Sinh đẻ là thiên chức của kiếp đàn bà.
Thời nay, công nghệ đỡ đẻ hiện đại. Có ông bố tếu táo “đẻ mà khó gì, vợ không đẻ thì để… chồng đẻ cho”. Tưởng đâu đẻ rơi là chuyện đã xa vời quá khứ.
Vậy mà... Có bao nhiêu trái tim bàng hoàng, xót đau khi đọc tin bé sơ sinh chết ngạt thở vì mẹ đẻ rơi ngay sân trạm y tế xã ở tỉnh Cà Mau. Mẹ đẻ rơi, con chết ngạt chỉ vì không chờ được nhân viên y tế hộ sinh bỏ vị trí trực đêm. Khi lắng lại nỗi xót đau, những trái tim đàn bà chợt nhói lên âu lo.
Cứ tưởng rằng, những âu lo của hàng ngàn năm đàn bà ở xứ lúa nước lạc hậu đã không còn, khi mà không hiếm người chọn ngày đẹp, giờ đẹp để mổ đẻ dù thừa sức đẻ thường. Không phải cứ nín cơn đau chờ bà mụ mát tay, bác sĩ xịn đỡ cho thì cái ba lô ngược của đàn bà mới “được” vỡ.
Chợt đào lại từ tiềm thức câu dặn “đau đẻ đừng chờ sáng trăng” của bà nội, bà ngoại...
Xưa, sản phụ mẹ tròn con vuông ở nhà, cậy nhờ bà mụ vườn mát tay với nồi nước sôi sát trùng que nứa, liềm, dao cắt rốn con và trã than củi với vài quả bồ kết rắc vài hạt muối làm ấm phòng đẻ.
Xứ ta lúc này hệ thống y tế cơ sở vươn tay về tận thôn bản vùng sâu vùng xa, y tế xã đỡ đẻ cũng khá rồi nên đội ngũ bà mụ gia truyền có vẻ như đã thành miền cổ tích. Nhưng chắc gì một bà bầu thạo internet, sành điệu, chữ nghĩa đầy mình chăng nữa lại không có lúc đẻ rơi vì sa vào cảnh con vọt ra nhanh quá; vì lũ lụt, tắc đường, điện thoại hết pin, nhỡ tàu xe ... Thời nào thì đàn bà vẫn cứ phải chuẩn bị để vượt cạn một mình (cả nghĩa đen và bóng).
Đẻ rơi? Mới đầu là xót thương và giận dữ “nhà y” tắc trách quên trực...đẻ. Nhưng ngẫm lại cũng phải trách chứng “ỉ lại dịch vụ” của đàn bà thời nay. Sản phụ cứ tưởng đi đẻ tênh tênh như đi… siêu thị vì đã có lời bác sỹ ngọt ngào “lúc nào chuyển dạ em cứ tới tay không là đủ”. Đúng là ở viện sẵn hết tã con, váy mẹ, túi đẻ, sữa bột quảng cáo tận giường. Vì thế, con gái lần đầu mang thai mấy ai còn vướng bận chuẩn bị tã con, băng vệ sinh, bình bú, phích nước nóng… khi bầu sắp đủ tháng vỡ như thời mẹ, thời bà.
Mấy ngày trước dân mạng trầm trồ xem video đẻ rơi trên ô tô vì tắc đường của dân thành phố bên Tây. Nhà cách viện 5 phút đi xe. Ai dè đúng lúc cần đẻ lại tắc đường nghẽn cứng. May mà có video điều khiển giao thông ghi hình, có bác sĩ hướng dẫn đỡ đẻ qua điện thoại. Vả lại, bên xứ văn minh đó các bà bầu và chồng có cơ hội tham gia những lớp dạy kỹ năng chăm sóc bầu bì, chuẩn bị sinh nở và chăm sóc em bé sơ sinh. Thế là ông bố đỡ đẻ cho vợ ngon lành.
Phục quá. Nhưng chả ai muốn mình rơi vào tình thế phải hoàn thành “điệp vụ đẻ rơi” như nhà ấy.
Trở lại xứ Ta và chuyện đẻ rơi ở xứ sông nước miền Nam. Xem ra đọc các sách hướng dẫn chủ động tập luyện cả tinh thần lẫn thể lực để “đẻ không đau”, chọn kỹ bác sĩ sản khoa, bệnh viện xịn cũng chưa thể gọi là đủ. Hộ thân không gì bằng kỹ năng “tự cứu” khi lỡ sa cơ mà không níu kịp áo bác sỹ, bà mụ, bệnh viện.
“Biết cách đỡ đẻ” cũng không phải là quá thừa, dù là thời nào đi nữa. Chi bằng bà bầu lận lưng ít kiến thức tự rặn đẻ, hiểu “quy trình vỡ chum”, chăm sóc bé con ban đầu để đủ bình tĩnh vượt qua cơn khó. Ít nhất cũng sẽ không sa vào hoảng hốt khiến bà đẻ rối tinh thần thêm mất sức lực quý báu, người nhà tít mù bấn loạn lóng ngóng.
Đẻ rơi? Cũng là dịp để những người Mẹ giật mình để ngoái đầu cầu cứu hai chữ truyền thống, bà mụ, cái kéo cắt rốn, nồi nước sôi, trã than củi có vài quả bồ kết...
An Thảo
Hồi em sinh Tí, ai cũng bảo liều quá vì sát giờ sinh em mới thèm tới viện. Vừa đi vừa sợ em bé tụt ra ngoài. Cũng tại em cậy có bác sĩ riêng là bà ngoại cho nên hong sợ gì ngoài cái mùi bệnh viện :-P
Trả lờiXóaChị không liều bằng em và đẻ đều khó nhưng nghĩ lại mình cũng cà chớn phết vì cả hai lần đều đẻ hộ sinh Ba Đình do bạn đỡ. Liều gúm. Chẳng qua là sợ đau đẻ một mình nên đẻ ở đó để người nhà dễ chăm sóc.
Trả lờiXóamụ định đứa nữa hả mụ ơi ;-P
Trả lờiXóaNhìn lại biết rùng mình rồi cơ mà Gấu :D
Trả lờiXóa