Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018
Ô MAI TÓC MÂY MÀU CƯỚC BẠC
Đã hơn 30 năm mình đều đặn làm khách của một cụ bà bán ô mai ở Hàng Đường
Đầu tiên là cô bạn học rủ đến mua bằng chút xíu tiền dằn túi thời sinh viên, rồi những chục năm tìm đến bốn mùa. Độ hơn chục năm gần đây, đổi đường đi làm và cũng bớt thích thứ quà vặt ấy nên mỗi năm hầu như chỉ đến một lần giáp tết.
Cửa hàng gọi cho sang chứ là một tủ nhôm kính mỏng dính ép bên ngõ bé xíu vào số nhà hun hút tối của phố cổ. Bà cụ nhỏ thó, gầy hầu như chỉ có da bọc xương ngồi trên chiếc ghế dựa bên mép tường đối diện. Tóc nguyên một dáng phi dê kiểu những năm tiền chiến dần đổi sắc từ đen qua muối tiêu rồi trắng kim.
Món hàng của bà không trăm hồng ngàn tía. Suốt bao năm vẫn là đồ truyền thống mặc kệ thiên hạ thêm bớt rộn ràng khắp phố, khắp thành phố. Vẫn vài lọ mơ mặn nổi muối trắng, mơ chua ngọt, mơ gừng, khế xào, mận xào, chanh muối. Một năm thấy bà có thêm lọ trám muối nhưng sau lại thôi. Hỏi mới biết bà chỉ muốn bán những thứ bà và gia đình tự làm từ đầu vào nguyên liệu tươi. Trong thế giới kinh hãi của thực phẩm, của quy trình sơ chế, nêm nếm điêu toa rùng rợn, nhất là đồ ô mai, thì lối làm hàng tỷ mẩn handmade của bà cụ thật sự làm bọn mình tin cẩn cực hạn. Chưa bao giờ ngậm hạt ô mai của bà mà bị vị đường hóa học làm thất vọng, thuần là đường mía. Mấy chục năm vẫn thuần vị mỗi mặt hàng.
Lọ chanh muối của bà vừa để bán, vừa để thêm cho khách quen. Cắn một mẩu chanh dẻo quánh, đen nhánh, sức mặn quyện tinh dầu chanh đột kích mọi cơn ho, long đờm lập tức.
Thời những năm 93-94 mình qua chặng viêm phế quản phổi tưởng đi theo tiên tổ, rốt cuộc không dám rời món chanh muối ấy ra. Sau mười mấy năm gặp lại, cố nhân ngày ấy từng đều đặn chở đi mua chanh muối lại hỏi còn qua hàng cụ không. Rằng còn. Thế là cùng rơi vào lặng lẽ một cung.
Mỗi cuối năm, khoảng rét đậm lại đến tìm cụ. Thấp thỏm suốt đường, chỉ sợ đến thì người nhà bảo cụ qua cõi mất rồi. Năm nào cũng lo và vui ríu lòng khi đứng gọi ơi ời thì cụ hiện ra từ ngõ tối và đơm hàng cho.
Cụ hỏi sao đi đâu, bận gia đình tới đâu mà ít qua. Cười kể những đổi thay, kể cả việc không thành đôi với cậu khách cụ quen năm nào. Rồi có năm cụ gói thêm gói khế không cay quá gửi cho con gái mình. Có năm tận qua tiễn ông Táo mới đến được, hàng hầu như chả còn gì. Lượng nhà cụ làm được chả tăng được mà có chiều giảm đi vì con cháu cụ sau ít chịu theo nghề gia truyền. Cụ móm mém bảo đứng chờ rồi đưa ra cho mình vài hộp đúng thứ mình thường mua và vẫn một gói giấy nhỏ chừng chục quả chanh muối. Không tả nổi cảm giác đẹp đẽ kiểu chiêm ngưỡng phố cổ thâm nghiêm và rêu phong óng trong nắng rớt mành chiều đông, khi nghe cụ bỏ nhỏ mấy lời:
- Cô chờ cháu mãi. Nghĩ cháu bận gì đến muộn thôi, để dành chờ riêng cho khỏi lỡ mùa.
Ùi ui...
Hôm qua rẽ vào
Thấp thỏm nỗi hai hãi đời trôi mất cụ rồi
Thấy cậu trai ngồi cạnh tủ hàng, cực kỳ ngại ngần nhưng vẫn cứ phải hỏi bằng được. Chọn từ mãi vẫn sợ không đủ tế nhị trong không gian của cụ:
- Cụ bà còn khỏe không em?
Nhẹ cả người khi nghe đáp:
- Cụ em yếu hơn nhiều nhưng vẫn đi lại sinh hoạt thoải mái ạ.
Gói hàng xong, có lẽ nỗi mong mỏi gặp cụ nó lộ trên mặt mình quá nên cậu ấy cười cười tiếp lời:
- Cụ em rét không ra bán được, đang chơi với cháu trong nhà.
Chả hiểu sao chừng ấy đã thỏa mãn mình lắm rồi. Rằng vẫn còn cụ với những hạt ô mai, chanh muối cho không gian đông giá của mình được nồng nàn êm đềm.
Gửi lời chào cụ. Nhớ ra cụ không biết tên mình. Thế mà có nỗi đợi chờ nhau trong lòng phố.
Định đi, chợt thấy thiếu. Hỏi cậu còn chanh muối không, mắt thấy lọ chanh đã gần đáy. Cậu cười còn tý cho ông em thôi. Gạ bán cho vài quả lấy vị. Ồ, cháu cụ có khác, cùng kiểu phong vị gia truyền cả trong cách đối đãi với khách. Cậu mở lọ, cười mời mình lấy vài quả chứ không bán. Ngại, bảo cho ngần nào chị xin ngần ấy thôi. Bốc ra mấy đợt, tay đưa mà mắt cười nhìn xem khách ưng sao, đến mình kêu đủ mới ngưng.
Có những mối giao hảo ngỡ rất sơ nhưng không đo được chiều sâu thú vị như thế
Khung trời mùa đông trên phố cổ, dáng cụ bà mảnh như sợi tóc cước, những quả ô mai mơ, chanh muối... Đời này phiêu bồng dễ thật...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét