Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

NHẮM MẮT CHO TÔI TÌM...



Thực sự lưu luyến câu hát ấy dù chả biết nó ở bài hát nào. Lâu lâu đi karaoke nghe bạn cất giọng trầm, câu hát lại kéo mình lịm đi rồi về cứ vấn vít cung ngân suốt mấy ngày.

Bởi rất thấm thía hành vi và xúc cảm chất chứa trong câu hát. Nhắm mắt tìm đi sẽ thấy, sẽ có, sẽ đạt được những điều cực kỳ ảo diệu mà lại tận cùng chân thật. 

Bất kỳ lúc nào trong dòng đời tất bật bộn bề, nếu có thể, chỉ cần nhắm mắt. Đừng nhắm hờ hững, đừng gắng vận công cho mí dính nhau cực nhọc, cứ khép lại thế thôi, vừa sức chịu của mình. Nhắm mắt, thế là có một không gian vừa đủ riêng tư cho ngơi nghỉ, cho tách khỏi xô dạt ngoài kia, vừa xinh cho những ân cần từ cõi ta ùa về dịu dàng, êm ái với riêng ta. Thế là không cần cố, không cần đuối, không cần hơn kém với bất kỳ điều gì trên thế gian này.

Chỉ cần nhắm mắt thế thôi...

Như một giấc mơ ta có thể tùy thích, tùy khát khao của mình mà nắn cung thanh cung trầm. Trong thế giới riêng khoảnh khắc ấy thoải mái bằng lòng với những mong ước chân thực nhất lắng ẩn đáy tim. Thừa nhận với chính mình niềm khát khao ấy là cực kỳ dễ chịu dù ngoài đời sống kia nó có thể phải băng qua, buông bỏ, cưỡng xoá... Có lúc thấy một giấc mơ còn trọn vẹn thế cũng đã là hạnh phúc bởi nhiều khi khác nhắm mắt mà tràn trề thất vọng nhận ra nó thực chỉ là ảo giác tưởng mình cần. Sống thực với lòng mình như thế khỏi phải lăn tăn mấp mé ảo vọng. Ngày đầu tiên làm được thế, như thể khám phá ra một kungfu sống diệu kỳ.

Nhắm mắt sẽ dễ dàng đối diện với hay dở của chính mình. Chả phải đó cũng là khao khát được sống tận cùng chân thực để chấp nhận cuộc đời mình sao. Có thể sẽ rất đau đớn thừa nhận mình chưa xứng đáng với đời, với người. Có thể thậm chí xấu hổ vô cùng vì chưa thoát tham sân si. Có thể tự tin hơn bởi tự hào rằng dù còn gian nan giữa bể đời dở hay sai đúng nhưng ta vẫn là ta kiên định lẽ sống của mình. Cốt yếu là ta được chân thực tuyệt đối với đời mình để bước tiếp thanh thản, thênh thang.

Nhắm mắt cho tôi tìm... hoá ra là khoảnh khắc dễ dàng nhất và gian khó nhất... Nhưng chỉ cần ta chân thực sẽ có phút thần tiên êm ả ngay trong lòng cõi thế, xả mọi bế tắc, ưu phiền. Yêu quá mỗi đoạn thời gian ngắn ngủi nhắm mắt đi tìm ấy đời ơi.

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

HỒNG BẠCH

Nhìn những đóa hồng này mà nao lòng nhớ hoa của một thời con gái - Hồng Bạch.

Những năm thập kỷ 80 ấy hoa hồng Hà Nội rất dịu dàng và ngát hương. Có mỗi Hồng Nhung, Hồng Bạch, Hồng Quế. 

Hồng Bạch mong manh sắc trắng như tâm hồn thiếu nữ tinh khôi, chớm phớt hồng nữ tính trong miền nào đó mơ hồ sóng sánh bên một bờ vai nam tính. Như một giấc mơ Xuân - Hồng Bạch. Sắc hồng mới mẻ trong đoạn đời ấy bản thân Hồng Bạch cũng không tự ý thức được nhưng vì nó rất thật, nó tự đến như trăng sẽ tròn vào đêm rằm, nên cứ lồ lộ ra nơi mày ngài mắt phượng, nơi môi má ửng hồng chưa hẳn vì đâu. 

Cánh Hồng Bạch chớm phớt chút hồng chỉ vừa đủ nao lòng người ngắm nơi đầu búp nụ, rìa cánh hé. Nét cong hồng mơ màng của mép cánh ngọt lành, dào dạt gợi nỗi mến thương những làn môi con gái chẳng phấn son mà cứ tự hồng trong veo. Vì nàng ngại ngùng mím cắn thay lời nói, vì tự nó hồng dù nàng chả biết nó mọng căng. Ôi nét viền môi thời Hồng Bạch.

Nhớ những đóa Hồng Bạch trong bức họa người anh hàng xóm tặng vì mình khen. Nhớ nỗi tiếc lặng mãi vì đã dát dúa chối từ lời đề nghị làm mẫu vẽ một chân dung. Tiếc quá. Giờ người đã trôi về một miền xa nào đó giữa đời này và bức họa cũng thất lạc. Chỉ những dáng hoa còn lại mãi mãi. Trong quá, lành quá. Cám ơn bạn!

Những làn môi Hồng Bạch hé cười trên đĩa hoa giản dị giữa đêm Dạ hội tiếng Nga lớp ta, lớp bạn, lớp người...

Những đóa Hồng bạch chợt về căng tràn niềm yêu sống trong ký ức mưa bay phiên chợ hoa Tết xưa xưa, trong vườn nhà Mẹ khắc giao thừa thao thức năm nao...

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

PHIẾM NHẠT


1.
Tự dưng thấy mọi sự ngoài bốn bức tường căn hộ bé xíu của em chả quan trọng gì. À quên, trừ những thứ em nối dây vào tim, vào lòng. Những gì phải vận gan ra để đọ, để khỏi đụng... thì không có cơ lọt vào không gian này.

Chả tức, chả thú, chả gì đời sất. Y như một gã ma men không còn biết say dù uống bằng phễu chứ chén vứt ra cống lâu rồi, vì hệ miễn dịch của gã đã không buồn chấp
 rượu nữa. 

2.
Tivi nhà em hỏng do chập mạch chứ ko do bị đấm khi xem. Có đứa bảo hay vì nước bọt văng vào lúc đang xem kèm chửi. Em nghĩ do mấy vị chập dây trên tivi lây cho tivi nhà em thì có.

Thôi, đêk sửa. Báo mới nhiều lề chứ tivi quan trọng zề. Công nhận ko!

Bố nó đỡ nghiện tivi, con cái đỡ băn khoăn hóng hớt nhạc Hàn, mắt nó đỡ lồi dở xịt dở. Em có FB rồi.

3.
Xe em chả chính chủ. Mấy ngày rồi em đi rất ngoan, không leo hè, không đè vạch, không vượt đèn, không chèn ô tô. Ý là em không có thừa triệu nào lận lưng mà giấy tờ mượn của bà dì nhà ông chú rể thằng cu em họ nhà ông trẻ bà thím nhà chồng đương nhiên đầy đủ nhưng vì chưa ai tìm ra nguyên nhân cháy xe nên em kinh, em chả dám bỏ vào cốp mang theo. Nhỡ cháy thì ngu, thì khổ lây cả công an nhọc công chứng minh xe em không chính chủ.

Hơi lạ là đầy người bị chặn vì các lỗi nào đó mà kiểu gì họ cũng mắc, chỉ có công an mới chỉ cho họ ngộ ra được, rồi có thể kèm cả lỗi không chính chủ, nhưng họ không hề bị túm áo, vặt chìa như trước. Các chú áo vàng chả hiểu sao giữ kẽ với dân hẳn, toàn giơ tay chào kiểu điều lệ trước khi xem giấy (nếu có).

Thôi kệ, cũng hay. Cái sự chính chủ với không lại làm các anh ấy tử tế hẳn thì có khi đừng ai phản đối anh # nữa nhé.

4.
Hàng bưu thiếp rộn lắm rồi. Còn hơn là dùng phong bì bưu điện trơ lắm. Mua hoa thì người nhận còn tiếc hơn người mua chưa chừng.

Em khá mệt mỏi với mấy bài toán lòng vòng này. Vì không kiềm chế được đà theo đời chứ bản thân em có khối cách để thực lòng kỷ niệm nghề giáo. Mà lòng kính trọng thày cô giáo của con, của em thực ra liên quan rất ít đến cái phong trào em đang mềm yếu sa ngã vào kia.

Thôi, không sao. Đời sống mãi cũng qua. Ai thích mấy cái gạch dòng trên đâu. Chẳng qua tự dưng em muốn ghi lại sự đời nhân một ngày thấy gì cũng nhạt hoét.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

DÂM THƯ


Hồi xưa nghe dọa Hồng Lâu Mộng, Phấn Trang Lâu, Kim Bình Mai... mà đọc vào là sẽ hư thân hơn cả nghe đàn bầu bởi đó là dâm thư. Đã thế thì đọc. Đọc quên cả ôn thi tốt nghiệp mà thấy mãi chả phê như nghe đàn bầu. Ôi dào dâm thư. 

S
au này vớ được mớ Tự lực văn đoàn, rồi cả đống truyện Tây Tàu kim cổ đọc cũng chả thấy độ dâm tăng tí nào. Khổ, thế mà gán cho những tác phẩm ấy cái thể loại nghe hết hồn.

Tít tận sau nghe bảo Bóng đè, Sợi xích là dâm thư. Đọc thử thấy phải đặt lại dòng của hai cuốn này là ''đại nhảm loạn dâm'' thì mới đúng. Chả ra làm sao. Sự thanh cao cõi thế mà lẫn lộn với động vật tai xanh. Oan cả cho động vật. 

Túm lại là đọc cứ đọc thôi, dâm thư hay tiểu thư hay thanh thư đều ở mắt đời tham sân si chứ phàm đã truyện tình nhân gian thì chỉ có những cuốn chả ra gì vay hơi ân ái làm hàng hoặc các tác phẩm tuyệt vời về hoà giao những trái tim người.

Hôm qua đọc thấy bài phê phán thị trường ngập tràn những sách tình cảm yêu đương mây gió êm đềm ru ngủ từ vị thành niên đến cụ chớm tái xuân. Ô hô tai. Lại bị phê khéo là dâm thư đấy. Nhưng mình cũng đọc cả núi truyện của các tác giả Tây Tầu bị nhắc tới, sao chả thấy sắc dâm ô trọc, chỉ toàn nhận được những cảm giác cuộc đời thanh bình, con người yêu thương trân trọng nhau, gắn kết keo sơn sau bao va vấp hiểu hờn rất đời thực. Chả hiểu cái vị viết bài báo ấy dễ động tâm dâm quá hay nó cần chém gió kiếm xèng. Hì. 

Lâu nay hay tuyên bố tắt net đi đọc dâm thư. Kỳ tình là tìm thấy ở đó những dịu dàng cõi thế, chiêm ngưỡng những niềm an nhiên tinh thần mà kiếp người nào cũng chung nhau. Chả cứ phải tả dâm mới là dâm thư. Vô vàn cuốn rất mơ hồ mà gợi khát khao cuộc sống trong ngần, còn thôi thúc lòng người gấp vạn.

Thế tại sao lại cứ định kiến dâm thư là thứ gây hoạ dâm... tặc nhể. Hí hí.

Nhân vụ Chính chủ đang ồn ào, chồng mặc cả: Học xong Luật giao thông đường bộ cho nhuyễn rồi ''anh bảo cái này'', thế là cô bạn mình cứ phừng phừng không học nổi nữa. Nàng bảo đọc trang nào cũng hổn hển nhịp tim, hơi thở nhọc hơn cả đọc dâm thư đỉnh cao. Hỏi chứ dâm thư đỉnh là cuốn nào? Nàng cười phé bảo cứ ví thế thôi chứ đã đọc được quả nào đâu. Thì đấy, chỉ cứ phập phồng vừa ghét anh nọ dọa phạt, lại được chồng treo giải phòng mờ, thế là sách luật cũng gợi chả kém dâm thư. 

Dâm là tại kính, tại tâm, ai bảo tại sách.

Tối nay muốn đọc vài trang gì đó đi ngủ cho êm mà chả có cuốn nào mới. Đồ cũ hoặc nặng nề quá hoặc vẫn còn chưa kịp quên đủ mà đọc lại. Hức. Nói láo chém gió vậy. 

Ai có cuốn dâm thư hay hay cho mượn với. Không thì gọi điện kể tớ nghe đỡ nhạt miệng cũng hay. Nào!

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

RƠM VỮA


1.
Những ngày này mệt mỏi như thể đến tận cùng sức chịu đựng. Cuộc đời này có thể chịu tải đến bao giờ. Tại sao lại không được buông bỏ khi vô vọng chứ.

Buông bỏ cũng đau đứt ruột nhưng ngửa mặt lên Trời mà hỏi thì cũng chả có lời đáp, tự mình quyết buông để bảo tồn chính bản thân mình thì lại sẵn hằng hà sa số những thế lực đạo đức nhảy xổ ra xỉ vả như đúng rồi. Bó tay. Sao mà vô lý thế là những nhân tài giỏi khuyên, giỏi phán và không hề giỏi hiểu.

Vì thế hiểu ra một nhẽ giản đơn: chỉ mình mới cứu được, mới hiểu được đúng hoàn cảnh của mình, ngoài ra chỉ cần một người khác mình, dù sát cạnh đến đâu cũng đã là người khác. Bảo vệ quyền được im lặng để tự hồi sinh, để sống cũng là một cuộc nỗ lực rồi.

2.
Nhìn con trai bé bỏng lắm lúc chịu quát oan mà thương điên người.

Quát con lúc sáng, thế là khi con đeo cặp khuất vào cổng, mẹ thấy xé lòng muốn khóc, muốn lao theo mà ôm. Đi làm, ngồi suốt ngày cắm mặt vào việc nhưng sểnh ra là muốn về đón con.

Đẻ ra các con, chấp nhận các con mọi nhẽ. Nói dễ mà làm rất khó bởi những âu lo đường dài con lớn lên, khát khao muốn cho con những cơ sở đầu tiên đặng mai này con đỡ cơ cực, tất cả xé lòng mẹ, không cho mẹ bình yên. Con thấu chăng??? Sao con không chịu nhận những gì mẹ chắt chiu mồ hôi nước mắt cho đừng phí hoài, đừng là rơm vữa?????

3.
Gần như mất đi khả năng gom góp chắt chiu những mẩu vụn bình yên làm điểm tựa hồi sinh.
Chỉ còn day dứt, đớn đau vô bờ giữa buông xuôi  vào hiện thực bất lực và sự không đành.
Mỗi ngày đều có những bất lực mới, đớn đau mới.
Tê dại rất nhiều khoảnh khắc mỗi ngày.
Giá đừng ràng níu gì ở đời này nữa, để có thể vỡ đi...

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

CỬA CHÍNH VÀ CỬA SỔ




Cửa chính thường là những gì con người ta lần lượt ngoi ngóp cóp nhặt chắt chiu cho đủ với đời. Cửa sổ - khoảng trời mây trắng bay riêng tư đến tận cùng. 

Nhà không có cửa chính thì sao là nhà đây. Nhà không có cửa sổ sao đủ sức sống thanh bình để xài cái cửa chính. Kẽo kẹt mỗi ngày đều mở.

Đêm đi ngủ... cửa chính khép chặt... Mỗi ngày khoá một chắc hơn... 

Đêm đi ngủ... cửa sổ vẫn mở... Không khép bao giờ... Gió lùa có thể khép nhưng vẫn khát khao gì đó phía trời xa...

(Viết ngắn lục lại từ kho Zàhú 360)

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

TRĂNG KHUYA



Khuya lắm, trăng và mây hợp thành một thể dịu êm. Mây vẩn khắp trời, giá chạm được tay vào thì mềm mại lắm nhỉ, có như mớ bông gạo phơi năm nao? Trăng quá rằm chớm hao nhưng vẫn thừa vẻ tròn trịa để lòng người ước ao giá được gần đầy đến thế. Đời này chín, tám, bẩy, sáu, năm thảy đều được xem như suýt soát mười mới hòng có phút an nhiên. Bạn mình bảo hạnh phúc là khi biết đủ và có thể ru lòng là đủ được. Ngó mây lành, trăng mùa nhẫn nại lấy khuyết làm hương sắc nhấn nhá cho khát khao đầy mà thấy bình yên tràn cõi thế.

Nhẩn nha chờ con gái học khuya. Gói hết việc nọ đến việc kia trong nhà mà vẫn thấy chả hết bộn bề. Chợt nhớ mình đâu cần phải làm bà nội trợ hoàn hảo thì cuộc sống này mới là hạnh phúc. Vội mà chi...

Trăng rất dịu dàng. Lòng người như lụa mướt. Trước mắt là vài ba giờ đồng hồ chỉ việc sống cho mình, ngủ cho mình. Mọi loạn xạ thế gian đều không phá hoại nổi điều đó. Cớ chi phải vai gồng chân trụ. Thả lỏng từ từ từng múi cơ, khớp xương.

Hớp một hớp ánh trăng. Thấy đời là ngọt lành, thấy mình là dại khờ vừa tỉnh cơn mơ tất bật ngác ngơ.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

SAU BÃO


Lá rơi đầy sân. Xót cây khế yêu đang mùa nuôi quả một thì cháy lòng nghe tin bão dập vùi quê bạn mấy mươi. Trầm lòng, mơ hồ xuôi về miền nghĩ ngợi đắng cay mà thường rất ghét: sao cõi này lắm bão giông thế người ta!!! Bão giời, bão đời, và bão chữ ảo - thực vô thường... Cái chắt chiu, cái nát tan chỉ một thoáng đã sờ sờ giữa trần gian. Vợi vời.

Sau bão là những lặng thầm, lặng câm cắn răng làm lại từ những lành làm gáo, vỡ làm môi, gạn chắt bể khơi giữ lời muối mặn. Bão trời, bão đời cứ phải thế cả. 

Sau bão con người cam chịu hơn hay mạnh mẽ hơn, đằm thắm hơn hay chát chua hơn! Áo vá đau nốt khâu, bình vỡ xót đường gắn. Sao cứ tin cõi vật chất, tinh thần chốn tình đời này có điều diệu kỳ hoá giải nhờ cứ chắt chiu tâm thiện còn vì nhau thì sẽ còn lành lặn ngọc ngà, men ngời sắc ấm.

Sau bão. Sao lại cứ có bão để rồi xót xa sau bão. Cơn bão nào thì tránh được cho khỏi phí hoài ngày tháng??? Thôi, họa phúc ở đời khó nói. Đi qua được bão giông, hoá giải được đã là phúc. Trần gian...

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

THU QUYẾN RŨ



Điều kinh khủng nhất ở mùa Thu là "quyến rũ".

Cứ ngỡ Thu quyến rũ ta. Thực ra không phải thế. Đơn giản hơn nhiều, ở chính ta thôi, ta bỗng trở nên... quyến rũ. Ít ra là nhẹ tính hơn, dễ sa ngã hơn vào những thứ mà tháng ngày khác Thu ta cân bằng phán xét, kiềm chế. Hic. Nhẹ tính hơn thì giảm độ bà chằn, tăng độ thu hút cả nhân gian hay ho lẫn lẩn khuất ma mị dụ khị. Nhẹ tính hơn thì nguy cơ bị quyến rũ cao hơn, tức là rất nhiều thứ cứ nhằm lúc ta nom vẻ thừa nông nổi, thiếu sỏi sạn để len lỏi vào không gian Thu hòng bủa vây ta. Túm lại ớ, quyến rũ không gì hơn là dễ thu hút ong, ruồi và dễ luôn cả bị ong, ruồi thu hút.


Kể thủ phạm từ hôm nọ là một chai mắm tép riu ngon cỡ hai mươi năm mới lặp lại, hứa hẹn hễ gặp phải thịt chân giò luộc và hành củ đầu mùa chần tái là xem như trái phá nổ giữa thiên đường. Khốn nạn nhất là giữa mùa ốc béo, cua chắc thịt thì lại bị đứa nọ tặng nguyên chai dấm bỗng nếp cái. Bỗng cái thơm lừng đến độ ngửi phải từ tinh mơ mà qua sáng trưa chiều tối, nửa đêm vẫn phải choàng tỉnh vì nhung nhớ bún riêu cua, canh ốc chuối đậu. Rồi cứ thế hàng tiếng sau mới ngủ lại nổi vì thảng thốt thèm thuồng, thêm thổn thức thương tâm thấy tính tình thật thà, trung trực của mình bị khiêu khích, sa ngã. Xưa rày đâu có dễ mất ngủ vì thèm ăn thế chứ.



Thu quyến rũ hai hôm nay bao gồm nguyên một lố giày mẹ giày con, xăng đan, khăn voan, áo len mỏng, váy, dây chuyền, hoa cài áo, cài khăn. Không dám kể nhãn mác vì càng lộ ra thì độ sa ngã càng lộ liễu. Tiền tung tăng tếch, ta tập tễnh theo. Đã trong trạng thái dễ bị quyến rũ, mấy ai thoát khỏi mê mẩn trôi theo sóng dụ khị của ma trận nhan nhản sắc màu ấy. Hic.



Thu quyến rũ, ta chòng chành


Chưa qua hết nửa mùa hanh... ngã rồi




Hí hí, hú hú... Đau lòng quá, sao đời có ta, có Thu mà chả dạy ta chữ tiếc, chữ hối nhỉ. Thôi, hẹn Thu sau ta tỉnh.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

HỒ TÂY TÍM MỜ



Hồ Tây  chiều nay mành nắng khép nhanh. Sương cuối Thu mong manh sa xuống, lại như từ đáy nước dâng lên gọi lòng người đầy vơi nỗi gì đó tím mờ.  Phố kè hồ chìm dần vào hư ảo. 

Ta nhớ... nhớ... nhớ... Nhớ  dịu dàng tựa kết tinh kỳ vọng êm đềm ở cõi này. Điều đó đã từng, đang đợi ta và gần gũi như lời hẹn chắc chắn sẽ tới bởi ta đang ngập tràn niềm tin rằng mọi khát vọng yêu thương tha thiết tới trong những chiều hồ Tây tím mờ thế này đều ắt thành hiện thực. Gió hoàng hôn mênh mang se sẽ mang hơi nước luồn qua tán si già đoạn cua Võng Thị, hắt nốt chút lấp loáng sóng vàng ánh tà dương cho óng ả thêm những châu ngọc trần gian trên nét môi người qua phố.

Hồ Tây chiều cuối Thu toàn thế, toàn khiến cõi người ta chốn đây chợt chòng chành cổ tích. Nét mái cong  Phủ Tây Hồ, chùa Quảng Bá vút vào sương như lối giao hoà xưa sau mà hồn người đang trải là cầu nối an nhiên tuyệt đối.

Cọng sen gầy lá sậm trầm sắc vào chiều sau cả hè rực rỡ dâng hiến. Hương hồ chiều phảng phất dư vị hồn lá mang mác thơm. Một lần đã chạm vầng hương ấy, dẫu hoá thân thành cát bụi thì giai nhân, quân tử vẫn chẳng tài gì nguôi âm ỉ ngún  một niềm khát khao nồng nàn chung thủy, trước bỏng cháy môi mềm, sau tro hồng ấp iu  tình  nghĩa. 

Nhớ quá một chiều rã khoá K18 SPNN HN năm xưa, lũ con gái rủ nhau lượn đường Thanh niên, thả dốc Yên Phụ. Những thanh tân thiếu nữ vừa bơi qua năm năm biển sóng Việt, sóng Nga dào dạt đáy tim.  Chiều bồng bềnh rơi, xe đạp guồng nhẹ, chả về đâu mà vội vã. Tóc mơ xõa ngược đường gió. Khúc khích nói cười. Thế mà đã hăm mấy năm. Chiều nay sương lại tím giăng ảo diệu cho tà áo mùa ấy vờn bay nao nức chạm tay đây.

Chị thong dong đèo em qua hết một vòng phố kè hồ. Chợt thương vô cùng. Chả xa Hà Nội ngày nào mà chừng ấy năm cơm áo bắt chị tới tận chiều nay mới có duyên ngất ngây nhận ra miền êm dịu ở ngay gần mình đến phát khóc. Thả lòng một thoáng đã thành thần tiên là thế chị nhỉ.

Hồ Tây chiều loang tím. Khoảnh khắc tình bạn, tình yêu tưởng tan vào mưa nắng trần gian lâu rồi lại vẫn vẹn nguyên khi ta còn được trải qua miền sương cuối Thu nay. Nao lòng mong nhanh tới ngày hẹn gặp bạn xưa. Chắc hơn một tháng nữa miền sương cổ tích này vẫn nguyên thế đợi chúng ta sóng sánh bên nhau.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

TIN Ở CON NGƯỜI

Thực ra nếu không có niềm tin ấy sẽ thiệt thòi, khổ sở vô cùng.

Có một nỗi sợ khủng khiếp trên đời này mang tên ''Nỗi sợ con người''. Sợ đến kinh hoàng sự lật lọng của những gương mặt vừa hiền từ đấy, thân thiết đấy rồi thoắt bỗng hiện ra với chân dung nguyên bản của cái ác, ác tận cùng. Mỗi lần như thế mình ốm. Hoặc ốm lăn quay theo nghĩa đen hoặc hoảng hốt như đứa trẻ gặp ác mộng nửa đêm. Phải nói đó là nỗi kinh hoàng vô bờ bến.

Có những khi đau đớn tận cùng vì không còn có thể tin lấy mảy may gì ở ai đó từng ruột thịt, từng tha thiết yêu thương. Và tất nhiên vô vọng như tan chảy vào địa ngục của cảm xúc. Cái chết ngay khi còn sống ấy của họ cũng kinh hoàng ác mộng.
Nhưng vẫn cứ diễn ra hoài trong đời sống. Và mình không lần nào trải qua nhẹ nhõm hơn lần nào.

Rồi vẫn cứ tin vào con người, không chừa, như một câu hay lẩm bẩm:

Tan thành nắng, tan thành mưa
Trăm năm tình vẫn chẳng chừa đớn đau.


Vẫn cứ tin yêu vào con người dẫu bầm dập mặt mày. May là càng sau càng biết trân trọng niềm tin yêu của mình hơn, biết lường gió mà tránh bão hơn.


Vẫn thấy mình may mắn khi thường xuyên có những trái tim bè bạn, những trái tim người thiện dìu mình đi qua gian khó cuộc đời. 
Vẫn còn được nhận bao yêu quý, mến thương từ người thân, nhân gian và có lẽ cả từ... Trời.


Vẫn còn có được niềm tin rằng cứ sống nhẹ nhõm đi, giản dị đi, sáng trong và nhiệt thành đi thì cuộc đời chả phụ ta.


Hôm nay và những ngày qua có một cọng buồn vời vợi từ ký ức dội về nhưng thực ra lại là sự bù đắp cho công mình đã sống trọn tin yêu, tín nghĩa. Buồn nhưng khóc chăng nữa cũng vẫn chỉ vì thực ra đời và người không phụ mình nữa. Rốt cuộc cũng có thể nhẹ lòng.

Hôm nay nhận được một thông tin rất xúc động từ một người mà giá xung quanh nhìn vào chỉ thấy căng thẳng, dữ. Cám ơn vì cuộc sống có lẽ cũng lại lần nữa ưu ái mình. Phải chăng vì mình đã chỉ hành xử theo đường chỉ của trái tim làm người, theo con đường của nghĩa tình. Nếu việc thành thực sự thì đó là phần thưởng cho niềm tin ở con người chứ không đơn giản là bước ngoặt trên bàn cờ số phận.


Dẫu gì vẫn thấy Tin ở con người là lẽ hợp tự nhiên. Mà hợp tự nhiên thì an nhiên.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

SEN BUỒN



Bỗng tên nhau hóa thành một nỗi buồn
Vương day dứt tơ sen mùa sương lụi
Hương thảng thốt đáy bình trơ nhoi nhói
Sắc hồng vơi nghiêng sóng cả, sóng trầm

Bỗng tên nhau hóa thành một nốt buồn
Không lịm nổi giữa luân hồi cây lá
Khô lơ lửng hay nảy chồi xanh quá
Chợt khát khao bùng cháy, chợt bỏ xuôi  

Đã lỡ rồi nốt cuối lặng trên môi
Bỗng còn lại một chấm buồn tro bỏng
Sen mùa cũ sắc hồng loang ấm giọng
Đau đáu ngân tên mấy thuở dịu dàng 

10.2012

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

LỬA BÀNG


Trời chiều sậm nhanh nao cả lòng. Đã quá nửa Thu, hơi gió ảnh hưởng bão lạnh se. 

Một chấm đỏ chao rơi sạt nhẹ búi tóc. Hơi ấm từ đốm lửa trời ấy mau chóng kéo hồn người ra khỏi đáy trầm. Loang khắp mọi ngóc ngách cơ thể, chầm chậm loang màn khói nồng nàn chờ đợi, hy vọng hạnh phúc ngợp ngời nào đó. Thốt nhận ra ấy là chớp lửa lá bàng đầu mùa. Thế là bàng đã bắt đầu nhen lửa, thắp vào cõi nhân gian những chấm đỏ ấm nồng để người, để ta dựa vào đặng vượt qua đông giá dường như rất gần rồi. 

Cây bàng trước ngõ nhà mình luôn mướt xanh nhất Xuân, thắm đỏ nhất Đông, đệ nhất tinh hoa họ nhà bàng Hà Nội. Cho tới tận lúc rời cành, mọi lá đều đỏ tươi, đều bỏng cháy thiết tha chứ không ngả sậm tối như nhiều cây khác. Kể cả có rụng ngập ngõ phố vì mưa bão dập vùi thì vẫn là một thảm đỏ rạng rỡ khiến lòng người không thể vương bi lụy trong thời khắc chia tay chúng.

Chiều nay ngước lên tán bàng, xao xuyến yêu những đốm lửa đầu mùa rồi nao nao tiếc Thu sắp cạn. Ừ, Thu Hà Nội thực ra không nhiều vàng cơm nguội, đỏ bàng như bài hát nào kia. Cuối Thu chỉ là miền lá đổi màu khi đất trời lướt gót luân hồi về ga cuối năm. Sẽ rất nhanh thôi, cứ vài ngày sực tỉnh giấc bộn bề cơm áo lại nhận ra sắc ấm đã đậm đà thêm mấy bậc khắp phố phường. Trời thật yêu chiều nhân thế, tăng tí hơi lạnh giá nhắc lòng ta trân quý những yêu thương thì lại đều tay nhen lửa ấm gợi đắp bù. Càng ngả lạnh, lửa bàng ''nhà mình'' càng rực thắm. Chả cớ chi không tràn căng một niềm tin sẽ vượt qua mọi giá lạnh để hồi sinh vào một ngày không xa. Năm nào cũng nồng nàn suốt cuối Thu, đầu Đông như thế, cả lửa bàng và mình.

Đếm thật kỹ cũng mới chỉ chưa đầy chục lá ngả đỏ. Thế mà chiều nay bạn bàng ưu ái thả tặng mình một đốm ấm mở hàng. Hay có giao cảm nào cho cây hiểu và bao dung che chở thứ linh hồn dễ trầm xuống của mình? Cám ơn ngươi đã vì ta mà cháy nhé lửa bàng ôi!

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

ĐÊM THU




Hà Nội loang một lớp mong mỏng sương đêm. Mỏng manh đến mức không dám lướt xe nhanh quá dù con đang đợi mẹ đón. Nhỡ vỡ mất làn khói mơ đầu mùa này thì rõ là phải tội với những nồng nàn cõi hoa, cõi gió, cõi người ta. 

Đôi ba vệt nhớ lấp loáng trong ký ức trào về. Nhớ linh ta linh tinh những chéo khăn, tà áo, hơi thở. Rồi thôi. Năm nào cũng thế ấy mà. Chả đủ loé chớp dài cho kịp phân định sở hữu những mẩu chắp vá ấy của kẻ nào vào với kẻ nào. Mai này già dần, lẫn dần rồi hun hút tan vào sương đêm là xong một kiếp sông hồ.

Tự dưng thèm ốc nóng bỏng tay, nước mắm gừng ớt chua cay ngọt mặn tê người. Thèm một tay khêu thiện chiến ăn giùm 7 phần 10 bát ốc. Thèm nhìn tay ấy gẩy ốc điêu luyện như gẩy đàn bầu, ngón út cong cong điệu nghệ. Húp xuýt xoa ngụm mắm. Tưởng sương giăng nhòa dâng đậm chứ không phải lệ rớm mi vì hơi cay gừng ớt.

Ác nỗi hàng gần thì ốc ngon mà nước chấm thua hàng xa. Thu, ốc bố, ốc con cứ là béo nẫn. Nước chấm không đỉnh thì... thà chết chứ không để giấc mơ dang dở.

Thôi, chờ gặp tri âm vậy. Ai thèm thì thèm dần đi.

Hí hí. Nhằm khêu gợi, không nhằm lôi kéo nhá bà con.


Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

KHI NHÌN ĐÂU CŨNG VƯƠNG MỘT CỌNG BUỒN...


Giống như sáng ra nhìn đâu cũng có góc mờ mờ, chỉ tại mắt mình vương tí gièm. Có thể mỏng đến soi gương còn chả thấy. Có thể mỏng đến mức ra đường cứ thế đi, vẫn son son phấn phấn, váy tà phấp phới hệt như mọi nhân gian náo nức. Chỉ mình khi nào đó chợt đủ cộm khóe mi, chợt vướng tay dụi thì mới hiểu mà thoát nó.

Giống như ngửi đâu cũng vương vất hơi nước mắm lẫn húng lìu ướp thịt quay lúc sáng lật đật chuẩn bị cho chiều, chỉ tại đuôi tóc vương một chấm lúc ngón tay út khẩy vén. Có thể thoáng qua rất mong manh như hương trần gian tự kiếp nào đậu trong hồn kẻ được tiền định kiếp này sẽ làm đàn bà ríu chân. Chỉ nao nao đến xốn lòng không tài gì dẹp được một nỗi nhớ con, xót chồng suốt sáng, trưa, chiều. Chỉ lúc búi lại tóc, sợi tua ấy lượt qua mũi mới hiểu ra.

Giống như một niềm vui chưa trọn vẹn bao giờ, cứ lẩn khuất và nhói như dằm ký ức, chỉ tại phút nào đó tạm ngưng đã an nhiên như thể nét cười là vĩnh cửu. Có thể không đủ để định danh, không trọn để viết ra, để kể lại đặng vơi đầy. Chỉ khi một gợn mây, làn khói, một thoáng lá rợm chao gợi lại mới có thể giật mình nhận thấy tính thực nhạt nhòa, ảo diệu lên ngôi. Rồi lòng chợt nhẹ tênh  hiểu kỷ vật đã lắng trầm, màu tro ký ức dịu dàng mãi mãi.

Giống như biết đất trời luôn mới, cuộc sống luôn bình thường với đủ ngọt, bùi, đắng đót đã là tuyệt phẩm cho ta - kẻ đi qua cõi này mà chả góp được là bao cho nó sinh sôi, nhưng nhìn đâu cũng vương một cọng buồn. Thí dụ hôm nay đang thế. Nhưng hiểu cọng buồn ấy vì sao. Nhưng hiểu cọng buồn chỉ vương vất thế thôi trong cõi riêng ta dẫu nó làm trời xanh, mây trắng, nắng vàng đều trầm đi một tông. Nó là của riêng ta. Và của riêng ta nên chả để ảnh hưởng tới ai, tới điều gì trong khung trời ta đang sống. Chỉ toát mồ hôi khi nó chợt nhói rồi lại dịu ngay, an nhiên ngay. Cọng cỏ buồn ấy không bỗng dưng đến, nhưng nó sẽ bỗng dưng đi. Biết. Biết y như biết đang hơi nhạt lòng trong đời sống nhưng đời sống vẫn chờ ta tha thiết yêu trở lại những ngày thường.

Khi nhìn đâu cũng vương một cọng buồn, có vẻ hiểu mình hơn. Chiều nay nắng mật ong chín Thu quá là Thu...

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

HỘI CHỨNG "TRÒN" trong mùa Bóng đá



Tam giác vàng, tỉ lệ vàng. Chưa nghe ai nói đường tròn vàng. Tự tròn đã luôn có giá trị vàng.
Trong toán học, lý học người ta ghi nhận khả năng tối ưu  của  "tròn" trong chuyện chứa đựng không gian, diện tích và dung tích...
Khuôn mặt tròn của thiếu nữ cũng được xem là một chuẩn sắc đẹp (sánh ngang mặt trái xoan chả hạn). Cụ Nguyễn Du tả Thuý Vân "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" đấy nhé.
Tròn - dường như có sức gợi khám phá rất lớn. Bằng chứng là thế giới đàn ông, phần nhân loại tưởng chừng vững vàng, mạnh mẽ hơn, lại bị cuốn hút đến nơi đến chốn vào "tròn". 
Tính sơ đã bao thứ "tròn" khiến họ mê mệt lê lết từ lúc mới lọt lòng mẹ tới khi nào còn máu chảy trong tim, trong mạch máu đầu gối. Câu khi nào cắt đầu gối không còn máu chảy mới thôi là nói về khả năng đam mê vô tận của đàn ông còn gì.
Khi nhỏ, oe oe mạnh hơn lũ con gái nhiều lần chỉ để đòi mẹ lấp miệng bằng gì đó tròn tròn.
Lớn hơn chút, mấy đồ chua loét loe nghĩ chỉ có lũ con gái nó mê được mà rồi cũng cả mớ đàn ông xài còn tài hơn: mận, táo... Đến mức đầy thứ chả liên quan gì tới mận, táo mà họ cũng bóng bẩy gọi chúng là "mận, táo". Mận, táo thật hay là bóng bẩy ví von thì họ cũng còn lâu mới hết thích xời nếu đã trót biết.
Xa xôi hơn, không những đàn ông ham muốn lật đổ chế độ mẫu quyền để thống trị một trái đất tròn mà họ luôn khởi công những dự án to lớn vươn tới các vì sao "nghe nói cũng tròn". Những là chinh phục Mặt Trăng, Sao Hoả, Sao Kim và lăm le moi móc cả Mặt Trời. Bất kỳ đàn ông nào cũng ham đại sự hơn là lặt vặt cơm nước, lau đít cho con, nịnh đầm vợ "cổ". Đại sự chính là mấy vụ tàu vũ trụ phóng thành công hoặc rơi nửa đường chứ gì nữa. Tuy chỉ vài ông có mặt trên những chuyến bay, một số lớn hơn trong các trung tâm nghiên cứu vũ trụ thực sự, nhưng bất kỳ đàn ông nào cũng đều là những phi hành gia thường xuyên trong tưởng tượng hoặc siêu tưởng tượng. Họ lên vũ trụ, lên tiên ngay cả khi trong... toa let. Chuyện thường.
Bóng đá - bằng chứng sống động nhất cho hội chứng "tròn" ở đàn ông. So với những môn thể thao khác, dù chỉ hơi dẹt hơn một chút như bóng bầu dục, thì bóng đá luôn cuốn hút lượng fan đông áp đảo. Chỉ vì bóng đá hình tròn thôi. Thề là thế.
Không nói chuyện bóng đá tròn hơn ... vợ, bạn gái. Không ai dở hơi mà ví von xúc xiểm thế, nhất là khi đàn bà phát ngôn. Nhưng hễ cứ vào mùa bóng đá thì  lại chỉ có bóng đá là tròn nhất, cuốn hút nhất. Đàn bà cứ thế ra rìa. Phải thôi. Bóng đá là thể tròn trĩnh tuyệt đối nhường kia. Đàn bà có vài chỗ tròn lẻ tẻ, cũng quyến rũ đấy nhưng ăn thua mịa gì. Chưa kể một số bà không biết có học đòi trái bóng không mà cứ để mình tròn gần ngang ngửa với nó. Bà có đủ tròn để lăn thì cũng không thể đọ được bóng đá.
Thực ra miệng đời nói tròn như lăn chứ chưa thấy bà nào lăn ve ve trên sân cỏ, lại còn lâu lâu nảy tung lên trời và lăn tọt vào lưới đối phương mà lại cuốn hút được đám râu ria đang điên cuồng hóng hớt trái bóng cả. Bà sẽ đạt được sức quyến rũ đó nếu  bà tròn gần bằng bóng thôi nhưng cùng lúc cái sự lăn của bà được tới 11 chàng ưu tú tranh giành vật vã, thêm một cơ số nhiều hơn chừng đó ngồi ghế dự bị hằm hằm lao ra tiếp sức. Vài ông bầu, huấn luyện viên tốn cả tấn kẹo cao su mỗi trận để khỏi tự tổn thương sau đó vì đã mất tự trọng đến văng tục không còn giới hạn nào suốt trận. Và không chỉ chừng đó, thêm cả một cộng đồng cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia nín thở hoặc cuồng loạn vì nỗi bấp bênh màu cờ sắc áo. Không tính đám hóng hớt bình luận trên báo đài và vô số fan của bóng đá dĩ nhiên chả nhẽ tỉnh như sáo sậu lúc xem bóng đá trên tivi mà lại gọi là niềm đam mê à.
Dù sao cũng thua bóng đá. May mà mùa bóng đá thường không quá dài. Như cỡ World Cup, Euro cũng chỉ chẵn chện một tháng.
Tuỳ thích thôi, không ai cấm các bà chuyện tỏ ra hoà nhịp, đồng điệu với nửa kia của mình trong vụ mê bóng đá. Đầy bà mê thật, mê hơn chồng mê bóng, mê hơn mê... chồng. Đầy bà thời còn cò ke cưa cẩm cũng tỏ vẻ mê bóng cuồng nhiệt như chàng, fan cùng đội với chàng và mê bóng đá vì đó là bóng đá chứ không phải vì mấy cha cầu thủ đội đó đẹp zai hơn chàng. Dĩ nhiên sau khi đã đóng thuyền xong, ván chả liên quan gì tới bóng đá là thường. Chồng có hầm hè hậm hự vì vợ đã chả biết gì bóng đá, lừa đảo lộ mặt mà còn kẹp chặt không cho đi ra ngoài xem lấy nửa hiệp bao giờ thì cũng kệ. Đời có những lúc không chết vì bệnh, chỉ chết vì... ngơ. Nhỡ đi đàn đúm xem, có con nào nó cũng giỏi mưu ngày xưa thì hỏng bét à.
Chuyện tích trữ mì tôm, nấu cháo nửa đêm, bia bọt đầy tủ là bèo. Cái đó nhiệt thành mà ủng hộ cũng tốt, chỉ cần giả vờ tốt với chồng cũng làm được ngon. Chuyện hầu chồng "hiệp phụ" tranh thủ giữa hai hiệp chính cũng không có gì quá hiếm.
Dù làm gì hay chả làm gì. Dù ghen với đỉnh cao của hội chứng tròn ấy hay không thì cũng kệ các ông ấy qua mùa bóng đá.  Mùa này mình làm gì tuỳ mình. Mọi ghen tuông, ngờ vực của họ đối với mình đều được nới lỏng vì mình không tròn bằng bóng. Mình biết còn đầy những người đàn ông hay ho nữa... Dĩ nhiên trên đời này thiếu gì ông coi bóng đá chả bao giờ tròn đầy nồng say và ngọt ngào bằng đàn bà.
Rất dễ nhận ra họ. Vào giờ đang truyền hình bóng đá từ tận Phi, Mỹ, Âu nảo nao những bố bị hội chứng "tròn" oánh gục sẽ không gọi điện cho ta, không rủ ta đi cafe... Những bố còn lại là những người tỉnh táo và rất có lập trường. Họ không phải loại đàn ông bạ trận nào cũng bênh một đội - đồ bảo thủ. Họ cũng không có thói đội nào thắng cũng được - đồ ba phải. Họ càng không bao giờ quái gở như một lũ đàn ông khác lông nhông chạy qua chạy lại giành một thứ tròn tròn bằng nhựa, cao su, rồi cười, khóc như điên vì nó. Họ là những người đàn ông chân chính, cũng như - cũng vì  trên đời có những người đàn bà chân chính chúng ta.
Đàn ông là khái niệm đặt trong cặp đối xứng tuyệt vời với đàn bà chứ có phải với bóng đá đâu!!! Không nên nói toẹt ra rằng bóng đá là một thứ ma tuý vì động chạm lắm, nhất là trong mùa bóng đá. Đàn ông của nhà ta, nhà hàng xóm nếu thuộc vào hàng ngũ fan, thậm chí fan cuồng của bóng đá thì là số phận của các bà vớ phải họ thôi. Hiếm có ai mê bóng đá từ trong... trứng. Khi ấy nếu họ đã mang sẵn gien hội chứng "tròn" thì họ còn bận mê ngay trứng và bụng bầu của mẹ. Ra đời rồi mới là lúc hội chứng "tròn" bắn thẳng vào tim, não họ những mũi tên ngọt lịm, chen chỗ với tên của thần Tình Yêu. Lúc ấy cặp phạm trù đàn ông với đàn bà xem ra nó loạn xạ chứ chả còn cân đối ngọt ngào nữa.
Thôi, kệ nó bóng đá. Đến tận lúc này, dù bóng đá tranh giành, có thể làm họ tưng tưng tưng đến mức cai tạm được cả... blog thì vĩnh viễn cũng chỉ là giai đoạn sổng chuồng ngắn ngủi.
Biết làm sao! Khổ thân họ! Chúng ta cứ nghĩ bóng đá là ngon lắm họ mới nghiện ngập nhưng có thứ họ nghiện như thuốc lá thuốc lào, bia, rượu lúc mình nếm thử lại đắng ngoét cơ đấy. Có khi chỉ vì là đàn ông mà phải giả vờ đua theo bè lũ, khoe mình cũng say bóng đá hơn say vợ. Thế là phải dán mặt vào màn hình lao động khổ sai để cập nhật ít thông tin rồi còn buôn bán làm hàng. Chuyện sa đà nghiện ngập là dễ thông cảm. Bật mí nhé, cũng vì quán tính kiểu đó, họ phải nói phét hoặc nói thật tưng bừng hơn nhiều về niềm say mê, chinh phục, cướp đoạt và dâng hiến cho đàn bà đấy ạ. Thử không làm thế xem, chả nhẽ một ông đàn ông chỉ biết bóng đá, chả hiểu đàn bà là giống gì thì sẽ ra sao...
Thôi, bóng với bánh. Dù tròn hơn nhưng chắc gì ngọt ngào hơn đàn bà. Kệ đàn ông với hội chứng "tròn" của họ. Tranh thủ viết entry giữa hai trận, giờ nhà Chuồn phải vào canh chừng kẻo mấy gã nhà này la hét hoặc vung tay sập nhà.
Mong rằng mình không bao giờ bị hội chứng "tròn" lôi cuốn sa ngã như blog. Nhà mình, ông phụ huynh của lũ trẻ chỉ mê thêm bóng đá, còn đỡ hơn nhà nào chồng vừa say sưa bóng đá, vừa chết đi sống lại vì blog. Chẹp! 


Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

CÚ BĨU MÔI MÙA BÓNG ĐÁ CỦA LÃO BÀ BÀ


Một đời chứng kiến bao mùa bóng trôi như bóng câu qua cửa sổ, lão bà ta thấy nhạt nhẽo quá xá là đám quần đùi may ô xô đẩy như dã tràng đực hết trên sân cỏ trọc tới sân cỏ nhựa.


Lứa ông đuổi bóng đến bèo nhèo gân cốt, lại lứa cha rồi lứa cháu chắt, chút chít vẫn mê mải như phải bả. Vật mình vật mẩy, tranh giành bươu đầu, què cẳng cho được trái bóng thì lại lập tức... quăng mịa nó đi. Rồi lại giập mặt dập mày tranh giành để vứt cho đứa khác. Rõ khổ, trời sinh ra lũ đuôi cũn mọc ngược đường nên chúng chịu kiếp nặng máu chinh phục chỉ để vứt đi, lê la kiếm tìm đỉnh khác mà leo.



Từ đông sang tây, dù mũi lõ hay mũi xe tăng chẹt, chân ngắn vòng kiềng, chân dài quấn quẩy, trận nào thảy chúng đều mê mải tranh giành, vờn qua vợt lại chỉ cốt để đủn được viên bi to vật ấy vào cái lỗ chành bành cuối sân tên mỹ miều là Gôn. Càng sút tung lưới nhiều càng oai dù không phải cú sút nào cũng làm được lưới thủng banh ra. Khổ. Chúng đặc biệt say sưa lươn lẹo, mưu mẹo kết bầy sút sao cho toe lưới của những gã thủ môn ghê gớm nhất. Càng bị cản, máu càng hăng. Hèn gì chúng phát triển tứ chi đến mức tư duy não bộ cũng chỉ để tranh giành, hơn kém vài cú làm thủng mành lưới. Gã thủ môn nào giữ lưới không tung, không toe còn tinh tướng hơn nữa. Lạ, sinh ra làm cái màn lưới đáy lỗ gôn mà lại hớn hở vì không bị gã nào sút thủng thì để cho mốc mà làm mắm à. Hâm dễ sợ.

Tụi dã tràng đực ấy tẩn nhau ra trò. Gã thủ môn nào cũng mồ hôi giọt bố giọt con tuá như mưa rào để khư khư giữ cái lưới gôn trời giao. Những gã còn lại trên sân cũng đầm đìa chả kém. Chúng không adua hò hộ giữ gôn thì ắt là đua nhau trổ trăm mưu ngàn kế để sút bay gôn nhà hàng xóm. Mà thực ra chúng cứ sỹ diện và ham hố thế chứ chán giữ gôn này, hiệp sau đổi cho gôn khác chúng cũng lại khư khư giữ, có phân biệt gì đâu. Lũ ham sút cũng thế, lúc là gôn nhà, chúng rất thờ ơ. Hễ gã nào sút gôn nhà mình lập tức bị cả đội, thậm chí cả nước và... nhiều nước rỉa rói là đồ chập mạch, phản bội, mất mạng có khi. Thế mà chỉ cần cái gôn ấy bị chuyển sang đội đối phương, lập tức chúng trằn ra quay lại chân sút, chân thọc cho bằng thủng nát tanh bành mới thỏa. Hiếu chiến, bạc bẽo, ham hố và mù quáng đến không thể hiểu nổi. Thói thường đàn ông vẫn thế, ham chiếm phá cái trong tay kẻ khác. Dù có là muà bóng, đội bóng chơi đẹp nhất thì vẫn cứ thế.

Truyền kiếp, chúng cứ thế, cứ vật vã mê muội giành nhau chỉ để lên đỉnh phê bằng những cú sút bung lưới nhà khác. Thằng sút cứ trằn ra sút. Thằng giữ cứ trằn ra giữ. Quả tắc quả bụp, trúng trượt thảy đổ tại trời. Những gã ngoài sân dẩu môi bình loạn te tua. Đàn ông, giữ có cái gôn mà không xong thì nước non giang hồ gì.

Ờ, phải tay bà thì chúng bay chả dễ mà cướp. Bà thích cho trúng là trúng, bắt trượt là trượt. Thậm chí bà bực lên bà cất mịa nó gôn đi thì chúng bay tẽn tò. 

Thôi chúng bay đua chen nhạt nhẽo quẩn quanh mãi mà chi. Đứa nào thích sút trúng, sút trượt, khép gôn, mở gôn trăm phát ngon cả trăm thì cứ thuê béng huấn luyện viên nữ, thủ môn nữ cho đội bóng nam là đâu vào đó ngay.

(Chuồn bà bà ghi lại tâm sự của đại tỷ láng giềng)

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

CUỘC ĐỜI MỎNG QUẸT



Thật đấy, mỏng quẹt. Lắm lúc rối tung rối mù, lắm khi như trận địa ngoi ngóp bon chen, nhưng rồi thực ra cốt lõi có quái gì đâu. Như cái công tắc bật lên, mình chui ra từ mẹ, rồi tắt đi, mình tiêu, về đâu chả còn quan trọng nữa. 

Rất nhiều khi nghĩ đời là gì đâu, chả phải chiêm bao vì nặng lắm, chả phải là hỗn mang những nhiều ít, to nhỏ, chỉ cốt ở mình còn thì sẽ còn đời. Rồi thót cả ruột, điếng hồn thấy thoáng đấy mà đã xa quá ngày đầu mẹ ru, đường phía trước nào đâu biết điểm ngắt. Mọi chuyện luân hồi, kiếp nọ kiếp kia nói cho vui hết cả ấy mà. Chỉ biết kiếp này thôi. Chỉ biết giữa bật và tắt mình làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ. Những yêu thương máu thịt vô bờ. Chả bao giờ muốn rời xa. Lắm lúc vừa hạnh phúc, vừa run rẩy trong hạnh phúc vì ngộ ra rằng dù mỗi ngày đều phải gắng gỏi, lắm khoảnh khắc tưởng chỉ vì chưa chết được mà còn phải sống, thì thực chất đang là những ngày cuộc đời mình tròn đầy nhất. Những yêu thương vẫn đang đủ hết bên mình: ba, mẹ, em trai, em gái, chồng, hai con. Biết rằng ngày tháng đang trôi, níu được ngày nào tròn đầy thì ngày đó vẫn là quãng tháng năm làm người hạnh phúc nhất mình có được. Run rẩy sợ tháng ngày phôi pha mất... 

Có lúc lo phát cuồng vun vén việc nọ sự kia, rên rỉ, oán giận. Rồi để chiều nay chết lặng xen với mềm hết cả tâm hồn ngộ ra sống để lo âu  cũng là điều chân thực lắm lắm. Ôm con nhỏ, ngắm con lớn, nghĩ thế là lại bươn chải nuôi chúng thêm được một năm học nữa. Các con chưa thực xuất sắc, còn phải phấn đấu nhiều, nhưng còn được lo âu thực ra còn là hạnh phúc. Mình muốn được lo tới bao giờ có dâu, rể, cháu ngoại, cháu nội như ba mẹ mình bây giờ. Đời là hữu hạn, nhưng cứ ước ao... Giờ này năm ngoái còn đang điên lên vì âu lo con nhỏ vào trường, con lớn chuyển cấp, đã xong năm nữa rồi kìa...

Đời mỏng quẹt, có cần chi nhiều đâu mà bôn ba dâu bể. Sao cho đủ bù trì cho con, cho gia đình, cho những người yêu thương cũng là mãn nguyện lắm rồi. Chỉ cố đừng hèn. Sang thì chả biết mấy cho vừa. Phù du lắm mấy thì cũng chỉ cần còn lại những yêu thương ấy.

Chiều, chị bạn ở cơ quan cũ điện thoại, báo đã về hưu, bắt đầu khúc đời không ràng buộc cơ chế. Nói với chị lời chúc mừng và khai thật em thấy thèm như chị. Em còn một mớ tháng năm nữa mới được tới ngày như chị. Em cũng chả dám ước nó trôi nhanh vì nó sẽ vèo qua như bóng câu ngoài cửa sổ ấy mà. Cuộc đời được như chị cũng là trọn vẹn rồi, đáng ước ao lắm rồi. Đời mỏng quẹt, đơn giản hóa nó đi, thấy nó giản dị và cực kỳ dễ chịu. Mà nó chính là như thế chứ đâu.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

THẰNG CHÂN RƯỠI


1.
Tên lóng thế thôi chứ tên thực thì nó có đầy ra. Hai tên hẳn hoi. Đẹp mỹ miều yêu kiều hẳn hòi. Phúc và Đức. Chả rõ tên nào là tên khai sinh. Gọi ào, tên nào nó chả nhận, trừ cái tên chân rưỡi.

Vì hai chân nó dài bằng nhau, thẳng tinh tươm, dài ngoằng. Hơn nữa, đấy là tên lóng thời trẻ con mất dậy réo đặc điểm tàn tật của bố mẹ nhau ra mà xỉa. Bố nó chân chấm chân phẩy. Đầu tiên chỉ gọi nó là Đức Ch., tên ghép phổ thông như của tất cả mọi oắt con thời ấy theo cấu trúc "tên riêng + tên phụ huynh". Gọi thế đã là uất vì với lũ nhóc choai choai cấp 1 cấp 2 mà bị đứa nào réo tên bố mẹ ra đích thực là một sự sỉ nhục như sỉ nhục quốc thể chứ chả bỡn. Mẩu ghép chân rưỡi  là do tụi con gái trong xóm, cùng lớp vì hay bị nó trêu chòng xỉ ra, gọi sau lưng cho bõ tức.

Dần dần, cả lớp biết và sểnh ra là réo, có lý do và không có lý do, quan trọng zề. Thích thì luyện giọng cho chiến thôi. Lần nào nó cũng khùng, mặt mũi trắng trẻo dậy lên màu đỏ bao hương, chửi trả bậy hơn Trương Phi chửi thù. Càng tốt. Thằng chân rưỡi càng chửi thì giọng lũ kia càng réo rắt như sáo diều trúng gió... độc.

2.
Con nọ đang cong mồm réo chửi thằng chân rưỡi thì ông chấm phẩy lù lù xuất hiện sau lưng. Kịp chạy biến nhưng không kịp thoát đòn của mẹ vì ông chấm phẩy ngộ ra ý nghĩa cái tên lóng của giai cỏ nhà mình thì tất nhiên phải mách rồi.

Ông chấm phẩy mê đề. Sáng nào ra đường cũng túm đứa nhóc đầu tiên ông gặp hỏi đêm qua mày mơ thấy gì. Cứ giấc mơ ấy luận ra ông cạo số. Chắc ông tin trẻ con trong sáng thì mơ cũng linh hơn. Một hôm con nọ không kịp chuồn khỏi bàn tay hộ pháp túm áo của ông, đành khai đêm qua mơ thấy con chó nhà bà Tư. Ông trúng đề quả ấy hay sao mà ba hôm tiếp theo cứ rình ở gần cổng, nó lú ra là tóm dính. Nhớ thù, nó khai hôm thì rắn, hôm thì ngỗng, hôm thì bò. Kệ xác ông. Sang ngày  thứ tư, thấy thằng chân rưỡi đến lớp bảo mày khai mơ thế đ. nào mà ông già tao thua đề cạn ví. Há há.

Lạ là thằng chân rưỡi chỉ nói nhỏ nhẹ, pha tí trách móc chứ không văng tục léo rắt tè le như thường lệ.

Xem như xong hận, con nọ còn lo phi vụ khác. Oắt con trường dở phố dở ấp thiếu gì chuyện bận bịu ngoài sách vở, ngoài tầm mắt bố mẹ.   

3.
Mạnh đứa nào đứa ấy nhớn. Chả rõ thằng chân rưỡi học hành đến đốt nào. Chỉ biết rốt cuộc hai anh em nhà nó mắc tội bố có tí của ăn của để nên bị hai con ranh hàng xóm sát vách lập mưu bắt rể. Mỗi lần tình cờ con nọ vác con về thăm nhà ngoại, hễ gặp thằng  chân rưỡi, bị nó chòng mấy câu tội lấy chồng khu khác, lại dẩu mỏ kháy đểu đêk chấp anh em nhà mày ăn quẩn, không bò được ra khỏi lũy tre làng.

Có lần thằng chân rưỡi lao từ quán nước đầu ngõ ra chọc phá như thằng say dở. Bạn với chả bè, phì cười.

- Chồng mày nó để mày gầy teo bủng beo thế này á. Về bảo nó nuôi cẩn thận không là tao đập vỡ mẹt đấy.

- Mày về bóp con vợ mày lại cho thon đi, eo bánh mì thì oai lắm đấy!!!

- Mày ngu quá, hồi xưa mà lấy tao thì làm đêk gì có chuyện teo tóp thế này. Mày chê tao học dốt. Giờ tao cũng học xong rồi nhá.

- Há há. Teo kệ mẹ tao, mày đừng nhìn và đừng sờ là được. Sờ xương sứt tay đấy.

Cứ tếu táo, lếu láo thế. Dần dà tụi lớp trường làng bỏ xóm đi lấy chồng lấy vợ tứ tán lại mò về tụ nhóm, họp lớp. Xoắn xuýt quý hóa, chửi bới, léo rắt. 

4.
Tinh mơ, đầu giờ làm, điện thoại réo. Con vợ thằng trưởng hội, đôi cùng lớp lấy nhau, thì thào thẽ thọt như buôn bạc giả:

- Này, cực bất ngờ nhá. Lão Te nhà tao còn ngã ngửa ra cơ.

- Gì? Vụ gì? Đứa nào ném mắm tôm vào nhà mày trả thù tình à? 

- Không. Nó không thù tao. Nó thù mày.

- Đứa nào?

- Thằng chân rưỡi.

Tao làm gì mà thù. Tao không thù nó thì thôi.

- Thật. Đêm qua nó sang nhà tao uống với Te. Say bí tỉ, tự dưng khai ra, bảo hối hận nhất là ngày xưa kém tự tin, không dám tỉnh tò với mày.

Con nọ nghe đến đây  suýt rớt điện thoại. May còn kịp nhớ máy mới, đắt tiền, túm chặt. Ú ớ đáp lại.

- Làm đêk gì có chuyện. Nó say nó bịa.

- Thật. Nó bảo mang nợ mày từ vụ ông già mách làm mày bị đòn đau quá. Nó ân hận rồi xót mày. Thế là cứ thương mãi nhưng không dám nói vì mày đi học hết cái nọ cái kia, nó ngại mày chê, nó câm.

Chết điếng sơ sơ. Tỉnh ngay. Bạn với chả bè. Hèn gì đi họp lớp nó cứ lép ba lép bép ghẹo, gọi em ơi em hời cho con nọ chửi lại. Tưởng chỉ là thói bạn cũ gặp lại hay láo nháo nhận xằng tình bọ xít cho có vẻ.

- Già hết cả rồi mới nói. Hâm bỏ mẹ. 

- Thì kệ nó. Tao kể cho mày biết mà cẩn thận thôi.

Chả có gì mà cẩn với thận. Biết thế. 

Đôi lúc rảnh rỗi chợt nhớ ra chuyện thằng chân rưỡi mang nợ mấy chục năm rất ngốc, con nọ lơ mơ láng máng làng màng mênh mang nghĩ lại mấy vụ bị tụi khác bắt nạt mà nó xông ra bênh. Cứ tưởng cùng xóm thì bênh, về oánh nhau nội bộ phòi ruột là chuyện khác. Lần đang bị mấy đứa ở lớp lừa đổi vở đen lấy vở trắng thì thằng chân rưỡi quát tụi kia đừng có mà xỏ lá. 

Ôi dào. Ranh con, bọ xít. Tóc xanh qua rồi, tóc bạc xem ra lại ngố hơn. Im được thì im cho khỏe. Láng lơ mây trời gì cho hỏng ký ức thiên thần.

5.
Mỗi năm một lần tụ lớp, thêm vài lần cưới con đứa nọ, đám ma bố mẹ đứa kia. Thêm vài lần con nọ tụt tạt trốn việc về ngồi chầu hẫu ở hàng nước trà đá của vợ chồng nhóm trưởng. Câm đờ môi mép, chả biết vì trốn sự đời mỏi mệt hay muốn ngồi im giả vờ đang còn ngốc xít, khờ dại tuổi trời như ngày xửa ngày xưa.

Thằng chân rưỡi lao xe máy đi đâu về qua mà thấy là rẽ ngay vào  rít thuốc lào, tợp trà nóng. Hết buôn chuyện con cái, sự đời, sự giời lại xoay ra chọc ngoáy bụp chọt nhau. Rồi đi. 

Chả đợi chả chờ gì. Chả quên chả nhớ. Tất bật bỏ mợ, cơm áo gạo tiền mới không là giấc mơ. Mà những giấc mơ thì chả ai biết hư thực ra sao. Lúc thì mơ bắt đầu từ ẩn ức, lúc lại do hoang tưởng mà thành. Tóc đã thừa nhạt màu để không bị sương khói xa xưa che mờ nếp hằn dâu bể, không mắc vào tầm phào thuốc lào.

Thằng chân rưỡi biết thừa cả lũ vẫn lưu danh số điện thoại của nó là Chân rưỡi. Giờ có réo chửi lúc họp lớp vì bị nó trêu già thì nó cũng chỉ cười xòa  giơ nắm đấm dứ. 

Mỗi tội từ hôm con vợ thằng trưởng nhóm rỉ tai, con nọ đến họp lớp cấm có dám ngồi cạnh thằng  chân rưỡi. Ngại. Ngại cũng vô lý mà ngồi cạnh thì lại sợ vợ chồng con kia ăn mất ngon vì liên tưởng. Hớ hớ.

Hình như lúc con nọ bị đòn, thoáng thấy bóng thằng chân rưỡi nép cạnh cổng. Chắc là để chứng kiến con nọ chịu tội cho bõ hờn. Ai dè nó mắc nợ phản đòn thật a? Khổ, ai báo oán đâu mà khổ. Bọ xít, tưởng là chuyện ranh con mà hơi hám âm ỉ. Lỡ lan ra rồi, mũi dính mùi rồi thì tỉnh táo cũng mơ hồ vướng vít. Bố sư.