Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

BÁNH CHƯNG RÁN

Trên bếp một chảo bánh chưng đang giòn dần, thơm dần và khiến mình... mê muội dần.

Thời bao cấp no dồn đói góp, một trong những cái ham đến mụ mị ngày tết của mình là gói thật nhiều bánh chưng. Con nhóc mình ngày ấy không phải lo gom góp nếp, đậu, phiếu thịt, tiền mua lá... Mẹ lo tuốt. Mà mẹ mình thì có một ưu điểm tuyệt đối là chiều con. Nói ngay là nhờ sự chiều chuộng ấy của mẹ, mình có cơ hội luyện tay đủ món nữ công, tốn vô biên tiền bạc mẹ cung cấp để mua nguyên phụ liệu. Và thế là vụ gói bánh chưng cũng nhờ mẹ mà nên. Nên cả tay nghề lẫn niềm say mê "chơi và xơi" bánh.

Mình thích nhà có  40 cái bánh mỗi Tết dù chỉ có... 5 người. Hihi. Tương đương chừng 15 kg nếp, 5-6 kg đậu, hơn 5 kg thịt, 200 lá dong tốt. Chả hiểu sao mẹ có thể chiều cỡ đó. Năm nào mình cũng xúc ăn gian nếp  thêm chừng 1 kg để làm bánh con mà không ảnh hưởng tới con số đẹp kia. Mẹ cũng biết thói ấy nên đong dôi nếp, mình có tham thì vẫn cứ còn đủ nếp đồ xôi cúng. Mãi sau này ngẫm lại mới thấy quá biết ơn mẹ về những khuyến khích ấy dành cho con.

Tất nhiên mình bày ra lắm thì phải chịu trận lắm thôi. Một mình mình xoay mòng mòng với đống đó suốt ngày 27 và 28 Tết. Tính tới lúc bánh chín vớt ra ép xong thì hai bàn tay mình đã gãy hết móng, đầu ngón bị lạt gọt hết lớp da có vân vì xoáy nút lạt con sâu. Mẹ biếu họ hàng làng nước xong thì nhà sẽ còn chừng 20 chiếc to cộng vài bánh nhỏ.  

Có điều Tết nào mình cũng chỉ ăn chừng một góc phần tám bánh ngay ngày đầu mới vớt. Sau đó thì suốt Tết sẽ chả tơ hào gì miếng bánh lạnh ngắt trên mâm. Mẹ có đồ bánh cho nóng thì mình vẫn cứ chểnh mảng. Chỉ thực sự ăn bánh chưng từ sau mùng 5 Tết - bánh chưng rán.

Bánh chưng cắt tám rán. Bánh chưng dầm mỏng rán. Bánh chưng rán mềm, bánh chưng rán giòn. Thế nào cũng xong, xong béng. Thậm chí có khi một bữa xong được nửa cái bánh. 

Thoạt tiên mình chỉ biết rán bánh cắt khẩu, sau học được kiểu dầm bánh ra rán. Chăm thì một bánh rán thành hai "bánh chưng rán" tròn xoe, lười thì để nguyên cả cái mà rán thành một đĩa. Chia đôi thì bánh mỏng, rán giòn dễ. Để cả chiếc bánh thì vỏ giòn, ruột mềm. Ồi, hành muối ngoài chua trong ngọt mà dan díu với bánh chưng thì rất cần tự cảnh giác bản thân kẻo bội thực.

Sau này thì chỉ thích rán bánh dầm ra. Khoái nhất là cái chảo chống dính hất tung một phát, đón khéo để bánh tròn trở mặt trúng lòng chảo. Hồi trước chưa có chảo chống dính, chuẩn bị cái chảo nhôm Liên Xô cho rán bánh khỏi dính rất cầu kỳ. Luộc dấm, bắc bếp cho nóng rãy, lau sạch... Rồi lúc rán cũng phải để chảo nóng hết cỡ mới cho bánh vào rán. Giây khắc làm xiếc trở mặt bánh cực kỳ phê. Hồi mới tập có lần bánh vắt thẳng lên... cán chảo, tý thì bỏng tay. Phúc bảy mươi đời chưa lần nào phải bê chảo chạy theo hứng bánh hoặc bánh nhảy dù xuống đất. 

Ăn bánh chưng rán là thú ăn trong những ngậm ngùi tiếc nuối Tết vui đã trôi qua, đã hết nghỉ học, nghỉ làm. Vì khoái cái thú này mà tớ thích nhà gói nhiều bánh là thế đấy.

Sau Tết, nhà hay có vài đòn bánh tét quê ba gửi ra. Bánh tét thơm hương đậu quê. Lấy sợi chỉ se tét bánh ra thành từng khoanh cho rơi thẳng vào chảo nóng. Lát bánh tròn xinh từ từ ngả vàng từng mặt. Cũng rất ngon dù không thể đọ được bánh chưng dằm rán, dằm qua dằm lại vài lần hết lớp giòn này đến lớp giòn khác, thịt đỗ đều khắp.

Vì thú bánh chưng rán, đi chợ Tết dứt khoát phải có lọ magi, chai tương ớt cho khách tới xài dù bản thân mình thì không thích chấm thế.

Thời sau này, bánh ít hơn vì một là ăn không thể hết, hai là mình tiếc của phải lo sắm, ba là nhà Hường già - Thành te, đôi bạn học thân gói bánh cho cả hội bạn nó chỉ chấp nhận cho đủ ăn thôi. Và nhạt nữa, trừ bánh cúng phải để nguyên vị, bánh ăn là cứ thế rán ngay từ chính Tết. Lát bánh nguyên đầu tiên luôn là lát bánh mình ăn ké ngay từ lúc đến nhà nó khuân bánh về.

Mùng 6 rồi. Nhà có bốn bánh thì đang rán chiếc thứ hai. Thèm quá thể dù đã ăn cơm no đẫy tễ. Lấy cớ rán sẵn cho bữa sáng, thực chất là để xời trước một góc cho đỡ buồn mồm.

Viết ẻn cũng chỉ là cớ để chờ bánh giòn, bớt bị nếm lên bờ xuống ruộng mỗi lần dằm qua dằm lại. Đi măm đây. Hức.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

DỊU DÀNG QUÁ THẾ XUÂN ƠI !


Xuân vừa mới hé tí ti
Từ hôm rượu hóa vàng tì tì nâng


Violet vẫn xanh tím biêng biếc, tươi căng cánh, căng chùm trong lọ. Trên bàn thờ vật phẩm vẫn nguyên dù hóa vàng từ hôm qua. Đào phai đang sóng sánh hé nụ. Lớp cánh đào rụng phớt hồng trên thảm đỏ sẫm sao mà ấm, sao mà gợi những miền lặng thầm trong đáy tim. Đồng tiền đơn như những mặt trời đỏ rực rỡ bé xinh trong lọ gốm nâu nơi bàn nước. Đôi cây mía lộc vươn dáng góc tường, hứa hẹn ngọt ngào, may mắn... Yêu cái nhẹ nhõm của không gian căn phòng Tết quanh mình.

Năm nay dường như mình thỏa mãn về những gì hữu ý và vô tình hợp duyên thành cái Tết này. Con người, chia sẻ, hoa, thời tiết, ca trực của chồng, con gái, con trai... Nó là giao điểm cân bằng giữa những hao khuyết và tràn trề, những ngậm ngùi xa xót và vun vén yêu thương, giữa cái mất và cái được của cả một năm trước đó... Mình hài lòng vì đi qua một năm như thế là hợp nhẽ buồn vui bù đắp của kiếp người. Sự tương đối của nó rất thực và rốt cuộc những gì định liệu đều thành theo những mức khác nhau cho những người thân yêu. Vậy là hạnh phúc. Hạnh phúc như vị ngọt thanh tao mà đằm nhờ thoáng muối mặn hòa pha. 

Đây là cái Tết đủ đầy. Cái gì cũng CÓ, là có ĐỦ theo tầm với của vợ chồng mình và những người thân yêu. Có lẽ mình sẽ còn nhớ rất lâu cái cảm giác cân bằng dễ chịu của Tết năm nay. Vừa có chút sóng sánh của Xuân, vừa thấy những êm đềm phẳng lặng của mặt hồ bình yên... Muốn ngồi thật lặng im để hạnh phúc như con nước rập rờn vỗ sóng dịu dàng trong lòng. 

Thấy yêu và thương con gái đang bắt đầu những xúc cảm hạnh phúc và chan chát, mặn mặn của cuộc đời. Thấy yêu quá con trai bé bỏng ríu rít ôm mẹ, hứa hẹn đủ điều. Thấy vừa ghét ghét, vừa thương, vừa xót chồng - có phải thế cũng là một cung bậc yêu? 

Thấy lắng lòng trong sự đủ đầy ba mẹ, em trai, em gái, dâu, rể, các cháu... Ôi, đời còn cho ta bao xuân nữa trọn vẹn dịu dàng thế này.

Một năm phía trước sẽ nhiều âu lo tâm linh và nhiều việc phải quán xuyến. Mong sao giờ này năm sau Xuân tới cũng được nhẹ nhõm đáy tim như phút đang trôi.

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

MÙA XUÂN (KHÔNG) THẦM LẶNG

- Không đi ngủ đi còn mở máy tính ra làm gì? Thế không cai nữa à?
- Thôi, em phải làm đây, xa anh đây. Tối mùng 3 rồi còn gì.

Nghiêm chỉnh khủng khiếp. Thứ công chức mẫn cán hàng đầu lực lượng lao động xứ Việt chứ chả bỡn. Có blog từ lâu mà mẫn cán thế cơ đấy. Tin thì tin, không tin thì thôi chứ xưa nay mẫn cán mà không có blog thì xem như mẫn cán quá đà nhá nhá... Hế hế


Khả năng nếu có giải "blogger đón Tết thầm lặng nhất" thì năm nay mình cũng bon chen ứng thí. Dân blog có tí xước tay thì cũng hay lên blog hô hoán hơn cả ăn mày xổ ruột. Thế mà năm nay mình đã đóng laptop suốt từ 25 Tết đến giờ. Có thập thò lên vài cái status cũng chỉ là để bạn bè ăn Tết cho ngon, khỏi lo nhà Chuồn đã tan vào mây xanh như lời dọa lâu lâu lại tái bản trơ trẽn .

Tết này mình quay về làm bà nội trợ thời bao cấp thứ thiệt, lọm khọm "chế" một cái Tết gia chánh cực nhọc y chang thời bao cấp. Con gái liệt kê có tới 5-7 món mẹ tự tạo: giò thủ, hành muối, mứt dừa, mứt gừng, mứt cà rốt, chè kho, thịt bò bắp kho mắm sả, xiro dứa . Chưa kể xôi tự đồ (hà há) và bánh chưng tự (bạn mẹ) gói. Ăn không thể hết. Vẽ ra trang hoàng khuôn hoa khuôn sói cho nó... sướng. Quả là có nhìn, sướng cái mắt nhìn, sướng cảnh lễ mê bê biếu nhà nội, nhà ngoại, nhà thông gia, nhà bạn... Khổ thân mọi người lom lom nhìn mình như người ... âm lịch. Ai lại rảnh bày vẽ ghê thế chứ. Lại được đặt hàng cho tận Tết sang năm. Gật. Gật tuốt cho máu me. Sang năm tớ... hồi xuân, tớ làm gì còn đủ thầm lặng thầm thì hoài cổ nghẹo cổ như năm nay thì sao??? Hà há. 

Tất nhiên lý do bày vẽ là bỗng dưng nhớ Tết "xưa" quá. Muốn sống lại cảm giác ngày con gái bày biện Tết dù đọc trên mạng quá buồn cười vì bà con cứ viết lách về Tết Hà Nội "xưa" mà thực ra chỉ là cái thời bao cấp khỉ gió. Tác giả của cái mớ ấy cũng chỉ tầm tuổi mình, già lắm nữa thì mấy bác tầm chống Mỹ. Các bác Hà Nội đứng thời bao cấp  kể truyền khẩu cái "xưa" cỡ thời con gái Hà Nội phố cổ bày mâm cỗ Tết những năm 30-40-50-60 của thế kỷ cũ đã "cũ đến quá kỹ" hết cả rồi. Thấy cái gốc, hồn cốt Tết Hà Nội thế là đã bắt đầu tan vào cõi "xa xanh", im lìm trong kho lưu trữ quốc gia, bảo tàng... Buồn cười thật cái "xưa" thời @. 

Và lý do chính đáng cực kỳ nữa là con gái vào tuổi nên bắt đầu biết các việc cho một không gian Tết gia đình. Muốn bày ra, vẽ ra cho con nhìn mà nhớ, mà biết cái Tết cần tổ chức thế nào cho cái gia đình của nó về sau. Mai này nó lại kể cho lứa con cháu nó rằng "hồi xưa bà Chuồn làm cái Tết thế này, thế này nhá". Hức hức. Mình muốn níu chút không gian Tết mình biết yêu mến kia chậm rơi vào miền bụi phủ ấy mà. Con gái có trầm trồ, có tự hào vì mẹ bày vẽ. Ba nó có lác mắt, rồi lại hồi ngay, thấy vợ trổ những ngón "chài" gần 20 năm còn dấu kỹ (vì chưa cần tung ra để chài).  Hê hê. Về mặt này thì dù tay nghề vẽ Tết chưa được phục chế hoàn toàn nhưng mục đích ban đầu xem như thành công.

Nhưng khốn cái, khi tất bật lại là lúc lặng thầm. Lặng thầm nhớ quá hơi Tết cũ ấy. Thế là mùa Xuân về rất thầm trong mình. Mình trẻ trung như khai quật từ những lớp bụi cũ kỹ. Mình già nua và bảo thủ như một bà cụ đang tay lược cào nhẹ như sợ xước những mảng tóc xanh ảo ảnh tuổi thanh xuân. Hí hí. Mùa Xuân cứ thế lao xao thầm thì.

Rồi duyên thế nào mà mò lên Bưởi lại mua rẻ được bụi hồng nhung giống cũ dày nụ, cành tược mầm căng. Lại trưa 30 Tết mò được 3 bông hoa phăng hồng, 50 bông đồng tiền đơn đỏ rực. Bảo nhỏ con gái, hoa này tưởng đã mất hẳn khỏi Tết Hà Nội đấy. Con mà là tuổi mẹ mới thấy quý nó nhường nào. Con gái gật gù gật gù như là hiểu lắm. Hớ hớ. Violet tím xanh hòa với mớ hoa ấy là thành căn phòng Xuân xưa. Chả biết sang năm có hên thế chăng. Con gái lại trầm trồ, sao đào phai đẹp thế này mà họ cứ thích đào bích mẹ nhỉ. Hờ hờ. Mẹ ừ gọn lỏn vì lòng còn ngậm giọt trầm mừng, con gái đã lây cái thú yêu đào phai truyền từ ông ngoại qua mẹ tới con.

Mùa Xuân cứ tất bật tới, cứ thầm lặng tới thế đấy.

Hôm nay đã mồng 3 Tết. Hóa vàng. Chả máu me blog như năm kỉa năm kìa, thói quen "nói được mình ra" mới luyện được đôi ba năm lại có nguy cơ rơi rụng, nhưng muốn viết tí ti. Còn bao điều thầm đến lặng, đến lặn tận tầng đáy nào trong lòng mình hoặc chưa thể nói ra, hoặc chả nên giãi tỏ, hoặc quá lo lắng vì những điều gì đó phải cẩn trọng trong năm Nhâm Thìn trước mắt. Những chằng chịt liên quan tới con, em, chồng. Rồi bi kịch, hài kịch của  những mảnh tốt lành chả ghép thành đĩa hoa cuộc đời được. Chao ôi. Nén như thuốc pháo đến phút muốn bung mà lại bị cấm nổ. Thì viết ra...

P/S: Công chức online vì có blog chồng ạ. Em thề em cai. Em chơi cũng gần chán rồi. Chồng chờ nhá. Hớ hớ. Nếu không có lý do gì đặc biệt thì em sẽ để lửa máu me blog tắt dần. Em ham off là đủ rồi. Đây là em hạ đao, á nhầm, hạ bút, ẹc, nhầm quá, hạ phím khai xuân thôi chồng. Năm nay em tự lượng sức mình cũng chỉ còn có thể mỗi tháng treo 1 ẻn là... đuối mực.

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

TẾT - ĐIỀU LUÔN CÓ THẬT


1.
Tết luôn có thật dù quá nhiều khi Tết diễn ra như... hàng giả.

Vẫn thế, năm hết thì Tết đến như chìa khóa mở cánh cửa để Xuân bắt đầu. Còn đất trời luân hồi, còn nhân gian lủi thủi đánh dấu mốc đời người thì còn Tết. Tết đến là điều thật.

Tết là Lễ. Lễ tổ tiên, lễ thần linh... Tâm con người luôn đầy trong phút chuyển giao đất trời và những khắc đời hồi sinh sắc mới. Luôn đầy lòng hiếu, dẫu túi, ví có hạn chế khiến mâm lễ cao hay thấp. Tết - Lễ luôn là điều thật.

Tết là bày tỏ lễ nghi với những bậc ân nhân, tôn kính. Lời chào cao hơn mâm lễ. Ấm áp vì được trao chút tình ấp áp nghĩa nhân trong lễ vật chứa lòng thành. Tết luôn thật từ trái tim người.

Tết là lễ. Bao người lo lễ trên, lễ ngang, lễ... lễ... Được bao người không lễ vì không cần gì ở chốn bon chen, vì thừa tầm để khỏi lễ vẫn yên thân giữa đời? Lễ này là thứ lễ khiến Tết quá nhiều phen là dỏm. Dỏm mà phải lễ, dỏm mà không làm thì cũng không xong. Chẳng thà răng giả còn có lợi cho sức khỏe, hoa giả còn lợi cho thẩm mỹ. Tết giả làm cho người ta chán, chán vãi, làm hỏng luôn Tết thật. Chạy qua cái Tết dỏm ấy để đến được giao thừa, người ta kiệt sức. Biết sau Tết là Xuân ngời đấy nhưng từ giữa năm, nghe nhắc Tết đã thấy linh hồn ngẩn ngơ lơ lửng hãi.

2.
Tết đáng nhẽ luôn là điều có thật. Dẫu tục lệ muôn đời với cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ không phải lúc nào cũng còn được duy trì đủ bộ sậu nhưng nếp tục Tết vẫn cứ được duy trì thật sự. Thích thì theo đã thành, không thích cũng cứ theo dẫu có phần sơ sài. Tết mà không có gì khác ngày thường thì tủi chết đi.

Nhưng Tết bị dỏm đi mấy phần vì hàng hóa Tết bị đời mới hóa thành của độc hại rợn người. Từ miếng cúng tới miếng ăn dẫu muốn khuất mắt trông coi cũng không khỏi ớn lạnh vì chạy đâu cho thoát dỏm.

Ngày ngày ngó báo in, báo mạng, báo hình mà muốn lấy chỉ khâu cả mồm người sống lẫn mồm người "chín" lại cho đỡ khổ cái nạn miếng ăn. Càng Tết gần càng tởm.

3.
Nhưng có lẽ ta là kẻ bảo thủ. Kiểu gì ta vẫn cứ thấy hưởng cái Tết Thật là quyền của con người, chả dại gì bỏ qua. Khó cũng cứ giành lấy mà hưởng. Bất chấp tiền hiếm, bất chấp nguyên vật liệu cho miếng sống, miếng chín ngày Tết cũng có tí phần ảnh hưởng thói làm hàng, điêu chác nhân gian buổi loạn.

Con mình năm nay đã tới tuổi phải bắt đầu học quán xuyến cái Tết. Lâu nay thoát được mối lo xóa mù nấu ăn cho con rồi, nhờ chương trình học nghề của nhà trường. Dẫu đời nay lứa các mẹ trẻ, các anh ả @ cho rằng không biết nấu không phải là tội lỗi, là khiếm khuyết của nữ nhi thì con vẫn cứ phải biết việc. Không thò tay làm thì cũng phải biết mình cần thuê người ta làm cái gì, thế nào cho có cơm mà ăn, mà lễ, mà Tết. Đừng "chết" vì thiếu hiểu biết, dẫu là những thứ hiểu biết trong nhà mà thôi. 

Thế là mình quyết tâm khôi phục dần nếp tự làm Tết. Mấy năm nay đã cùng lũ bạn chung nồi bánh chưng. Chị dâu lo cho gà quê nhà mẹ đẻ chị ấy tận đồi Lạng Sơn. Xôi thì dĩ nhiên năm nào cũng đồ lấy, không có vụ đặt xôi về cúng. Năm ngoái mua cái khuôn nhựa đóng xôi, rất thành công. Tết gần như không mua đồ ăn sẵn, trừ giò lụa phải đặt kỹ để không phụ gia.

Năm nay tiến tiếp, muối hành, làm mứt. Mứt thì không đẹp bằng hàng chợ vì không ngâm thuốc tẩy nhưng đảm bảo các cụ bề trên an tâm hưởng không bị hóa chất xông làm hỏng mũi thiêng. Hức. Hành thì muối mẻ nào chuẩn mẻ ấy, không bao giờ có vụ lên meo mốc. Đã muối tới cả yến hành mà muối tới đâu bị anh em bà con bưng luôn đi tới đó. Hôm qua chồng bảo em dừng sự nghiệp hành muối năm nay là vừa rồi đấy. 

Hôm qua mua khuôn inox đóng giò. Sẽ làm đôi cây giò thủ như ý. Con gái đã có phần háo hức rồi.

Mình muốn chủ động hạn chế bớt những tai bay vạ gió do thực phẩm độc hại, đồng thời dần dần con gái học theo để mai mốt nó lo nhà nó. Có vẻ nàng cũng tự hào vì mẹ làm được món nọ món kia khác nhà các bạn chỉ đi mua về. Hy vọng nàng sẽ học được cách hưởng thụ niềm vui Tết Thật cả bây giờ và sau này.

Bạn đã hẹn mua giùm đỗ xanh xịn để nấu chè kho thật chuẩn. 

Nhất định sang năm lại bổ sung tiếp các khoản "tự" vào list Tết. Có lẽ trước hết sẽ là làm rượu nếp uống Tết chả hạn...

Khi người đời cứ làm Tết dỏm đi thì tự cung tự cấp lại lên ngôi dần thôi. Hức.

Mình đã hẹn với mình - từ nay sẽ ăn Tết Thật hết mức có thể. Sẽ thiết kế cả các mặt khác như không gian Tết, chơi Tết, chúc Tết... trong khả năng của mẹ con mình để dù phải vượt qua bao khó khăn trước phút chạm ngõ Xuân thì nhà mình phải có được những cái Tết Thật vì Tết luôn là điều có thật cơ mà.

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

ÔI DÂN CHƠI SỐNG ĐỜI BLOG



Dù người trẻ hay người già
Đã có blog thì là dân chơi 


Ôi dân chơi mà đang bơi bị cạn nước. Ôi dân chơi đang kéo buồm ra khơi thì đứt dây... nét. Ôi dân chơi đang còm mén xơi xơi thì mạng lác. Ôi dân chơi đang cơn vui tơi bời quên đời, quên Trời, quên ... sếp thì bỗng bị chặn nẻo blogging hết trận này đến trận khác chả (biết) vì đâu. Dân chơi chạy tả tơi giữa các nhà ở khắp mọi mạng vì nay chặn mạng này, mai chặn mạng khác, leo tường lửa toạc váy chả vào nổi.


Ôi dân chơi! Đã mang nghiệp blog vào thân thì chỉ còn nước huấn luyện cả nhà, cả họ chịu đựng những cơn ghiền viết, ghiền đọc, ghiền câu còm, ghiền ngồi thiền trước màn hình, ghiền off.


Ôi dân chơi!


P/S: Viết nhân dịp bỗng dưng bị chặn, rồi bỗng dưng lại vào được blogspot. Hê hê.