Nó là thứ đồ chơi tự tạo bằng một dải lá chuối cuốn vào thành hình cái kèn tổ sâu. Bóp một đầu tạo le rồi cứ thế ò í e to, nhỏ, trầm, thanh, dịu, gắt... đủ kiểu.
Bí quyết để ra âm thanh riêng biệt, làm kèn trăm phát có tiếng cả trăm thì phải... lớn rồi Chuồn tớ mới nắm bắt được, chứ hồi bé thì cũng như mọi đứa, rất ăn may.
Trước hết là chọn loại lá chuối. Dứt khoát nên dài chừng 15 cm (cộng trừ chút) là chuẩn vì ngắn hơn thì hụt lúc tạo búp kèn, không đủ vòng cuốn sẽ dễ bung hoặc chưa đủ vòm để ra tiếng như ý. Bản rộng cũng chả nên nhỏ hơn 2cm hoặc rộng hơn vì sẽ dễ tuột kèn hoặc không điều chỉnh được le như ý. Đừng chọn lá non vì lá mềm quá, không đủ độ căng để le nẩy, ống kèn hay móp và nhanh héo. Có ăn may được tiếng kèn như ý thì rồi kèn cũng mau héo quá, tiếc chết đi được. Chọn lá già thì lá giòn, hay gãy dập lúc quấn, le lựa lựa bóp được thì lại gẫy rời mất. Cứ lá bánh tẻ, xanh vừa mà chơi. Độ dày của lá bánh tẻ cũng làm cho cái le rất đủ độ không quá mỏng, không quá dầy, tiếng mới hay được. Lúc đó chuyện thanh âm chỉ còn phụ thuộc tài bóp le, cách tạo vòm, nối ống, tạo miệng loe.
Nguyên liệu rất giản dị. Ngoài lá chuối chuẩn như trên, thêm vài cuộng rơm. Sau giải phóng miền Nam, chun vòng là thứ rất tốt để thay cho rơm. Tuy nhiên bây giờ Chuồn vẫn chỉ thích buộc bằng rơm cho đúng phong vị và ký ức hiền hoà.
Kèn bắt đầu cuốn từ đầu mép lá chuối. Ống cuộn to sẽ cho tiếng trầm, ồm. To nhất đường kính cũng không nên quá 0,7cm vì to nữa là khó có tiếng và thổi tốn hơi. Ống nhỏ sẽ cho tiếng thanh hơn. Nhỏ nhất không nên quá 0,2 cm vì nhỏ nữa thì đứa nào mà rặn đẩy được hơi chứ, tịt ngóm. Tính để xéo vòng thế nào cho chênh nhau chỉ độ 0,5 mm đến 1 mm mỗi vòng thôi nhé. Tức là lớp ngoài sẽ tụt lé lớp trong chừng đó mà tạo xoắn ốc, chứ đã quấn thì vòng nọ phải khít rịt vòng kia về độ chặt thì mới có vòm kèn được (đoạn này mà có lá chắc tớ quay đoạn video giới thiệu cho chắc ăn, dễ hiểu). Quấn chắc tay thì sau này lúc nối vòm và uốn vòm mới không bung. Quấn hết chiều dài lá là có vòm kèn cơ bản. Một sợi rơm nhỏ, tước lấy đoạn dai và dẻo, quấn giữ vòng lá cuối, buộc chặt. Kèn lá chuối đã nên hình đấy người ơi.
Giờ tạo le nhé. Tạo le trước xem tiếng kèn có đủ âm vang như ý để chỉnh uốn vòm và rồi nối vòm cho hoành tráng bõ công.
Khâu này khó nhất, quyết định nó là cái kèn lá chuối hay chỉ đáng là sâu kèn để nhồi tý thuốc lào cho các cụ phả khói.
Ở đầu nhỏ của ống kèn, vòng lá chuối đầu tiên, lựa bóp bẹp. Khó là chỉnh để mép của vòng lá đầu tiên đó sẽ được bóp thành le. Cái le đã bóp được chỉnh nằm chắn chính giữa đầu kèn. Bóp một xíu độ 1 cm ống thôi chứ đừng ra công bóp cả ống nhá. Mép le phải nằm che vừa xinh từ bên này vết bóp tới bên kia vết bóp thì mới ra tiếng. Hụt, hở le là xem như toi công. Le thừa tí nằm gập mép cũng vứt. Chính xác tuyệt đối. Bí quyết chỉ có thế thôi mà Chuồn tớ phải làm không biết bao nhiêu kèn hú hoạ, tốn cả rừng chuối chứ chả ít.
Khi le đã bóp thành công, có thể để nguyên ống kèn thẳng tự nhiên hoặc uốn vòm hơi cong một chút để vừa có dáng hơn lại vừa có âm thanh rõ sắc, rõ trầm hơn. Bẻ vừa kẻo tung hết giờ. Uốn rất khẽ tay thôi "nghệ nhân" ạ!
Trong dàn hợp xướng có kèn bé tí, kèn to đùng. Dân chơi hàng kèn lá chuối cũng có thể nối vòm kèn khéo léo để cái cái kèn to đủ cỡ, kể cả bằng cổ tay người lớn, như cái tù và. Dễ thôi. Tháo sợi rơm của kèn ban đầu. Giữ chặt tay nhé. Lấy tiếp các dải lá chuối, cuốn bồi thêm theo vòng ban đầu, rộng dần, rộng dần.
Chỉ xin lưu ý, mỗi lần bồi xong một đoạn lá cho vòm thì nên thử lại tiếng, hễ tiếng đủ ưng thì dừng nhé. Một vòm kèn to quá cũng có thể làm lạc thanh âm ban đầu không bao giờ lặp lại của mỗi cái kèn đấy.
Phải lũ trẻ lớn, gần hết tuổi chơi kèn, hoặc lũ trẻ... già, tức là bố mẹ, ông bà của lũ chơi kèn thì mới đủ khéo léo và sức tay để bồi vòm kèn. Chuồn tớ cũng có lần rảnh làm cái kèn đại cho con Dế em bốn tuổi chơi mà nó làm tuột tan hoang ngay, buốt ruột tiếc cơ chứ. Giờ nó đọc ẻn này nó chả nhớ đâu. May hồi đó ấp Thái Hà (Hà Nội) còn bạt ngàn vườn tược để lá chuối đầy rẫy, dễ tìm mà phục... hận không thì ức lắm.
Tiếng kèn lá tí te vóng vót hay ồm đục những trưa hè trốn ngủ đi chơi. Ba mẹ mà nóng mặt lên vì tội trốn ngủ lê la phơi nắng thì cứ là giật phắt kèn vứt đi như nó là bằng chứng tội lỗi. Ôi đau lòng!
Hồi nhỏ, khi phát hiện ra tính độc đáo không bao giờ lặp lại của thanh âm kèn lá chuối, con Chuồn bé bỏng ước ao bao giờ lũ bạn trong khu tập thể của nó có được một dàn kèn lá chuối đủ các giọng, biết đâu lại tấu nên vô số bản nhạc thiếu nhi, thiếu niên hoành tráng.
Chỉ mơ ước thôi chứ ngay cả bây giờ, khi đã tạm nắm bí quyết làm kèn nó cũng chả bao giờ dám tin con người ta có thể biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Mỗi đời kèn phụ thuộc vào tuổi thọ ngắn ngủi của lá chuối từ tươi tới héo, lại càng dễ hỏng hơn khi đứa chơi thường là em ngốc dại của đứa làm kèn.
Ôi giấc mơ dàn giao hưởng Kèn Lá Chuối ơi!
Lần làm kèn cuối cùng của mình là năm 1995, khi chưa cưới ba lũ nhỏ bây giờ.
Năm ấy đi công tác ở Hải Hậu (vùng lúa tám thơm đặc sản), tỉnh Nam Hà. Xong việc trước, ra chờ em Chi ở bờ anh nhà anh Tánh. Tiện tàu chuối sà gần mặt, làm mấy chiếc kèn to to, nhỏ nhỏ. Hoá ra nàng Chi cũng ham chơi đồ nghệ thuật trẻ con. Hai chị em tước mớ lá chuối về thử làm dàn kèn. Chỉ béo mấy đứa con chị Huyền chủ nhà. Con trai, con gái chị năm ấy cũng chừng lớp 3, lớp 4. Chúng mê tít hai cô về vụ kèn lá chuối. Hai anh chị bất ngờ vì sao lũ thành phố nó lại chơi kèn quê siêu hơn cả quê. Chia tay, chị Huyền khóc nói bao giờ lại về làm kèn cho chị nghe hử Th. ơi. Mấy năm sau nghiên cứu lặp lại, mình đã cưới, đã bầu, đã đẻ Hà An. Chả còn dịp nào về chơi nữa. Lần nào đoàn công tác trở về cũng nhận được lời anh chị hỏi thăm và quà quê. Muốn khóc. Trong giấc mơ đôi lần cứ về lại miền quê ấy, tiếng kèn ấy.
Giờ người ta có xu hướng khôi phục các trò chơi dân gian mỗi dịp ngày thiếu nhi, Trung thu như trò trình diễn. Nhà hàng nào đó ở Hà Nội cũng lấy kèn lá chuối làm điểm nhấn dân gian thương hiệu. Thế mà khắp thế giới phẳng chả thấy cái ảnh kèn lá chuối nào.
Thiên hạ so sánh kèn lá chuối với vuvuzela. Haha. Thực sự nếu có sự kiện WCup ở Việt Nam mà lấy kèn lá chuối làm biểu tượng thì âm thanh trên sân vận động máu mê, sinh động hơn nhiều so với thứ tiếng ong vo ve buồn ngủ kia. Tiếng âm vang của một cái kèn lá chuối chuẩn có thể đủ to, đủ réo rắt khiến dân tình từ đầu này tới đầu kia làng nhớ ngày xưa chứ chả ít.
Bao giờ có lá chuối để làm kèn cho con chơi? Chả biết giờ ra chợ đặt mấy chị hay mang đồ quê lên bán thì có được tàu lá như ý không?
Người phố nhớ đồ quê. Thể nào cũng có kẻ bảo mình già rồi đâm lẩn thẩn hồi tưởng chứ trẻ con giờ nó thích vuvuzela - hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt hơn. Bố mẹ nó cũng thích thế hơn vì kèn lá chuối đã là thú chơi thất truyền rồi. Kèn công nghiệp mua vèo phát có và chơi bền gấp mấy cái kèn lá chuối kia. Chao ôi! Hay là nhân dịp Trung Thu, kiếm tàu lá chuối, làm kèn, quay video quảng bá trên mạng cho nó độc đáo nhỉ.
Bài viết hết sức chi tiết. Từ đó đến giờ em cứ nghĩ cái kèn này khi chu miệng thổi thì kiểu gì nó cũng kêu. Ai ngờ phải có kỹ thuật nữa. Cám ơn chị vì những thông tin thú vị này nhé.
Trả lờiXóacái ý nghĩ đêm trung thu thật tuyệt:). Nếu có là em sẽ tham gia liền.
Trả lờiXóaMà tuổi thơ em ko có kèn lá chuối :(
@ Hạnh phúc lang thang:
Trả lờiXóaKhông quá khó làm khi đã biết em à. Giờ chị bắt đầu già, tính đến chuyện truyền nghề ăn chơi đó mừ :D
@ Mía:
Trả lờiXóaBữa nào lên dự án cụ thể rồi Mía ra HN xử nhé.
Em có kèn lá dừa phải không? Khác kèn lá chuối ở chỗ lá dừa thì phải làm le rời thôi.
em biết kèn lá dừa, hồi nhỏ toàn chờ người khác làm cho thổi, vì lúc ấy bé quá, chứ cách làm như thế nào thì em hoàn toàn mù tịt, từ cọng hành, cũng làm kèn thổi được
Trả lờiXóaChị thì không biết thổi kèn cọng hành :)
Trả lờiXóaNhững trò này khi xưa trẻ con thạo lắm em vì đâu có game vi tính với đủ thứ siêu nhân, búp bê như giờ.
nghe thật bình dị, mỗi tội em ko rõ vì còn quá nhỏ :">
Trả lờiXóaHồi nhỏ tụi tôi biết trò này. Tước lá chuối cuộn lại, bóp phát vào đầu nhỏ, thổi thử không kêu dục đi làm lại. Có khi làm mấy cái kèn mới kêu được cái. Rồi cả đám con nít chu mỏ nhìn nhau mà thổi be be be...
Trả lờiXóaTự nhiên bạn lại nhớ ra cái kèn này hay thế. Nó biến mất trong đầu tôi mấy chục năm rồi.
em chỉ biết làm kèn lá dừa à :D
Trả lờiXóaNgoài kèn lá chuối ra, trẻ con ngày trước còn dùng tổ sâu để làm kèn. Đó là những tổ kén rất dai, trong có một con sâu nhỏ. Lấy con sâu ra, ngắt đầu nhỏ và đưa lên miệng, thế là...toe toe...
Trả lờiXóa@ P.Rock:
Trả lờiXóaRất dễ làm khi biết nguyên lý. Lúc nào em thử thổi theo một hành khúc nhé.
@ Bác Đỗ:
Trả lờiXóaĐúng khung cảnh bác tả luôn đấy. Đôi lúc mấy trò xưa cũ lại bò về ngọ ngoậy cũng nhẹ nhõm bác ạ. Lâu lâu em lại "ăn mày dĩ vãng" bác qua ủng hộ nhé.
@ Fathao:
Trả lờiXóaNàng ơi, vậy là cũng giỏi hung rồi đó nha.
@ MÔ:
Trả lờiXóaĐúng rồi. Cái tổ màu nâu non non. Có khi con sâu ở lì quá và bóp nó chết luôn, máu nó dây xanh lè ống. Hì
Cảm ơn vì đã nhắc lại kỉ niệm đã qua.Bổ sung thêm còm của AĐ, hồi sơ tán còm làm kèn đó để dỗ mấy đứa nhớ mẹ...!He he.
Trả lờiXóaNgười đi đâu cũng oang oang thế mà còn có cái kèn theo cùng thì thành gì nữa hả giời ...hé hé :-P
Trả lờiXóaThề, em 7X đời đầu mà chưa từng biết làm kèn lá chuối, chỉ thích nghe những người làm siêu như nhà Chuồn thổi thôi ! Giờ vẫn thích nghe !
Trả lờiXóa(Mà chị ôi, cái còm của em ở bài trước sao nó mất tiêu đâu vậy)
@ Anh AK7:
Trả lờiXóaNgày đó em cũng được chị con bác dỗ y như vậy :)
@ Hôm nào thổi ré vào tai cho biết. Rồi bày luôn cho siêu quậy chơi kèn nữa ấy.
Trả lờiXóa@ PTN:
Trả lờiXóaHihi. Lứa em là lứa được anh chị làm cho chơi thôi. Sau đó là thời cuả đồ chơi hiện đại rồi
:(( Chưa thấy còm ấy bao giờ, đau không. Chị có xóa cái gì của ai đâu.