Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

MÙA LÁ RỤNG

1.
Sáng mở mắt, mùi đầu tiên ụp vào khứu giác là lá xà cừ dập. Người lập tức chao đảo như trúng độc. Hắc không bằng mùi xoan tươi nhưng chắc là độc thật nên mới cào tung gan ruột thế, bất chấp lúc no hay đói.

Mùa này người ta định danh là Mùa Lá Rụng ở Hà Nội. Đa phần lá các cây rụng từ Thu, rải rác qua Đông là thay lá mới hết. Chậm sót lại là xà cừ, sấu và những cây long não đến tận tháng tư mới rộ thay lá vì đủng đỉnh mãi hè sang, lỡ bu nó thì...

Chả lãng mạn lắm đâu.

Thực sự không lãng mạn nếu người ta cứ nghĩ lãng mạn là thứ gì đẹp đẽ, sinh sôi những xúc cảm lung linh, bốc bay hớn hở về phía nắng ấm, gió mơn man. Nhưng nếu xem lãng mạn có một khía cạnh mặt trái là nhìn cuộc đời có những nét nhòe, những liên tưởng không bám sát hiện thực đến khô cứng nhưng lại dễ chùng lòng, xót lòng, đớn đau thì cứ cho là Mùa Lá Rụng tháng Tư Hà Nội có vài phần mong manh kiểu ấy.

2.
Cái tên mùa như thế đã đi vào hoặc bắt đầu từ tiểu thuyết “Mùa Lá Rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng – một tiểu thuyết đọc đến đâu người ta lặng đi đến đấy vì cuộc đời ở đó thật quá, đầy đủ những nín nhịn, những bứt phá, những liều lĩnh, những xé nát, những tan thành cỏ rác và mất mát, lắng đọng. Người ta tìm thấy người ta ở đấy trong những mẩu thân phận đời phố, đời quê, những sợi dây ràng níu phố - quê, những thế hệ người đang đi qua nhau, đang yêu thương và giày vò, giày xéo nhau…

Mùa Lá Rụng… Đi trên phố Hà Nội hôm qua, sáng nay, trong thoáng gió tạm se lòng phố, trong mưa phùn trái vụ, mây xám trĩu trời và lá cây xà cừ, sấu, long não lơ lửng chao thêm đoạn gió nữa rồi rớt xuống hè, xuống lòng đường, xuống lòng người sẽ thấm thía vì sao Ma Văn Kháng lấy cái tên ấy đặt cho tiểu thuyết.

Buồn, chủ yếu là buồn. Từ mong manh gợi những giã từ kiếp sinh sôi đến tan nát vì người đang lỡ mang nỗi gì đó hoang vu trong hồn rồi liên tưởng…

3.
Chợt một thoáng muốn đổi tên mùa là Mùa Lá Dập Trên Đường…

Lá trên hè, sát mép cống, chao lên tóc, suýt xé ngang mắt dù gì cũng còn không làm thương cảm bằng những lớp lá dập lối xe qua.

Nếu là lá xà cừ thì đấy, trúng độc theo nghĩa đen vì hương lá tỏa ra dưới mỗi vòng bánh xe, phả vào phòng ngủ… Khắp khu tập thể, trên nhiều tuyến phố chả hiểu sao người ta chọn thứ cây rễ nông hơn rễ mạ, chỉ được cái nhiều lá và… vô tích sự, hay đổ vào mùa mưa ấy làm cây bóng mát.

Nếu là lá sấu, hương lá dập ngái chua, ngái chát… Dễ chịu vài phần…
Nếu là lá long não, rất thích hương lá dập. Thứ tinh dầu long não ấy trùm lên tâm trí mình suốt gần 20 năm ngồi làm việc ở Trần Xuân Soạn, vì góc cắt với Thi Sách là chốn mùa này lá long não rụng dầy. Ngược với xà cừ dọc phố Trần Xuân Soạn, hương long não Thi Sách quả là cứu cánh cho những mụ mị trúng độc vì đủ nhẽ từ hương lá tới hơi người, hơi… đồng xèng. Đi qua Trần Hưng Đạo, hương sấu đã cứu rỗi vài độ, đến Thi Sách thì thêm được ít tỉnh táo khôn ngoan long não dưỡng cho đủ tám tiếng cày bừa…

4.
Có lẽ những kẻ đa cảm như mình ít thích làm dập lá rụng dẫu hương đưa thế nào chăng nữa.
Không nỡ giày vò thêm lá đã rụng sau một kiếp trần gian.
Không nỡ làm đau thêm một sắc úa vàng.
Không nỡ, y như lúc lòng mình là lá rụng thì sao chịu nổi những gót xéo, những vòng bánh xe giày qua từ những phía nhân gian vô tình hữu ý…

Nhưng Hà Nội tháng Tư Mùa Lá Dập… Có ai vì lá rụng mà đứng lại, tránh phố đi đâu. Còn guồng qua cuộc sống, còn giờ tầm đi, tầm về chạy lao như kiến chạy bão bởi bao trách nhiệm, nghĩa vụ, sân si… chẳng thể trễ nải, chả kịp gạt đi… Người ta phải lao qua phố, làm dập lá…

Ghét bỏ coan cụ cái mùa lá lay bay bổng này.
Ai ở đâu nhìn mấy cái ảnh gió lay lá, lá đậu vỉa hè mép cong lên cứ nghĩ Hà Nội Mùa Lá Rụng nên thơ… Mị nhau cả thôi…
Sáng nay qua phố lá dập, bánh xe chực lạng đi, chợt chông chênh gấp bội… sợ ngã…

P/s: minh hoạ lá sấu rơi đầy đầu trạm chờ xe buýt... Đang ăn thấy cảnh quá Hà Nội phố, chộp liền...

2 nhận xét:

  1. chị đã trở lại thật rồi, viết nhiều bài hay nữa nhé

    Trả lờiXóa