rộn ràng.


Photobucket

Dáng hoa nở không quá ngẩng cao, cũng không quá chúc thấp. Tầm nở ấy làm liên tưởng một nhân cách người Hà Nội hoà hiếu, thanh lịch, biết ta biết người. Độ trắng phớt xanh thật tinh khiết. Một lọ nhỏ loa kèn làm sáng mọi không gian. Cứ như vẻ sang trọng tiềm ẩn của nó đang ngự trị.

Chả hiểu từ bao giờ hoa loa kèn trở thành loài hoa “đặc sản” gắn với không gian văn hoá Hà Nội, tinh thần Tràng An, dù thực ra không những hoa được trồng ở nhiều vùng ở nước ta. Người Hà Nội xuôi vào Nam sống, nhận món quà chục cành loa kèn từ Hà Nội “gửi máy bay” vào, hay chỉ là mua trên phố Sài Gòn, nghe lòng xao xuyến nhớ thương hơi phù sa sông Hồng dịu ngọt.

Photobucket .

Những năm gần đây có giống hoa loa kèn lạ trái vụ, bán dông dài hơn tới dăm tháng. Nhưng dù bụ búp hơn, cánh dày dặn hơn thì dường như dáng cành, dáng nở kém phần mỏng mảnh ấy làm chất thanh tao của hương cũng vợi đi. Làn hương trái mùa ngày nắng, ngày rét, ngày hây hẩy gió thu cũng là quý hoá, là gợi nhớ nhưng với lòng mình chỉ có không gian giao mùa đầu xuân cuối hạ mới thực là chốn loa kèn trắng được ước ao chờ đợi.

Sẽ thiếu lắm, sẽ vắng lắm nếu một ngày giao mùa vắng bóng loài hoa dấu yêu này. Loài hoa trắng kì diệu, làm sáng lên những buổi trời đất buông mây xám chì, cho lòng mình dịu đi, khiến hồn mình bay lên, vượt khỏi mọi u ám, khỏi mọi hẫng hụt mà đón mong manh mây trắng bay về cho lòng người nở bung những khao khát yêu thương không bao giờ vơi nguôi.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

ĐI XOÁ ĐÓI BỊ TĂNG NGHÈO


Xoá đói thì dễ, giảm nghèo mới khó.  Chuyện này ai chả biết.

Quả nhiên mình mãi cứ nghèo và đói thì tái đi tái lại hoài. Xoá lại tái. Tái lại xoá. Sáng xoá, trưa đã tái. Trưa xoá thì chỉ 3-4 h chiều lại tái. Mà cứ xoá đói là thấy lại nghèo đi rõ rệt, hao ít cũng phải chục, vài chục ngàn bạc.

Đói còn xoá mãi không xong mơ chi xoá nghèo.

Sáng nay đưa con trai đi học. Hai mẹ con xoá đói trong vòng 10 phút bằng cháo sườn.  Nhưng rồi quá tệ. Lần này xoá đói tạm thời mà nghèo tăng đánh vọt. Rơi đâu mất tờ 100K. May mà có 20k chưa rơi để trả chứ không thì ai tin là quần áo sạch sẽ thế kia, có blog hẳn hoi, mà lại sống dưới trình nghèo.

Buồn vì trời đất bất công, số phận đen đủi, sáng ngày ra đã mất tờ tiền mới láng coóng cạo râu xước da. Tự an ủi thôi của đi thay người. Xem như đen nọ thì đỡ đen gì khác chăng.

Lại tự nhủ chuyện nhà nước hô xoá đói mà lại ra hàng đống chính sách điện, xăng, đô, vàng làm dân tình tăng vọt nghèo lối đơn lối kép trong có hơn chục ngày còn dữ hơn Trời, mình vẫn chịu được/phải chịu thì xem như sáng nay là muỗi đốt inox vậy. 

Ôi, mình biết không bao giờ thoát được đói sáng, trưa, chiều. Đến đi ngủ còn mơ thấy ăn uống nữa là... Xoá đói dễ mà không thoát. Không biết đến nghẻo có thoát nghèo?

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

TÂM SỰ CỦA KẺ THAM LAM


Người ta chọn một ngày giữa mùa Xuân để tôn vinh phụ nữ. Nhiều lý do kèm theo. Có những lý do rất xa xưa và xa xôi được đọc trong các thể loại diễn văn giãi bày. Hơi ngại là những bản dài thòng ấy thường được Chủ tịch Hội Phụ nữ đọc. Mà Chủ tịch Hội từ cấp cơ sở lên cấp TW đều là phụ nữ. Hì. Vì thế, là kẻ tham lam, mình không quan tâm đến lý do lễ, chỉ bận tâm phần hội có gì hay.

Thì dĩ nhiên hiểu rằng có ngày ấy là để nhắc rằng đàn bà khác với đàn ông, rằng đàn bà đẻ ra cả đàn ông nữa, rằng dù không còn bu ti mẹ thì đàn ông vẫn cần đủ thứ ở đàn bà cho chính mình và con mình, cháu mình... Đàn bà cũng cần được nhắc để nhớ ra mình còn cần đàn ông. Có lẽ vì thế họ không chỉ sinh ra, bú mớm, âu lo cho đồng cánh với mình mà còn tạo nên một lượng đàn ông tương đương.

Và vì cần nhau nên trong ngày này điều được khuyên là mọi cuộc chiến tranh giới tính đều nên đình chiến. Ngay trên tivi, kênh nào cũng nhắc ra rả ý nghĩa của việc con chăm sóc, tặng hoa tặng quà cho mẹ, đấng quân tử tặng đủ thứ hàng hoá được quảng cáo cho đối tác tóc dài... Lắm lúc đang ăn cơm mà đến đoạn tivi giáo dục "trắng phớ" quá mẹ nó đâm ngại. Tắt tivi thì thô bạo, không xứng danh mẹ hiền, vợ dẻo, đành đứng lên giả vờ đi hâm nước mắm. 

Mình lăn tăn xem nếu chọn một tâm thế cho ngày hôm nay thì nên thế nào. Nên thừa nhận "mình có thích ngày này vì thích nghe những lời tán dương chúc mừng không chỉ của ba nó và nó, mình có khoái khi nhận hoa, quà và xiền từ nhà, ra đường và cơ quan, mình có thể nông nổi nhận những galant quanh năm mọc có một lần sau khi được tờ lịch và tivi nhắc nhở"?. Nên thực lòng "mình chả thích cái ngày này vì đời có sao sống vậy cho nhẹ nhàng, quanh năm âu lo đủ thứ công chuyện từ đàn ông tính đến đàn bà tính thì giờ cứ thế đi, được nhắc là đàn bà để mai lại hai tay bảy việc như cũ thì giải quyết gì"?. Dùng dằng thế nên cuối cùng kẻ tham lam là mình năm nào cũng cứ trôi qua ngày này  y như thiên hạ đàn bà, tức là "ờ, kỷ niệm tý, hoa hoè tí để mai chạy tiếp theo tiêu chí cần mẫn làm vợ, làm mẹ và ít nhời".

Chứ còn biết làm gì? Mình không đòi bình đẳng trong ngày này và tất cả những ngày còn lại vì mình biết bình đẳng chả để làm gì. Mình có một ngày này, họ chưa chắc có những ngày còn lại. Một ngày này họ  nhớ ra mình là phái yếu, còn quanh năm mình vẫn là phái mạnh chứ có được kém họ đâu. Chuyện ở trên hay ở dưới cả nghĩa đen và nghĩa bóng mình cũng không quan tâm. Khi người nọ cần người kia thì tự khắc đẩy nhau lên thôi. Chơi đồng loạt cả xã hội rồi khó theo.  

Mình sẽ phấn khởi hơn nhiều nếu hôm nay là ngày của đàn ông còn những ngày kia thì tôn vinh phụ nữ mà chả cần diễn văn, tivi hay tờ lịch nhắc nhở. Kể cả phụ nữ chả có ngày nào, hôm nay là ngày của đàn ông, nhắc nhở họ là đàn ông thì hơn. Nếu mà thế, hôm nay mình sẽ hăng hái tổ chức kỷ niệm, đủ để họ tự giác thừa đủ cho những ngày còn lại. Diễn văn lắm lời họ sẽ khiếp hồn, tivi nhắc nhiều họ còn ngại hơn mình. Mình sẽ đơn giản là cơm ngon, canh ngọt, trốn giờ cơ quan về sớm để tăng giờ làm vợ, làm mẹ.

Có khó gì chuyện đó đâu. Thì bây giờ vẫn cứ trốn thế suốt còn gì. Và dù mình là kẻ tham lam, ham vui, việc đầu tiên mở mắt ra nghĩ nên làm gì trong ngày này vẫn cứ là: Chiều về nấu bữa cơm cho ngon ngon, giờ thì đưa con đi học kẻo muộn. Hức. Hoạ chăng trong ngày này mà là của đàn ông thì họ sẽ lắng nghe hơn xem vợ tôn vinh họ như thế nào thay vì quanh năm suốt tháng họ được chúng mình tôn đến... phát nhàm, quen đến không để ý.

Mình là kẻ tham lam, thừa nhận rồi, nhưng hôm nay mình muốn nhường cho các quý anh, quý ông sự tôn vinh này. Mình hy vọng nhờ thế ngày này sẽ vui hơn, mới mẻ gấp nhiều lần mọi năm. Hé hé, lại lộ ra sự tham rồi.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

HOA XƯƠNG CÁ


1.
Ngày nào đó trên đám đất xuất hiện một cây cỏ lạ. Những cánh hoa màu vàng mỏng tang lả lướt uốn như đuôi cá cảnh đang vờn nhau. Mà lạ thế. Hoa là biến thể của lá. Sách Sinh vật lớp mấy dạy nhỉ? Vậy mà đám lá gai góc tua tủa mọc đối xứng trên thân cây khẳng khiu kia lại biến thành chùm hoa mỏng manh thế chứ.

Cánh hoa vẫy ai thế? Vẫy ai mà dịu dàng thế. Như có nét buồn phảng phất.

Đi từ phía đường Trần Nhân Tông, góc giao với Nguyễn Bỉnh Khiêm, nghe loáng thoáng trong hơi gió khúc ca quen thuộc…. rất thoảng… rất dịu dàng… rất mê hoặc. Chả nhớ là khúc gì. Không phải thứ nhạc đỏ hào hùng, không phải là thứ nhạc vàng rên rỉ dẫu lẫn đôi chút màu ai oán. Là thứ nhạc mang trong lòng sóng biển, mang trong lòng nỗi đau của cát, của rong rêu.

Tụi trẻ con kháo nhau, nghe như giọng trong phim hoạt hình nàng tiên cá nhỉ… Ồ, chả nhẽ thế. Mà nghe kỹ, nó như dàn hợp xướng, không lẻ loi, chỉ giản dị như tiếng ngân của những số lẻ.

2.
Một người không biết đã lớn chưa. Rất có thể trong thân tướng nguyềnh ngoàng kia đang ẩn náu một tâm hồn trẻ thơ thì sao. Thời nay nhiều chuyện kỳ diệu lắm. Trên tivi người ta còn có cả chiếc nón kỳ diệu quay ra vàng ra bạc cơ mà.

Hình như sớm nào người cũng qua góc phố, nhịp lướt chậm chậm hơn thường tình, lơ đãng với dòng xe cộ nhưng lại chăm chú lắng đợi điều gì đó phía sau hàng rào công viên. Mắt người sáng bừng lên khi chạm vào chùm hoa vàng 13 đoá đang rung rinh. Hoa như hớn hở hơn, sao như ngậm ngùi hơn.

Mặt trời đột nhiên bỏng cháy như một bóng điện tròn, làm sôi cả nước hồ Hale gần đó.

Hoa gì thế nhỉ? Ai cũng ngạc nhiên, sao người kia chả có vẻ gì ngạc nhiên … Hay người biết điều bí mật của bè hợp xướng 13 nàng tiên cá, biết điều bí mật của cây hoa mà tụi nhóc cứ gọi là Hoa Xương cá.

Trẻ thơ thật diệu kỳ. Chúng nó tự hiểu nhau trúng phóc theo một cách nào đó mà ít người lớn còn nhớ, còn có thể làm được.

3.
Mặt trời khẽ khàng rót nắng lọt qua tán bồ đề trước cổng trường. Bóng nắng như những đồng xu nhảy nhót xôn xao vỉa hè. Ai tinh mắt ắt nhìn thấy ở đó một bức tranh kì ảo.

Nơi sâu thẳm hồn tranh, một cậu nhóc đang chi chút vun đất đầy cái hố con trong bãi cỏ công viên. Mắt nó buồn bã như thể đang chôn giấu một nỗi niềm nào vượt sức chịu đựng của tâm hồn bé bỏng. Hai bàn tay lấm lem móc trong túi áo một viên sỏi trắng tinh, rón rén đặt lên đỉnh nấm đất, như sợ làm điều bí mật kia đớn đau.

Ông bảo vệ công viên, thay vì quát tướng lên cho nó chạy biến, lại lặng lẽ đứng sau lưng nó từ bao giờ. Vẻ trầm ngâm chẳng phù hợp lắm với khuôn mặt non tơ kia làm ông im lặng và chăm chú dõi theo bàn tay xinh xắn ưu tư của nó.

Trên đôi má bầu bĩnh hai giọt nước mắt trượt dài. Ông không cầm nổi lòng, ngồi thụp xuống, đặt tay ấm áp lên đôi vai bé bỏng. Nó giật thót mình, định ù té chạy. Nhưng đôi mắt đôn hậu kia làm nó tin cậy. Nó gục đầu vào ngực người lạ, khóc oà… Lần đó, lần duy nhất bí mật không là bí mật.

Chắc những con cá vàng yêu dấu, đã bỏ nó mà đi trong đêm lạnh giá, sẽ không hề oán trách. Nó đã yêu chúng biết bao, lo lắng cho chúng tới mức nhúng cả bóng điện tròn vào để làm ấm bể cá, suốt đêm. Vậy mà, sáng nay nó chỉ còn có thể khóc rồi chọn mấy vỏ bao diêm đẹp nhất trong “kho vật liệu sản xuất ô tô” để đựng những người bạn mỏng manh đã chín đờ. Một đám tang âm thầm diễn ra trên bãi cỏ góc công viên.

Ông bảo vệ hứa cho nó tự do vào thăm bạn khi nào muốn.

4.
Nắng và lá bồ đề ở cổng trường cứ óng lên… Cỏ trong công viên óng lên non tơ… Mùa nào cũng thế…

Hay người biết điều bí mật ... Hay là cậu bé đang về...

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

BUNG BIÊNG MÂY TÍM

Hoa sữa hay được gán cho chất thanh tao tình phố thị thì hoa xoan lại nặng mộc mạc lối tình quê. Chừng tháng 3 âm là vào mùa mây tím.



Sau dằng dặc ngày sương giá, chịu rụng tả tơi áo lá, thân gầy trân mình nuôi nhựa để qua xuân bật dậy mầm sống mơn mởn xanh và tha thiết dâng đời những chùm nụ tím mênh mang đón chào nắng mới ấm áp.

Đó cũng là thời khắc cây rũ hình ảnh "Sầu đông" để thực sống với chất "Xoan", một âm tiết rất gần với Xuân. Người đời có câu "trai ba mươi tuổi đương xoan", mượn âm xoan để chỉ sức xuân thì.

Chất Xoan ấy mạnh mẽ đến ngạc nhiên. Gốc xoan già đã đốn mùa nảo mùa nao hay cành xoan bỏ quên nơi góc vườn chơ vơ buồn tủi, thế mà chạm vào khắc xuân lại bùng lên lửa xanh vờn ngút quanh. Cứ cắm cành ấy xuống đất hay đừng đốn đi cành tược của gốc già, từ đó lại sẽ bung ra những mùa hoa tiếp nối dòng nhựa sống vĩnh hằng.



Ám ảnh hoa xoan khiến trong vốn từ của mình mọc ra từ láy "bung biêng". Là gì đó mơ hồ sương khói, không tím sẫm như violét, không rạo rực biếc tình như tím bằng lăng, không háo hức ngời tím xanh như nàng thài lài, hoa xoan tím lúc ngả xanh, khi lại ngả phớt sắc tím hồng.

Sắc tím của cả chùm hoa, cả dải hoa chủ yếu là nhờ nhuỵ hoa hợp thành chứ cánh hoa chỉ phớt chút tím điệu gọi là, khiến gam màu chung trở nên ảo diệu mong manh.

Melia7

Bung biêng vì rất khó nắm bắt gam màu hoa xoan. Màu tím ấy lẫn vào lất phất mưa xuân nên nhuốm bàng bạc. Lại có khi cánh tím bắt tình nắng cuối xuân đầu hạ thả hồn ra thành đám mây xốp dịu dàng phơn phớt giấc mơ thiếu nữ cập kê trong trẻo, gợi sự cuốn hút non tơ của tâm hồn chưa trải bụi trần.

Bao kiếp tao nhân mặc khách tìm nơi cánh hoa riu ríu ấy chốn giăng mắc tơ lòng. Đời thơ Nguyễn Bính mượn nàng nói hộ ân tình tới 7 lần kể từ cái bữa "mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy". Rồi ai nữa gửi lưu luyến vào những hồn hoa "tơi bời rụng bến đò ngang" ngày văn nhân - ả đào giao tình, giã bạn. Người xưa, người nay yêu quê, nhớ làng mỗi buổi búp hoa mong manh vặn mình bung nhuỵ, như thể nghe cả tiếng "tách" khẽ khàng đến vi diệu của cánh hoa từ ký ức, từ đầu hiên nhà vượt đường đất xa xôi vọng tới.



Phàm cái gì từ cây xoan đều độc. Các cụ ta cứ trồng, dành dụm chừng chục thân xoan 5-6 tuổi, đường kính ba bốn chục phân, ngâm thả một đôi năm dưới ao, là yên tâm phần gỗ cho một nếp nhà mộc mạc thường thấy ở làng Việt. Gỗ xoan không rắn chắc như lim, sến nhưng lại có vân đẹp và nhẹ, khỏi lo mối mọt.

Văn chương cứ bận tả ngan ngát hoa xoan, nhưng tịnh chả ai nói trắng phớ ra là hương ấy cũng hăng hắc lơ mơ theo chiều hương vị của thân, vỏ, lá. Nhưng người đời chả vì thế mà thôi vấn vương làn hương thoảng bay mỗi tinh mơ, mỗi sẩm chiều ấy. Hoa xoan không để hái về cắm, không để nấu thành món ăn như hoa bí, hoa mướp, hoa thiên lý... Hoa xoan chỉ để say, để nhớ thôi. Và nhớ là nhớ cái thần như mơ như thực của xoan trong tiết nàng Bân khấn trời rây mưa, đảo gió phớt lạnh để khỏi tủi tấm tình đan áo.



Hoa xoan, dịu dàng nhưng lại có phần đáo để ấy nhá. Nàng gây dị ứng phấn hoa đấy. Chưa kể đến mùa hoa xoan lại cũng là mùa lũ muỗi mắt, lũ dĩn tụ về trảy hội quanh nàng. Nói thật là tớ chẳng theo được thiên hạ để mê nàng đến ngất ngây đâu. Ngồi đâu cách nàng trong vòng bán kính 100 mét là tớ đã ngứa tung lên rồi. Nhớ năm chín mấy về vùng Xuân Thuỷ (Nam Hà) công tác, đi làm quần quật, thế mà được chừng nửa tiếng ngủ trưa, cứ chợp mắt là dĩn lại đốt ngứa vẹo người. Hoá ra vườn hàng xóm có cây xoan to như cây đa.

Ấy thế nhưng chiều xuân vắng mưa rây, gió lên hây hẩy ghẹo dải mây tím mềm ấy thả cơn mưa hoa la đà đầy tóc, đầy mặt ngõ quê thì rõ là đủ mười phần thơ mộng. Thảm cánh hoa mỏng manh đã phôi pha sắc tím cho lòng trầm xuống nỗi buồn nhè nhẹ phút xuân muộn. Lạ là không rạo rực đám đông như thảm phượng vĩ, thảm bằng lăng hay kiêu sa như thảm hoa sưa, khoảng sân, khoảng ngõ cánh xoan rơi luôn là gì đó vắng lặng nhưng thanh bình, gợi một chiều sâu năm tháng chỉ có đầy lên mãi chứ khó vơi nguôi.



Thế là chỉ vài tuần sau, những chùm quả xanh phổng lên lúc lỉu. Ái chà, khỏi phải bàn nhé, khuôn hình trái xoan đã là một chuẩn mực của vẻ đẹp đấy.

Với lũ nhóc con trai, đây là nguồn đạn súng phốc tuyệt đỉnh. Cái súng làm từ một gióng trúc, gióng tre nhỏ, lõi vừa đủ đựng trái xoan non, cán súng y như pít tông, đẩy mạnh là đã hoàn thành cú bắn. Viên đạn xoan vút thẳng tới mục tiêu, không gầm lên như trọng pháo, nhưng tiếng phốc phốc rộn rã đủ khiến ký ức tuổi thơ của chúng sống động mãi. Khối đứa còn nhớ kèm với những trận đòn nát đít vì dù là trò chơi nhưng dại dột nhằm vào mặt nhau, hay nhằm xuống bụng mà trúng vào mắt thì cũng thành tật suốt đời.

Đám con gái thì muôn đời vẫn đặt làm đẹp lên đầu nước. Hạt xoan ấy xâu thành chuỗi cườm cổ, cườm tay thì khác gì ngọc lưu ly. Rồi lại chơi ô ăn quan bằng quả xoan. Đến bữa cỗ hư ảo nào đó lại biến chúng thành gạo, thành thịt, thành đặc sản nấu trong những nồi lá mít.

Chả phân biệt con trai con gái, thói ăn bậy của trẻ con sẽ khiến lần lượt từng đứa, không lúc này thì lúc khác, nhấm thử cái thứ quả trông rõ là ngon mắt ấy. May mà nó đắng nghét, lè ngay ra, súc miệng cả buổi chưa hết, chứ không thì ăn dăm quả đủ ngộ độc rồi.

Bản thân tớ, có lần nhìn trái xoan chín vàng rộm, nhấm thử thấy cùi nó bột bột y như trái táo ta bở. Vị đắng cũng đã phai nhiều nhưng sực nhớ lời mẹ dặn mà nhả vội. Về khóc ngấm ngầm vì sợ chết. Giờ mới kể đấy.

Melia azedarach אזדרכת מצויה

Trái xoan già đến khô vỏ vẫn còn lưu luyến thân mẹ làm liên tưởng tới người con bao tuổi chăng nữa cũng mãi là còn non nớt trong tình mẹ bao dung. Khi thân mẹ sinh mùa hoa em vẫn còn có chị ở bên âu yếm chia sẻ .

Mai chị "xuất giá", con nhà dân giã chả kén bến đậu. Qua đủ một vòng luân hồi bốn mùa mưa nắng, xuân sau, lứa xoan non lúp xúp phủ xanh khắp chân đống rơm, dọc đôi rệ ngõ, vượt ra rìa làng, chân đê... Đôi uyên ương nào mới xin cha mẹ ra ở riêng lại lo lụi cụi tính toán trồng chục gốc xoan để ít nữa dựng nhà...

Xoan lưu luyến người nên xoan theo về phố phải không? Xoan vốn gốc chân quê cơ mà. Dù không biết nhiều nhưng đảm bảo ít nhất ở Hà Nội bạn sẽ gặp cây xoan đang trổ hoa tím bung biêng ở đầu giao phố Trần Cung - Hoàng Quốc Việt hoặc ở trong một khu vườn của phố Trần Quốc Toản, rất gần với thánh địa hoa sữa đường Nguyễn Du. Ở nơi đô hội, xoan khiêm nhường tím nhưng nét đẹp ấy cũng đâu bị mờ nhạt bên cạnh những loài hoa phố khác.

Có thể thôn xóm sẽ khác đi, nhà cửa sẽ bê tông cốt thép hết nhưng sức sống dung dị và dẻo dai của hoa xoan sẽ còn mãi trong làng Việt, hồn dân Việt mỗi độ giao mùa xuân qua hạ tới. Và nếu về quê tiết thanh minh này, phải gặp được làn khói bếp quấn quít vầng hoa xoan trên mái chiều mới thật thoả mãn khát khao lặn ngụp vào hồn quê, tình quê.

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

GẶP HOA CHANH GIỮA VƯỜN XUÂN

 
Chụp hoa chanh trong một góc vườn tĩnh lặng ngả sẫm màu chiều ở xa Hà Nội.

Thoảng làn hương dịu dàng, làm nhớ rất nhiều đến một tình yêu - một trái xanh chẳng chín bao giờ.

Ở đây hỏng chức năng sao đó, không post ảnh trực tiếp được, đành mang ảnh post ở trang khác về chia sẻ với bạn bè.