Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

NHỮNG MÁI TRƯỜNG THƠ ẤU (phần 1) - Bắt đầu tập hồi ký đời Chuồn :D

Lời bạt:

Mình bắt đầu viết cuốn "hồi ký" để mai này các con đọc. Sẽ không theo trình tự thời gian mà theo cảm hứng, nhu cầu hồi tưởng và cả nhu cầu xả xì choét. Vừa viết vừa sắp xếp lại những mẩu đã từng kể nên trong các phần có thể sẽ dán lại các mẩu entry đã viết. Các mẩu viết cũng không thành cuốn dài mà là từng câu chuyện mình nhớ, có thể về chuyện diễn ra, địa danh hoặc các nhân vật là người thân, người có ý nghĩa với cuộc sống của mình. Dự kiến khi xong hòm hòm sẽ phân chúng vào từng nhóm theo thời gian hoặc tiêu chí nào đó tính sau.

Hy vọng rằng blog sẽ còn tồn tại được tới khi nào mình viết xong những gì đã diễn ra trong quá khứ suýt soát 45 năm qua. Phần bé xíu được hồi tưởng theo lời kể của ba mẹ, người quen, có thể sẽ về mượn nhật ký của ba mẹ để tham khảo. Mình chỉ kể được từ khi bắt đầu đi học.

Nhìn lại, tự thấy dù cuộc đời mình chưa nhiều đỉnh đáy nhưng cũng vừa đủ xúc cảm, trải nghiệm để không nhạt nhẽo. Sẽ cố gắng viết chân thật nhất có thể dù có lẽ phải vượt qua khối điểm tế nhị.

(Hơi giống mái trường đầu tiên ở bóng đa, khoảng sân chứ lớp học đầu tiên của mình bé tẹo)

1. Chuẩn bị thành "sinh viên đại học chữ to"
Ngày mình bé xíu, người ta không gọi là trường tiểu học mà là cấp 1. Lớp học đầu tiên của mình không phải mẫu giáo vì là thời chiến, làm gì có trường mẫu giáo. Lớp đầu tiên là lớp Vỡ lòng. Mình thích cái tên ấy hơn là "lớp 1" bây giờ của con trai Quốc An. Cấp 1 chỉ tính từ lớp 1 tới hết lớp 4 theo chương trình giáo dục cũ.

Tròn 5 tuổi, mẹ bắt đầu cho mình làm quen với chữ cái, chữ số. Mỗi hôm một chút mẹ động viên mình chuẩn bị hành trang chuẩn bị đi làm "sinh viên đại học chữ to" của lớp "vỡ ruột", cách gọi đùa của người lớn bấy giờ. Mình làm gì cũng đếm và đánh vần. 

Mình biết đọc rất suôn sẻ từ khi chưa đi học. Hồi ấy không có net chứ không thì khéo mà mình cũng thành hiện tượng thần đồng cấp huyện mất . Người lớn cứ tìm cách dụ mình đọc lúc thì đầu tên báo, bài báo, lúc lại vài dòng trong sách hoặc các khẩu hiệu, tên cơ quan... Mẹ dạy thêm cho vài chữ tiếng Nga ti toe, thế là ôi thôi biểu diễn tưng bừng. Mải đọc, mình không thích tập viết. Chữ xấu như hoi, sau này học cấp 3, gần đi thi đại học vẫn xấu mù xấu mịt. Văn viết thì ổn ý tứ nhưng điểm chả bao giờ cao vì chữ kinh quá. Đi thi học sinh giỏi văn cũng chỉ đến cấp huyện là tịt. Đến tận lúc đi học  sư phạm Nga, có cơ hội tập viết như khổ sai thì chữ mới "hoàn lương", nét viết tử tế như mọi dân viết chữ Nga.

Nhớ lần mẹ sai đi mua nước mắm ở cửa hàng thực phẩm huyện cách khu tập thể độ 500 mét. Lếch thếch xách chai nửa lít về đến nhà thì vơi mất 1/3. Không vì đổ mà vì mình biết đếm đến 100 rồi. Thói thèm mặn như mọi nhóc tì đã xúi mình mở chai mắm nhấp hớp đầu tiên. Rồi quyết định đi một đoạn lại dừng lại nhấp và đếm. Có lẽ chưa đếm đến 100 chứ không thì có mà hết chai. Nhưng máu me vụ đếm nên đi vài bước lại dừng lại làm một hớp nhỏ hoặc không kiềm nổi cơn thèm thì 2 hớp vậy. Nước mắm bao cấp mặn chat vị muối hơn là vị đạm nên kết quả của vụ học đếm ấy là mình uống nước suýt vỡ bụng cả hai ngày tiếp theo vẫn chưa đã cơn khát. Mẹ kêu trời kêu đất. Giá mẹ chỉ dạy đếm đến 20 thì đã đỡ tốn mắm, tốn nước bao nhiêu. 

Mẹ còn đưa mình tới thăm trước ngôi trường làng trong đình làng Thọ (thuộc xã Mỹ Thọ, ven phố Phủ huyện Bình Lục) mà mẹ dự tính sau hè là mình theo học. Đùng phát, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Đi sơ tán. Thế là lớp học đình Thọ không phải mái trường đầu tiên của mình nữa.

Tuổi thơ ấu, từ vỡ lòng tới hết cấp 1, mình học qua 4 trường vì theo mẹ sơ tán, chuyển trường. Trường quê có, phố có, đủ cả. 

2. Mái trường dưới bóng đa vùng sơ tán

Trường làng đầu tiên là lớp học vỡ lòng dưới bóng đa ở vùng Hưng Công (thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ, mình còn không nhớ rõ được cả tên xã, huyện). Theo mẹ sơ tán trốn máy bay Mỹ về đó. Thực ra đó cũng là điểm sơ tán thứ hai, ba gì không nhớ nữa của trường cấp 3 mẹ dạy.

Mình nhớ cô giáo đầu tiên - cô Tình, vợ bộ đội. Mình đã kể về cô trong entry hồi mới chơi blog, giờ coppy lại đây để thay cho phần kể thứ nhất.

CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN

Năm nào đến ngày 20-11 mình cũng thoáng nhớ về ngày đầu tiên đi học. Thế mà chỉ thoáng thôi... Dù đôi khi những ngày đầu tiên đó sống dậy trong giấc mơ, cũng rất mờ ảo. Chỉ duy nhất, một điểm sáng long lanh suốt từ mấy chục năm, kỳ ảo và sáng rỡ. Cái điểm sáng như vẹn nguyên trong tâm trí mình, từ khi mình là một con nhóc 5 tuổi rưỡi tới tận giờ - nó vẫn lung linh thế trong đáy sâu tâm hồn người mẹ 2 con, mà con lớn thì đã gấp ba tuổi mình của buổi đầu tiên lưu luyến điểm sáng đó - cô Tình.

Ngày giặc Mỹ phá hoại miền Bắc, mấy mẹ con lúm túm về sơ tán tại xã Hưng Công (chả nhớ huyện nào, chỉ biết tỉnh Nam Hà cũ, nay lại thuộc về Hà Nam thôi). Lo chỗ ở trọ nhà dân xong, mẹ nó lao vào công việc ổn định nơi dạy học và chốn ăn ở cho học sinh trường cấp 3A Bình Lục (nay là Bình Mỹ).  Nó tự lặn lội giao du với tụi trẻ hàng xóm. Đám quần áo sạch sẽ ngày đầu nhanh chóng ngả đủ thứ màu, rất hợp cạ với tụi trẻ bản địa. Không một thứ gì trong làng trong xóm, không một ngóc ngách cỏ cây nào trong xóm nó không từng sờ tới. Tụi nhóc kia quả là những hướng dẫn viên du lịch siêu đẳng. Về ẩm thực, khẩu vị của nó cũng biến đổi theo hướng hết sức dân dã. Hình như mẹ nó có phang một trận đến nơi đến chốn vì cùng với tụi bạn gặm cái cây mía đã rơi vào đám cứt trâu khô, nhưng được phán xét là có dây vào đâu mà bẩn.

Rồi chả nhớ bao lâu sau, thấy tụi kia hớn hở đi đâu đó, chả nhẽ mình nó ở nhà thì chơi với ai. Nó cũng theo, tay không đi theo. Úi, chân trần trẻ nhóc đi tới chừng cây số, xa nhỉ. Tới một cái đình làng. Thấy một cô ra lôi cả lũ cho ngồi vào những cái bàn nhỏ, ghế thấp. Vẫn chả hiểu gì. Rồi cô hỏi cái con chân đất là con nào. Tụi kia trình bày là nó sơ tán về, nó đi theo thôi. Cô bảo, thế thì ngồi đó, hết buổi mới cho về. Xa thế về một mình thì có mà chết. Nó vẫn ngơ ngác, rồi cô phát cho mỗi đứa một cái bút chì, một quyển vở nhỏ. Nó cũng có phần.

Cô hỏi nó mấy tuổi. Nó bảo năm tuổi hồi trước. Cô hỏi về mẹ, về ba. Nó khai rõ được luôn. Mãi sau mới biết, thì cô cũng đồng cảnh với nhà nó. Nhưng con cô thì hơn nhà nó một đứa. Cô là cô giáo thì mẹ nó cũng cô giáo. Bố nó và chồng cô cùng là chú bộ đội. Thời chiến, sự tương đồng đó rất thiêng liêng.

Rồi nó biết cô là cô Tình. Nó mê tóc cô dài tới kheo chân y chang mẹ nó. Nó thấy yên tâm vì té ra đi học không phải cái gì kinh khủng như nó vẫn tưởng tượng theo lời doạ của mấy anh chị lớn. À, té ra vui ấy chứ. Nó phát biểu toòng toòng vì mấy cái nét móc nét cong mẹ nó dạy lâu rồi. Được các bạn vỗ tay, sướng mê. Trò chơi mới này khoái hơn nhiều. Cô chiều nó, chiều các bạn quá. Giờ ra chơi nào cô cũng phải ngồi trong lớp gọt lại cả đống bút chì gãy vì tụi ngốc ngếch đã bặm môi, bặm lợi cào rách cả vở.

Mẹ nó, bận công việc mịt mờ, chỉ lo cho cu em bú, ngủ là đã kinh lắm rồi. Mà suốt ngày là nhờ mấy bác, mấy anh chị nhà chủ giúp. Thời đó, con người thật là tràn ngập nhân tính. Mẹ nó chả nghi ngờ gì về việc nó chuồn đi chơi trò mới với lũ nhóc kia.

Một hôm, nó khóc như mưa như gió, không ai dỗ nổi. Mẹ nó gặng mãi mới biết. Giản dị, nó quên là có một chữ gì đó mà mấy nét ấy. Trời ơi. Chữ gì không biết, lại còn không biết mấy nét. Mẹ vẫn chưa nghi, vì nó cũng tập toẹ vài chữ từ trước đó. Mẹ chỉ hết bảng chữ cái in, sang tận bảng chữ cái thường mới phát hiện ra là chữ "m". Nó khóc, vì bị cái ông cu lớp trưởng, tên là Cát, lêu lêu doạ mách cô vì nó viết "m" 4 nét.

Mẹ nghe lý do, ngạc nhiên phát hiện ra nó đã đi học được một tuần. Thời đó, trẻ con cũng không được đi học trước tuổi đâu. Cứ đúng 6 tuổi. Hôm sau, mẹ đi cùng tới lớp, nói chuyện với cô giáo Tình. Hai bà mẹ của nó hàn huyên gì không rõ. Nghị quyết cuối cùng: thôi, cho nó đến lớp, học tới đâu thì học, chứ ở nhà không có bạn chơi thì cũng chết. Ai giữ nó bây giờ. Cô cũng thông cảm cùng là nhà bộ đội thời chiến.

Chuyện nó đi học thế đấy, như một hơi thở tự nhiên, tự nguyện, hớn hở. Rồi chuyện học hành của nó suôn sẻ. Không có ngày đầu tiên, làm gì có hôm nay nhỉ. Mắc míu mỗi một chuyện là nó thực sự không biết đánh vần theo cách cô dạy. Cách đánh vần kiểu cũ ấy mà. Lằng nhằng phát khiếp. Như chữ mít thì phải: mờ - i - tờ - it - sắc - mít. Úi giời. Chịu. Mẹ nó chỉ dạy mờ-it-mit-sắc-mít. Mà tới khi đó, nó đã đọc luôn thành mít rồi, đọc báo được rồi cơ mà. Thế mới biết, dạy mà không đúng kiểu thì nhóc con hoang mang thật. Bây giờ cảm giác đó nó nếm khi dạy An An.
Bao nhiêu trò chơi cô dạy, nó nhớ không quên: kéo cưa lừa xẻ, chơi u, trốn tìm...

Nhớ nhất là cô tập cho lũ trẻ chạy ra hầm phòng không, và lần nào cô cũng đứng ngoài, xây lưng ra ngoài cửa hầm, mắt nhìn chúng nó trìu mến, ấm áp và yên tâm lạ. Nó cứ mơ hôm nào bom Mỹ thả thật chạy cho khoái. Chà.

Ngày 20.11. Con giáo viên nên nó biết ngày này, nó kể với tụi hàng xóm. Mẹ nó bảo các cháu nên có gì đó tặng để biết ơn thày cô. Háo hức lắm. Rút cuộc quà tặng của cả lũ khoe nhau thật độc chiêu và đặc sắc so với bây giờ: cái rút dép cao su, cái kẹo lạc, đôi đũa "tự vót" (hừ, con Lan đó mà tự vót, chị nó vót hộ), một khúc mía... Riêng nó, xúng xính lắm nhé, mẹ cho mang đi một quả cam giấy. Không hiểu thực sự khi đó quả cam có đỏ rực và to tròn, vỏ mỏng tang như nó nhớ bây giờ không. Nhưng mà nâng niu lắm. Đứa nào đứa nấy lũn cũn mũ rơm trên đầu, i chang nấm lùn, tay khư khư món quà. Đứa này thèm thuồng liếc món quà của đứa kia, theo nghĩa muốn ăn đó. Thì còn ngốc quá.

Lòng thành kính tặng quà cô ngày đó, tới giờ có lẽ không lần nào vượt được hơn. Lòng nó và bạn bè long lanh một tình yêu vô biên với cô. Cô hình như rớm lệ, cô hình như cười. Nó không thể quên nụ cười đó.

Rồi cô nhận hết quà. Tụi trẻ hớn hở dễ sợ chưa. Càng hớn hở hơn khi cô lần lượt trả lại quà cho từng bạn. Cô nhận tấm lòng thôi, các em giữ giùm cô nhé. (Ô, té ra tặng cô thật khoái nhỉ. Tặng xong lại của mình). Bây giờ, liên tưởng với những gì diễn ra trong xã hội, thấy tấm lòng cô sao lung linh như cô tiên thế. Thừa nhận rằng, ngày đi thực tập sinh sư phạm, được hưởng mùa 20.11 đầu tiên trong kỳ thực tập đó, nhớ cô vô cùng.

Dọc đường về, quà đứa nào đứa ấy ăn, chúng bạn cũng cho nó cắn ké. Ấy vậy mà không hiểu tại sao nó khi đó chưa biết keo kiệt lại cương quyết giữ quả quít về trả mẹ. Sau đó, mẹ, trong cơn xúc động vì tấm lòng của cô, đã cho nó mang quả quít chia với các bạn. Không bao giờ quên cảm giác khoan khoái đó, không bao giờ quên hình ảnh cô và mẹ trong ngày đó.

Đời đi học của nó chưa từng nếm mùi đòn thước kẻ, mùi phạt góc lớp... May mắn nhỉ. Nhưng chả thày cô giáo nào dịu dàng hơn cô.

Cô ơi. Kỳ lạ thật, dù thẩm mỹ của em đã khác nhiều so với ngày thơ đó, và mốt thời trang qua biết mấy mươi chặng biến đổi mà em vẫn không quên điểm sáng lung linh trang điểm nụ cười cô, nhấn cái vẻ ấm áp khi cô cười. Em chả biết tại sao.

Vì nếu giờ kể ra, chắc mọi người cũng hơi khó hiểu.Cái điểm sáng ấy phát ra từ chiếc răng bọc vàng nơi khoé miệng cô. Khi đó rất mode nhé. Phải có tiền lắm mới được bọc đó. Thật lòng, duy nhất chiếc răng bọc vàng đó là em thấy đẹp. Tất cả những chiếc răng tương tự em gặp đâu đó sau này đều gây cảm giác rất khó chịu. Thế mà, em rất nhớ, rất yêu nụ cười của cô. Chắc vì nó là của duy nhất cô mà thôi. Người mẹ thứ hai của em.

Cô, lớp trưởng tên Cát, bạn Lan hàng xóm, cây đa to trong sân đình, mũ rơm và hầm trú ẩn ... ngày đầu tiên đi học... một giấc mơ dù không còn rõ nét nhưng dường như chẳng thể nhạt nhoà.

(Phần tiếp: Những lớp học dưới mái đình làng Thọ, đền Trần Bình Lục và Trường cấp 1 Mỹ Thọ).

14 nhận xét:

  1. Này, có ý định gì mà viết hồi ký sớm thế hở?
    ;)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tớ sợ viết muộn thì rơi rớt chi tiết vì quên và nguy hiểm nhất là nhầm lẫn tên các người yêu.

      Xóa
  2. Há há.. . so với vụ uống nước mắm thì những trò tinh nghịch của QA chỉ là muỗi :-P

    Trả lờiXóa
  3. ;)) tuổi thơ của em thì vẫn gắn liền vs Đặng Trần Côn và V-A :))

    Trả lờiXóa
  4. Giống tuổi thơ của Hà An và Quốc An rồi cậu. Này, off đê. Hàng xóm cơ mà :D

    Trả lờiXóa
  5. chả biết bao giờ mới đến đoạn gay cấn, em chỉ đọc đoạn nào gay cấn thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thú thật là chị cũng chả biết bao giờ thì hết những đoạn ít gay cấn :))

      Xóa
  6. Mà đồng chí ơi tuôn thì cũng tuôn từ từ thôi chứ. Hồi ký hay thế này mà đăng uỵch cái nguyên cục dài, đọc ngấu nghiến bảo đảm không nghẹn không lấy tiền. hù hù...

    Trả lờiXóa
  7. Nó ngày xưa dễ xương hén, so với Mụ bây giờ thì giống như là 2 con người á :-P

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Gấu: Cái này ta nói "Thời thế tạo anh hùng" :D

      Xóa
    2. Giống như Gấu chỉ là di chứng của thời lá bàng thổi xôi ấy :))

      Xóa
  8. "Tớ sợ viết muộn thì rơi rớt chi tiết vì quên và nguy hiểm nhất là nhầm lẫn tên các người yêu."

    Ý tưởng hay, tui sẽ học theo ngay kẻo quên.

    Trả lờiXóa