Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

DẬY SỚM QUÁ

Con mèo chạy làm  đổ loạc xoạc gì đó ngoài sân. Thế là tỉnh giấc. Tiếng xe máy rú rít vào chợ sớm đầu khu. Mới có 4h.

Chả ngủ lại được. Vì những căng thẳng sâu xa mãn tính chưa giải quyết được hơn là vì mớ tiếng động ấy. Nhưng khác mọi lần. Thường nếu bị mất giấc kiểu này thì rất ớn cảm giác bắt đầu sa đà suy nghĩ chả ra đầu, chả ra đuôi mà thiên về bế tắc hơn là tươi sáng.

Hôm nay thì không. Những khó chịu nào đó ám trước khi ngủ bỗng rơi toẹt. Thấy chả có liên quan tí nào nữa trong một mối quan hệ từng kéo dài cả mấy chục năm. Thấy nhẹ nhõm mà chả hiểu vì sao. Đời rõ ràng không là chiêm bao và việc gì đến sẽ đến, có logic của nó.

Nhưng không thấy mình bị nặng nề lật qua lật lại sự việc. Chả hiểu mình lạnh lùng, mình đã lên đẳng mới trong nhìn nhận thế giới hay mình thực sự vô cảm về câu chuyện lẽ ra như xưa rày thì sẽ hẫng, sẽ buồn, sẽ day dứt nữa chưa chừng.

Không tổn thương, không còn buồn. Chỉ thấy những logic sự kiện và hành vi hiển hiện rất đầy đủ rồi. Hữu sự mới có cơ quan sát để thấy. Vậy là gói một việc. Không thấy tí teo nào cảm giác phán xét, nhìn nhận. Khoẻ tưng. Không luôn cả tiếc rẻ tẹo nào. Không thấy cả sự rơi rớt của thói quen nào đó hình thành từ quan hệ ấy.

Chưa quen với trạng thái này. Chờ coi nó dẫn mình đi đâu.

Dậy, định đọc sách nhưng lại mò đi đọc vài thứ khác. Lần sau nếu bị dậy sớm quá mà giấc không mau chóng quay lại thì mình sẽ cương quyết kệ xác nó. Mình sẽ mò dậy làm gì đó cho khỏi nghĩ ngợi lăn măn rách việc. Khoái.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

NẮNG LÊN XÚI BẨY RONG CHƠI

Nắng đẹp quá. Không dám khen sớm, sợ anh Trời õng ẹo lại đổ mưa như hôm qua thì khổ nhân gian. Giờ thì chắc chắn có ngày nắng hồng rồi.

Trong một ngày hiếm hoi thế này, cảm giác làm gì cũng rất nên nhẹ nhàng, thoải mái và tràn ngập nồng nàn để khỏi vỡ giấc mơ đẹp của ngày trời tươi sáng. Kết quả là tới cơ quan đã mở tung mọi cửa sổ, kéo mọi rèm che cho ánh nắng ngập phòng. Nắng đẹp quá, gió thanh bình quá.

Nhìn xuống đường Liễu Giai, nắng lan nửa bãi cọ, phần không bị bóng các nhà cao tầng che. Những bồn hoa vạn thọ, flock, bướm hồng bắt đầu trổ bông. Tinh khôi.

Mấy ngày nay rình nắng lên để đi chụp mùa bằng lăng trổ lá non, chuyển màu ảo diệu từ hồng nâu trong veo qua xanh cốm, xanh lục. Mê luôn cả những vầng mặt trời lá non của xà cừ. Thôi, ưu tiên ngoại thành đã nhá. 

Thế là bỗng dưng thích đi chơi. Rủ được một đứa đi ra ngoại thành. Kiểm tra pin máy ảnh không còn nhiều nhưng cũng được. Nghe âm thanh hơi thở hào hứng trong giọng nó phát ra từ đáy ngực, truyền qua điện thoại mà mình càng muốn đi hơn.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

NGẮN, VỘI & LŨ CUỐN

1.
Tiền quan trọng quá. Nó làm mình nóng ruột như phải bỏng. Nó trôi ra khỏi tài khoản, khỏi túi như lũ một con sông không tên ào ạt chóng mặt.

Chưa bao giờ tiêu ác chiến thế. Thế mới biết tiêu tiền là thú vui nhưng tiêu quá nhiều tiền thì vui quá hoá rồ chưa chừng. Haha. 

Toàn những việc nhớn, nhớn quá và quá nhớn trong mùa bão giá. Lạy Trời, không dám đếm nữa.

Ngày bắt đầu bằng tiền trôi và kết thúc bằng nghỉ để mai cho tiền trôi tiếp. Dòng trôi dài dằng dặc dù ngày quá ngắn.

2.
Vội cực kỳ. Chân thấp đập chân cao. Toàn việc dẫm lên nhau mà đẩy mình đi. Những việc đại tướng trèo lên đầu việc đại tá. Đành lòng vậy. Bỏ cái nào chập hàng dù bỏ cũng quá áy náy.

Nhịp điệu cuộc sống như một sàn rock đang chạy nhầm nhịp theo hướng các nốt chỉ còn 1/3 trường độ. Chói gắt.

Không nghe nữa, cứ chạy thôi. Dừng lại để lắng nghe thì sẽ điếc vỡ tai, vỡ đầu. Kệ nó. Vẫn còn chạy được. Thử xem sức bền của vật liệu làm nên mình nó ở cỡ nào.

3.
Có sao sống vậy. Việc gì tới thì nương theo. Không còn thời gian cho ghét, giận, bực... Chỉ còn âu lo vì những yêu thương xa xót. Chỉ còn yêu và yêu. Yêu những người làm nên cuộc sống của ta.

Những tháng ngày này trải qua những điều mà tất cả những năm tháng trước đó chưa từng, chả bao giờ nghĩ tới. Nói thế nào nhỉ? Cả vui, buồn,  lo đều sôi cồn cào trong mình như đám cháy rừng nguyên sinh nấu sôi đầm lầy. Âm ỉ và sùng sục. Ôi là cuộc đời.

Không hiểu khi nhịp sống này ngắt đi, vài thứ đã bắt đầu sẽ hết đi thì để lại trong hồn ta dấu vết hình đám loang lở nhoi nhói hay vết chân trần dịu dàng trên bờ cát ký ức.

4.
Thực ra là đang sống.

Trưa nay mẹ bảo ngày xưa khi bằng tuổi con có những lúc mẹ cũng sống trong guồng xoáy lũ cuốn y như thế.

Nhìn mẹ, tóc bạc, nhỏ bé trong bộ đồ bệnh viện... Mẹ đã đi qua giỏi hơn con rất nhiều.

Mẹ ơi, ngày mai mình chiến thắng tiếp nhé mẹ.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

VẨN VƠ NHỚ MỘT CHẤM TRÒN

Sáng nay dậy trong tiếng lục cục, xủng xoảng làm bánh trôi, bánh chay của hàng xóm. Nhà ấy không chuyên nhưng mỗi năm ngày này đều huy động đàn bà con gái cả họ ra vê bánh mới kịp bán.

Đưa đĩa, bát ra đặt hàng nhưng trong lòng hơi nhung nhớ một thứ bánh trôi mướt thơm hương bưởi, vừa chạm lưỡi thì đã trôi vèo mát lịm vào ruột.  Ở HN giờ khó kiếm ra một hàng bánh chuẩn như thế. Người ta nghĩ bánh trôi thì dễ làm mà không nghĩ khó làm ngon.

Bột xay máy vèo phát xong. Ra chợ bán nhan nhản vẫn bột ấy. Không ngon là phải. Nhớ hồi con gái hí húi ngâm gạo nếp gạo tẻ mấy tiếng rồi đạp xe đạp đi "xay bột nước" bằng cối đá, cối xi măng hai thớt.  Túi nước bột được ép sơ cho ngót rồi tiếp tục đợi chờ mỏi cổ để róc hết nước. Bột ấy mịn mát. Bột xay máy giờ chỉ đỡ thô hơn bột khô nhào. Viên bánh đục đục chứ không trong e ấp tới ruột. Bà Hồ Xuân Hương cho bánh làm phận "em" là có lý do của bà ấy. "Em" ấy, thiếu nữ ấy trong ngọc trắng ngà, mát lành ảo diệu. Em ấy trong trẻo mà kín đáo. Đẹp hình, cuốn ý.  Cầu kỳ lắm mới ra thứ bột làm bánh trôi.

Vì mất công thế nên mỗi lần xay là chơi cả cân gạo, nếp. Và hễ bột bỏ tủ lạnh  rồi mang ra làm tiếp thì không ngon nữa  nên đã xay là bày ra đủ thứ bánh. Mất đứt một ngày từ tinh mơ dậy vê bánh đến chiều tà dọn dẹp bếp núc. Ấy là chưa kể ngâm gạo từ sáng hôm trước, trưa xếp hàng xay, chờ qua đêm róc nước.

 Lũ em hau háu chờ mấy đĩa bánh đầu, chả kịp chấm vừng hình bông mai lên đầu mỗi viên bánh vừa qua kiếp ba chìm bảy nổi với nước non chúng đã "hút" sạch sẽ vào những cái bụng không đáy. Thế thôi là xong ngày bánh trôi của chúng.

Nào ai biết cho cái eo con gái chỉ ngồi vê vê chừng nửa cân bột ra bánh trôi là đã nhừ tử mỏi mê. Chả nhớ ai nữa, xúi vê bánh to cho nhanh hết bột để còn đi chơi với người. Giờ chỉ nhớ mình trêu lại "bánh trôi to bằng bánh chay, bánh chay to bằng nắm tay, bánh rán to bằng cối xay".

Bây giờ thì chịu, thời gian ít ỏi lắm. Không đủ để bày ra thú vui làm bánh. Bột cũng chả có chỗ xay như ý. Người ăn cũng vội vàng luôn. Ăn thì chỉ đôi ba cái là đã bứ miệng, vừa vì bánh không gợi, vừa vì nhu cầu ăn uống cũng đã ê hề từ lâu.

Con gái bận bịu học hành tít mít nên cũng chả có lúc nào mà rủ con bày biện.

Lại đưa đĩa bát ra đầu ngõ chờ mua bánh hàng xóm. Lại để lòng xuyến xao những mùa hoa bưởi thiếu nữ trong ngần, trong ngần.

Sáng nay dậy, muốn đi ra ngoại thành quá. Đã hẹn nhau rồi. Những ngày này... Bề bộn và ấm áp... Có bao lâu mà hững hờ. Mỗi chấm xíu xíu như cái bánh trôi trong vũ trụ cũng cần được sẻ chia đúng kiểu tinh tế... Yêu từ cái chấm yêu đi.... 

Nhớ vớ nhớ vẩn thế thôi. Chắc tại mình đã sang tuổi hay hoài cổ mất rồi.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

HOA CẢI CÚC



Vào những ngày lòng trầm lặng quá, ta muốn trên bàn có một bình hoa. Và đó phải là một bình hoa đồng nội, tốt nhất là hoa cải cúc.

Cung đàn xuân


Ta thích đúng loại hoa này từ khi còn học cấp hai. Thích từ khi trong mảnh vườn nhà Mẹ ở ấp Thái Hà, cứ mỗi tháng 3 dương lịch lại lác đác những đóa hoa khờ dại tản mác đây đó, dưới tán táo lai trĩu quả ngọt, dưới dàn mướp đang tàn... Chả theo hàng lối gì. Đúng hơn là nằm lung tung xó xỉnh. Những hạt "may mắn", rơi đúng luống thì đã nảy mầm, đã xanh tươi, đã chui vào nồi canh từ lâu. Những đoá hoa hôm nay là quà tặng cuộc đời của hạt bị gió bạt đi... May mắn hay không may mắn? Có lẽ chả thể lý giải. Lý giải làm gì vì ta thể nào cũng lại sa đà vào triết lý vụn. Biết chắc rằng ta may mắn có chúng. Ra vườn có việc hay trốn việc, ta thích thú nhẩm chào những đoá hoa vàng pha trắng, cánh xoè đều đặn như bè bạn bí mật mà thân mến.

Bước trên đất đai ẩm ướt, hái rau hay làm gì đó, cảm giác bên cạnh có bạn bè rung rinh, lúng liếng sương, căng tràn sức sống mà lại dịu dàng dưới mưa xuân, lòng ta như trẩy hội về miền xa thẳm trong veo nào đó.


Ngọc ngà nở giữa nhân gian.


Hồi cấp ba, ngày sinh nhật bạn Thiên Hương, trúng 8-3. Ta hái trong vườn ôm hoa cải cúc, rồi mua điểm thêm những bông đồng tiền đơn đỏ. Màu vàng phớt trắng làm nền cho những ông mặt trời đỏ rực. Bạn chọn lọ hoa sang nhất, đặt vào góc nổi nhất nhà. Mẹ bạn xuýt xoa... Ta nhút nhát nép vào một góc tiệc ngọt và cảm nhận không gian hoa cải cúc.


Rạo rực mùa dâng

Thời sinh viên sư phạm mộng mơ. Mỗi sáng tinh sương, cưỡi con xe đạp Favorit cao khiếp đảm, chỉ được cái bon nhanh, lướt qua đường Láng. Đếm đủ ba khoảnh ruộng rau thơm, rau mùi, rau húng.... ven đường, xen giữa những khu dân cư chòi ra mặt phố... là tới Cầu Giấy. Rau Hà Nội mùa mưa phùn đẹp lắm, thời đó chưa tưới bậy như bây giờ.... ngon lắm. Nhưng ta chả thiết. Chậm là để ngó nghiêng mấy bạn hoa cải cúc ven đường ấy. Khoảnh này, khoảnh nọ xen trong ruộng rau, các bạn rợp trời hoa... lấy hạt giống mà. Nhưng ta yêu mấy bạn nằm trên đống mùn ủ sát đường hơn.

Toả nắng

Hết mộng mị rồi, hết còn trò học bộ phim Nga bói cánh hoa tình yêu rồi. Không rứt từng cánh thả theo gió. Bạn lâu ngày gặp, không thể phũ phàng. Chỉ lẩm nhẩm theo cánh mà bói: vui, buồn, sướng, khổ.... Chưa lần nào nhìn hoa cải cúc mà bói: có tiền, hết tiền.... dù khối lúc cũng thấy túi đuôi đuối.

Vũ điệu cánh hoa


Bạn của ta, bạn bước vào hồn ta ngày thơ ngây, bạn cứ ở đấy, ngày càng quý hoá, ngày càng đậm chất ngọc châu. Khi ta có nhu cầu đắm chìm hoặc tự nhiên sao đó rơi vào cõi lặng trầm, bạn lại dịu dàng ghé cánh về tim ta, hồn ta. Cám ơn bạn nhé, bạn của lòng ta. Ước nhà có mảnh đất đủ rộng, đủ ánh sáng để bạn nảy mầm, để bạn vươn lên đón tinh hoa của Mặt Trời về sưởi ấm hồn ta.
Ở trên kia là cao xanh khát vọng


Mỗi lần nhà ăn rau cải cúc, bạn phía Nam gọi là tần ô nhỉ, mùi rau hăng nhẹ uốn lượn chạm vào khứu giác, lại lâng lâng nhớ bạn vàng pha trắng. Này ta, tỉnh, lai tỉnh, cháy nồi gì đang nấu kìa.

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

NGÓN TAY NGOAN TRÊN CỎ XANH, CẠNH HOA VÀNG (không phải bài bình sách)

1.
Mấy ngày rong ruổi đường trường nên có thời gian để cùng "hoa vàng trên cỏ xanh" của Nguyễn Nhật Ánh bồng bềnh vượt lên đỉnh những sóng sánh say xe.

Sách của bác này rõ khéo làm cho người ta từ trẻ đến già bị hiệu ứng mơ màng. Lũ nhỏ hơn nhân vật trong sách thì ao ước mình lớn bằng đứa trong sách để quậy, đứa bằng rồi thì mơ mộng khung cảnh thần tiên không có học thêm mịt mù, không có thầy cô bố mẹ quản thúc để được xả láng như thế. Lũ ngày xưa từng bé thì đương nhiên được bữa quay về xứ sở vô ưu để nhớ ra mình cũng từng, để thấy mình vẫn đang trong trẻo như ai.

Dĩ nhiên lúc đọc chớ dại nhìn cái bản mặt của bác ấy chềnh ềnh trên bìa sách cuối hoặc trong cái lẫy gấp, giờ thì cả trên thẻ đánh dấu trang được bán kèm.  Không phải vì sợ phải lòng mặt bác ấy. Haha. Dù bác ấy cũng có răng khểnh thì đàn ông người ta mê Hồng Nhung hơn, còn đàn bà thì tìm đọc bác vì cái bác viết chứ không vì cái răng ấy.

Chơi blog mãi, đã hiểu thừa là giữa cái người ta viết và bản thân người viết có khoảng cách đôi khi dài lắm. Dài hơn cả từ nơi chân đứng tới các vì sao xa xôi. Khoảng cách đó dài từ  khát vọng không thể thành hiện thực về năng lực thực tiễn. Dân blog thì thoải mái mộng mơ, thoải mái nổ để câu cá quanh năm hay chỉ để xả bớt năng lượng. Mấy bác nhà văn thì ngoài nói cho mình còn nói hộ rất nhiều người. Ngay cả nói về những gì ta đã từng qua thì đó cũng là khát vọng không bao giờ còn được về lại nữa rồi. Nơi đứng nói, kể, viết luôn là một chân bắc giữa trần gian, mà hồn tuôn tự ngút ngàn sao xanh.

Nhìn cái bản mặt bác cười cười thế kia, không bị mê bác nhưng ... tỉnh mơ thì phí lắm.

2.
Lâu lâu đọc một cuốn của bác ấy chứ không thành fan  để đỡ sa đà già không đều.

Khoái bác ấy cái cách dùng từ nhẹ nhõm mà sáng tạo, gần với đời sống, văn nói. Mình học được khối ra.

Khoái cái cách bác ấy kể tưng tưng nhè nhẹ, triển khai tứ như đang thả lỏng cho chuyện diễn ra kiểu tận hưởng cuộc đời trôi. Đọc xong phần lớn là lâng lâng thấy đời giản dị rồi.... quên mất tiêu. Xem như phút nghỉ ở quán nước dưới bóng cây ngang đường lầm lũi gồng gánh kiếp giang hồ.

Đọc bác ấy bằng cách bạn "già" khủ khỉ nghe nhau kể chuyện ngày xưa ta trẻ. Đọc bằng cách này nên rất thông cảm cho bạn mình đã già mới hay có lỗi "co rắc" kiểu thời mấy chục năm về trước mà có đứa lại ăn đòn vì nhắn tin lén trong điện thoại di động của ba mẹ. Đọc kiểu buôn chuyện này nên mới thông cảm cho bạn già viết một hồi thì tìm cách gói câu chuyện nào đó hoặc nguyên cuốn bằng lối mượn cớ rất giời ơi đất hỡi, cong cong, vênh vênh. Trí nhớ có mây trôi ấy mà. Cũng nên tạm ngắt dù có làm ta tụt hứng tí để bạn ta còn ra cuốn khác khi đã chán mạch này.

Nhưng có lẽ chiều ta sẽ lên nhà sách mò vài cuốn nữa...

3.
Ngón tay ngoan trên cỏ xanh, cạnh hoa vàng. Ngón tay có làn da mịn màng xinh xắn ấu thơ. Ngón tay có và không có hoa tay - cái mớ vân xoáy tròn hay chảy sang một mé.

Cậu bé vân vi mơ màng tin vào sức mạnh thần kỳ của những đoá hoa tay. Cậu tiếc nuối vì cô bạn nhà bên đầy hoa tay mà chả vẽ viết giỏi được vì hoàn cảnh nhà khó không cho bộc lộ. Cậu thắc thỏm ngẫm ngợi về những đoá hoa tay thần tiên ấy trên bàn tay đã cụt của ông chú tài hoa, người kể cho cậu nghe câu chuyện hoa tay.

Cậu săm soi bàn tay mình để kiếm hoa, để tự tìm một niềm tin rằng mình sẽ cũng vẽ đẹp, viết đẹp vì mình có hoa tay làm bảo đảm cho đích đến luyện rèn cơ mà. Làm mình nhớ mình ngày xưa cũng y như thế. Mình cũng thích mê ly câu chuyện hoa tay và bao lần săm soi đầu ngón tay. Mình lấy đá kỳ mài đầu ngón tay cho sạch mực tím để tìm hoa tay và rốt cuộc vân bị lì đi, tìm không thấy. Chờ vài ngày sau da mọc lại rõ thì đã quên quách chuyện đi rồi.

Cậu yêu những ngón tay mình theo cách bà mẹ yêu những đứa con giỏi hơn (có hoa) và những đứa con thường hơn (không có hoa). Héhé, bác bạn già của mình cứ thế đấy, cứ già hoá đứa nhóc bằng trải nghiệm của bậc cha mẹ. Lâu lâu trong cuốn sách bác lại thẫn thờ để đứa trẻ trong mình chịu cơn đau nhân thế khi hiểu được nỗi đau của những người từng yêu mãi rồi, từng đớn đau mãi rồi vì những chia ly vợi vời, những mạch giao cảm nhân sinh đứt gãy. Lũ trẻ ấy là lũ trẻ còn sống trong ta và bạn già chứ không phải lũ trẻ bạn già muốn nhớ lại. Nhưng đọc điều đó, hiểu mà thấy sách của bạn già đích thực là sách dành cho... trẻ già.

Đoán rằng sách bạn bán chạy vì lũ "trẻ già" tự ham mua đọc hơn là vì bị con kèo nhèo đòi mua. Tự mua mà lại tiện tiền thì còn gì tiện hơn. Lũ trẻ con kia chờ bố mẹ duyệt trên cơ sở những thúc ép học hành, yêu cầu nghiêm khắc xyz thì còn lâu mà dễ dàng. Chúng đọc ké bố mẹ hơn là bố mẹ đọc ké chúng. 

4.
Dẫu sao ngay lúc đọc đoạn ấy mình cũng thích nó và xôn xao trong lòng đến mức buông sách xuống, ngửa đầu ngón tay để kiểm nghiệm lại xem với những thứ mình đã làm và còn làm được trong đời này thì có phải vì mình có hoa tay không.

Thú thực là đã quên chuyện hoa tay quá lâu rồi. Hình như  mình không có cái hoa tay nào cả hoặc chỉ có một chiếc dù làm được rất nhiều thứ đáng ra phải do hoa tay hoá phép. Mình chỉ nhớ ngày đó ngồi chịu đau hông để vật ngửa bàn chân tìm kiếm vớt vát thì cũng có mấy cái hoa chân, điềm báo dù không ham du lịch cũng bị đời đẩy đi đây đó nhiều khi.

Nhưng than ôi, bạn già ôi!!! Mắt tuy không viễn nhưng chút cận mù mịt dẫu có thể lấp liếm bằng cách không đeo kính thì vẫn khiến mình không tài gì nhìn thấy hoa tay có hay không. Mình già rồi bạn già ạ.

Mình đọc tiếp, đọc đến hết truyện của bạn già, đi chân trần trên cỏ xanh, lờ đi những cộm chân nho nhỏ... Mình ráng không liên hệ ngược xuôi kiểu người già rằng vân mờ đi do kiếm sống, vì những gi gỉ gì gi mà bình thường viết lách sẽ biến báo lả lướt... Đơn giản là cứ tin thôi, rất nên tin rằng những đoá hoa tay bẩm sinh sẽ toả hương kích thích đứa nhỏ bay lên trên bầu trời sáng tạo.

Có lẽ đã đến lúc kể cho con nghe về hoa tay, hoa chân để nhờ nó tinh mắt nhòm hộ đầu ngón tay mình. Thôi, cứ học đi đã. Hè mẹ thò sách ra cho mà đọc.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

TÌNH BÊN QUÁN PHỞ


Dạo này mình có dấu hiệu chán cơm thèm phở.

Trưa thì cơm hộp, chiều cơm nhà đã đành. Đêm cứ thấp thỏm dậy sớm để sáng còn đi phở.

Hấp tấp đánh răng rửa mặt, thử cười khì cái trước gương lấy thêm điểm tự tin là sấp sấp ngửa ngửa, vội vội vàng vàng cắp Quốc An quẳng vào nhà trẻ. Rồi ngay lập tức rẽ quặt vào ngách nhỏ, luồn sang dãy 5 tầng gần đáy khu tập thể. Không kịp là bạn thể nào cũng dớn dác mắt tìm: sao hôm nay ra muộn thế hả. Biết là không lẩm bẩm đâu. Người đàng hoàng không ai làm thế, nhưng tớ thừa biết có người nghiện tớ rồi.

Hàng phở ở đấy đấy. Cả khu Thanh Xuân hiếm hoi có một hàng ăn ngon như phố nhớn duy nhất ấy. Có lẽ cái lưỡi mình hơi khó tính. Hoá ra còn có người khó tính hơn mình.

Mình im ỉm ăn thôi, còn về đi làm. Đâu có dông dài như bác được hả bác. Ăn lại còn tủm tỉm lúc khen, lúc chê, nhấn nhá sốt ruột. Nhà em cơm hay phở cũng húc vèo để còn lo việc khác. Bác cứ cảnh vẻ cho bà Giang béo phải lỏng tay bánh, tay thịt là sao? Chỉ được cái khéo mồm sinh lợi!!!!

Mấy lần đầu mình còn ghét quá cái người ồn ào. Ăn uống mất cả vui vẻ. Thế mà rốt cuộc lại bị người ta túm cổ lúc nào không hay.

Hôm qua còn dám bốc lên rủ hôm nào cuối tuần rảnh thì đi... vũ trường. Khiếp chưa. Mình nghe choáng toàn tập.

Biết là mến nhau lắm rồi. Nghiện nhau ấy chứ. Đã bảo từ đầu còn gì. Nhưng mà thú thực, chui vào đấy nhạc như gõ thùng phi và ánh sáng đảo điên như sấm chớp oánh giữa đồng hoang, chắc mình vào đến cửa là bật tưng ra ngoài. Bác già khằng thế được mấy nả mà máu. Nói phét đủ rồi bác ơi.

Ừ. Công nhận cứ nghĩ người già là vô vị, về hưu là hưu toàn tập. Lâu rày cũng nghe đến nghỉ ngơi tích cực, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi.

Khi ông bà ngoại An An nghỉ hưu, mình cũng quan tâm chú ý để hễ các cụ có triệu chứng sốc chuyển đoạn là xông vào dùng kiến thức trị liệu tâm lý học mót hòng nâng giấc, báo hiếu. Nhưng hai cụ hoá ra phải xếp vào tầng lớp người già gương mẫu, lạc quan phơi phới. Cụ bà hoạt động dân phố đến quên con cháu. Cụ ông thì quay về với giấc mơ thời trai trẻ vì bận gánh sông hồ mà phải ém lại tới giờ: đam mê văn chương và sử Việt. Chưa kể hai cụ còn rảnh rỗi chế tạo những món ăn theo cách rất mới (bật mý lúc khác nhé đồng bào).

Rồi mình cũng đọc và hiểu biết chút ít về tâm lý người già trong quan hệ xã hội, với các thế hệ kế cận, thế hệ mầm chồi. Tuy vậy vẫn chỉ nhìn người già như những người đang gắng gượng đi nốt cuộc đời với bề bộn lên xuống tinh thần và tâm tư chứ chưa có cái nhìn tích cực như họ là những người đang hăng hái tận dụng mỗi giây mỗi phút mà yêu đời tha thiết, mà sống có ích tới khắc cuối kiếp người.

Gần đây, chứng kiến nhóm bạn phở của mình, bị các bác giai, bác gái lôi cuốn thì mới ngộ ra điều thú vị đó.

Mỗi sáng, đúng tầm mình gửi con xong rẽ vào làm bát ấm bụng trước khi cống hiến sức lao động cho xã hội, thì cũng là lúc các cụ ồn ào hớn hở đổ bộ vào hàng phở. Không hoành tráng như thế giới thể thao ten nít, nhưng mỗi cụ phơi phới một kiểu, vừa rời sân thể dục mà. Chỉ giống nhau ở giọng nói sảng khoái, mặt mũi tươi rói và yêu đời tới mức lũ con cháu như mình phải ngạc nhiên.

Rồi chả hiểu các cụ với mình thành bạn vong niên từ bao giờ. Trước hết là chung sở thích uống chè xanh cắm tăm miễn phí của hàng phở. Mình rót cho mình dám nào không mời các cụ một tiếng. Và các cụ nỡ nào dốc cạn ấm mà để nó chết thèm.

Lân la nữa là các cụ bị nó chài bởi công thức nấu những món ăn rất rẻ, quen thuộc mà lại hiệu quả khác biệt. Thí dụ rang lạc lướt muối tinh mà để lọ... 2 tháng không ỉu chả hạn. Hay mới sáng nay là cách nấu miến để 1 ngày vẫn giòn, không vữa. Hìhì.

Nó thì bị các cụ chài bởi những lời khuyên rất chí tình về đối nhân xử thế cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội (về hưu rồi, ràng buộc gì nữa với quan trường mà sợ bị bật cánh... Hihi). Chưa kể các cụ biết con nó nhỏ, đi chợ lại hay rẽ qua gửi cho tụi nhóc tý nọ tý kia.

Công nhận "chả có ai tẻ nhạt ở trên đời", "gừng càng già càng cay". Giao lưu với các cụ hoá ra mình yêu đời hơn nhiều. Và các cụ còn chẹp miệng: tiếc nhỉ, đến lúc mày về hưu thì chúng tao xuống lỗ mất rồi... Tiếc gì hả cụ, hôm nào hội các cụ đi chùa thì cho cháu đi với. Sáng kiến nhá. Ủng hộ 100% số cánh tay vung lên mạnh mẽ như sinh hoạt Đoàn. Đấy, còn máu rủ mình đi vũ trường cơ mà.

Qua cơn choáng, mình thều thào: các cụ khoẻ cỡ nào chứ cháu vào đấy thì chỉ có nước cấp cứu. Ối zời, thanh niên mắc lỡm người già:

- Ờ, tai mày tinh, mày vào đấy chịu không nổi. Chứ tai chúng tao giờ điêng điếc rồi, nhạc to thế chứ to sập nhà chả chắc đã nghe thấy mà lo...

Hêhê... Hoan hô bệnh nghễnh ngãng của người già... Hoan hô tinh thần lạc quan và kiên cường yêu tha thiết cuộc đời...

Lạy Trời cho con sống tới ngày được hưởng hưu!!!!