Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

PHÍA SAU CUỘC CHIẾN là VÔ VÀN CUỘC CHIẾN... Bởi chiến tranh không phải trò đùa.

PHÍA SAU CUỘC CHIẾN. Cuốn sách không dày. 340 trang, khổ bình thường - 14 x 20,5 cm. Nhưng có lẽ không bao giờ tôi đủ sức đọc hết, càng không bao giờ đọc kỹ nổi nó.


Xã hội, một thực thể bạo tàn. Nó nghiền nát mọi thân phận con người không chỉ theo nghĩa bóng mà cả nghĩa đen tuyệt đối. Con người có thể tự trào "nhân định thắng thiên" nhưng để thắng chính mình thì thề là vĩnh viễn đang trải qua những liên miên chiến trận. Con người càng không thể nào thắng nổi xã hội - một guồng máy cuồn cuộn các "sự kiện xã hội". Xin lỗi vì bữa nay tôi dùng thuật ngữ xã hội học, dù không có ý định hoành tráng gì. Sự kiện xã hội hiểu nôm na là thứ sự kiện xảy ra trong xã hội, mang một áp lực tuyệt đối với con người bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của nó, chi phối nhận thức và hành vi của con người theo cách dội từ ngoài vào họ. Họ hấp thụ những gì nó dội vào, thích ứng một cách tự nhiên và tuân thủ nó càng tự nhiên hơn nữa. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn, xin đọc thêm Emile Durkheim.


Dài dòng thế vì tôi muốn nhắc tới một loại sự kiện kinh hoàng - chiến tranh, tội ác, thảm sát. Chiến tranh là một thứ sự kiện xã hội hãi hùng nhất mà con người có thể gây nên, bắt nhau phải chịu đựng không chỉ vỏn vẹn trong khoảng thời gian giữa bùng nổ và một bên chiến thắng. Trong loại sự kiện đó con người bị cuốn đi, có thể rơi vào vòng mất hết nhân tính và thú tính lên ngôi, đạt đến sức huỷ diệt mạnh hơn bất kỳ thứ vũ khí nào.


Vô vàn sách vở, tài liệu. Vô vàn di chứng chiến tranh đủ mọi mặt trên những mảnh đất diễn ra cuộc chiến, ở những nơi đâu con người từng trải qua, gây nên hoặc chịu đựng, đang "phải sống" tiếp. Sẽ không lạm bàn về nó. Ngay trong một FL bé nhỏ của tôi, chừng trăm mặt người cũng đã bao nhóm thân phận khác biệt, vài lối nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam.


Tôi không bao giờ muốn blog mình là nơi thể hiện quan điểm chính trị. Rất nhiều khác biệt giữa chúng ta. Những người bạn thân nhất cũng là những thân phận hậu chiến khác nhau, đôi khi như nước và lửa và hơn thế.


Nhưng bạn nghĩ gì nếu nói rằng mỗi giọt máu đổ ra vô nghĩa trên mảnh đất này, mỗi tổn thương không bao giờ lành miệng trong mỗi chúng ta đều là những mất mát chó chết vì chiến tranh. Những mất mát bình đẳng ở chỗ không bao giờ có thể viện cớ nào để giải thích đầy đủ. Đồ khốn! Những kẻ gây chiến tranh luôn có cách giải thích rất ma quái về hành vi của chúng. Và máu chúng ta, những con người, chảy như sông suối từ chiến tranh ra tận những tháng năm này và rất dài sau đó. Ôi những thế kỷ máu chảy tràn mặt đất, rỉ rách nhỏ trong ký ức bao lâu nữa mới ngưng.


Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi phút giây, vết thương chiến tranh bị khới lại bằng vô vàn cách khác nhau trong tâm khảm những người bước ra từ cuộc chiến - tay có bắn giết và không bắn giết, thường dân và binh lính, thế hệ tham chiến và thế hệ hậu chiến. Đồ chó má, cuộc chiến tranh! Những mẩu nhỏ của cuộc chiến tranh ấy vẫn giày xé kiếp người. Người ta hoá giải như một xu hướng tất yếu, khát vọng của tâm thiện và mong mỏi sự bình an nhưng nào dễ.


PHÍA SAU CUỘC CHIẾN của Deborah Nelson - cuốn sách  điều tra hồ sơ mật lục quân Mỹ. Cựu chiến binh Mỹ đối diện với tội ác chiến tranh gây ra tại Nam Việt Nam. Những chi tiết đầu rơi máu chảy được hồ sơ ghi lại chi li đến rợn người. Sự thật cả đấy. Và chỉ là một góc sự thật từng xảy ra với thân phận con người trong cuộc chiến. Tôi phải viết thế này vì những gì được phơi bầy trong cuốn sách, ở bất kỳ trang nào, đặc biệt ở phần trích hồ sơ là quá khủng khiếp.


Tôi không khuyên bạn hãy đọc hoặc đừng đọc. Chỉ xin nói một điều. Nếu bạn có trái tim, trong trái tim có máu và da bạn biết đau, xin hãy nghĩ về sự vô nghĩa của chiến tranh. Sự tàn khốc của nó nếu viết ra chỉ trong một cuốn sách, dù chắt đọng tới đâu cũng là chưa bao giờ đủ. Năm tháng còn trải ra trước mắt chúng ta, ngày tận thế còn xa lắm. Những câu chuyện chiến tranh sẽ mỗi lúc được phơi bày dần dà từ hai phía của cuộc chiến. Sự thật trần trụi về nỗi đau của con người. Những chi tiết không thể hình dung. Khi độ sắc nét chính trị của vấn đề nhạt dần đi, sẽ tới thời điểm thoát ra của tiếng thét về mất mát phận người. Những mất mát thấy được và không thấy được, chi phối cuộc sống thực thể và tinh thần của những dân tộc, những cộng đồng người, mỗi gia đình, mỗi con người sẽ còn hé lộ.


Chiến tranh để làm gì? Những giải thích lạnh lùng, khách quan của những nhà khoa học xã hội, khoa học chính trị, những lý lẽ của nhà cầm quyền... giẻ rách hết. Chỉ nỗi đau, mất mát của từng thân phận con người biết đớn đau mới phải tính tới...


(PHÍA SAU CUỘC CHIẾN - Deborah Nelson. Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, NXB Thông Tấn. Hà Nội, 2010)

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

CHÂM CHÍCH NHÂN NGÀY CỦA MẸ


1.
Bày tỏ tình yêu với mẹ của con anh là hành vi sinh lợi không chỉ cho đời anh mà cả đời con anh. Nó sẽ học được cách yêu vợ nó từ anh. 








2.
Sớm muộn gì anh cũng yêu Mẹ của ai đó. Nếu anh không yêu mẹ của con anh thì anh đang hoặc sắp yêu mẹ của con người khác. 











3.
Anh không liên quan gì đến Ngày Của Mẹ nếu anh không có rốn. Tức là anh không có dấu hiệu gì của con người có Mẹ.




Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

HOÀNG CẦM GIỮA CÕI DIÊU BÔNG



Người thơ Hoàng Cầm kể rằng nhặt được ngân nga âm thanh tên lá Diêu bông trong một giấc say nồng. Ấy là nhung nhớ kết tinh thành vang vọng lời ảo diệu. Từ bấy giờ, nhân gian cảm động lặn lội tìm lá đó lá chi chi. Chẳng phải khi người thơ hé lộ nguyên do tên gọi lá tình, thì người nào lỡ biết thơ lại có thể lập tức thôi thao thức vân vi định hình một khuôn lá thắm. Do tình đời như suối sông chả biết bao giờ ngừng róc rách niềm hạnh phúc, cuộn cuồn hờn hiểu đắng đót đấy thôi. Tên diêu bông thành một chốn dịu êm cho lòng người dựa vào trong kiếp sông hồ nặng gánh rong ruổi. 

Diêu bông mơ hồ dáng hình. Tình ai nấy giữ. Hồn ai mơ ai cách nào, tâm tính ai ra sao thì sẽ ấn tượng diêu bông theo cách của mình. Chả biết trong giấc mơ đời người thơ Hoàng Cầm khuôn lá diêu bông giống hình trái tim lá trầu, hay mong manh liễu rủ Hồ Gươm, thảng hoặc lại sắc viền lá cỏ biếc triền đê miền Kinh Bắc. Đời thi nhân đa tài, đa tình tới thế, bao phen nhặt lá, thả lá, chả biết tới tận phút cuối có kịp một lần chắc hình chắc bóng lá ra sao chưa. Thôi, cứ để thế huyền ảo diêu bông, thiên hạ muốn là gì thì cứ mơ cho thoả khát vọng tình riêng. Xúc cảm mong manh được một lần định danh cũng đã là tuyệt diệu. 

Diêu bông. Thử đọc thành tiếng đi và lắng nghe chậm rãi vào. Âm thanh tên lá tự nó đã ngân một cung xao xuyến. 

Toàn là thanh bằng. Không có cảm giác phân biệt tính nam, tính nữ ở đó. Chắc vì nhân gian bất chấp liền ông, liền bà thảy đều khó lòng mà thoát được vòng tơ hồng giăng mắc. Tên kết từ hai nhịp âm thanh đều đặn. Có thầm thì mấy ngàn, trăm ngàn lần đôi âm này thì vẫn một miền trước sau như vậy. Hèn chi kiếp người tới chết vẫn còn khó nguôi mong manh gió thổi, mây bay.

Diêu bông. Từng phụ âm, nguyên âm đều rất dễ nói đúng. Dân Bắc hay trật trẹo mấy âm r-gi-d thành d hết. Đã là diêu bông, chả nói sai được nữa. Lời buông ra là hiểu. Rì rầm thoáng bên tai thôi cũng hiểu đúng. Từ trái tim đến trái tim, một chuỗi âm thanh hiền hoà cầu nối. Không có uốn lưỡi gian nan. Phàm dân Việt hay thiên hạ quốc tế đã nhắc diêu bông là cực kỳ dễ tròn vành rõ chữ. Chỉ cần trong lòng anh, lòng ả thực đủ nồng nàn để phả hồn ấm áp vào từng thanh âm phát ra.

Lặng mà nghe âm thanh tên lá. Diêu bông. Gợi không gian miền quê xứ Bắc. Mộc mạc mà kết tinh ẩn hiện hồn người miền Kinh Bắc. Không ồn ào bộc tuệch, lại không khó khăn che đậy. Song để hiểu và giao tình thì người tìm lá không thể vội vàng mà mong mở được then cài. Tên chẳng cầu kỳ. Khát vọng thanh cao nhưng gần với cuộc đời. Chỉ phải nỗi gần đấy mà xa đấy. Tinh tế thắt lòng. Tài hoa đến vậy là cùng hỡi người thơ, hỡi diêu bông!

Diêu bông là thứ chi chi? Mấy người bạn vui chuyện khăng khăng nó là lá rau ngót. Nấu bát canh đảm bảo tỉnh người. Ai kia lại mơ nó là cái lá sen thoảng hương dịu dàng gói cốm xanh. Hễ lảo đảo nắng gió hè thì đội lá ấy che đầu là lãng mạn nhất hạng. Kẻ khác vật vã, nó là lá... ngón. Không tìm thấy còn may. Tìm ra nhấm thử là toi đời chứ báu gì.

Người rằng làm gì có lá diêu bông. Tình yêu là thứ hư hư thực thực cho lòng người khao khát đến lao đao thôi mà. Lá diêu bông có đấy chứ, giống như hạnh phúc ấy. Người xác định được thế nào là hạnh phúc thì cũng hiểu được lá diêu bông là gì. Lá ấy có, nhưng để nó đã có duyên nảy mầm lại trổ được ra xanh mướt thì kỳ công quá thể. 

Không ít độc giả đọc xong bài thơ ấn tượng rằng diêu bông ấy là thứ lá thất tình. Thứ lá ấy là mưu chị váy chùng cửa võng đuổi khéo cậu em dung dăng theo đuôi để còn rảnh tay hái cho đầy giỏ rau khúc kẻo muộn chiều, khỏi lỡ làng duyên trái nẻo. Thực ra, trong bài thơ, chị có lơ mơ cả đêm để bật ra tên lá mà làm khó em đâu. Nếu do em nghĩ ra thì em chả dại gì lại tay mình đập tim mình thế cả. Cảm giác diêu bông kia là có thể lắm, nhưng chỉ vì nó gắn với hoàn cảnh bài thơ thôi chứ chắc không hẳn là nguyên nghĩa tác giả định dùng. Diêu bông, một miền tinh tế mà em mãi mới lớn tới thời khắc hồi xưa ông anh nào đó đủ hiểu để nẫng chị đi. Khi ấy người thơ Hoàng Cầm mới bật ra hình dung lá mà. Nó là lá hữu tình, có điều tới ngày nhân vật trữ tình trong bài thơ vụt nhận ra từ ẩn ức bao năm thì cơ hội đã vời xa.

Thôi, lá gì thì lá. Miễn sao nó cho hồn người ta được trong veo sau bạt ngàn gió bụi buồn vui kiếp người. Ừ, lá diêu bông có công dụng để lắng lòng nhân thế về với cõi thanh tao. 

Diêu bông, cõi ấy người thơ Hoàng Cầm đã trải qua, đã có duyên nhặt được âm thanh vang vọng bao nẻo tình. Người thơ về với miền xa xanh, câu thơ, hồn lá ở lại chốn đây ru đời nhân thế chứa chan. Bây giờ, cái tên diêu bông đã vượt ra ngoài không gian thơ ban đầu để thành biểu trưng tình yêu. Mãi mãi diêu bông còn lại trong bảng vàng đặc sản văn hoá thuần Việt.