1.
Bố của cô bạn học phổ thông mất. Các bạn trong lớp tìm nhau tổ chức viếng.
Cú điện thoại thứ nhất:
- Th. à, B. đây. Mình vừa nghe tin bố của H. mất. Cậu có thông tin gì chưa?
- Mình có nghe khi nãy, chưa kịp hỏi lại xem giờ giấc tổ chức đám tang thế nào để báo lại với ban liên lạc lớp. Cậu có nghe nói gì không?
- Mình nghe qua bạn N. thôi. Cũng chưa thấy ban liên lạc báo gì cả. Chỉ là mấy người bạn hay chia sẻ thì muốn bàn nhau trước. Th. ở HN thì hỏi lại rồi báo cho tớ với. Tớ sẽ về.
- Ừ, tớ sẽ liên lạc ngay với mọi người nhé.
Cảm giác ấm áp quá. B. là người kiệm lời, không thích những ồn ào hào nhoáng. Lâu lâu nghe điện của cậu ấy, mình thấy lòng nhẹ nhõm và được bao bọc che chở, sẻ chia dễ chịu khó tả. Thấm thía rằng bạn cũ là thứ thiêng liêng và quý như con ngươi mắt.
Cú điện thoại thứ hai:
- Th. đây S. ơi. Bố H. mất, cậu và ban liên lạc nghe tin chưa?
- Chưa. Cụ mất bao giờ thế?
... vì sao?... bao giờ đưa? ... để hỏi thêm rồi tổ chức... Sau những trao đổi ấy thì hẹn nhau cùng tìm thêm thông tin rồi báo cho B. và các bạn trong lớp.
Cú điện thoại thứ ba sau cú thứ hai 1 phút:
- Th. à, S. đây. Cậu có bận lắm không?
- Không sao, cậu cứ nói đi. Có tin rồi ư?
- Chưa, tớ gọi mà số H. ngoài vùng phủ sóng. Để mai xem sao.
- Ừ, tớ cũng sẽ tìm cách liên hệ. Cùng cố nhé, nhỡ đưa tang sớm mà không kịp tập trung các bạn thì ân hận.
- Công việc của cậu giờ thế nào Th.? Bận lắm không?
- Tớ cũng bận. Nhưng cậu cần việc gì à? Cứ nói đi.
- Tớ muốn mời Th. làm công việc bán thời gian với tớ. Tớ giờ phụ trách một bộ phận xyz (bạn làm tràng tiếng Anh hoành tráng mà mình ù tai chả kịp hiểu là cái quái rì).
2.
Nói qua nói lại, hoá ra bạn mời mình đi... bán bảo hiểm nhân thọ với bạn. Thực sự mình muốn... chửi bạn nhưng rồi đành nén bực chịu trận 15 phút. Mình nói khéo là mình chỉ có thể làm những công việc dạng abc, còn việc "tiếp cận, thu nạp khách hàng bảo hiểm" thì mình không thích và không phù hợp. Thật là chướng khi nước sôi lửa bỏng lo việc tang ma thế kia mà lại nghe lải nhải thế này. Bạn rất bài bản dụ rằng cứ thử đi, những người làm công việc còn "mô phạm" gấp mấy mình mà vẫn rất thành công khi hợp tác trong lưới của bạn...
Cá nhân mình là kẻ "dị ứng quảng cáo", càng ớn những câu chuyện chào mời mua hàng đa cấp, bảo hiểm hay lời mời vào lưới bán bảo hiểm, lưới bán sản phẩm chức năng. Mình không chê sản phẩm, không phê phán mô hình làm kinh tế ấy, chỉ cực kỳ ghét cái trò "bám sát đối tượng, lải nhải không khoan nhượng một cách bài bản". Đã vài người bạn thân có, sơ có rủ rê các kiểu và mình bao giờ cũng phải trải qua quá trình từ chối từ tế nhị tới huỵch toẹt, thậm chí trốn chạy mới yên.
Câu giàu nhờ bạn ngẫm ra rất sâu sắc ấy chứ. Nhưng bạn là bạn. Mình sợ cái giọng đều đều và khuôn mẫu của bạn, gần như vô cảm, khi thuyết phục nhau kiểu đó. Mình sợ luôn bạn. Bạn mà phải trốn nhau dù bằng lời nói hay là ù té chạy thì buồn. Trò bán bảo hiểm theo lưới, bán hàng đa cấp nó lại dựa vào sự rủ rê chỗ quen thân mới hãi chứ.
Dù tránh xa, ghét cay ghét đắng thì vẫn là nạn nhân của nó như thường.
Mình đã phải bỏ chạy khỏi một cô bạn vì thấy mặt đâu là rủ mua bảo hiểm hết loại nọ đến loại kia. Tình cờ gặp ở quán nước. Mình mất toi bữa đó, mệt rũ ra vì nàng tranh thủ quảng cáo cả bằng mồm lẫn bằng... quà vặt dạng đeo chìa khoá, hộp đựng cạc...
Hồi Hà An học lớp 1, bà chị ruột cô giáo bám sát phụ huynh để bán bảo hiểm. Mình mua cái giá trị bét nhất cho yên thân. Chả tin gì vì tiền vứt vào đó mất giá thảm thương. Ai dè suốt ba năm tiếp đó khốn khổ vì các cú điện thoại giới thiệu dịch vụ mới cả vào di động, về nhà lẫn cơ quan. Hai năm đầu chăm sóc lắm nhưng mình chối tuốt các mời chào. Đến năm thứ ba bác ấy chán chả liên hệ, thậm chí chả buồn đến thu tiền, cho đứa nào ấy vác hoá đơn đến. Mình cắt hợp đồng luôn từ năm thứ tư. Nhẹ cả người.
Một bà chị họ hàng xa độ 5 đời bỗng nhiệt tình điện thoại hỏi han mình đủ thứ. Bả vanh vách công việc, con cái, vui buồn của mình y như... bà ngoại lũ trẻ. Thì ra bả đã cất công rủ được bà ngoại An An mua bảo hiểm, giờ bắt rễ lan sang mình. Bả tán sao mà bà ngoại tin tưởng kể tuốt luốt "tư liệu". Mình buộc phải nói dối là em còn đi công tác triền miên đến hết năm, qua Tết mới có thời gian gặp chị. Liền đó khẩn cấp báo cho bà ngoại cắt giùm thương vụ.
Lạ thật, những người làm nghề kiểu này đều bỗng dưng lên đời về phương pháp bám thắt lưng khách. Thằng bạn mình lâu nay nói năng cũng lủng củng lỉnh kỉnh. Tính nó hiền hoà, vụng về. Cũng quý hoá nhau thôi. Nhưng mỗi lần thêm một người đang yên bỗng xoay ra ăn nói thế này mình thấy mỏi rã rời quá thể, dẫu biết cũng chỉ vì miếng cơm manh áo của họ và mình không thích thì thôi. Thấy bạn, người quen như lột xác thành... robot bán hàng. Họ nói về lợi ích của mình - không phải bạn, người quen mà là khách hàng tiềm năng, một cách rất lấp liếm. Chả nhẽ vạch toạc ra. Cái sự nhịn thật khó tiêu hoá quá. Sao lại phải ăn nói bài bản chả giống bạn nữa thế chứ. Cái lưỡi uốn éo...
Nếu là bạn và muốn rủ nhau dùng sản phẩm, bán sản phẩm, chả nhẽ cứ vẫn cứng đờ theo lối thiên hạ thị trường với nhau vậy ư. Mất cảm tình, mất cảm giác, mất bạn. Và mình không chỉ không thích mà còn thấy cực kỳ dị ứng với những vụ ấy.
Hôm nay sao thằng bạn cũng giở giói đến bệnh hoạn thế kia. Đi đám ma mà gặp, khéo nó lại bắt mình nghe bài dài gấp mấy chưa chừng.
3.
Bạn cũ, bạn mới, người quen... Sống mà không giữ, không xây cái lưới nghĩa nhân ấy thì mình không hình dung nổi. Nhưng sống trong nó, chia sẻ, bảo bọc nhau là khác với cách mấy vị chèo kéo.
Nghĩ mãi chả thấy cú điện thoại ấm áp của B., chuyện sẻ chia nỗi buồn của bạn H. ăn nhập gì với 15 phút "dành cho quảng cáo" kia. Potay.com.canh và một nỗi trống trải khó chịu vô cùng. Chả biết nên trách, nên bực hay nên thông cảm với "bệnh nghề nghiệp" bạn nhiễm phải.
B. ơi, cậu gọi lại cho tớ với. Tớ muốn nghe cậu nói chuyện để xoá cảm giác chán chường này đi.
Chủ động gọi cho bạn ấy có được không?
Trả lờiXóaÔ, đúng thế, sao em lại không gọi lúc ấy nhỉ.
Trả lờiXóaEm lại quên mất khả năng tự bắt đầu của mình rồi.
Em đi gọi đây!