Thời bao cấp no dồn đói góp, một trong những cái ham đến mụ mị ngày tết của mình là gói thật nhiều bánh chưng. Con nhóc mình ngày ấy không phải lo gom góp nếp, đậu, phiếu thịt, tiền mua lá... Mẹ lo tuốt. Mà mẹ mình thì có một ưu điểm tuyệt đối là chiều con. Nói ngay là nhờ sự chiều chuộng ấy của mẹ, mình có cơ hội luyện tay đủ món nữ công, tốn vô biên tiền bạc mẹ cung cấp để mua nguyên phụ liệu. Và thế là vụ gói bánh chưng cũng nhờ mẹ mà nên. Nên cả tay nghề lẫn niềm say mê "chơi và xơi" bánh.
Mình thích nhà có 40 cái bánh mỗi Tết dù chỉ có... 5 người. Hihi. Tương đương chừng 15 kg nếp, 5-6 kg đậu, hơn 5 kg thịt, 200 lá dong tốt. Chả hiểu sao mẹ có thể chiều cỡ đó. Năm nào mình cũng xúc ăn gian nếp thêm chừng 1 kg để làm bánh con mà không ảnh hưởng tới con số đẹp kia. Mẹ cũng biết thói ấy nên đong dôi nếp, mình có tham thì vẫn cứ còn đủ nếp đồ xôi cúng. Mãi sau này ngẫm lại mới thấy quá biết ơn mẹ về những khuyến khích ấy dành cho con.
Tất nhiên mình bày ra lắm thì phải chịu trận lắm thôi. Một mình mình xoay mòng mòng với đống đó suốt ngày 27 và 28 Tết. Tính tới lúc bánh chín vớt ra ép xong thì hai bàn tay mình đã gãy hết móng, đầu ngón bị lạt gọt hết lớp da có vân vì xoáy nút lạt con sâu. Mẹ biếu họ hàng làng nước xong thì nhà sẽ còn chừng 20 chiếc to cộng vài bánh nhỏ.
Có điều Tết nào mình cũng chỉ ăn chừng một góc phần tám bánh ngay ngày đầu mới vớt. Sau đó thì suốt Tết sẽ chả tơ hào gì miếng bánh lạnh ngắt trên mâm. Mẹ có đồ bánh cho nóng thì mình vẫn cứ chểnh mảng. Chỉ thực sự ăn bánh chưng từ sau mùng 5 Tết - bánh chưng rán.
Bánh chưng cắt tám rán. Bánh chưng dầm mỏng rán. Bánh chưng rán mềm, bánh chưng rán giòn. Thế nào cũng xong, xong béng. Thậm chí có khi một bữa xong được nửa cái bánh.
Thoạt tiên mình chỉ biết rán bánh cắt khẩu, sau học được kiểu dầm bánh ra rán. Chăm thì một bánh rán thành hai "bánh chưng rán" tròn xoe, lười thì để nguyên cả cái mà rán thành một đĩa. Chia đôi thì bánh mỏng, rán giòn dễ. Để cả chiếc bánh thì vỏ giòn, ruột mềm. Ồi, hành muối ngoài chua trong ngọt mà dan díu với bánh chưng thì rất cần tự cảnh giác bản thân kẻo bội thực.
Sau này thì chỉ thích rán bánh dầm ra. Khoái nhất là cái chảo chống dính hất tung một phát, đón khéo để bánh tròn trở mặt trúng lòng chảo. Hồi trước chưa có chảo chống dính, chuẩn bị cái chảo nhôm Liên Xô cho rán bánh khỏi dính rất cầu kỳ. Luộc dấm, bắc bếp cho nóng rãy, lau sạch... Rồi lúc rán cũng phải để chảo nóng hết cỡ mới cho bánh vào rán. Giây khắc làm xiếc trở mặt bánh cực kỳ phê. Hồi mới tập có lần bánh vắt thẳng lên... cán chảo, tý thì bỏng tay. Phúc bảy mươi đời chưa lần nào phải bê chảo chạy theo hứng bánh hoặc bánh nhảy dù xuống đất. 

Ăn bánh chưng rán là thú ăn trong những ngậm ngùi tiếc nuối Tết vui đã trôi qua, đã hết nghỉ học, nghỉ làm. Vì khoái cái thú này mà tớ thích nhà gói nhiều bánh là thế đấy.
Sau Tết, nhà hay có vài đòn bánh tét quê ba gửi ra. Bánh tét thơm hương đậu quê. Lấy sợi chỉ se tét bánh ra thành từng khoanh cho rơi thẳng vào chảo nóng. Lát bánh tròn xinh từ từ ngả vàng từng mặt. Cũng rất ngon dù không thể đọ được bánh chưng dằm rán, dằm qua dằm lại vài lần hết lớp giòn này đến lớp giòn khác, thịt đỗ đều khắp.
Vì thú bánh chưng rán, đi chợ Tết dứt khoát phải có lọ magi, chai tương ớt cho khách tới xài dù bản thân mình thì không thích chấm thế.
Thời sau này, bánh ít hơn vì một là ăn không thể hết, hai là mình tiếc của phải lo sắm, ba là nhà Hường già - Thành te, đôi bạn học thân gói bánh cho cả hội bạn nó chỉ chấp nhận cho đủ ăn thôi. Và nhạt nữa, trừ bánh cúng phải để nguyên vị, bánh ăn là cứ thế rán ngay từ chính Tết. Lát bánh nguyên đầu tiên luôn là lát bánh mình ăn ké ngay từ lúc đến nhà nó khuân bánh về.
Mùng 6 rồi. Nhà có bốn bánh thì đang rán chiếc thứ hai. Thèm quá thể dù đã ăn cơm no đẫy tễ. Lấy cớ rán sẵn cho bữa sáng, thực chất là để xời trước một góc cho đỡ buồn mồm.
Viết ẻn cũng chỉ là cớ để chờ bánh giòn, bớt bị nếm lên bờ xuống ruộng mỗi lần dằm qua dằm lại. Đi măm đây. Hức.