Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

TIẾT KIỆM MÙA NOEL


1.
Chàng và nàng bắt đầu từ một túp lều tranh, hai trái tim vàng.  

Lãng mạn thừa cho nhiều thế hệ sau. Hai con tin tuyệt đối vào sự có mặt của Ông già Noel mỗi mùa Giáng sinh.

2.
Chỉ đủ tiền mua hai phần quà Noel nhỏ cho con. Chàng thuê... quần áo Noel. Rẻ bằng 1/5 giá mua, bằng 1/20 so với thuê Ông già Noel dỏm.

3.
Ông già Noel phát quà cho hai nhóc. Mẹ xua chúng vào phòng trẻ để mở quà. Đến lượt mẹ dùng quà Noel của mình: Ông già Noel.

4.
Lãng mạn và tiết kiệm quá đà. Phát sinh mối lo quà Noel mới sau 9 tháng : nhóc tì thứ ba chào đời.

5.
- Từ nay hoặc anh thuê đứt Ông già Noel, dỏm cũng được, hoặc không được tiết kiệm bao cao su khi phát quà. 

Nàng rên rỉ.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

HÒA THUẬN VỚI THỜI GIAN

Trời sinh ra tôi không kiêu ngạo, cũng không bao giờ bị thu hút bởi những kẻ kiêu ngạo. Một trong những phẩm chất ở kẻ khác khiến tôi để tâm chiêm ngưỡng là "có bản lĩnh", trừ bản lĩnh cuồng dại ở mọi kẻ kiêu ngạo. 


Tôi không có hứng thú hòa thuận với những kẻ kiêu ngạo, trừ... thời gian.

Thời gian là thứ kiêu ngạo đến ngang ngược. Nó như kẻ tự kỷ, chỉ biết lao vút đi bất chấp mọi yếu tố khác trên đời. 

Tôi từng không ý thức gì về sự hao mòn nó, sự mất mát nó và sự tốn kém nó vô ích. Khi ấy tôi sống giữa những mùa xuân nối nhau trong veo tênh tênh. Cho đến khi người ta không còn tiện thể thêm  vào sau con số tuổi trời trôi qua của tôi cụm từ "xuân xanh" thì cảm giác thời gian thực sự là kẻ ích kỷ vô đạo. Nó cưỡng bức tôi đến nghẹn thở mỗi kỳ con ốm, con thi, cuối tháng lương, cuối năm gói việc. Đến mức có lúc tôi âm thầm mong... về hưu. Tức là muốn vỗ vào mặt cái kẻ mang tên thời gian độc đoán kia: Mày trôi cha mày nhanh lên cho tao nhờ. Đừng lững thững vô hồn đày đọa tao giỏi việc nhà, bao la việc nước thế này nữa. Nghe tin có thể luật sẽ kéo dài tuổi làm việc lao động nữ, tôi nghĩ chuyện lúc nào đó làm đơn xin hưu non. Khi phát hiện ra trên đời còn đầy người cũng mơ ước thế, tôi thấy mình... đúng.

Nếu không có những đứa con có lớn chưa có khôn thì tôi chả hơi sức đâu mà nhìn lại mối quan hệ của mình với kẻ kiêu ngạo ngàn đời kia. Đồ vô thủy vô chung. Tôi ôm đứa con đỏ hỏn trên tay, nghĩ biết thế mình cưới sớm hơn để đẻ nó sớm hơn, đặng được sống đời với con lâu hơn, lo cho con dài hơi hơn dù chả ai biết chừng nào thì nó sẽ không cần sự quan tâm riết róng của ta nữa, ta tủi thân như đồ bỏ.

Tôi không sợ mình già vì thời gian trôi. Thực ra tôi chỉ đổi thay cho đúng là mình hơn dù nhiều khi cũng thấy trở nên có phần chua chát, có phần bớt ríu ran sôi động. Tôi không tuổi trong cảm nhận về mình cho tới ngày xương khớp, tim mạch quá nhạy cảm với thời tiết thay đổi. Tôi biết đó là sự trả thù của kẻ tự kỷ kiêu ngạo kia vì tôi đã lơ nó đi khi trôi trong vòng cuốn cuộn cuồn nghĩa vụ kiếp người. Tôi chưa biết sợ thời khắc nó và tôi không còn chung nhịp thở dù tôi biết tôi có hết thở thì nó vẫn cứ còn chạy mãi vì loài người còn chưa hết tin rằng họ đo được thời gian tức là chiếm lĩnh được nó. 

Tôi nghĩ tới cụm từ "hòa thuận với thời gian". 

Tôi đánh cắp nó bằng mọi cách sau khi biết sẽ cực kỳ vô vọng nếu rên la mơ ước ngày có hơn 24 tiếng. Tôi đánh cắp nó từ chỗ nọ để hoàn thành những thứ kia vì con mình, vì guồng sống của gia đình mình. Tôi đánh cắp từ tất cả những thứ đó mỗi ngày một khoảng để thả mình vào cõi riêng nhẹ nhõm hoặc hoang mang, ảo ảnh. Tôi học cách tiết kiệm nó bằng cách bố trí sít sao mọi hành động sống, không phải theo cách sống gấp, ham công tiếc việc, ham sống sợ chết mà theo cách "vừa sống, vừa chiêm ngưỡng, vừa tránh những động tác thừa". Dạo này tôi học được cả cách lập tức quên đi, bỏ qua đánh phứt mọi thứ làm phiền vô nghĩa với cuộc đời mình. Điều này khiến tôi cực kỳ khoan khoái và thấy mình dùng thời gian thật ý nghĩa.

Tôi cũng chợt sững lại để thấy rằng chả dại gì bỏ thời gian đi tích lũy tùm lum thứ mà không lập tức quay về sử dụng, hưởng thụ những gì mình đã chắt chiu được. Tôi sững người còn vì phát hiện ra mình từng rất kế hoạch trong việc lao đi và giờ đứng lại để bền vững cũng lại là một phần trong kỹ năng kế hoạch hóa cuộc đời cực kỳ quan trọng.

Tôi phát hiện ra mình đã hòa thuận hơn với thời gian dù chưa đủ thiết tha quý hóa nó như thực ra phải thế. Đó là nói thật vì những tháng ngày này tôi vẫn chưa được yên thân với nhịp đi vô cảm của nó. Tôi muốn, tôi hiểu mà chưa giỏi hòa thuận với nó.

Thì nó vẫn kiêu ngạo và tôi vẫn là kẻ vô tâm trước nó. Ha ha. Tôi không định vì không thể thay đổi nó. Tôi chỉ cảm ơn vì gần đây mỗi cột mốc đánh dấu nó đều nhắc nhở tôi nên làm gì đó cho mình, cho đời mình và những người liên quan tới đời mình để khỏi hoài phí công trời bắt tôi phải biết rằng trên đời có kẻ kiêu ngạo tên THỜI GIAN.

P/s: Viết sau khi comment ở nhà một người bạn cụm từ "hòa thuận với thời gian".

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

VÔ ĐỀ CÕI THẾ



Có những ngày gió nghẹn
Viết cũng chả thành câu

Có những nỗi khiếp đau
Gặp người là dị ứng

Có những mùa rất trũng
Bất động chờ trôi qua

Có những phút xưa xa
Vịn vào mà đứng dậy

Có những lần thế đấy
Tự nhủ, ấy cõi mình

Trầm, bổng nỗi nhân sinh
Biết đâu còn may chán.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

CO LẠI KHI LẠNH

Nguyên tắc nóng nở ra, lạnh co lại luôn đúng.

Cư xử thì xởi lởi trời cho, co ro mất hết. Dung nhan thì nóng máu lên mặt nở bừng bừng, còn khi lạnh lùng từ tâm lạnh đi thì cái vòi nào đó... co lại.

Chả biết năm nay Tết lạnh hay ấm? Lạnh quá hoa lại chột nụ, nóng quá nở toe trước Tết để trúng lễ chỉ còn quả non với cuộng. Oài.

Bay từ Hà Nội, trời vào tiết lạnh, ghế taxi lên sân bay hôm ấy có 3 người là chật ních. Thế mà vào tới Xì Goàn, nóng cuối hè, vẫn ghế taxi y hãng lại rộng tênh dẫu vẫn 3 kẻ cũ kia. Nóng thì xe nở ra hay vì nóng thì cởi hết áo ấm cồng kềnh rồi, ghế rộng ? 

Lạnh, co ro cả thân hình chưa quen hơi giá lẫn hành vi cử chỉ. Chả muốn đi đâu, gặp ai nhiều. Thấy những hầm hập dòng cuốn ngoài kia cũng nguội đi hay sao. Chỉ biết mình bớt những cuống cuồng chân chạy. Thấy đời là chiêm bao, giấc chiêm bao dài hơn đêm mùa đông này. Thế thì vội hay không là cần thực hay ảo giác. Chân tay xuôi xuôi, như con gấu tim đập chậm lại trong giấc ngủ đông.

Lạnh về đánh ào. Sáng còn hanh hao thu sót, qua trưa, chiều tới  đã thấy hơi buốt len thuốt. Cơm nước xong, sợ mai lạnh hơn thì cái sự chăm chỉ còn co nhỏ lại nữa, tự động viên mình rửa bát cho mau mau, không dám kềnh càng trên giường, mặc xác chậu bát rếch...

Sống chầm chậm, co lại, thấy dễ chịu vài thoáng. Thoáng nhẹ nhõm hiếm hoi khi đầu óc co bé lại bằng quả nho , chả nhớ được mình có cần phải bực bội điều gì. Hic. Hay là lạnh về làm cho kungfu xem sự to là sự nhỏ, sự nhỏ xem như chả liên quan, được hỗ trợ vươn lên đỉnh thành công. Hê hê. Gì không dám chắc chứ thói đãng trí của người sắp già thì rõ ràng đang không tuân thủ quy  luật gặp lạnh co lại, nó cứ phình ra.

Lạnh phát, quần rộng bụng ngay. Hơi buồn vì mới lên được dăm ký lại tụt thì... Nhớ ra trời lạnh thì cái gọi là eo của mình cũng co lại là đúng roài. Hê hê. Lạnh thì kiểu gì chả bỗng dưng theo xu hướng co mình lại, thót bụng vì mặc không đủ ấm.

Và mình biết, đỉnh cao ảnh hưởng của lạnh là teo ví. Ví teo đến lây viêm ra màng túi. Một là vì đi ngang phố quá dễ phải lòng những khăn, mũ, quần áo rét hứa hẹn ấm êm. Hai là vì sẽ... Tết. Không dám nghĩ nữa đâu. Tết thì ví teo khủng khiếp lắm, te tua lắm, tởm lắm...

Chợt co hết cả người ngợm thêm một bậc nữa như hòng trốn... Lạnh lan đến gáy ... 

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Đổi La Sát lấy chị Hằng



Có sao xài vậy bớ chàng
Than khóc, la làng mà đổi được chăng 
Đổi La Sát lấy chị Hằng 
Dăm ba bữa lại cắn răng kêu Trời 
Đứng núi mà ngóng núi thôi 
Phở hay cơm cũng chuyện đời vòng quanh.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

ĐI CHƠI VỚI CON: NIỀM VUI hay CHIÊU DỤ TÌNH ?


Kính thưa các Mẹ, các Bố, các U, các Thầy!!!
Bao giờ con yêu mẹ nhất, hớ hớ, hóa ra có một mẫu số chung của lũ chíp chíp, hôi hôi. 
Xem video thì biết!






Bé iu mẹ nhất không phải là vì được mẹ cho ăn cao lương mỹ vị hay mua những món đồ chơi đắt tiền, mà là khi mẹ dành thời gian dẫn bé ra ngoài chơi. Theo nghiên cứu của StrategyOne thì có đến 91% trẻ em Việt Nam dành quá nhiều thời gian rảnh rỗi để xem TV hoặc chơi game. Vì sao? Có phải vì mẹ dành ít thời gian cho trẻ???
Thở phào, may quá, té ra nó có yêu mình!!! Thở hắt, thời buổi này mà co kéo quỹ thời gian để thực hiện không phải là chuyện nhẹ như lông hồng nhá nhá nhá!
Tám thử xem các phụ huynh nhà ta đã và đang thực hiện chiêu dụ tình này thế nào rùi đê!

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

KHI NÀO CON YÊU MẸ NHẤT?




Quốc An nhà tớ luôn khẳng định CON YÊU MẸ. Có lúc nào đó hắn vùng vằng "Con ghét mẹ" thì cũng chỉ là khoảnh khắc nhanh trôi, nhanh quên. Nhưng thừa nhận có đôi lúc hắn YÊU MẸ HƠN BAO GIỜ HẾT. Nhóc nhà các mẹ khác có thế không?

Mẹ Chuồn tớ có kế hoạch sẽ post mỗi tuần một video hoặc topic nào đó liên quan tới chủ đề "CON YÊU MẸ NHẤT KHI NÀO" để các Mẹ cùng nhà Chuồn chia sẻ bí quyết "độc quyền trái tim chíp hôi" và các khoảnh khắc đáng chết lịm đi vì phê do nhóc tì mang tới. Ủng hộ dạt dào nhé. 

Mở hàng là chuyện cặp công chúa sinh đôi bật mí tình yêu mình chôm được trên mạng.
Quả thật, trẻ con là "quan tòa" công minh nhất trên đời. Thích thì nói thích, không thì nói không. Khác với người lớn, bé không cần mẹ đi làm suốt ngày để chuẩn bị tài chính cho tương lai hay cần mẹ mua cho thật nhiều đồ chơi. Trẻ con đơn giản là chỉ thích mẹ dẫn mình đi ra ngoài chơi đùa, khám phá thế giới xung quanh mà thôi....

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

ĐÔI TA ĐÃ GIÀ CÒN CHI ANH ƠI!



Lâu nay em chỉ thường ao ước một ngày dù tóc sương, da mồi, mắt khói thì vẫn còn hai kẻ lúi húi hông sát hông nấu cháo cho nhau ăn, vai kề vai dìu nhau qua phố có lá thu bay. 

Từ nhiều năm trước em từng thấy một cặp đôi như thế tay trong tay chầm chậm nhíp từng bước gót nối gót. Câu hỏi cháy trong trái tim dễ xúc động của em: "Nhờ tình cảm hay  tình cảnh mà có một phút giây trần gian thế kia?". Bởi mắt bà toát lên nhẫn nại, còn ông thì rất giống vừa qua cơn  đột quỵ dậy tập đi. Rùng mình một cú nhẹ trong tâm khảm nhưng rồi thấy còn được thế vẫn là hạnh phúc chắt chiu.

Em biết đôi ta đã không còn trẻ nữa. Thiên hạ thì họ nghĩ chúng ta già từ khá lâu rồi chứ đâu biết cái sự trẻ trung nấp ở góc riêng chỉ ta với ta. Ai bảo đỏ vỏ là chín, là ruột hết xanh? Nhưng chỉ gần đây mới thấy già, tự thấy hình như thoáng khoảnh khắc già.

Trước làm gì có vụ so le chồng yếu vợ khỏe. Thế mà gần đây liên tục lúc anh khỏe, em mỏi, đến em khỏe anh lại oải. Tình hình chung tổng kết là hai ta đã mất mấy phần sung. Thế là ưa nằm xoài hơn đu đưa chơi bời. Hai nhóc nhà mình mất suất ăn theo tối tối dạo phố ăn quà. Thời tiết sang thu hắt xì cảm cúm xoành xoạch, độc thật.

Đêm kia mới thật là đêm. Kim chỉ tìm nhau. Chỉ vuốt cứng thế quái nào mà đâm trượt trôn kim tròn thô lố. Miệng vẫn động viên chồng làm lại liên tục nhưng bụng em ngậm ngùi thừa nhận ta đã có già. Trò đời xưa nay đến ngày mắt mũi tèm nhèm thì kiểu gì dấu hiệu đầu tiên chả là chỉ, kim lộn  xộn. Ôi anh! Em loay hoay giúp anh rồi cũng chỉ để cay đắng thừa nhận giải an ủi: chúng ta già đều. Cuối cùng con gái lại phải tinh mắt xâu kim cho mẹ khâu giúp ba cái cúc áo sút chỉ. 

Đêm qua. Đêm qua thì em biết mình đã không lượng được sức. Đêm qua em đã sai. Em thừa nhận anh ạ. Khi nhận mình sai vì biết mình già người khác nghĩ gì nhỉ? Em thì em không nghĩ nổi gì nữa. Đầu óc hoa cà hoa cải nở bung beng. Đêm qua em đã câu giờ bắt  anh chờ rất khuya. 

Gần 2h sáng em vẫn ngồi đánh đu với con chữ, màn hình. Em cố, mà em quên mình đã già, không thể bỏ ngủ để chạy theo tiếng gọi lãng mạn của cảm xúc như những đêm ta cùng thâu canh xưa xửa xừa xưa. Em quên anh đã không còn trẻ nữa để đợi được em. Khi em quẹt chân leo lên giường thì anh đã vào chương trình "ngáy cho đồng bào tôi nghe" từ bao giờ. Em buồn và em ngủ tít. Sáng ra em còn khó nhấc thân lên. 

Ôi, ta đã già khi nghe anh làu bàu" già, ham chi nữa mà lọ mọ đêm hôm cho ra nông nỗi này!".

Đôi ta đã già, còn chi anh ơi? 
Nhưng bỏ gì thì bỏ, kim chỉ là không có vứt! Hé hé! Khâu vá, chằm đụp là thứ đời này còn cần dẫu có da mồi, tóc bạc, mắt khói sương.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

CÔNG DỤNG PHÁT SINH CỦA MŨ BẢO HIỂM

1.
Tự cái tên đã hàm chứa xong công dụng của nó, hỏi gì nữa không?
Không hỏi gì nữa. Về lý thuyết thế là đủ, cực đủ và thừa đủ. Tuy nhiên nếu chỉ đội lên đầu, đi ra đường thì chưa đủ, mới chỉ đu đủ thôi. Đấy mới chỉ là sơ khởi trong đại cương về công dụng của mũ bảo hiểm.
Xét từ lý do đội mũ bảo hiểm của bà con ta thì công dụng của loại mũ này có khá nhiều phần không vì để bảo vệ thân thể, à quên, bảo vệ cái đầu.
Công phu quanh năm suốt tháng chịu một lực đè "nhiều nhỏ góp lại thành to", vẹo luôn đốt sống cổ, tăng vô số phần trăm nguy cơ thoái hóa từ đốt sống, đĩa đệm đến toàn khung xương mà chỉ để bảo vệ cái đầu thôi thì bất chấp đầu to cỡ nào, IQ cao cỡ nào cũng là phí phạm công suất và... quá thật thà.
Truyền thông sử dụng mũ bảo hiểm bàn về rất nhiều thứ lợi ích, cả cho người đội, cho con người đội, cho nguồn nhân lực, cho quốc gia đủ kiểu. Điều chưa nói ra là nó tránh một phần nguy cơ tai vạ cho những người có xác suất gây tai nạn cho... ta: giảm mức độ đền bù cho hậu quả của cú đâm chả hạn.
2.
Nó liên quan tới phong trào bình đẳng giới.
Không phải nhờ nó mà đàn ông đàn bà gần nhau hơn. Xa cách hơn thì  có. Đội hai cái nồi cơm điện đèo nhau ra đường, có dịu dàng gục lên vai anh được đâu.
Nàng không thể sửa lời bài hát thành "em gửi cho anh cái mũ bảo hiểm", anh chả nhờ cái nón bảo hiểm mà galant đưa nàng qua cơn khát như cụ ta chân lấm bùn xưa. Mũ bảo hiểm thì không thể  đem... múc nước suối, nước sông, nước hồ, nước ruộng uống như nón. 
Nói chung so kiểu này thì mũ không tuyệt vời tiện lợi và lãng mạn như nón bài thơ rồi. Người ta đội mũ bảo hiểm vì thời nào thì đi xe máy cũng đố ai  đội nón mà yên được thân với gió. Nón cũng không được bên công an duyệt cho đội thay mũ bảo hiểm. 
Vấn đề ở chỗ đội mũ bảo hiểm dù có lòe loẹt thì một ông mày hùm râu én cũng không bị xem là đội nón vợ. Công dụng của mũ bảo hiểm không phải là khẳng định bản lĩnh đàn ông, vì đàn bà cũng đội. Nó là công cụ khẳng định bình đẳng giới. Ai cũng đội, bình đẳng trước nhau và trước pháp luật.
3.
Nói toạc ra thì công dụng của nó vẫn là bảo hiểm thôi. Nhưng là bảo hiểm cho... cái ví của bạn. Nhìn từ khía cạnh này thì mũ xịn, mũ đểu cũng giá trị như nhau hết. 
Mình không có ý nói công dụng của nó là "chống công an". Đơn giản chỉ nên nói rằng: nhờ nó mà mấy chú ấy khỏi bị làm phiền khi phải bất chấp nguy hiểm phi thân ra giữa dòng xe cộ cuồn cuộn tóm ta để ...  Chưa chắc để phạt, vì phạt thì phải có hóa đơn, biên bản kèm theo cơ. Chỉ tiền xì ra không thì chưa phải là phạt mà là ta đang làm... hư công an thì có. Tận cùng của mọi thái độ, mức độ nhắc nhở thấp giọng, cao giọng, mềm như lụa, rắn như thép, nóng như lửa cũng chỉ để lần sau ta biết xót xa cho cả ví lẫn thân ta mà thôi.
Đang định kiếm cái mũ có phản quang, màu sắc ngon nghẻ mỹ thuật tý để khỏi làm phiền các chú khó nhìn trong đêm mà lại phát huy được tác dụng thời trang làm đẹp của mũ bảo hiểm. Giá nào cũng mua, bất chấp xịn, đểu, bất chấp ... Giá nào mình cũng đội mũ bảo hiểm. Phấn đấu không quên đội mũ bảo hiểm. Tự giác hoàn toàn, kể cả nếu pháp luật không quy định nữa.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

HỌC ĐỂ LÀM GÌ HẢ MẸ?


1.
Hồi ấy cậu Dương mới 10 tuổi, dì Dế 6 tuổi.
 
Hình như Dương và Dế trêu ghẹo nhau gì đó lúc chuẩn bị đi ngủ. Dế rú rít lên giữa khuya khoắt. Ba bắt xếp hàng chào roi.
 
Cuộc giáo dục công dân lời A dẫn qua lời B tới chỗ từng đứa phải trả lời câu hỏi học để làm gì?
 
Cậu Dương lớn, trả lời trước, tuôn nguyên tràng dài thòng về lợi ích của sự học theo những gì cậu còn nhớ được qua bài ở trường và các trận đòn trước của phụ huynh. Kết luận: ba roi vì biết thế mà học mãi vẫn cứ nghịch dại, vẫn ngu.
 
Tới lượt  dì Dế. Rút kinh nghiệm đàn anh. Khỏi vận công nhớ ra những giáo điều mà dì có lẽ chưa kịp  ngấm bao giờ. Dì trả lời gọn lỏn: Học để mà... ngu ạ.
 
Kết quả rất hoành tráng. Ba mím môi khỏi phì cười vì đang trót giữ vị trí tổng thanh tra. Mẹ rút ngay vào buồng để khỏi phì cười trước mặt con mất oai. Chị Thu con nhà bác ở quê ra chơi vọt vội ra vườn bưng bụng cười. Chị Chuồn xả láng rú lên cười vì lúc đó đã 14 tuổi, đang ôn thi vào cấp 3 (hệt Hà An giờ) nên độ... ngu cao là đúng, không biết sợ ba đang trừng mắt, giương roi mây.
 
2.
Mấy ngày nay Quốc An đã vác đầu đến làm học trò lớp 1 dự bị của một  cô mà mẹ ngấm ngầm tia xin làm cô chính thức cho con.
 
Mấy đại sư ngành tâm lý có dứ 'Dạy trẻ học viết trước khi vào lớp một là sai lầm' nhưng mẹ nhìn từ góc xã hội học thì quyết đưa con đi. Mà nói thế cho oai, chỉ nhìn từ góc "vãi linh hồn" trước cảnh lũ trẻ con thảy đều lo gom chữ gom số trước khi vào lớp một  vì cả nước nó thế thì đã cun cút lo đưa con đi học sớm rồi. 
 
Ai chả biết cho nó chơi nốt hè này, nó đi học lớp 1 sẽ là "ngày đầu tiên" đi học thì mới phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Nhưng lúc ấy vào trường, con nhà người ta không những đọc viết bon bon rồi mà con  mình chưa thuộc xong bảng chữ cái thì mặt bằng đấy, mày làm gì đi? Dĩ nhiên chỉ còn nước chổng mông lên giời  mà đẩy con thức đến 12h đêm làm xong bài, học xong chữ cho kịp chúng bạn chứ sao nữa. Sức ép ấy sẽ kéo đến hết học kỳ 1, giữa học kỳ 2 may ra kịp. Trong khi rải sớm từ trước thì vào lớp con mới không nằm ở tốp đuôi, không phải chạy theo. Quan trọng nhất là cô sẽ chỉ dạy theo trình độ của nhóm trung bình trở lên chứ sót đôi ba, thậm chí 10 bạn đuối nhất thì vẫn là việc của phụ huynh thôi.
 
Con đi học mấy bữa, mẹ càng thấy mình đúng đắn vì hóa ra đùng phát cô lớp 1 cho các cựu sinh viên Mẫu giáo ngồi suốt ba tiếng thì độ ngọ ngoạy của chúng cực cao. Quốc An bị cô kêu trời vì không bươn ra khỏi chỗ được thì cậu... nhảy lên cho đỡ mỏi. Nếu không rèn từ giờ thì  cái thằng đại bàng  lớp mẫu giáo, vượt chuẩn nhảy cao, nhảy xa này nó sẽ không thể vào nếp mà học với bạn bè.
 
Thương con mặt non nớt, thua các bạn khác gần một năm tuổi, ngái ngủ hỏi mẹ đi học lớp 1 để làm gì. Mẹ chả biết trả lời sao cho thấu đáo. Sự đời mà loằng ngoằng bày tỏ dây cà ra dây muống như cậu Dương hồi xưa thì Quốc An nó hoa mắt sợ học mất. Trả lời theo cách dì Dế hồi bằng tuổi nó bây  giờ thì phản giáo dục dù nó sẽ rú lên cười vì tưởng mẹ đùa. Mẹ đành gửi gắmhọc để về dạy... mẹ.
 
3.
Chị Hà An của nó cũng đang cong đít ôn thi vào 10. Còn có  một tuần thôi. Chị nó gầy xọp trông thấy. Nỗ lực mẹ rú rít và đổ tiền đổ của bù hổng suốt năm qua cũng đã có phần hiệu quả nhưng những cơn lo của mẹ vẫn trào và  chồm liên tục.
 
Chị nó thì không bao giờ hỏi học để làm gì nữa vì đã nghe đầy tai trên lớp, ngoài đường rồi. Có điều động cơ số một khiến chị nó tăng tốc cắm mặt vào văn với toán lại đơn giản chưa từng có "Nếu không đỗ, đi học dân lập thì nguy to. Tụi  ở đấy chỉ cần ngứa mắt chả vì lí do gì là nó đánh bép xác ngay". Thế đấy, ba mẹ dạy mãi không nghe, chỉ nghe bạn bè nó rỉ tai thế là xong luôn. 
 
Công nhận thời gian sau này Hà An có ý thức hẳn về vấn đề học. Giá nó được thế từ hai năm trước thì làm gì có chuyện sụt rồi ngoi thế này. Mẹ lo lắm, lo đến mức chỉ cần nhìn Hà An đi ngủ lúc 10h đêm là mẹ đã muốn... điên vì nghĩ nó không chịu học. Rồi lại phải tự bấm đốt tay để nhớ là mình đang bị sức ép hơn cả nó. Thực ra nó đã bù toán khá ổn, văn thì cô giáo bảo mấy ngày nay nó làm đề không cần giở tài liệu tra rồi.
 
Hà An hỏi sau vụ này là hết nợ mẹ nhỉ. Mẹ thương mà phải tỉnh bơ "thì chơi chục ngày rồi tiếp tục bù Lý, Hóa, Anh mà đi học lớp 10 chứ con". 
 
Con ơi, học trước hết chỉ để kiếm cơm thôi, sự thực phũ phàng là thế. Nhưng nếu con không học thì lòng mẹ sao yên.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

PHÍA SAU CUỘC CHIẾN là VÔ VÀN CUỘC CHIẾN... Bởi chiến tranh không phải trò đùa.

PHÍA SAU CUỘC CHIẾN. Cuốn sách không dày. 340 trang, khổ bình thường - 14 x 20,5 cm. Nhưng có lẽ không bao giờ tôi đủ sức đọc hết, càng không bao giờ đọc kỹ nổi nó.


Xã hội, một thực thể bạo tàn. Nó nghiền nát mọi thân phận con người không chỉ theo nghĩa bóng mà cả nghĩa đen tuyệt đối. Con người có thể tự trào "nhân định thắng thiên" nhưng để thắng chính mình thì thề là vĩnh viễn đang trải qua những liên miên chiến trận. Con người càng không thể nào thắng nổi xã hội - một guồng máy cuồn cuộn các "sự kiện xã hội". Xin lỗi vì bữa nay tôi dùng thuật ngữ xã hội học, dù không có ý định hoành tráng gì. Sự kiện xã hội hiểu nôm na là thứ sự kiện xảy ra trong xã hội, mang một áp lực tuyệt đối với con người bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của nó, chi phối nhận thức và hành vi của con người theo cách dội từ ngoài vào họ. Họ hấp thụ những gì nó dội vào, thích ứng một cách tự nhiên và tuân thủ nó càng tự nhiên hơn nữa. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn, xin đọc thêm Emile Durkheim.


Dài dòng thế vì tôi muốn nhắc tới một loại sự kiện kinh hoàng - chiến tranh, tội ác, thảm sát. Chiến tranh là một thứ sự kiện xã hội hãi hùng nhất mà con người có thể gây nên, bắt nhau phải chịu đựng không chỉ vỏn vẹn trong khoảng thời gian giữa bùng nổ và một bên chiến thắng. Trong loại sự kiện đó con người bị cuốn đi, có thể rơi vào vòng mất hết nhân tính và thú tính lên ngôi, đạt đến sức huỷ diệt mạnh hơn bất kỳ thứ vũ khí nào.


Vô vàn sách vở, tài liệu. Vô vàn di chứng chiến tranh đủ mọi mặt trên những mảnh đất diễn ra cuộc chiến, ở những nơi đâu con người từng trải qua, gây nên hoặc chịu đựng, đang "phải sống" tiếp. Sẽ không lạm bàn về nó. Ngay trong một FL bé nhỏ của tôi, chừng trăm mặt người cũng đã bao nhóm thân phận khác biệt, vài lối nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam.


Tôi không bao giờ muốn blog mình là nơi thể hiện quan điểm chính trị. Rất nhiều khác biệt giữa chúng ta. Những người bạn thân nhất cũng là những thân phận hậu chiến khác nhau, đôi khi như nước và lửa và hơn thế.


Nhưng bạn nghĩ gì nếu nói rằng mỗi giọt máu đổ ra vô nghĩa trên mảnh đất này, mỗi tổn thương không bao giờ lành miệng trong mỗi chúng ta đều là những mất mát chó chết vì chiến tranh. Những mất mát bình đẳng ở chỗ không bao giờ có thể viện cớ nào để giải thích đầy đủ. Đồ khốn! Những kẻ gây chiến tranh luôn có cách giải thích rất ma quái về hành vi của chúng. Và máu chúng ta, những con người, chảy như sông suối từ chiến tranh ra tận những tháng năm này và rất dài sau đó. Ôi những thế kỷ máu chảy tràn mặt đất, rỉ rách nhỏ trong ký ức bao lâu nữa mới ngưng.


Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi phút giây, vết thương chiến tranh bị khới lại bằng vô vàn cách khác nhau trong tâm khảm những người bước ra từ cuộc chiến - tay có bắn giết và không bắn giết, thường dân và binh lính, thế hệ tham chiến và thế hệ hậu chiến. Đồ chó má, cuộc chiến tranh! Những mẩu nhỏ của cuộc chiến tranh ấy vẫn giày xé kiếp người. Người ta hoá giải như một xu hướng tất yếu, khát vọng của tâm thiện và mong mỏi sự bình an nhưng nào dễ.


PHÍA SAU CUỘC CHIẾN của Deborah Nelson - cuốn sách  điều tra hồ sơ mật lục quân Mỹ. Cựu chiến binh Mỹ đối diện với tội ác chiến tranh gây ra tại Nam Việt Nam. Những chi tiết đầu rơi máu chảy được hồ sơ ghi lại chi li đến rợn người. Sự thật cả đấy. Và chỉ là một góc sự thật từng xảy ra với thân phận con người trong cuộc chiến. Tôi phải viết thế này vì những gì được phơi bầy trong cuốn sách, ở bất kỳ trang nào, đặc biệt ở phần trích hồ sơ là quá khủng khiếp.


Tôi không khuyên bạn hãy đọc hoặc đừng đọc. Chỉ xin nói một điều. Nếu bạn có trái tim, trong trái tim có máu và da bạn biết đau, xin hãy nghĩ về sự vô nghĩa của chiến tranh. Sự tàn khốc của nó nếu viết ra chỉ trong một cuốn sách, dù chắt đọng tới đâu cũng là chưa bao giờ đủ. Năm tháng còn trải ra trước mắt chúng ta, ngày tận thế còn xa lắm. Những câu chuyện chiến tranh sẽ mỗi lúc được phơi bày dần dà từ hai phía của cuộc chiến. Sự thật trần trụi về nỗi đau của con người. Những chi tiết không thể hình dung. Khi độ sắc nét chính trị của vấn đề nhạt dần đi, sẽ tới thời điểm thoát ra của tiếng thét về mất mát phận người. Những mất mát thấy được và không thấy được, chi phối cuộc sống thực thể và tinh thần của những dân tộc, những cộng đồng người, mỗi gia đình, mỗi con người sẽ còn hé lộ.


Chiến tranh để làm gì? Những giải thích lạnh lùng, khách quan của những nhà khoa học xã hội, khoa học chính trị, những lý lẽ của nhà cầm quyền... giẻ rách hết. Chỉ nỗi đau, mất mát của từng thân phận con người biết đớn đau mới phải tính tới...


(PHÍA SAU CUỘC CHIẾN - Deborah Nelson. Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, NXB Thông Tấn. Hà Nội, 2010)

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

CHÂM CHÍCH NHÂN NGÀY CỦA MẸ


1.
Bày tỏ tình yêu với mẹ của con anh là hành vi sinh lợi không chỉ cho đời anh mà cả đời con anh. Nó sẽ học được cách yêu vợ nó từ anh. 








2.
Sớm muộn gì anh cũng yêu Mẹ của ai đó. Nếu anh không yêu mẹ của con anh thì anh đang hoặc sắp yêu mẹ của con người khác. 











3.
Anh không liên quan gì đến Ngày Của Mẹ nếu anh không có rốn. Tức là anh không có dấu hiệu gì của con người có Mẹ.




Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

HOÀNG CẦM GIỮA CÕI DIÊU BÔNG



Người thơ Hoàng Cầm kể rằng nhặt được ngân nga âm thanh tên lá Diêu bông trong một giấc say nồng. Ấy là nhung nhớ kết tinh thành vang vọng lời ảo diệu. Từ bấy giờ, nhân gian cảm động lặn lội tìm lá đó lá chi chi. Chẳng phải khi người thơ hé lộ nguyên do tên gọi lá tình, thì người nào lỡ biết thơ lại có thể lập tức thôi thao thức vân vi định hình một khuôn lá thắm. Do tình đời như suối sông chả biết bao giờ ngừng róc rách niềm hạnh phúc, cuộn cuồn hờn hiểu đắng đót đấy thôi. Tên diêu bông thành một chốn dịu êm cho lòng người dựa vào trong kiếp sông hồ nặng gánh rong ruổi. 

Diêu bông mơ hồ dáng hình. Tình ai nấy giữ. Hồn ai mơ ai cách nào, tâm tính ai ra sao thì sẽ ấn tượng diêu bông theo cách của mình. Chả biết trong giấc mơ đời người thơ Hoàng Cầm khuôn lá diêu bông giống hình trái tim lá trầu, hay mong manh liễu rủ Hồ Gươm, thảng hoặc lại sắc viền lá cỏ biếc triền đê miền Kinh Bắc. Đời thi nhân đa tài, đa tình tới thế, bao phen nhặt lá, thả lá, chả biết tới tận phút cuối có kịp một lần chắc hình chắc bóng lá ra sao chưa. Thôi, cứ để thế huyền ảo diêu bông, thiên hạ muốn là gì thì cứ mơ cho thoả khát vọng tình riêng. Xúc cảm mong manh được một lần định danh cũng đã là tuyệt diệu. 

Diêu bông. Thử đọc thành tiếng đi và lắng nghe chậm rãi vào. Âm thanh tên lá tự nó đã ngân một cung xao xuyến. 

Toàn là thanh bằng. Không có cảm giác phân biệt tính nam, tính nữ ở đó. Chắc vì nhân gian bất chấp liền ông, liền bà thảy đều khó lòng mà thoát được vòng tơ hồng giăng mắc. Tên kết từ hai nhịp âm thanh đều đặn. Có thầm thì mấy ngàn, trăm ngàn lần đôi âm này thì vẫn một miền trước sau như vậy. Hèn chi kiếp người tới chết vẫn còn khó nguôi mong manh gió thổi, mây bay.

Diêu bông. Từng phụ âm, nguyên âm đều rất dễ nói đúng. Dân Bắc hay trật trẹo mấy âm r-gi-d thành d hết. Đã là diêu bông, chả nói sai được nữa. Lời buông ra là hiểu. Rì rầm thoáng bên tai thôi cũng hiểu đúng. Từ trái tim đến trái tim, một chuỗi âm thanh hiền hoà cầu nối. Không có uốn lưỡi gian nan. Phàm dân Việt hay thiên hạ quốc tế đã nhắc diêu bông là cực kỳ dễ tròn vành rõ chữ. Chỉ cần trong lòng anh, lòng ả thực đủ nồng nàn để phả hồn ấm áp vào từng thanh âm phát ra.

Lặng mà nghe âm thanh tên lá. Diêu bông. Gợi không gian miền quê xứ Bắc. Mộc mạc mà kết tinh ẩn hiện hồn người miền Kinh Bắc. Không ồn ào bộc tuệch, lại không khó khăn che đậy. Song để hiểu và giao tình thì người tìm lá không thể vội vàng mà mong mở được then cài. Tên chẳng cầu kỳ. Khát vọng thanh cao nhưng gần với cuộc đời. Chỉ phải nỗi gần đấy mà xa đấy. Tinh tế thắt lòng. Tài hoa đến vậy là cùng hỡi người thơ, hỡi diêu bông!

Diêu bông là thứ chi chi? Mấy người bạn vui chuyện khăng khăng nó là lá rau ngót. Nấu bát canh đảm bảo tỉnh người. Ai kia lại mơ nó là cái lá sen thoảng hương dịu dàng gói cốm xanh. Hễ lảo đảo nắng gió hè thì đội lá ấy che đầu là lãng mạn nhất hạng. Kẻ khác vật vã, nó là lá... ngón. Không tìm thấy còn may. Tìm ra nhấm thử là toi đời chứ báu gì.

Người rằng làm gì có lá diêu bông. Tình yêu là thứ hư hư thực thực cho lòng người khao khát đến lao đao thôi mà. Lá diêu bông có đấy chứ, giống như hạnh phúc ấy. Người xác định được thế nào là hạnh phúc thì cũng hiểu được lá diêu bông là gì. Lá ấy có, nhưng để nó đã có duyên nảy mầm lại trổ được ra xanh mướt thì kỳ công quá thể. 

Không ít độc giả đọc xong bài thơ ấn tượng rằng diêu bông ấy là thứ lá thất tình. Thứ lá ấy là mưu chị váy chùng cửa võng đuổi khéo cậu em dung dăng theo đuôi để còn rảnh tay hái cho đầy giỏ rau khúc kẻo muộn chiều, khỏi lỡ làng duyên trái nẻo. Thực ra, trong bài thơ, chị có lơ mơ cả đêm để bật ra tên lá mà làm khó em đâu. Nếu do em nghĩ ra thì em chả dại gì lại tay mình đập tim mình thế cả. Cảm giác diêu bông kia là có thể lắm, nhưng chỉ vì nó gắn với hoàn cảnh bài thơ thôi chứ chắc không hẳn là nguyên nghĩa tác giả định dùng. Diêu bông, một miền tinh tế mà em mãi mới lớn tới thời khắc hồi xưa ông anh nào đó đủ hiểu để nẫng chị đi. Khi ấy người thơ Hoàng Cầm mới bật ra hình dung lá mà. Nó là lá hữu tình, có điều tới ngày nhân vật trữ tình trong bài thơ vụt nhận ra từ ẩn ức bao năm thì cơ hội đã vời xa.

Thôi, lá gì thì lá. Miễn sao nó cho hồn người ta được trong veo sau bạt ngàn gió bụi buồn vui kiếp người. Ừ, lá diêu bông có công dụng để lắng lòng nhân thế về với cõi thanh tao. 

Diêu bông, cõi ấy người thơ Hoàng Cầm đã trải qua, đã có duyên nhặt được âm thanh vang vọng bao nẻo tình. Người thơ về với miền xa xanh, câu thơ, hồn lá ở lại chốn đây ru đời nhân thế chứa chan. Bây giờ, cái tên diêu bông đã vượt ra ngoài không gian thơ ban đầu để thành biểu trưng tình yêu. Mãi mãi diêu bông còn lại trong bảng vàng đặc sản văn hoá thuần Việt.