Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

DÒNG MÁU ẤM

 
 
Bài viết theo "đặt hàng" của chị Diễm Xưa Hà Nội. Đã đăng trên tạp chí GIA ĐÌNH TRẺ số tháng 6 năm 2008. Rất cám ơn chị về sự động viên bền bỉ giúp mẹ Hà An vượt qua được ấn tượng nặng nề để hoàn thành những dòng này.

Post lại để bè bạn cùng tham khảo về căn bệnh kinh hoàng  do muỗi truyền: SỐT XUẤT HUYẾT.

Entry liên quan: VÌ MÀY TAO PHẢI ĐÁNH TAO

 

Con gái sốt. Nghe tin trường báo về, ba bỏ hết việc để tới đón con ngay. Hơi buồn vì con sốt đúng ngày em con đầy năm. Nhưng không thể ngờ rằng đó chỉ là dấu hiệu khởi đầu cho chuỗi ngày mơ hoảng dài như thế kỷ sau đó. Chuỗi ngày con gái mẹ vật lộn với cơn trọng bệnh cấp tính - sốt xuất huyết.

Trước đó, cũng đã nghe đài, đọc báo nói về dịch đang xuất hiện, cũng nhận cá cờ của trạm y tế thả vào bể nước để diệt ấu trùng muỗi, cũng súc hết các vật chứa nước đọng quanh và trong nhà. Cũng theo phong trào thế nhưng lòng dạ thì nhởn nhơ như thể chuyện ở đẩu đâu chứ chả bao giờ rơi trúng đầu mình, đầu con cái thân yêu.

Cơn sốt mỗi lúc một dày, nhiệt độ mỗi lúc một cao lên. Con còn thương em, mặt đỏ bừng bừng mà ôm em chụp ảnh. Rồi con dựa tường gắng ngồi ăn đôi miếng cho nhà vui. Nghĩ lại mà thương con quá, buốt ruột mẹ.

Vẫn cho con hạ sốt như thường lệ. Chỉ cảnh giác không dùng mấy thứ chống chỉ định sốt xuất huyết. Dỗ con uống nước. Mỗi lúc con lại lịm hơn. Đến 11h đêm thì không thể nào gan nữa. Con sốt vọt lên tới 39 độ 7. Mẹ chỉ còn đủ minh mẫn quyết định gọi ngay xe cấp cứu. Trong lúc chờ xe, cuống cuồng cởi hết quần áo con. Con 10 tuổi, con ốm thế mà vẫn ngượng rúm người, lại thêm cảm giác lạnh vì sốt, nài nỉ mẹ phủ cho con cái khăn mỏng. Biết là rất không nên, nhưng vẫn phải chiều con. Muốn ôm con vào lòng quá mà lại sợ thành vô tình ủ con nóng thêm. Rút kinh nghiệm lần em Tý sốt, bác sỹ dặn tuyệt đối không chườm đá như mẹo trước kia, sợ tuyến mồ hôi co thì không toát được nhiệt mà. Pha nước ấm thấp bằng thân nhiệt bình thường, lau cho con liên tục. 15 phút chờ xe mà dài dằng dặc đến mê muội.

Không ngờ khi bác sỹ tới, nhìn cảnh cấp tốc hạ nhiệt cho con mà mẹ sốc luôn. Người nhà yêu cầu ra khỏi phòng. Rồi mẹ cũng phải ra vì chịu không nổi. Mình ba con giúp hai bác sỹ pha cả chậu to nước ấm, bắt con đứng yên giữ nhà, tội quá, nước xối như tắm. Con quằn quại vì đau da, sốt cao thế chỉ cần bàn tay mẹ xoa lướt dủ như dao cắt da con rồi. Nhưng phải giao phó cho bác sỹ thôi. Rồi khi con hạ sốt hơn, mẹ con mình tới viện. Xe hú, đường vắng mà sao vẫn chậm thế.... Nhanh tới đâu cho đủ. Bác sỹ nhìn mẹ con mình thông cảm lắm, nhắc hãy bình tĩnh và chờ đợi. Sau mới biết lời nhắc ấy là cực kỳ thiết thân suốt 10 ngày chiến đấu nữa.

Suốt bốn ngày đầu, con chập chờn giữa những nhịp sốt dày đặc. Cách 5-6 tiếng mới được một lần dùng thuốc giảm sốt mà mỗi nhịp sốt của con chỉ ngơi ra được chưa đầy 2 tiếng. Đủ mọi phương cách được áp dụng để kéo dài vô vọng nhịp sốt. Thậm chí là pha cồn loãng vào nước để lau cho nhanh hạ nhiệt hơn. Nước sôi tiếp liên tục vào bốn năm cái phích để chườm suốt ngày đêm. Hai ngày đầu con còn đủ sức để kiên trì uống nước, ăn cháo, rồi đuối dần. Con dần trở nên cáu gắt, từ chối hết mọi thức uống. Cả nhà hết ngọt đến nặng để dỗ con mà không xong. Thế là truyền nước. Truyền liên tục. Nếu con chịu khó uống được thì đã không phải vất vả truyền nước đến thế. Cơn sốt không nhường sân gì cả. Vẫn lấn lướt không thương tiếc. Sau mới biết đó là một trong những dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết. Sốt chán thì nó mới chuyển bệnh. Đã có những bệnh nhân cùng phòng phát ra dấu hiệu xuất huyết. Máu xuất lấm tấm khắp da như phát ban, mỗi lúc một dày hơn.

Cơn sốt của con có vẻ thưa dần vào ngày thứ 5 và sau đó chỉ còn hâm hấp sốt. Bác sỹ vẫn cho xét nghiệm máu đều đặn. Con vẫn mệt nhưng đã chịu uống nước. Tạm dừng truyền. Bác sỹ nhắc theo dõi con chặt chẽ vì không loại trừ con mắc một chủng xuất huyết không thông dụng. Mà chả cứ sốt xuất huyết, ngay sốt phát ban như em Tý đợt trước, bác sỹ cũng đã nhắc mẹ hết sức cẩn thận theo dõi việc giảm thân nhiệt sau sốt cao. Chả may thì sẽ rơi vào sụt thân nhiệt xuống dưới mức cho phép, còn khó cứu chữa hơn khi cần giảm sốt.

Chỉ chừng 5-7 tiếng sau cơn sốt, con lại uể oải, rồi triệu chứng lạ. Không xuất huyết đỏ dưới da như mọi người nhưng hai mí mắt con phồng dần, mọng như hai nửa quả chanh. Bụng con cũng trướng lên mỗi lúc một căng. Con bắt đầu khó thở. Con được chuyển sang phòng cấp cứu của khoa điều trị. Bác sỹ hội chẩn gấp. Mẹ căng người lên theo con. Không hiểu chuyện gì xảy ra. Hình như người ta bắt đầu truyền cho con những thứ dịch gì đó đặc biệt. Ngay sau đó, bác sỹ mời gia đình vào gặp, thông báo chuyển con sang khoa chăm sóc tăng cường. Bác sỹ thông báo vắn tắt rằng con đang gặp những biến chứng nguy hiểm. Thông báo vắn tắt ấy làm mẹ thành con người khác hẳn. Sự căng thẳng vì thiếu thông tin chi tiết thật đáng sợ.

Hai y tá khiêng con rất thận trọng, rón rén xuống từng bậc cầu thang. Đích thân bác sỹ trưởng khoa nâng chai dịch và mắt chăm chú theo dõi sắc mặt con. Ông bà, ba mẹ bước theo trong sự im lặng dồn nén.

Con được xếp vào giường hồi sức số 1 của khoa tăng cường nhi với hàng đống dây dợ đeo ngoắc khắp người. Người nhà ở ngoài hết. Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Đêm nặng trịch. Mẹ không còn nghĩ rằng em con bé xíu khát sữa nằm nhà. Chỉ có ba tỉnh táo hơn là gọi về để bác giúp việc cho em uống sữa ngoài. Mẹ tê đờ trong nỗi kinh hãi mà không hề biết rằng cao trào chỉ vừa bắt đầu.

Bác sỹ trực thông báo với gia đình: con bị sốt xuất huyết tuýp hai, đã sang thể tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và suy gan cấp. Như một cơn động đất. Sụp đổ gì đó không thể kiểm soát. Con bé bỏng, mong manh thế kia mà chừng đó thứ nguy nan đang hiện hữu, đang tàn phá con.

Mẹ gạn lời nài nỉ bác sỹ để xin nhắc lại vì không tin nổi vào tai nữa. Suy gan cấp? Có phải con em chớm suy gan hả chị? Suy rồi chứ chớm gì nữa. Có lẽ chi tiết mẹ viết đây thật là khác với hành xử thông thường của mẹ, nhưng điều mà bác sỹ đó làm thật sự bất nhẫn. Mẹ không bao giờ quên được rằng sự láu cá vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người bác sỹ đó thật bất nhẫn. Bác sỹ kê một thứ thuốc viên để trợ gan và yêu cầu mua ngay.

2 giờ sáng. Hiệu thuốc bệnh viện không có thứ đó. Ba trông con vì mẹ nhất định đòi đi mua. Vốn thường ngày mọi thứ thuốc trong gia đình thì mẹ lo mà. Mẹ đủ tỉnh để không tự lao xe đi ở trạng thái căng như dây đàn thế. Không cần suy xét nhiều. Lên một chiếc xe ôm cổng viện. Rồi mặc cả loáng thoáng giá tiền, chỉ biết bao nhiêu cũng ừ. Người lái xe ôm lao đi trong đêm. Mẹ không khóc nổi, chỉ liên tục: anh đi nhanh nữa đi, con em chết…. con em chết… con em chết. Rồi quên mọi ngượng ngùng, mẹ nghe lời, ôm chặt và gục vào lưng người ta mà lẩm bẩm… con em chết…

Đúng 30 phút cho quãng đường vòng khắp các hiệu thuốc ở khu vực lân cận để mua vỉ thuốc trị giá… 5 ngàn đồng. Không biết làm cách nào cho con uống, vì được lệnh không cho ăn uống gì nữa, chỉ truyền và theo dõi. Mạch máu của con đã có dấu tắc nghẽn vì bị xuất tiểu cầu quá nhiều. Bác sỹ thản nhiên nói với người vừa tưởng chết đi trên đường mưa gió trong nỗi điên cuồng sợ không kịp về nhìn thấy con còn sống: để đấy, 2-3 ngày nữa nó đỡ mới cho uống. Thật sự, mẹ muốn tát thẳng vào cái khuôn mặt kia, nhưng rồi không đủ sức…

Ngay từ lúc con chuyển bệnh, 4 giờ chiều ngày 20.11.2006. Gia đình nhận thông báo chuẩn bị máu để truyền cho con. Các thao tác thử nhóm máu, gọi ngân hàng máu…. dồn dập. Mẹ làm theo như cái máy trong lúc chờ ba con từ nhà tới. Mùa dịch, dù máu con thuộc nhóm O là nhóm không hiếm nhưng ngân hàng máu cạn kiệt. Bắt đầu chuỗi điện thoại tới họ hàng, anh em, bè bạn để thông báo tình hình và nhờ cậy mua máu. Bất lực.

5h30 chiều. Bắt đầu cơn mưa đá đổ xuống Hà Nội. Chuyện kỳ diệu về dòng máu ấm cũng bắt đầu.

Bắt đầu là bác Anh, bạn ba mẹ, bác sỹ sản đã đỡ con ra đời, lại đến trước hết để cho con máu. Rồi anh em họ của con, bạn thân của ba mẹ, ông bà, các bác … đội mưa đá, vượt ngập tắc khắp thành phố để tới với chúng ta. Ai cũng sẵn lòng cho máu để cứu con, cứu gia đình mình. Bác sỹ huyết học xúc động lây trước tình nghĩa của mọi người, ưu tiên con tối đa đấy, khẩn trương tối đa để có thể tách lọc tiểu cầu nhanh nhất mà tiếp cho con. Nhóm máu O của cả gia đình ta lúc này như một sợi dây liên kết chặt đến nghẹt thở, lại được tiếp thêm độ ấm nóng từ những giọt máu đào của người thân yêu đang hiến dâng để giành lại sự sống của con.

Nghe bác sỹ giải thích mẹ mới hiểu rằng nếu con xuất tiểu cầu thì rất mất thời giờ mới tách được thành phần đó ra mà tiếp. Nếu tiếp cho người bị thể xuất huyết thông thường dễ hơn nhiều, chỉ truyền trực tiếp máu là xong. Gần ba tiếng sau đã có tiểu cầu cho con. Bác sỹ dặn tất cả mọi người chuẩn bị tinh thần để tiếp tục cho máu vì may mắn thì chỉ một lần tiếp sẽ qua khỏi, nhưng nếu không thì còn cần trong vài ngày tiếp theo.

Và đến giờ, mẹ với ba vẫn nhắc lại cùng nhau câu chuyện suốt ba ngày tiếp theo đó như một nghĩa ân đời ba mẹ không bao giờ có thể nghĩ rằng đã từng nhận được, lại được phép lãng quên. Đó cũng chính là lý do mẹ viết những dòng này kể lại với con gái yêu.

Đêm đó, song song với truyền dịch đặc biệt là tiếp máu. Sáng hôm sau, khoa hội chẩn. Bác sỹ trưởng khoa tăng cường nhi mời gia đình gặp riêng. Hết sức xúc động và cảm ơn bác sỹ vì hành xử vô cùng nhân văn của bác. Bác sỹ xin lỗi vì việc mua thuốc chưa quá cần thiết hồi đêm. Mẹ không ngờ trong bể định kiến mà người ta đang dìm nghề y vào đã nhầm lẫn mà oan cho những người chính trực như vậy. Bác sỹ thông báo rõ ràng hiện trạng bệnh của con, yêu cầu gia đình tỉnh táo đối diện với nguy cơ cuối cùng. Con sốt xuất huyết tuýp 2 - dạng hiếm, độ 3 (trên 4), mấp mé bờ hôn mê sâu. Nếu sau 72 tiếng nữa mà không bị tràn dịch não, tim và con không hôn mê sâu thì sẽ là phép thần kỳ có thực trên đời, con sẽ sống.

Ba và mẹ không còn hốt hoảng, không còn tê dại, chỉ còn là những con người hành động. Tim luôn nghẹt lại. Mẹ không ăn gì suốt 72 tiếng đó. Không thể… Không thể cả trả lời bất kỳ một câu hỏi nào dù đơn giản nhất từ bất kỳ ai, trừ bác sỹ. Ba con mạnh mẽ hơn, đi lại như con thoi lo cho em ở nhà, lo mua bán đồ dùng cần thiết và tiếp khách.

Sau này nghe kể lại mẹ mới biết rằng những ngày lao đi trong cơn bão số mệnh cũng chính là những ngày tình thương yêu của con người, của cuộc đời dồn tới cho chúng ta như những dòng sông cuồn cuộn chảy về.

Những người đã thử máu trong đêm trước và hàng mấy chục người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng nhóm máu O của mẹ, của ba đã suốt ba ngày ròng rã ăn uống kiêng khem để giữ gìn chất lượng máu mà cứu con ngay khi cần. Suốt cuộc đời này, chúng ta mang trong lòng món nợ mà có lẽ mẹ, ba và con không bao giờ đủ sức đáp đền: nợ ân tình, nợ máu ấm.

Sân trước của khoa cấp cứu lúc nào cũng có người quen tới thăm con. Đến mức ngại ngùng vì làm phiền các gia đình bệnh nhân khác. Mọi người chủ động chia nhau tới giúp trông chăm con, chăm cả mẹ luôn. Không bao giờ tin được rằng gia đình ta, ba và mẹ của con chỉ là những con người hết sức bình thường lại nhận được sự động viên chia sẻ ngập tràn đến vậy.

Bác sỹ cũng cảm động theo mà an ủi mẹ, em hãy làm tất cả những gì em muốn làm cho con em đi. Và thế là con ạ, những chuyến ô tô, xe máy lại tự xuôi ngược tìm tới cả những điện thờ, thầy cúng… cầu cho con tai qua nạn khỏi… Mọi người cứ tự tâm mà vì chúng ta như vậy. Có lẽ thần linh, ông bà tổ tiên và Phật đã chứng cho lòng thành ngút ngàn đó mà phù hộ cho con.

May ghê, con chỉ một lần truyền máu là đã hồi được tiểu cầu. Sang tới sáng ngày cuối cùng của thử thách, đã có dấu hiệu hồi dịch tràn. Bụng xẹp dần, thở dễ hơn, mắt con dịu xuống. Men gan cũng giảm. Bác sỹ thông báo và cũng an ủi rằng, dù chưa hết nguy kịch nhưng nếu con qua được, sẽ không có di chứng nào để lại. Tới sáng ngày sau nữa, bác sỹ vào khám, vuốt tóc con và nói: sống rồi con gái nhé… Lời nói giản dị mà có sức mạnh phi thường. Mẹ không thể tả nổi cảm giác khi đó. Chúng ta đã chiến thắng. Tin lan đi rất nhanh trong mọi người đang bỏng lòng chờ đợi.

Đúng 10 ngày ở viện. Con hồi phục rất nhanh sau đó. Con về với mẹ, với ba, với em. Con về với cuộc đời tràn ngập ánh nắng và tình yêu thương.

Con về, con kinh sợ những nốt muỗi đốt tới tận hôm nay chưa nguôi. Phải tới vài đợt cảm sốt sau, nỗi sợ chết cứ bóp nghẹt tim con mẹ. Con thảng thốt… Thương quá chừng. Con chăm chỉ mắc màn mỗi tối, giành cả phần thay mẹ. Và con sốt sắng thông báo lại cho mẹ những kiến thức con học được, đọc được, nghe được về căn bệnh sốt xuất huyết. Con hỏi lại chi tiết diễn biến đợt ốm của con. Đây, mẹ viết lại để con lưu nhớ đây.

Mọi lời cám ơn của chúng ta trước tấm lòng của các ân nhân đều là khách sáo và không thể đủ. Con yêu dấu, cuộc sống của con hôm nay không tự nhiên có nhé con. Con mang trong huyết quản những giọt máu nghĩa ân đỏ thắm, ấm nồng. Ba mẹ sinh ra con nhưng biết bao người đã lao tâm khổ tứ giành lại con từ tay tử thần ngày đó. Mong rằng con sẽ sống cuộc đời có ý nghĩa, xứng với tình yêu bao la đó. Yêu thương con người mãi mãi con nhé...

14 nhận xét:

  1. Bài viết thật cảm động.
    Việc đã qua, và qua tốt đẹp, cũng xin chia sẻ những ngày tháng đó với bạn cùng những người làm mẹ, luôn luôn với con cái là tình yêu thương vô bờ.

    Trả lờiXóa
  2. Một câu chuyện rất cảm động. Thanks.

    Trả lờiXóa
  3. Ôm chị một cái thật chặt, thật ấm, mừng vì mọi việc đã qua.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc mà thấy thương.Xin chia xẻ với những tấm lòng bao la của những bậc cha mẹ.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết xúc động quá chị.Mừng vì mọi sự tốt đẹp.
    Em bây giờ mà thấy con muỗi nào đang ở tư thế chổng mông cắm vòi là...quyết không tha. Có ở trong trường hợp nguy hiểm do muỗi gây ra mới hiểu việc kêu gọi, vận động nhà nhà diệt muỗi, người người diệt muỗi là một việc làm hết sức thiết thực.

    Trả lờiXóa
  6. Sợ quá! May mà mọi sự đã qua. Làm em nhớ lại hồi Tí bị sốt cao giật đùng đùng cũng thấy toát mồ hôi á hic hic...

    Trả lờiXóa
  7. @ Anh Cường:
    Lúc chị Diễm động viên viết, em cũng không nghĩ chuyện nó đã nhiều hàm lượng xúc cảm tới vậy. Nghĩ nhân gian cũng đầy chuyện hơn thế. Nhưng đúng là đời người chịu vài trận thế này thì không hiểu tim gan mình có trụ nổi không.

    Trả lờiXóa
  8. @ Bác Đỗ:

    Cám ơn bác!
    Qua rất lâu rồi và đã viết ra được thế, quên nhiều chi tiết rồi mà đọc lại cũng vẫn tê tái bác ạ.

    Trả lờiXóa
  9. @ AK7

    Cám ơn anh!
    Đời làm cha mẹ là đời âu lo, cười mà rưng rưng anh nhỉ.

    Trả lờiXóa
  10. @ HPLT:

    Giờ thì sợ con muỗi lắm rồi em.
    Khu Thanh Xuân nhà chị lại còn là rốn của dịch sốt xuất huyết. Ai đã sốt thì đều tuýp 2 như Hà An, chỉ có nặng và nhẹ thôi.

    Trả lờiXóa
  11. @ Titi:
    Vụ sốt giật này cũng kinh lắm. Thuốc thang kè kè. Con của bạn chị bị giật đúng lúc đưa nhau đi chơi ở sân Mỹ Đình đông nghịt. May mà mang thuốc đấy.

    Trả lờiXóa
  12. "bác sỹ vào khám, vuốt tóc con và nói: sống rồi con gái nhé…"

    Chị, em rớt nước mắt khi đọc câu này.

    Trả lờiXóa
  13. @ PNT:

    Em ơi, lúc đó thực ra chị choáng váng cực kỳ. Phép lạ mà.
    Giờ có khi bực nó quá mà có nghĩ tới phút ấy là nó... thoát đòn.

    HUG

    Trả lờiXóa