Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

CHÀO NHÉ THÓI QUEN TỪNG TRONG MÁU THỊT MÌNH



Hình như một thói quen vừa được gỡ khỏi mình
Nhẹ hay vỡ chưa thực tình định được
Đã trôi một cung đời  không tẻ nhạt
Dù thói quen trồi sụt đến mỏi mòn

Hình như một thói quen vừa vào cõi vô hình
Vài tiếc nuối không nhiều dằn vặt nữa
Vài khoảnh khắc nắng sôi không còn trăn trở
Và không còn thấp thỏm những nhói đau

Một thói quen vừa tuột khỏi vai
Hoặc khỏi đáy tim mình, hình như thế
Một nỗi nhớ không còn làm tứa lệ
Mình mạnh mẽ hơn rồi
Hoặc đã được buông tha

Một cung đời đẹp thế đã trôi qua
Không mắc nữa những lắt lay còn mất
Mình cùng sắp trôi về miền thinh lặng
Xếp ngàn hương vào một cõi an bình

Một thói quen đã qua buổi hữu hình
Có thể thế bởi không còn vui được
Đã quá rồi thời khắc mình tha thiết
Đã ngân xong một cung bậc xót xa

Hình như mình vừa thả một cánh hoa
Trả phía sóng dào dạt xuôi quán tính
Nhẹ hay vỡ chưa thể nào phân định
Nhưng mình mạnh mẽ hơn, mình thư thái được rồi

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

NÓNG LẠNH THẾ MÀ HÓA THÀNH HƯ ẢO



Chuyện đời có khi như lửa
Bùng thiêu đau đớn tâm can
Lại khiến lòng thành băng đá
Buốt tê nhìn cõi nhân gian

Trân trân thân mình trong  lửa
Đá lạnh giữa lòng bỏng sâu
Ờ mà qua dăm ngày tháng
Lửa tàn, băng tán, nhạt đau

Kiếp nào chẳng biết ví đâu
Bận  kiếp này  tìm an lạc
Thân tâm chạm nóng chạm rét
Nín mình mà giá băng tan

Chỉ nín thôi mà hóa được
Kể cũng được nhàn thân ta
Ờ làm biếng xô với đẩy
Nắng mưa gieo một hòa ca

P/s: Hoa dại trong vườn ngoại. Hái vào cắm ở hiên nhà lấy thơm.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

NỐT TRẦM DÌU DẶT



Sau đỉnh sóng  khép lòng lắng lại
Ký ức mở kho xếp những ngấn vui vào
Khe khẽ thở một nhịp đi dìu dặt
Phút phai phôi đắng đót, chắt ngọt ngào

Trên đỉnh sóng đã tận cùng phiêu lãng
Chạm bình an nơi ngấn nước lặng trào
Cung ngân vuốt một tùy trôi thư thái
Thả mình vào nhè nhẹ lao xao

Sau đỉnh sóng tự lắng mình ngồi lại
Biết an nhiên theo ấy chợt lan về

Ba Vì 10/2018

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

HƯƠNG MỘNG




Mùa nhiều hương hoa thơm thường là cuối xuân đầu hạ

Rồi hương hoa thơm cứ miên man gối vụ nhau đến cạn mùa nắng

Hương quả thơm thì nhiều vào cuối hạ sang thu

Cổ truyền xứ Việt là thế

Rất nhiều khi mua đĩa ổi ta, đĩa thị cho thơm nhà thôi chứ chả nỡ ăn

Đêm từng đêm hương bay vấn vít cứu tinh ngàn mộng mị :)

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

MÙA CỎ DẠI



trong trái tim
nỗi giận
lan tràn

như cỏ dại
hoang tàng
trên cánh đồng yếu đuối

vương vất ngày và đêm
như quỷ trong lòng không siêu sinh nổi
chờ bàn tay người về hóa giải
hoặc đợi ta thừa nhận với chính mình

cỏ dại hoang vu trên cánh đồng
mình dại khạo khờ trong nỗi giận
mà khôn có hóa giải nổi đâu
quỷ với thiên thần lẫn lộn vào nhau
tự lúc biết mình sa về cõi lụy

trong trái tim một cánh đồng cỏ mọc
dại với khôn không gỡ được đượm buồn

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

NGƯỜI ƠI HÀ NỘI VẮNG


Hà Nội vắng
Chỉ ngần ấy từ giản dị mà hiệu ứng tác động tâm hồn rất vô thường
Vì thời nay phố chen chúc nhọc nhằn lắm
Phố vắng chỉ còn thường trực trong ký ức khát khao
Vắng thực chỉ một năm đôi dịp lễ dài, người ta về quê, đi chơi xa vơi được phố.
Cũng chỉ vơi chớp nhoáng, lại nhao về đầy ngay vì đời sống người ta là ở đây, đi chơi chỉ là đổi bữa, quê quán chỉ là cội nguồn để vật vã trở về, vội vã ra đi.

Vắng êm như ru là chiều 30 Tết, chợ cũng tàn, chỉ còn người thực sự ở với đất phố đến không rời được vì bao lý do.
Vắng an nhiên như một mộng hiền là sáng tinh mơ mồng Một. Dậy sớm chỉ có in ít người vui xuân không rời được công việc duy trì nhịp sống tối thiểu của phố, người đi lễ sớm và người đi hưởng không gian phố vắng như một lễ nghi của tâm hồn kẻ dại hay khôn chả rõ mà cứ lấy sự vắng vẻ làm bình yên.

Phố vắng, không còn lấy người đè cảnh phố.
Phố dù hao khuyết nhiều mát lành xanh ngát sau những bon chen, sân si, mê muội của tầng tầng lớp lớp tư duy thị dân phá phách, nhưng vào chiều 30, sáng mồng Một phố luôn hiển hiện một sắc hào hoa, linh thiêng thăm thẳm.
Còn lại đơn thuần chất Hà Nội nhẹ nhàng mây khói thềm xuân.
Tụ về đây những nao nao còn mất, nguôi ngoai, đợi chờ trong chiều gió đuổi xuôi lòng phố đón đưa đông qua, xuân về.
Người trôi trong phố, được chầm chậm mà thương, mà sống, mà hưởng cảm giác thanh bình, ngộ ra rằng nương theo lối gió sẽ qua hết mọi thăng trầm bốn mùa, một cung đời rồi cũng qua, rồi mùa xuân cũng ắt về. Tự tin mà trải người ơi.

Vốn sống đời không kỳ thị dân bản xứ, dân ngụ cư, thời nay Hà Nội đâu còn là một làng nữa, mở tung hết cả, kể cũng quá đà, nhưng đời là cơm áo, nương nhau mà sống, mà sinh, mà thăng trầm. Đời sống cộng sinh, bỉ bai nhau ngoài đời, trên mạng là cuộc trà dư, tửu hậu chả biết bao giờ dứt bởi lòng người chưa hết được bực bội chen chúc áo cơm, kẹt xe, kẹt lòng chốn đời thị dân nhiều biến động. Từng ngõ ngách phố, ngõ ngách hồn người phố đều uể oải phút đông đúc nhưng chả  yên được, sống quen được khi nhịp sống ấy bị phá bỏ vĩnh viễn đâu mà.
Vắng, thèm phố vắng lắm, nhưng cũng chỉ là cung ngân vài thoáng trong dòng chảy đời phố thời nay thôi. Đếm hết ngón tay, ngón chân, hết mấy muôn sợi tóc cũng chưa hết những khó khăn khi guồng máy phố vận hành kiểu vắng tèo teo thế này.

Vắng thì thở nhẹ thở phào, tranh thủ mà thở một vài hơi dìu dịu, thư thả tý rồi mai kia lại về miền tất bật.
Rồi lại chờ ngày nao phố vắng
Lại chờ sẩm chiều 30 Tết, tinh mơ mồng Một
Chờ mà neo mình lại nơi giản dị bến  an nhiên giữa dòng đời...
Mỗi năm một Tết
Phố vắng hóa đặc sản phong vị Xuân tinh khôi
Hà Nội vắng người ơi...

(Khai bút xuân Mậu Tuất)

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Ô MAI TÓC MÂY MÀU CƯỚC BẠC


Đã hơn 30 năm mình đều đặn làm khách của một cụ bà bán ô mai ở Hàng Đường

Đầu tiên là cô bạn học rủ đến mua bằng chút xíu tiền dằn túi thời sinh viên, rồi những chục năm tìm đến bốn mùa. Độ hơn chục năm gần đây, đổi đường đi làm và cũng bớt thích thứ quà vặt ấy nên mỗi năm hầu như chỉ đến một lần giáp tết.

Cửa hàng gọi cho sang chứ là một tủ nhôm kính mỏng dính ép bên ngõ bé xíu vào số nhà hun hút tối của phố cổ. Bà cụ nhỏ thó, gầy hầu như chỉ có da bọc xương ngồi trên chiếc ghế dựa bên mép tường đối diện. Tóc nguyên một dáng phi dê kiểu những năm tiền chiến dần đổi sắc từ đen qua muối tiêu rồi trắng kim.

Món hàng của bà không trăm hồng ngàn tía. Suốt bao năm vẫn là đồ truyền thống mặc kệ thiên hạ thêm bớt rộn ràng khắp phố, khắp thành phố. Vẫn vài lọ mơ mặn nổi muối trắng, mơ chua ngọt, mơ gừng, khế xào, mận xào, chanh muối. Một năm thấy bà có thêm lọ trám muối nhưng sau lại thôi. Hỏi mới biết bà chỉ muốn bán những thứ bà và gia đình tự làm từ đầu vào nguyên liệu tươi. Trong thế giới kinh hãi của thực phẩm, của quy trình sơ chế, nêm nếm điêu toa rùng rợn, nhất là đồ ô mai, thì lối làm hàng tỷ mẩn handmade của bà cụ thật sự làm bọn mình tin cẩn cực hạn. Chưa bao giờ ngậm hạt ô mai của bà mà bị vị đường hóa học làm thất vọng, thuần là đường mía. Mấy chục năm vẫn thuần vị mỗi mặt hàng.

Lọ chanh muối của bà vừa để bán, vừa để thêm cho khách quen. Cắn một mẩu chanh dẻo quánh, đen nhánh, sức mặn quyện tinh dầu chanh đột kích mọi cơn ho, long đờm lập tức.

Thời những năm 93-94 mình qua chặng viêm phế quản phổi tưởng đi theo tiên tổ, rốt cuộc không dám rời món chanh muối ấy ra. Sau mười mấy năm gặp lại, cố nhân ngày ấy từng đều đặn chở đi mua chanh muối lại hỏi còn qua hàng cụ không. Rằng còn. Thế là cùng rơi vào lặng lẽ một cung.

Mỗi cuối năm, khoảng rét đậm lại đến tìm cụ. Thấp thỏm suốt đường, chỉ sợ đến thì người nhà bảo cụ qua cõi mất rồi. Năm nào cũng lo và vui ríu lòng khi đứng gọi ơi ời thì cụ hiện ra từ ngõ tối và đơm hàng cho.

Cụ hỏi sao đi đâu, bận gia đình tới đâu mà ít qua. Cười kể những đổi thay, kể cả việc không thành đôi với cậu khách cụ quen năm nào. Rồi có năm cụ gói thêm gói khế không cay quá gửi cho con gái mình. Có năm tận qua tiễn ông Táo mới đến được, hàng hầu như chả còn gì. Lượng nhà cụ làm được chả tăng được mà có chiều giảm đi vì con cháu cụ sau ít chịu theo nghề gia truyền. Cụ móm mém bảo đứng chờ rồi đưa ra cho mình vài hộp đúng thứ mình thường mua và vẫn một gói giấy nhỏ chừng chục quả chanh muối. Không tả nổi cảm giác đẹp đẽ kiểu chiêm ngưỡng phố cổ thâm nghiêm và rêu phong óng trong nắng rớt mành chiều đông, khi nghe cụ bỏ nhỏ mấy lời:

- Cô chờ cháu mãi. Nghĩ cháu bận gì đến muộn thôi, để dành chờ riêng cho khỏi lỡ mùa.

Ùi ui...

Hôm qua rẽ vào
Thấp thỏm nỗi hai hãi đời trôi mất cụ rồi
Thấy cậu trai ngồi cạnh tủ hàng, cực kỳ ngại ngần nhưng vẫn cứ phải hỏi bằng được. Chọn từ mãi vẫn sợ không đủ tế nhị trong không gian của cụ:

- Cụ bà còn khỏe không em?

Nhẹ cả người khi nghe đáp:
- Cụ em yếu hơn nhiều nhưng vẫn đi lại sinh hoạt thoải mái ạ.

Gói hàng xong, có lẽ nỗi mong mỏi gặp cụ nó lộ trên mặt mình quá nên cậu ấy cười cười tiếp lời:

- Cụ em rét không ra bán được, đang chơi với cháu trong nhà.

Chả hiểu sao chừng ấy đã thỏa mãn mình lắm rồi. Rằng vẫn còn cụ với những hạt ô mai, chanh muối cho không gian đông giá của mình được nồng nàn êm đềm.

Gửi lời chào cụ. Nhớ ra cụ không biết tên mình. Thế mà có nỗi đợi chờ nhau trong lòng phố.

Định đi, chợt thấy thiếu. Hỏi cậu còn chanh muối không, mắt thấy lọ chanh đã gần đáy. Cậu cười còn tý cho ông em thôi. Gạ bán cho vài quả lấy vị. Ồ, cháu cụ có khác, cùng kiểu phong vị gia truyền cả trong cách đối đãi với khách. Cậu mở lọ, cười mời mình lấy vài quả chứ không bán. Ngại, bảo cho ngần nào chị xin ngần ấy thôi. Bốc ra mấy đợt, tay đưa mà mắt cười nhìn xem khách ưng sao, đến mình kêu đủ mới ngưng.

Có những mối giao hảo ngỡ rất sơ nhưng không đo được chiều sâu thú vị như thế

Khung trời mùa đông trên phố cổ, dáng cụ bà mảnh như sợi tóc cước, những quả ô mai mơ, chanh muối... Đời này phiêu bồng dễ thật...