Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

CUỘC ĐỜI MỎNG QUẸT



Thật đấy, mỏng quẹt. Lắm lúc rối tung rối mù, lắm khi như trận địa ngoi ngóp bon chen, nhưng rồi thực ra cốt lõi có quái gì đâu. Như cái công tắc bật lên, mình chui ra từ mẹ, rồi tắt đi, mình tiêu, về đâu chả còn quan trọng nữa. 

Rất nhiều khi nghĩ đời là gì đâu, chả phải chiêm bao vì nặng lắm, chả phải là hỗn mang những nhiều ít, to nhỏ, chỉ cốt ở mình còn thì sẽ còn đời. Rồi thót cả ruột, điếng hồn thấy thoáng đấy mà đã xa quá ngày đầu mẹ ru, đường phía trước nào đâu biết điểm ngắt. Mọi chuyện luân hồi, kiếp nọ kiếp kia nói cho vui hết cả ấy mà. Chỉ biết kiếp này thôi. Chỉ biết giữa bật và tắt mình làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ. Những yêu thương máu thịt vô bờ. Chả bao giờ muốn rời xa. Lắm lúc vừa hạnh phúc, vừa run rẩy trong hạnh phúc vì ngộ ra rằng dù mỗi ngày đều phải gắng gỏi, lắm khoảnh khắc tưởng chỉ vì chưa chết được mà còn phải sống, thì thực chất đang là những ngày cuộc đời mình tròn đầy nhất. Những yêu thương vẫn đang đủ hết bên mình: ba, mẹ, em trai, em gái, chồng, hai con. Biết rằng ngày tháng đang trôi, níu được ngày nào tròn đầy thì ngày đó vẫn là quãng tháng năm làm người hạnh phúc nhất mình có được. Run rẩy sợ tháng ngày phôi pha mất... 

Có lúc lo phát cuồng vun vén việc nọ sự kia, rên rỉ, oán giận. Rồi để chiều nay chết lặng xen với mềm hết cả tâm hồn ngộ ra sống để lo âu  cũng là điều chân thực lắm lắm. Ôm con nhỏ, ngắm con lớn, nghĩ thế là lại bươn chải nuôi chúng thêm được một năm học nữa. Các con chưa thực xuất sắc, còn phải phấn đấu nhiều, nhưng còn được lo âu thực ra còn là hạnh phúc. Mình muốn được lo tới bao giờ có dâu, rể, cháu ngoại, cháu nội như ba mẹ mình bây giờ. Đời là hữu hạn, nhưng cứ ước ao... Giờ này năm ngoái còn đang điên lên vì âu lo con nhỏ vào trường, con lớn chuyển cấp, đã xong năm nữa rồi kìa...

Đời mỏng quẹt, có cần chi nhiều đâu mà bôn ba dâu bể. Sao cho đủ bù trì cho con, cho gia đình, cho những người yêu thương cũng là mãn nguyện lắm rồi. Chỉ cố đừng hèn. Sang thì chả biết mấy cho vừa. Phù du lắm mấy thì cũng chỉ cần còn lại những yêu thương ấy.

Chiều, chị bạn ở cơ quan cũ điện thoại, báo đã về hưu, bắt đầu khúc đời không ràng buộc cơ chế. Nói với chị lời chúc mừng và khai thật em thấy thèm như chị. Em còn một mớ tháng năm nữa mới được tới ngày như chị. Em cũng chả dám ước nó trôi nhanh vì nó sẽ vèo qua như bóng câu ngoài cửa sổ ấy mà. Cuộc đời được như chị cũng là trọn vẹn rồi, đáng ước ao lắm rồi. Đời mỏng quẹt, đơn giản hóa nó đi, thấy nó giản dị và cực kỳ dễ chịu. Mà nó chính là như thế chứ đâu.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

THẰNG CHÂN RƯỠI


1.
Tên lóng thế thôi chứ tên thực thì nó có đầy ra. Hai tên hẳn hoi. Đẹp mỹ miều yêu kiều hẳn hòi. Phúc và Đức. Chả rõ tên nào là tên khai sinh. Gọi ào, tên nào nó chả nhận, trừ cái tên chân rưỡi.

Vì hai chân nó dài bằng nhau, thẳng tinh tươm, dài ngoằng. Hơn nữa, đấy là tên lóng thời trẻ con mất dậy réo đặc điểm tàn tật của bố mẹ nhau ra mà xỉa. Bố nó chân chấm chân phẩy. Đầu tiên chỉ gọi nó là Đức Ch., tên ghép phổ thông như của tất cả mọi oắt con thời ấy theo cấu trúc "tên riêng + tên phụ huynh". Gọi thế đã là uất vì với lũ nhóc choai choai cấp 1 cấp 2 mà bị đứa nào réo tên bố mẹ ra đích thực là một sự sỉ nhục như sỉ nhục quốc thể chứ chả bỡn. Mẩu ghép chân rưỡi  là do tụi con gái trong xóm, cùng lớp vì hay bị nó trêu chòng xỉ ra, gọi sau lưng cho bõ tức.

Dần dần, cả lớp biết và sểnh ra là réo, có lý do và không có lý do, quan trọng zề. Thích thì luyện giọng cho chiến thôi. Lần nào nó cũng khùng, mặt mũi trắng trẻo dậy lên màu đỏ bao hương, chửi trả bậy hơn Trương Phi chửi thù. Càng tốt. Thằng chân rưỡi càng chửi thì giọng lũ kia càng réo rắt như sáo diều trúng gió... độc.

2.
Con nọ đang cong mồm réo chửi thằng chân rưỡi thì ông chấm phẩy lù lù xuất hiện sau lưng. Kịp chạy biến nhưng không kịp thoát đòn của mẹ vì ông chấm phẩy ngộ ra ý nghĩa cái tên lóng của giai cỏ nhà mình thì tất nhiên phải mách rồi.

Ông chấm phẩy mê đề. Sáng nào ra đường cũng túm đứa nhóc đầu tiên ông gặp hỏi đêm qua mày mơ thấy gì. Cứ giấc mơ ấy luận ra ông cạo số. Chắc ông tin trẻ con trong sáng thì mơ cũng linh hơn. Một hôm con nọ không kịp chuồn khỏi bàn tay hộ pháp túm áo của ông, đành khai đêm qua mơ thấy con chó nhà bà Tư. Ông trúng đề quả ấy hay sao mà ba hôm tiếp theo cứ rình ở gần cổng, nó lú ra là tóm dính. Nhớ thù, nó khai hôm thì rắn, hôm thì ngỗng, hôm thì bò. Kệ xác ông. Sang ngày  thứ tư, thấy thằng chân rưỡi đến lớp bảo mày khai mơ thế đ. nào mà ông già tao thua đề cạn ví. Há há.

Lạ là thằng chân rưỡi chỉ nói nhỏ nhẹ, pha tí trách móc chứ không văng tục léo rắt tè le như thường lệ.

Xem như xong hận, con nọ còn lo phi vụ khác. Oắt con trường dở phố dở ấp thiếu gì chuyện bận bịu ngoài sách vở, ngoài tầm mắt bố mẹ.   

3.
Mạnh đứa nào đứa ấy nhớn. Chả rõ thằng chân rưỡi học hành đến đốt nào. Chỉ biết rốt cuộc hai anh em nhà nó mắc tội bố có tí của ăn của để nên bị hai con ranh hàng xóm sát vách lập mưu bắt rể. Mỗi lần tình cờ con nọ vác con về thăm nhà ngoại, hễ gặp thằng  chân rưỡi, bị nó chòng mấy câu tội lấy chồng khu khác, lại dẩu mỏ kháy đểu đêk chấp anh em nhà mày ăn quẩn, không bò được ra khỏi lũy tre làng.

Có lần thằng chân rưỡi lao từ quán nước đầu ngõ ra chọc phá như thằng say dở. Bạn với chả bè, phì cười.

- Chồng mày nó để mày gầy teo bủng beo thế này á. Về bảo nó nuôi cẩn thận không là tao đập vỡ mẹt đấy.

- Mày về bóp con vợ mày lại cho thon đi, eo bánh mì thì oai lắm đấy!!!

- Mày ngu quá, hồi xưa mà lấy tao thì làm đêk gì có chuyện teo tóp thế này. Mày chê tao học dốt. Giờ tao cũng học xong rồi nhá.

- Há há. Teo kệ mẹ tao, mày đừng nhìn và đừng sờ là được. Sờ xương sứt tay đấy.

Cứ tếu táo, lếu láo thế. Dần dà tụi lớp trường làng bỏ xóm đi lấy chồng lấy vợ tứ tán lại mò về tụ nhóm, họp lớp. Xoắn xuýt quý hóa, chửi bới, léo rắt. 

4.
Tinh mơ, đầu giờ làm, điện thoại réo. Con vợ thằng trưởng hội, đôi cùng lớp lấy nhau, thì thào thẽ thọt như buôn bạc giả:

- Này, cực bất ngờ nhá. Lão Te nhà tao còn ngã ngửa ra cơ.

- Gì? Vụ gì? Đứa nào ném mắm tôm vào nhà mày trả thù tình à? 

- Không. Nó không thù tao. Nó thù mày.

- Đứa nào?

- Thằng chân rưỡi.

Tao làm gì mà thù. Tao không thù nó thì thôi.

- Thật. Đêm qua nó sang nhà tao uống với Te. Say bí tỉ, tự dưng khai ra, bảo hối hận nhất là ngày xưa kém tự tin, không dám tỉnh tò với mày.

Con nọ nghe đến đây  suýt rớt điện thoại. May còn kịp nhớ máy mới, đắt tiền, túm chặt. Ú ớ đáp lại.

- Làm đêk gì có chuyện. Nó say nó bịa.

- Thật. Nó bảo mang nợ mày từ vụ ông già mách làm mày bị đòn đau quá. Nó ân hận rồi xót mày. Thế là cứ thương mãi nhưng không dám nói vì mày đi học hết cái nọ cái kia, nó ngại mày chê, nó câm.

Chết điếng sơ sơ. Tỉnh ngay. Bạn với chả bè. Hèn gì đi họp lớp nó cứ lép ba lép bép ghẹo, gọi em ơi em hời cho con nọ chửi lại. Tưởng chỉ là thói bạn cũ gặp lại hay láo nháo nhận xằng tình bọ xít cho có vẻ.

- Già hết cả rồi mới nói. Hâm bỏ mẹ. 

- Thì kệ nó. Tao kể cho mày biết mà cẩn thận thôi.

Chả có gì mà cẩn với thận. Biết thế. 

Đôi lúc rảnh rỗi chợt nhớ ra chuyện thằng chân rưỡi mang nợ mấy chục năm rất ngốc, con nọ lơ mơ láng máng làng màng mênh mang nghĩ lại mấy vụ bị tụi khác bắt nạt mà nó xông ra bênh. Cứ tưởng cùng xóm thì bênh, về oánh nhau nội bộ phòi ruột là chuyện khác. Lần đang bị mấy đứa ở lớp lừa đổi vở đen lấy vở trắng thì thằng chân rưỡi quát tụi kia đừng có mà xỏ lá. 

Ôi dào. Ranh con, bọ xít. Tóc xanh qua rồi, tóc bạc xem ra lại ngố hơn. Im được thì im cho khỏe. Láng lơ mây trời gì cho hỏng ký ức thiên thần.

5.
Mỗi năm một lần tụ lớp, thêm vài lần cưới con đứa nọ, đám ma bố mẹ đứa kia. Thêm vài lần con nọ tụt tạt trốn việc về ngồi chầu hẫu ở hàng nước trà đá của vợ chồng nhóm trưởng. Câm đờ môi mép, chả biết vì trốn sự đời mỏi mệt hay muốn ngồi im giả vờ đang còn ngốc xít, khờ dại tuổi trời như ngày xửa ngày xưa.

Thằng chân rưỡi lao xe máy đi đâu về qua mà thấy là rẽ ngay vào  rít thuốc lào, tợp trà nóng. Hết buôn chuyện con cái, sự đời, sự giời lại xoay ra chọc ngoáy bụp chọt nhau. Rồi đi. 

Chả đợi chả chờ gì. Chả quên chả nhớ. Tất bật bỏ mợ, cơm áo gạo tiền mới không là giấc mơ. Mà những giấc mơ thì chả ai biết hư thực ra sao. Lúc thì mơ bắt đầu từ ẩn ức, lúc lại do hoang tưởng mà thành. Tóc đã thừa nhạt màu để không bị sương khói xa xưa che mờ nếp hằn dâu bể, không mắc vào tầm phào thuốc lào.

Thằng chân rưỡi biết thừa cả lũ vẫn lưu danh số điện thoại của nó là Chân rưỡi. Giờ có réo chửi lúc họp lớp vì bị nó trêu già thì nó cũng chỉ cười xòa  giơ nắm đấm dứ. 

Mỗi tội từ hôm con vợ thằng trưởng nhóm rỉ tai, con nọ đến họp lớp cấm có dám ngồi cạnh thằng  chân rưỡi. Ngại. Ngại cũng vô lý mà ngồi cạnh thì lại sợ vợ chồng con kia ăn mất ngon vì liên tưởng. Hớ hớ.

Hình như lúc con nọ bị đòn, thoáng thấy bóng thằng chân rưỡi nép cạnh cổng. Chắc là để chứng kiến con nọ chịu tội cho bõ hờn. Ai dè nó mắc nợ phản đòn thật a? Khổ, ai báo oán đâu mà khổ. Bọ xít, tưởng là chuyện ranh con mà hơi hám âm ỉ. Lỡ lan ra rồi, mũi dính mùi rồi thì tỉnh táo cũng mơ hồ vướng vít. Bố sư.

LÊ HOÀNG DẰN MẶT QUÝ BÀ NGHIỆN GỘI ĐẦU

P/S: Tớ đêk thích những gã mồm quá trơn lởn, lưỡi quá dài, quá dẻo cỡ Lê Hoàng và trên một tí, dưới một tí.


Gã điêu, gã chém gió đến mức lạnh lùng như tiền còn phải về đè cho chít mịa gã đi. Gã đàn ông như thế, ờ, tài lẻ có thừa, tài chính cũng có thể có nhưng đảm bảo phần nữ tính lắm khi qua mặt phần nam tính :)) 



Chua ngoa đến độ chữ nào gã nhả ra cũng đồng nghĩa với Dấm, Khế, Chanh. Đàn ông có thể nấu ăn ngon hơn đàn bà là thường tình nhưng đàn ông điêu hơn đàn bà thì ai bảo thường nhiên là họ... điên.



Con chữ Lê Hoàng tung tẩy một điệu váy hớt vạt, áo sạt cổ, tưng tưng tưng một khúc hè phố, trà đá, ve chai, khoai luộc, mắm ốc. Đời đơn giản như đan rổ. Kể ra cũng đã.


Hôm nay gã điểm chỉ một góc đàn bà lê la rõ là la lê. Hơi nghi, không vào sao biết, không đàn bà tính sao biết. 

Đấy, báu gì một gã len lỏi quá sâu vào ngõ đàn bà :)) Đám đàn ông khôn hồn đừng than thở, tơ tưởng chuyện phanh phui đời các mợ. Thứ nhất là không qua được mặt Lê Hoàng, kẻ đã từng chiến thắng từ bẩm sinh trong cuộc đua một thắng mấy trăm triệu (nghe đồn thế) tại đấu trường ở rất sâu trong bụng dạ đờn bà. Thứ hai là lưỡi không thể vẹo bằng, nước bọt không thể chua bằng và răng không thể nhọn bằng gã. Mà không được như gã thì biết cho lắm rồi ôm một khối để... đàn bà hóa dần thì còn ai cần các ông nữa. Đàn bà xịn không bao giờ cần đàn ông thua vía mình kiểu dở dở ương ương. Nên là chính vía đàn ông xịn, đừng 8, hãy 7.

Ha ha. Nhưng đọc thì phê. Đọc thôi nhá :))

--------

Lê Hoàng dằn mặt những quý bà 'nghiện' gội đầu

Chỉ những kẻ ngớ ngẩn mới tưởng tiệm gội đầu là chỗ thư giãn. Thực ra đó là sàn đấu, là bãi chiến trường. A, cách ta ba ghế là con mụ nào mới tới kia? Nó mang túi xách gì? LV à?

Nếu muốn tìm một gã đàn ông, bạn chỉ cần ra ba địa điểm: công ty, nhà bạn gái và quán rượu. Nếu muốn tìm đàn bà, bạn chỉ cần đến hai nơi: chợ và tiệm gội đầu.

Chả có tư liệu nào thống kê nổi phụ nữ dành bao nhiêu thời gian để gội đầu. Nhưng nhiều nhà khoa học tin chắc, nếu ít gội đi, nhiều cô gái đã đủ thời gian để lấy bằng tiến sĩ.

Đã xa lắm rồi cái thời trong tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, khi một cô gái quê bưng ra sân chậu nước bồ kết, thả mái tóc và gội đầu một mình, chung quanh chỉ có gà vịt, hoặc chó mèo.

Những cô gái hiện đại ngày nay loại tầm tầm thì đỗ xịch xe tay ga trước cửa, loại sang thì nhảy ra từ taxi, còn loại cực sang thì bước xuống từ xe Mẹc của mình hoặc của bồ, khoan thai đi vào tiệm gội đầu.

Nhìn dáng đi có thể biết ngay đẳng cấp. Phụ nữ trung bình làm theo hướng dẫn của thợ, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và thì thầm đưa ra yêu cầu. Phụ nữ quyền quý đi thẳng tới ghế quen, hất mái tóc ra đằng sau, oai vệ ngồi xuống.

Nguyên tắc của những tiệm sang là chính chủ nhân cắt hay gội thì giá khác, còn nếu thợ làm thì giá khác. Với hàng sộp, chả cần nói, vừa ngự xuống, chủ tiệm (phần lớn là đàn ông) đã như từ dưới đất chui lên, đứng cạnh khách, miệng cười cười, tay vuốt tóc cô hoặc bà nhè nhẹ.

Một nguyên tắc bất di bất dịch là tiệm làm đầu loại cao cấp của quý bà phải do các quý ông làm chủ. Những quý ông như thế không bao giờ được quá già, không bao giờ được quá trẻ, đầu tóc mặt mũi phải lịch lãm và sự nghiệp phải thành đạt. Người ta đến tiệm răng để nhổ răng, đến tòa án để nghe tuyên án, đến cảnh sát để khai mất trộm, nhưng chỉ đứa nào vớ vẩn mới đến tiệm gội đầu để gội đầu.

Bởi chủ nhân của những cái đầu thường gội ở tiệm đâu có bao giờ đội thúng bán xôi, đâu có khi nào gánh đất, chả bao giờ đứng đường đẩy hàng rong. Toàn những việc khiến đầu tóc phủ bụi.

Trong khi đầu các quý bà tới tiệm hầu như chỉ ngồi trong phòng máy lạnh, xức dầu thơm và kẹp tóc bằng kẹp khảm vàng thì về bản chất, ba năm cũng không dơ. Không dơ nhưng ngày nào cũng tới vì những lý do sau: 

1. Không tới thì không biết làm gì.

2. Không tới thì có chỗ nào để khoe mình sang mình giàu. 

3. Không tới thì làm sao biết hôm nay đứa nào không tới.

Cho nên gọi tiệm gội đầu là câu lạc bộ quý bà cũng chẳng sai. Chỉ khác một điều, những câu lạc bộ này ai cũng làm chủ tịch, không ai chịu nhường vị trí đó cho ai.

Một quý cô chân chính khi ngồi xuống ghế lập tức phải ngả đầu ra để chủ tiệm hỏi ý kiến xem có sửa gì không. Nhiều lúc chỉ tỉa một chút thôi, hay thay đổi kiểu chải, thay đổi độ dài ngắn cũng là đề tài thảo luận sôi nổi.

Trong khi mái tóc đang được cân nhắc thì bàn chân và bàn tay được thợ quen tự động săm soi, đưa ra ý kiến nên làm móng hay nên thay đổi màu sơn. Tuy nhiên, tất cả những công việc tất bật như thế chỉ nằm trong phần kỹ thuật, là thủ tục nhập phòng.

Cô gái cao quý sau khi ngả người, sau khi ban phát xong các chỉ thị bèn kín đáo liếc nhìn bên phải hay bên trái, đằng trước hay đằng sau. Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn mới tưởng rằng tiệm gội đầu là chỗ thư giãn. Thực ra đó là một sàn đấu, một bãi chiến trường.

A, cách ta ba ghế là con mụ nào mới tới kia? Nó mang túi xách gì? LV à? Nhìn cái mặt nó chắc không mua nổi rồi, chắc lại lão bồ già nào mới cúng thôi. Nom nó lòe loẹt, nhà quê thấy rõ. A, còn đằng sau mình là mẹ nào thế? Già như vậy sao còn bày đặt nối tóc xù. Hình như con mẹ này trước là bồ lão Tư, nghe đồn vừa bị vợ lão túm áo cảnh cáo ở tiệm phở, bây giờ cứ vênh vênh làm như quý phái. Kinh! Còn em kia mới bước vào, ca sĩ gì mà hát như giấm chua, tay chân còn dính phèn hôm nay đã bày đặt vô đây? Chỗ này bây giờ lung tung quá, chả còn thứ tự gì cả.

Đang suy nghĩ, đang lườm nguýt thì điện thoại kêu. Nhẹ nhàng cầm lên: “Chị Ba hả? Em bận lắm, đang làm tóc. Tối nay lại phải đi tiệc nữa, mệt ghê! Dạ, em vừa ở Paris về, bên Anh lạnh quá… À, chị nhắc em mới nhớ, để em phôn cho thư ký chuyển tiền cho chị, năm tỷ đủ chưa? Dạo này làm ăn khó thực. Chị rảnh chạy ra đây, hay em bảo xe qua đón? Thôi, ok!”. Đóng máy, nhìn chung quanh một cách hả hê. Hôm nay mới "trưng" sơ sơ thế.

Tất cả những phụ nữ vào tiệm gội đầu sau một tiếng đã đi ra chắc chắn là dân chưa thành đạt. Phải ít nhất ba tiếng trở lên mới có số má. Đến tiệm nào, chọn thợ nào, ngồi ghế nào, ngồi bao lâu đều không hề vô tình mà tính toán kỹ.

Cái răng, cái tóc là góc con người. Răng thì chưa ai thấy, chứ tóc thì lúc nào chả xổ ra. Răng có thể không mang lý lịch chứ nhìn tóc là biết ngay tuổi nào, gu thẩm mỹ nào và giá tiền nào, phải hết sức cẩn thận.

Đàn ông tự đắc vào bàn kêu chai rượu XO ba triệu đồng nhiều khi mặt cứ vác lên. Trong khi đàn bà sành điệu chỉ nối tóc sơ sơ và hấp dầu cũng năm bảy triệu coi nhẹ như lông hồng, cho thấy các ông “cò con” và tội nghiệp ra sao.

Tiệm gội đầu thực sự là nơi các bà các cô so cao thấp sang hèn, là nơi thơm phức nhưng đầy kịch tính.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

ĐUA TRUYỀN NƯỚC GIỮA LỚP ĐỂ LUYỆN THI ĐẠI HỌC



P/S: 
Cứ ngỡ con mình, dân mình đã là những vật thí thân đau khổ nhất vì thói đời chuộng khoa cử, hư danh. Cứ ngỡ mình đã, đang  quá khắc nghiệt khi ốp con vì đời con. 

Té ra thằng Tàu Khựa còn tàn bạo hơn nhiều. Xem bài này mà ớn lạnh. Gần đây liên tục các tin kinh hoàng, kinh tởm về xã hội Tàu: sấy trẻ sơ sinh làm thuốc tăng lực, mổ không gây tê, gây mê người theo Pháp luân công để lấy nội tạng, giờ thêm vụ này. 

Mẹ kiếp, xứ Việt thường không thua Tàu là bao về tốc độ "áp dụng mô hình" mà "anh" Khựa bước trước. Thề là nếu ở xứ Việt diễn ra tình trạng này, mình sẽ không bắt con mình phải học để thành... con vật như thế. Chữ nghĩa đâu chỉ có học ở đại học mới có, tiền bạc đâu phải do cái bằng đại học đảm bảo  mà thôi.

(Dân trí) - Các bức ảnh đã được đăng tải trên mạng Internet cho thấy nhiều học sinh Trung Quốc được truyền nước ngay giữa lớp học để tăng cường sức khoẻ trước kỳ thi đại học nổi tiếng là khắc nghiệt.

Các chai nước và dây truyền được treo la liệt tại một lớp học.
Các học sinh tại trường trung học Xioagang ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đã được truyền các chai nước. Đây là một ví dụ nữa cho thấy các học sinh nước này phải vất vả như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi đại học.
Các chai nước được cho là được bổ sung axit amin nhằm tăng cường sức khoẻ, tăng sự đề kháng và giúp các học sinh tỉnh táo.
Gao Pingqiang, một quan chức của trường Xioagang, cho hay việc truyền nước đã trở nên phổ biến với học sinh vì nó giúp giảm bớt căng thẳng và không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ.
 
Việc truyền nước đã trở thành bình thường tại trung học Xioagang ở tỉnh Hồ Bắc.
“Nhà trường sẽ không cấm việc truyền nước và chúng tôi sẽ tiếp tục làm nếu các học sinh muốn như vậy”, ông Gao nói.
Tuy nhiên, tờ Chindaily cho hay chính phủ đang điều tra việc truyền nước, trích lời các chuyên gia nói rằng việc làm đó là không cần thiết và có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Không ít cư dân mạng đã chỉ trích mạnh mẽ hành động truyền nước cho các học sinh.
 
“Việc các học sinh truyền nước không có nghĩa là họ bị bệnh, mà điều đó chứng tỏ xã hội bị bệnh”, một người viết trên mạng xã hội Sina Weibo.
“Đây chỉ là một hành động khác nhằm lừa gạt mọi người. Thật không thể tin được khi các trường thiếu kiến thức cơ bản. Chắc chắn các bạn biết rằng ai đó đứng đằng sau những cảnh tượng này đang kiếm lời”, một người khác viết.
 
Nhiều người tại Trung Quốc xem kỳ thi đại học, diễn ra vào tháng 6 hàng năm, là một cuộc thi “sống còn” có thể quyết định sự nghiệp tương lai và đường hướng cuộc đời của các học sinh.
Kỳ thi đại học khắc nghiệt, được ví như “cuộc xô đẩy của 10.000 con ngựa nhằm cố gắng vượt qua một cây cầu nhỏ hẹp”, là một tháng “đen tối” đối với các học sinh. Các trường hợp học sinh tự tử xảy ra hàng năm trước và trong kỳ thi.
Một số câu hỏi trong các thi rất khó hiểu. Vào năm 2010, một câu hỏi trong bài tiểu luận 800 chữ hỏi: “Tại sao phải đuổi chuột trong khi vẫn có cá để ăn?”.
 
An BìnhTheo Dailymail

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

NGHỈ NGƠI TÍCH CỰC



Thề là nghỉ ngơi tích cực chưa chắc đã phải là nghỉ ngơi đích thực hoặc thích thực.

Mình biết người ta quan niệm nghỉ tích cực  là không nằm ì cho mụ mị. Phải làm nọ làm kia, thu lượm, bổ sung kho tàng thể chất, tinh thần... Rồi tính cả đến những lợi ích cho cá nhân, gia đình, cộng đồng... Thôi, nghỉ ngơi  đích thực chủ yếu là được sống theo cách của mình trong những phút nghỉ ngơi. Mình thế vậy. Có thể cũng trùng với tích cực nhưng  thường thích thực với mình là thỏa mãn ý thích sống như... độc thân trong không gian của mình. Để rồi hồi sức, là mình riêng tư, nhận ra mình vẫn chưa hòa đến tan biến, tan nát vào guồng xoáy bổn phận cuộc đời. Nghỉ xong lại vật lộn thôi mà. Có phải những lúc không nghỉ thì mình ưỡn ẹo sống, chả cất tay động chân việc gì đâu mà lại phải chờ lúc nghỉ ngơi mới tích cực.

Mình chả khoái đi xa trèo núi, lội nước. Có suất du lịch thắng cuộc thi mình cũng ... bán quách. Thật là trái khoáy. Cả một công ty du lịch hoành tráng tổ chức cuộc thi kiểu "tôi yêu du lịch" mà giải ba lại rơi vào tay cái đứa nói giỏi hơn đi. Có gì đâu. Vì mình thích nghỉ theo cách của mình. Có thế nghỉ mới là thích thực.


Mình thích nghỉ tức là ở nhà. Ngủ xả láng, muốn làm gì thì làm. Không có bất kỳ sức ép nào về thời hạn công việc, nợ nần từ tiền tới tình. Tốt nhất là nghỉ mà có ba lũ nhóc ở nhà để mình thích làm việc nhà, việc kẹp con thì làm, không thì đã có ổng gánh tuốt. Thì lúc ổng đi hun hút mình đã è cổ gánh rồi. Chẳng qua đó là lúc mình nghỉ ngơi để lại tiếp tục thay vai ổng thôi. Sao mà mình không tài gì học theo mấy bạn cơm dẻo canh ngọt thờ chồng. Chờ chồng thì được, dẻo và ngọt để chờ. Nhưng thờ bằng cách gánh tuốt thì mình không đủ sức khỏe và sức kiên nhẫn để làm đờn bà thế kỷ xưa lắc. Dĩ nhiên ổng không làm thì mình làm. Nhưng thế thì mình cần gì chồng. Hè hè.

Ngày nghỉ, có đủ chồng con bên cạnh cũng đã là niềm vui. Nhưng nghỉ mà cứ hùng hục kê dọn nhà cửa, lo sửa hết cả lố đồ gỗ, láp top, đồ điện hỏng... và những mối lo vần vũ trong lòng vì con sắp thi, vì khoản nọ, chuyện kia, vì... thì lấy tích cực làm chữ an ủi chứ chả hề thích thực. Khổ thân cái kiếp làm Chuồn vợ, Chuồn chồng, Chuồn con .

Ối zồi ôi. Nói thật, nhỡ sếp có đọc được cũng đành, chỉ thích nghỉ kiểu... trốn việc để một mình ở nhà. Nằm khèo, ngủ hoặc làm gì đó tùy ý. Thích trốn buổi sáng để la cà hàng quán buôn chuyện với mấy mợ bán đủ thứ trên đời trước cửa nhà mình. Thích chuồn đi đâu đó tám bậy tám bạ với mấy mợ nào đó hợp cạ. Cũng cứ là thích thực, đích thực. Ờ, thế thì cần gì hóng ngày nghỉ đúng lịch nhà nước cho nó thất vọng. Hê hê

Nhưng đã trót viết thế này, mai sáng lại chả dám trốn đâu mà, sợ bị soi thôi. Hic.