Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

BẠN LÂU NĂM

1.
Cô bạn nói rằng một trong những góc thiếu đời nàng là "không có bạn học thuở thò lò mũi xanh".

Mình chợt nhận ra may mắn dù mình cũng chuyển tùm lum trường lớp nhưng xứ nào qua cũng còn bạn chơi theo cùng đến giờ, trừ lớp vỡ lòng đầu tiên thời sơ tán...

Ừ, những câu như "bạn sém 40 năm" hoặc bạn đã a, b, c năm... bao hàm một chiều sâu thẳm cuộc đời, châu ngọc còn thua giá trị...

2.
Bạn lâu năm hoá ra chưa chắc cập nhật nhau nhiều như nhiều quan hệ khác. Nhưng không bao giờ là bạn Cũ.

Luôn còn nhau, quan hệ luôn ổn định và luôn ở đó đợi nhau lúc buồn vui sướng khổ.

Và thường rất nâng niu... Có những nguyên tắc xử sự với nhau vượt qua bản thân, thậm chí nhuốm màu trượng nghĩa, giang hồ tính :)).

3.
Bạn lâu năm. Mỗi lần nhớ đến, muốn gặp nhau thường chợt thấy ấm áp kiểu... già già dù chả chắc đã già mà thường ngỡ cùng còn trẻ.

Trẻ cả khi giật mình thấy con nó giống y nó ngày xưa, ý là ngỡ mình đang sống thời vừa quen nó :)) dek ngờ con nó nhớn thế vì mình và nó đã kịp nhừ tơi.

Và té ra có thứ niềm vui nhìn lũ nhóc lớn lên, yêu thương tử tế với nhau vì bố mẹ chúng nó là bạn lâu năm.

4.
Bạn lâu năm gồm đủ thứ nguồn gốc. Học chung, chơi chung bạn, đồng nghiệp, chơi trên blog, facebook, đâm xe ngoài đường, va chạm ngoài phường...

Nhưng đều cùng đặc điểm là đã cùng mình đi qua nhiều năm tháng có thể êm đềm hay bão tố. Còn lại vì đã biết rằng cần có nhau trong đời này dù biết để làm gì hay chả nghĩ gì...

Tự nhiên thế thôi...

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

GIÁ THÀNH MỘT VỆT MỰC LOANG




Bỗng ước giá mình biết vẽ
Để vẽ điều không thành lời
Chắc là tranh nhoà sắc khói
Giấu mình vào thăm thẳm thôi

Bỗng ước giá mình biết vẽ
Để vẽ giấc mơ không lời
Những tên người không thể gọi
Giữa cuộc đời lặng lẽ trôi

Bỗng ước giá mình biết vẽ
Những khát khao không thể rời
Cứ nhoi nhói xuyên ngày tháng
Nín đừng vỡ thành lời... Ôi...

Giá ngay giờ mình biết vẽ
Sẽ hoá mực loang khắp trời
Bởi không chạy đâu thoát nổi
Niềm nao không thốt được lời

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

TẢN VĂN


1.
Những tản văn Nga ngắn đến khó thở khi đọc. 

Rồi nó, như khối thuốc nổ sức công phá lớn, cứ ở lại, lang thang trong tâm trí.

Nó quyến rũ bằng con chữ giản dị về những chi tiết bình thường cực kỳ trong mỗi ngày của cuộc đời tác giả. Những bình thường mà là khao khát vĩnh hằng, không chỉ của ông ấy, của bất kỳ ai từng đi qua thăng trầm thấm thía. Thế nên đọc phải bất kỳ khúc nào cũng là sự đụng chạm thẳm sâu, mẫu số chung của mọi kiếp người.

Thế nên đọc thì không thể nhanh dù mỗi khúc tản văn ấy chỉ từ khoảng 100 đến dưới 600 chữ. Mỗi ngày cao thủ cũng chỉ đọc nổi một khúc mà thôi.

2.
Đọc nó và một cuốn khác, khác Pautovxki, chợt cháy bùng lên cảm giác cuộc đời thực ra rất mộc mạc. Mọi điệu đà tô cho ngời lên chỉ là để ấm lòng nhau, để lạc quan mà sống tiếp như liệu pháp tâm lý tạm thời. Rồi lại muốn, mãi mãi muốn đi theo dòng trôi với một nhịp hài hoà, để được an nhiên như đời thực.

Hiểu sức nén, sức gợi của tản văn, những tản văn sống qua mọi thời đại. Hiểu và thấy khá là nhầm nhọt như bao lâu cứ đồ rằng viết ngắn cho khoẻ thân, cho đỡ chán nửa đường, cho vơi mình là chính.

Không nghĩ viết để muôn đời còn lại, đương nhiên. Nhưng cái người khác để lại ấy đập vào mình như trái phá, khiến một trận nổ tung trong lối nghĩ. Hình như viết ra không chỉ để vơi mình đi... Mình viết ra, có dù chỉ một người đọc phải thôi cũng cần được chia sẻ gần đúng với mình nhất. Mà để được thế, sự giản dị vừa đủ là then chốt. Khó lắm, viết không chỉ là xả...

3.
Đôi lúc bạn hỏi viết tản văn cốt yếu là gì?

Không là kỹ thuật con chữ. Không là kỹ xảo phô bày xúc cảm.
Không là cố ép mình ngồi vào với bàn phím, bút bi, bút chì, trang giấy mà nên như những kiểu viết khác.

Tản văn cốt có một chữ tình với điều bạn ngẫm ngợi, người bạn muốn lưu hình bằng con chữ, sự việc bạn muốn sẻ chia giữa cuộc đời này. Tình ấy dẫn bạn đi. Vừa viết vừa khám phá miền xúc cảm của bạn với đối tượng viết. Vừa viết vừa chiêm ngưỡng. Nỗi đau có thể sâu thêm nhưng sẽ không vô bến vô bờ vô nghĩa. Hạnh phúc sẽ đủ lắng, đủ bay lên vô tận khi bạn chiêm ngưỡng nó theo cách này.

Và vì tản văn là dòng xúc cảm, đừng vừa viết vừa chữa lỗi ngữ pháp, chính tả... Tình ấy sẽ giúp bạn đủ nhạy cảm để diễn đạt theo đúng logic và cách cảm nhận đời sống của bạn. Tự tin, đó là phẩm chất bắt buộc của một cây bút tản văn. Tự tin rằng bạn đang sống, có quyền cảm thụ và biểu đạt xúc cảm theo cách của bạn. Vậy thì viết một lèo theo dòng trôi đi. Đừng vì âu lo kỹ thuật mà làm đứt dòng, hỏng luôn mỹ thuật.

3.
Viết tản văn, những dòng trôi vô định mà neo ta vào nhân thế.

Tản văn, ôi chao, đôi lúc bị xem là thể loại sang trọng, khi lại phù phiếm, không nên cơm áo...

Thôi, thì cứ giản dị đi rồi sẽ an nhiên. Tản văn không cứ ngắn dài, dù ngăn ngắn thì sức nén chả kém cạnh gì, thường mạnh hơn là khác.

Tản văn, ngắn là thách thức nhưng là điều dễ chịu. Cuộc sống chả có nhiều thời gian cho những khoảnh khắc giãi lòng ấy. Thả ra như trả cho gió để đi tiếp, sống tiếp, yêu tiếp đời này.

Và ngắn thôi để khỏi đắm chìm..

23.11.2013

MÙA LÁ RỤNG

1.
Sáng mở mắt, mùi đầu tiên ụp vào khứu giác là lá xà cừ dập. Người lập tức chao đảo như trúng độc. Hắc không bằng mùi xoan tươi nhưng chắc là độc thật nên mới cào tung gan ruột thế, bất chấp lúc no hay đói.

Mùa này người ta định danh là Mùa Lá Rụng ở Hà Nội. Đa phần lá các cây rụng từ Thu, rải rác qua Đông là thay lá mới hết. Chậm sót lại là xà cừ, sấu và những cây long não đến tận tháng tư mới rộ thay lá vì đủng đỉnh mãi hè sang, lỡ bu nó thì...

Chả lãng mạn lắm đâu.

Thực sự không lãng mạn nếu người ta cứ nghĩ lãng mạn là thứ gì đẹp đẽ, sinh sôi những xúc cảm lung linh, bốc bay hớn hở về phía nắng ấm, gió mơn man. Nhưng nếu xem lãng mạn có một khía cạnh mặt trái là nhìn cuộc đời có những nét nhòe, những liên tưởng không bám sát hiện thực đến khô cứng nhưng lại dễ chùng lòng, xót lòng, đớn đau thì cứ cho là Mùa Lá Rụng tháng Tư Hà Nội có vài phần mong manh kiểu ấy.

2.
Cái tên mùa như thế đã đi vào hoặc bắt đầu từ tiểu thuyết “Mùa Lá Rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng – một tiểu thuyết đọc đến đâu người ta lặng đi đến đấy vì cuộc đời ở đó thật quá, đầy đủ những nín nhịn, những bứt phá, những liều lĩnh, những xé nát, những tan thành cỏ rác và mất mát, lắng đọng. Người ta tìm thấy người ta ở đấy trong những mẩu thân phận đời phố, đời quê, những sợi dây ràng níu phố - quê, những thế hệ người đang đi qua nhau, đang yêu thương và giày vò, giày xéo nhau…

Mùa Lá Rụng… Đi trên phố Hà Nội hôm qua, sáng nay, trong thoáng gió tạm se lòng phố, trong mưa phùn trái vụ, mây xám trĩu trời và lá cây xà cừ, sấu, long não lơ lửng chao thêm đoạn gió nữa rồi rớt xuống hè, xuống lòng đường, xuống lòng người sẽ thấm thía vì sao Ma Văn Kháng lấy cái tên ấy đặt cho tiểu thuyết.

Buồn, chủ yếu là buồn. Từ mong manh gợi những giã từ kiếp sinh sôi đến tan nát vì người đang lỡ mang nỗi gì đó hoang vu trong hồn rồi liên tưởng…

3.
Chợt một thoáng muốn đổi tên mùa là Mùa Lá Dập Trên Đường…

Lá trên hè, sát mép cống, chao lên tóc, suýt xé ngang mắt dù gì cũng còn không làm thương cảm bằng những lớp lá dập lối xe qua.

Nếu là lá xà cừ thì đấy, trúng độc theo nghĩa đen vì hương lá tỏa ra dưới mỗi vòng bánh xe, phả vào phòng ngủ… Khắp khu tập thể, trên nhiều tuyến phố chả hiểu sao người ta chọn thứ cây rễ nông hơn rễ mạ, chỉ được cái nhiều lá và… vô tích sự, hay đổ vào mùa mưa ấy làm cây bóng mát.

Nếu là lá sấu, hương lá dập ngái chua, ngái chát… Dễ chịu vài phần…
Nếu là lá long não, rất thích hương lá dập. Thứ tinh dầu long não ấy trùm lên tâm trí mình suốt gần 20 năm ngồi làm việc ở Trần Xuân Soạn, vì góc cắt với Thi Sách là chốn mùa này lá long não rụng dầy. Ngược với xà cừ dọc phố Trần Xuân Soạn, hương long não Thi Sách quả là cứu cánh cho những mụ mị trúng độc vì đủ nhẽ từ hương lá tới hơi người, hơi… đồng xèng. Đi qua Trần Hưng Đạo, hương sấu đã cứu rỗi vài độ, đến Thi Sách thì thêm được ít tỉnh táo khôn ngoan long não dưỡng cho đủ tám tiếng cày bừa…

4.
Có lẽ những kẻ đa cảm như mình ít thích làm dập lá rụng dẫu hương đưa thế nào chăng nữa.
Không nỡ giày vò thêm lá đã rụng sau một kiếp trần gian.
Không nỡ làm đau thêm một sắc úa vàng.
Không nỡ, y như lúc lòng mình là lá rụng thì sao chịu nổi những gót xéo, những vòng bánh xe giày qua từ những phía nhân gian vô tình hữu ý…

Nhưng Hà Nội tháng Tư Mùa Lá Dập… Có ai vì lá rụng mà đứng lại, tránh phố đi đâu. Còn guồng qua cuộc sống, còn giờ tầm đi, tầm về chạy lao như kiến chạy bão bởi bao trách nhiệm, nghĩa vụ, sân si… chẳng thể trễ nải, chả kịp gạt đi… Người ta phải lao qua phố, làm dập lá…

Ghét bỏ coan cụ cái mùa lá lay bay bổng này.
Ai ở đâu nhìn mấy cái ảnh gió lay lá, lá đậu vỉa hè mép cong lên cứ nghĩ Hà Nội Mùa Lá Rụng nên thơ… Mị nhau cả thôi…
Sáng nay qua phố lá dập, bánh xe chực lạng đi, chợt chông chênh gấp bội… sợ ngã…

P/s: minh hoạ lá sấu rơi đầy đầu trạm chờ xe buýt... Đang ăn thấy cảnh quá Hà Nội phố, chộp liền...

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

ẢO TƯỞNG HÓA RA LÀ RẤT THỰC


Họa thơ Viet Phong BƯỚC XUỐNG, TỪ MỘT CUỘC ĐỜI

"Ảo tưởng về thế giới là điều mà ai cũng cần khi lớn lên
nhìn thấy những cơn mưa với vòng tay rộng mở
bao dung cho mỗi vết thương tạo ra vệt máu đỏ..."

-----

Ôi ảo tưởng nhiều khi là rất thực
Là ước mơ vươn tới chính lòng mình
Có đôi lần trượt ngã lạc thất kinh
Bởi kỳ vọng ở mình nặng hơn khả năng người khác

Ôi ảo tưởng hóa ra không đáng bực
Dẫu vài khi đau đớn tựa dao xiên
Hãi nhất là mơ ước chẳng còn nguyên
Ấy là lúc chính mình vừa sứt mẻ

Có đôi bận tổn thương như thể
Tại nhân gian là đen xám tông mầu
Hóa ra chỉ là khoảnh khắc nhói lòng nhau
Bởi đến và đi không cùng điểm đặt

Ôi vô tận là tháng ngày khoan nhặt
Một đời trôi, bước bổng, bước trầm
Tự lòng mình phân định bớt mông lung
Là lúc hiểu nhiều hơn cách hòa vào người tới

Rồi ảo tưởng hóa ra là chỉ vợi
Chứ chẳng hề tan hẳn được về đâu
Bởi còn mình, còn khao khát tìm nhau
Tìm bạn, tìm yêu, tìm thương, tìm tin cậy

Ôi ảo tưởng hóa ra là vậy
Để nhận ra trong nhân thế bộn bề
Những kẻ hiểu nhau và bước đến cận kề
Dẫu đôi lúc cú va tưởng chừng vỡ ngực

HOA CUỐI MÙA XANH LẶNG ĐỢI TÔI

Hoa cuối mùa xanh lặng rất sâu
Rất trầm trên rổ hoa sáng
Muốn theo tới chiếc bàn ngổn ngang cơm áo
Muốn toả sắc màu hoá độ ưu tư

Những đoá hoa cuối mùa thoáng xanh
Không biếc ngẩn ngơ hồn qua chợ
Lặng lẽ hé chào một nụ
Nhủ rằng duyên tới trên tay

Đón lấy, xoè lòng mà đón lấy
Xanh từ lá, từ tháng ngày thức dậy
Trắng từ hoa, từ những tinh mơ
Đoá hữu duyên, xanh đợi tự bao giờ






Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TA ĐÃ CHẠM VÀO THĂM THẲM ĐỜI TRÔI





Ta đã chạm vào sâu thẳm đời nhau
Bằng một thấu hiểu thẳm sâu
Không lời và có lời
Bất chợt hoặc từ từ mới tới

Ta đã chạm một lần hay dài ngân mãi
Được bền lâu thì tuyệt tốt
Không thì còn lắng mãi mới thực quan trọng hơn

Ta đã chạm rồi
Lại cách vời trôi
Thí dụ thế thì điều còn ở lại
Là điều đã chín mọng từ từ sau những mùa xanh trái
Bằng hơi ấm trần gian thật thà tới trong veo

Thứ thật thà chia sẻ
Bất chấp là phút ngọt ngào hay lúc nát tan
Đã cởi toang trái tim, tấm lòng 
Với niềm tin được tận tình đón nhận
Dù lúc muốn hay chẳng muốn
Yêu thương hay ghét hận
Nhưng nổi chìm có một nỗi xót nhau

Ta đã chạm vào một tầng đáy rất sâu
Bởi xứng đáng
Khi đã tận lòng muốn thế
Đã quên đi mình mà mở toang bản thể
Đã nhiệt thành vì tình thân mật tự nhiên 
Muốn hay không đã tồn tại dịu mềm
Dù mình biết hay không hề nhận biết

Ta đã chạm vào một chấm thẳm sâu
Điều không phải cứ khát khao là được
Không phải cứ một đời đi mà ước
Sẽ có ngày chạm được tới ở nhau

Rất giản đơn nhưng không vô tình đâu
Cũng chẳng nhẹ nhàng hay quá chừng sung sướng
Phút chạm tới có thể chưa hiểu được
Rồi nhận ra khi thanh thản nghĩ về...

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

BỮA SÁNG KHÓ KHĂN





Cần một người bên cạnh
Cần cực kỳ
Chỉ để nói rằng ăn hết bữa sáng đi
Đừng phụ thuộc thói quen sớm muộn


Cần một người nhẹ nhàng hoặc căng thẳng
Nhìn vào bữa sáng khó ăn
Và nói rằng mọi điều rồi sẽ
Trôi qua, xong cả, trên đời

Rồi lại thấy chả cần
Rồi lại cần 
Bực thế
Nhắc nhủ thôi
Thật khẽ
Rằng tinh mơ chẳng nên mỏi thế 
Đừng chênh vênh chỉ vì ý nghĩ đầu tiên 
Khác mình đến mức
Suýt đi lạc trên đường quen
Suýt đánh mất tên
Gọi luôn mình là đứa luyên thuyên
Giỏi hắt hủi mình hơn là tự tin, thấu hiểu 

Cần một người ở cạnh
Để cùng đi qua bữa sáng khác giờ
Để cùng nghĩ rằng cuộc sống là thơ
Dẫu sáng nay, hôm qua, hôm trước nữa chả nên thơ cho lắm

Và chợt nghĩ có thể mình, có thể
Đang được tiêm vac xin
Trải thật đủ liều
Sốt tạm
Để rồi đứng được và đi
Khi mai này gặp cơn đại dịch
Xảy ra giữa cuộc đời mình thực

Trận sốt này
Bữa sáng này
Rồi sẽ gói được qua
Rồi chả còn phải ai nhắc cả
Không lệ thuộc gì thói quen vất vả
Từng cọng bánh nhẹ nhàng hoà vào bản thể

Rảnh rang

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

KHÚC MÙA TRÔI



Chẳng gọi cuối xuân là đầu hạ
Sợ nhanh chín một cánh phượng hồng
Thôi không vội nữa, không dám vội
Từ từ mà trải những chênh chông

Thôi xuân cứ chậm như gót hạ
Thôi ngày cứ đủ sáng trưa chiều
Thôi mình chớ vội, đừng hư mộng
Đời không lặp lại, chảy thong dong

Ước là ước tẹo phút mênh mông
Chứ sau đào thắm lại phượng hồng
Rồi sen thu chớm hường môi mắt
Rồi lại lửa bàng cháy trọn đông

Vừa sống vừa chiêm ngưỡng đợi trông
Vừa thương yêu lẫn mệt giữa lòng
Vừa mong ngày cạn, vừa đừng cạn
Những mùa không tuổi chẳng hư không

P/s: Ngủ suốt ngày nghỉ lễ, dậy thấy đầu hết đau, chả bận bịu gì dòng đời nặng nhẹ. Chả biết chỉ là cảm giác thoáng lúc đây hay thực ra đời luôn là thế  :) :D :)
Chắc đời luôn thế. Đi đâu mà phải vội vàng, phải ước gấp ước vội cho cực thân. Vừa sống vừa chiêm ngưỡng... Mặc kệ những ngày trước mặt lắm âu lo...

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

CHẲNG BIẾT LÀ GÌ NỮA




Đôi lúc hồn giàn giụa
Mà mắt cười khô cong
Đôi lúc tim đã vỡ
Mà miệng nói thong dong

Đôi lúc không hiểu nữa
Mình còn phải mình không
Đau mà không hét được
Nhức mà đứng thẳng đầu

Đôi lúc không dành được
Một con đường cho mình
Bởi chẳng còn lối nữa
Thế giới gào lặng thinh

Niềm tin vừa bỏng cháy
Đã chơ vơ mất rồi
Không còn nơi đặt nữa
Nửa trời thành đơn côi

Im lặng để được thật
Tự đau và khóc thôi
Để không còn ai nữa
Lời qua lại dối lời

Để làm gì chả biết
Mà cứ đau lặng đau
Mà cứ nhức bỏng nhức
Nào biết thành gì đâu

Đôi lúc hồn giàn giụa
Mà mắt cười hư không
Đôi lúc tim đã vỡ
Miệng chẳng nỡ buốt lòng...