Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

TIN NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT GIAO THÔNG TẾT (không chuẩn nhưng miễn chỉnh)

Tình hình chung mấy ngày qua giao thông ở Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp.

Cơ quan chức năng cho biết lý do chính là lưu lượng người tham gia giao thông quá tải bất chấp thời tiết và chưa có lệnh nghỉ Tết.

Được biết đa phần là nhân dân tranh thủ đi chúc Tết, đi liên hoan tất niên, đi bán đào quất và đi... ngắm. Lý do nữa theo thông lệ hàng năm là dù đã có lệnh của lãnh đạo không biếu quà Tết cấp trên nhưng hiệu lực còn rất hạn chế, dòng xe các tỉnh đổ về Hà Nội biếu cấp... TW vẫn không giảm so với mọi năm.

Trong diễn biến căng thẳng ấy, xuất hiện những gương công dân nêu cao ý thức tuân thủ luật giao thông đường bộ.

Thí dụ chị Chuồn, tức Cánh Mỏng đã nghiêm túc chấp hành không hề leo lên vỉa hè và tạt né sang luồng đường trái chiều để tranh thủ vượt đám tắc đường.

Chị trả lời phóng viên báo X "Tôi có lý do cá nhân và niềm tự hào của Người Hà Nội để làm như vậy. Nếu quý báo đăng câu trả lời này, xin hãy nêu rõ tôi là một công dân - blogger Việt Nam". Theo chị cho biết, tính kiên nhẫn trong giao thông này là kết quả của thời gian dài cộng đồng blogger Việt Nam leo tường lửa, chờ mạng lác chạy để online, cmt, reply.

P/S: Chuồn tôi cũng xin nói rõ luôn để bà con tiện cmt ẻn này:

1. Lý do cá nhân thứ nhất: Hai ngày qua Chuồn buộc phải đi đứng nghiêm túc vì ngày thứ nhất giỏ xe đựng 40 quả trứng gà quê bạn tặng ăn Tết, bữa nay lại chở cây quất trĩu trịt trái chín, sức mấy dám leo vỉa hè khục khục cho giập trứng, rụng quất.

2. Lý do cá nhân thứ hai: Ba ngày trước, con trai vừa khỏi thuỷ đậu, mẹ đèo đi học để rảnh tay chạy Tết. Mới ra đầu ngõ đã bị một coan pỏ mịa đâm ngang hông xe. Mẹ ê ẩm vài đám trên người, con trai đụng đầu xuống đất, xước trán trái. Mắc tội phải đưa con đi viện kiểm tra não và lo âu mấy ngày ròng theo dõi nó ăn ngủ. Bữa nay thì đã có thể thở phào vì cu con không bị chấn thương. Trong lúc con mình ngã thế thì coan pỏ mịa kia mải rút điện thoại gọi... một đám công an ra bênh nó sau khi trốn chạy không thoát khỏi đám dân tình bu quanh. Té ra nó cậy chồng nó là công an điều tra của quận. Dĩ nhiên chỉ có thế thì nó ... chưa đủ to nhé. Đời hay thế đới. Bữa nay vẫn giữ giấy xe của nó làm tin. Vợ chồng nó gọi hỏi thăm vớ vỉn mà chưa dám đòi. Kệ ló. Cho chừa thói ăn người! Bữa đó mình làm gì còn dám leo vỉa hè chứ

3. Lý do thứ ba: Công dân Hà Nội bữa nay không đủ sức giành đường với bà con ở xa về chạy xe 4 bánh, 2 bánh như chạy ở... đường của làng trồng được. Thế là đi giữa đường nghiêm cho chắc ăn. Chen lấn làm gì cho nó mất hay.

4. Lý do thứ tư: Là dân thành phố chuyên chịu khói xăng giờ cao điểm, tắc đường, ngập lụt thì làm sao tránh khỏi bỗng dưng thấy thạo kỹ năng leo vỉa hè, đi trái đường khi lâm trận nhằm lúc ở nhà lại lợn kêu, con khóc. Đã nói với phóng viên đó chỉ là do đời xô đẩy vào con đường chính đạo mà nó chả tin, cứ thích mình bốc phét cho oai. Vậy thì sẵn khiếu nổ của blogger, chơi luôn. Héhé.

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

KHẤN TIỄN ÔNG TÁO



Kính mong Ông Táo nhà ta,
Đường lên Thượng giới thật là hanh thông
Cá chép lấp lánh vẩy rồng
Táo Bà dịu ngọt, Táo Ông oai hùng

Khấn xin năm mới thuận lòng,
Sức khoẻ, công việc, tiền nong dồi dào
Khấn xin oanh yến xôn xao
Bò nóc tấp nập còm vào, còm ra

Hôm nay tháng chạp, hăm ba
Chuồn con kính thỉnh các toà cao xanh,
Thấu cho gia chủ lòng thành
Phù trợ nhà Táo vút nhanh về Trời!

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

VÔ ĐỀ NGÀY ĐÔNG

1.
Xám là gam màu chủ đạo của Đông. Nền xám ấy muôn đời vẫn khiến con người tốn thêm nhiều năng lượng hơn mọi mùa khác để duy trì cả sự sống lẫn nhịp điệu tinh thần. Tông chủ đạo của những người tuổi trung trung là gắng gỏi nhiều hơn để vượt qua tháng ngày, để trân mình tải gánh nặng áo cơm cuối năm, gần Tết. Nỗi háo hức xa xưa chỉ còn liu hiu bảng lảng như đốm lửa bàng sót lại ở đỉnh cành gầy guộc sau màng sương đục.

Lạnh là cảm giác thể chất. Người ta tự ru lòng gạn đục khơi trong giữa dòng triền miên lạnh ấy những ngày khô, hanh, dù loáng thoáng nắng hay trời nặng sắc chì như cả tháng qua. Thương thế kiếp người, kiếp ta. Hèn chi chữ nhẫn được nhiều người dán nơi bàn làm việc, trên tường nhà và hằn sâu trong nếp nghĩ, cách hành xử. Phải lo manh áo tấm quần để không co ro hèn luỵ. Phải lo giữ đốm lửa tâm để không khô kiệt dòng nhựa nhân sinh. 

Gạn để nhớ rằng giữa cái tệ vẫn còn cái tệ hơn, tệ nhất và cái đỡ tệ mà an ủi bước lữ hành thôi. Cứ dăm bữa một đợt tăng cường gió lạnh từ xứ băng tuyết dồn về. Thế là ở đây, dù nhiệt độ chênh tới vài chục nốt âm, dương so với ở đó thì cái buốt thấu xương "đặc sản" lại được nhấn mạnh vì mưa bay, mưa giọt theo gió nổi lên. Giọt giọt đậu lên da, buốt như có nhát kim châm xuyên thấu đáy giới hạn chịu đựng của cõi người. Đỉnh của tái tê là đấy. 

Những người xứ băng tuyết về Hà Nội tìm hơi ấm quê hương cũng đều kéo cờ chịu thua thứ lạnh buốt xứ này. Người hết năm nọ qua năm kia chịu trận thì lặng thầm lầm lũi tô đậm chữ nhẫn giữa lòng, thấm thía sự cần hơi ấm của người đối với người.

2.
Cuối năm. Đông giá. Kiếp người chả được đóng băng mà né tránh chờ thời ấm áp.

Tê tái thế nhưng vẫn phải đi, phải gánh, phải sống thôi. Vin vào yêu thương chắt chiu được mà vượt hơi gió lùa thốc lật mọi ngóc ngách nhoi nhói nhân gian. 

Mỗi đêm, chìm vào chăn gối, lòng mênh mang những giọt nhớ, giọt tin yêu còn sót giữa đời này. Ngày mai giọt ấy sẽ tan nốt đi hay làm giọt mầm trổ lửa sưởi hồn ta. Câu hỏi ấy lặn vào giấc mơ, nhói ngắt những êm đềm nửa đêm về sáng.

Năm nay nhiều bất thường ngoài tầm chữ nhẫn quá... Mùa đông cũng thế, giá rét hơn ngàn năm trước, có buốt hơn ngàn năm sau...

3.
Ngoài chợ đã nhộn nhịp người bán hoa thờ, mũ ông Táo, bánh kẹo rượu chè... Toàn người bán nhìn nhau. Người mua còn chưa lòng nào nghĩ tới Tết nhất sắm sanh. Hôm nay đã rằm. Mẹ con ta còn khắc khoải chờ ba nó hết đợt trực dài. Con chưa mơ giấc Tết, mẹ chẳng khát giấc Xuân. Lúc nào nhà đủ người quây quanh mâm cơm đã là ngày ấm nhất rồi.

Lý trí vẫn khiến không thể đắm vào nỗi lắng trầm màu xám, cơn buốt xưa sau, cơn đau âu lo con cái mà quên được việc sắp xếp những việc không tránh được của đàn bà truớc Tết. Chữ Tiền, chữ Nghĩa, chữ Lễ, chữ Lo...  Thì cũng lo bắt đầu từ điện thoại hẹn gà, hẹn bánh, hẹn đổi tiền lẻ...

Ôi là lối nhân gian giữa gió đông...

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

THUỶ ĐẬU, TRỨNG GIẢ - TRỨNG THẬT VÀ THUỐC TIÊN ...

1.
Con trai lên thuỷ đậu - phỏng dạ. Thế là con chị lên hai lần, lúc 3,5 tháng và 7 tuổi, giờ thằng em lên lần đầu đây.

Tiêm chủng đầy đủ đấy chứ. Thằng em còn tiêm loại ngoại đắt rách ví luôn. Thế mà thuỷ đậu vẫn hoàn phỏng dạ.

Mẹ chúng nó chán vì con bệnh thì ít thôi nhưng nản vì đủ thứ vụn vặt kiểu này cứ nối đuôi nhau cũng thừa đủ để cuộc sống thành manh áo vá nhằng nhịt dúm dó hiện cả lên mặt. Tập ù té chạy khỏi dòng suy nghĩ bi quan vận hạn dập dồn. Cố thở đều và nghĩ đây là chuyện thường ở kiếp người ta... Chuyện nhỏ nhưng không để nó làm tràn đầy cốc nước hoá ra cũng phải cố đấy nhá.

2.
Thoạt tiên là chán làm quên hết kinh nghiệm chữa trị cho con chị khi xưa. Rồi nhớ ra dần mẹo chữa triệu chứng ngứa, nổi mụn nước...

Lần đầu con chị bị lúc bé quá, mẹ còn "điếc không sợ súng" nên không ám ảnh. Thản nhiên chữa bằng thuốc nam, bôi thuốc bắc. Cũng khỏi. Lần sau con chị bị là lúc mẹ vừa chứng kiến nỗi đau của người bạn mất con vì bênh thuỷ đậu phát không ra da mà vào màng nhầy hệ hô hấp khiến suy hô hấp. Cậu bé nằm như ngủ, mặt chấm thuốc xanh chi chít. Lúc ấy mới thực kinh hoàng về sự bạo phát của căn bệnh tưởng lành tính. Lần thứ hai con chị bị, mẹ gan lì chịu đựng cảm xúc ấy.

Lần ấy bác Huệ, bạn vong niên của mẹ, bày cách khỏi cần thuốc thang phức tạp, cứ tắm lá chân vịt và bôi dầu trứng gà. Mẹ sợ ám ảnh "xanh" kia nên thử ngay cách của bác Huệ. Hay thật là hay. Bôi đâu khô đấy. Nghe bác kể các vụ chốc lở đầu, mụn ngoài da... bôi là OK tuốt. Mà mùi dầu trứng không hề tanh hôi. Chỉ sắc vàng nâu hơi làm lem nhem áo tẹo, chả ăn thua.

3.
Làm dầu trứng không hề dễ dù nguyên liệu rẻ rề.

Chỉ là lòng đỏ trứng gà đun khô cho cháy thành than thôi. Nhưng ảo diệu là trên chặng đường hoá than sẽ một một khoảnh khắc ngắn lòng đỏ ấy óng dầu. Phải ép, chắt thật nhanh, thật khéo để mỗi lòng đỏ trứng cho ra chừng 1 cc dầu màu cánh gián sẫm. Quá khoảnh khắc ấy là dầu cũng hoá than.

Lần đầu bác Huệ làm hộ cho nhìn theo. Mẹ cậy cũng kheo khéo tí về nấu nướng, lần sau tự làm. Khói cháy cũng mịt mù nhà và cũng được lượng dầu dù không nhiều như bác làm nhưng đủ làm mẹ phấn khởi vì "tự" được. Lần tiếp theo, mẹ tự tin "mở rộng sản xuất". Thay vì làm một quả như bác và lần thử làm, mẹ làm 2 quả cho đỡ mất nhiều công ngửi khói. Thất bại. Đơn giản vì với lượng lớn gấp đôi, không thao tác ép mạnh và nhanh để chắt được dầu.

Thế là vác sang bác nhờ tiếp cho đến khi con chị khỏi hẳn.

Ngày ba lần chấm chấm. Dí mắt nhìn và nhớ thứ tự lên trước lên sau của từng nốt trên người con. Thấy mình là mẹ đảm đang dữ dội. Ặc. Tất nhiên sự chăm chỉ làm mẹ ấy chả là gì so với những biến cố kinh hoàng vì sốt xuất huyết làm suýt mất con chị mấy năm sau này.

4.
Thất bại lần làm dầu trứng ấy khiến mẹ chả còn tí tự tin nào. Dầu trứng là thứ thuốc tiên nên làm ra nó là cực kỳ phập phù. Mẹ ám ảnh thế.

Hôm nay, thứ đầu tiên mẹ nhớ ra là dầu trứng và nỗi phập phồng thành bại ấy. Thêm nữa, không tự tin lắm về việc ra chợ mua được trứng thật, tức là không phải trứng giả của Tàu tràn sang. Nhưng vẫn phải ra chợ thôi.

Chọn trứng ở hàng quen. Đã chăm chú chọn quả nào vỏ không đều mịn kiểu trứng công nghiệp nhưng rồi lại nhột quá vì chả biết trứng giả thì nó có làm được cái vỏ không mịn, có lỗ khí và dây cứt gà, máu gà đẻ không. Thời buổi dã man quá. Ăn thì có thể chuyển sang món khác nhưng làm thuốc thì biết làm sao đây. Chọn đại dăm quả dù chả còn dám tin vào cam kết của cô bán hàng. Khốn nạn thật nhân tình thế thái, kể cả mình luôn vì mình mất niềm tin vào con người. Cái giả là cái gây ác, là cái bất nhân toàn tập thế đấy.

5.
Ám ảnh thành bại ấy khiến mẹ cầu kỳ tìm mua cái nồi nhôm, chảo nhôm nào bé bé để nhẹ tay mà thao tác cho chính xác.

Lọt vào mắt là một chiếc chảo cũng của Tàu nhưng xinh quá thể. Đường kính có 12 cm thôi. Bé hơn miệng xoong quấy bột nữa. Chống dính hẳn hoi. Nó có phép thuật gì mà làm mẹ vui lạ vui lùng. Tính không chỉ tiện làm thuốc mà sau này rán bánh tôm thì hết ý, vừa đủ mỗi mẻ một chiếc tròn xinh.

Vui hơn nữa là mẻ dầu thành công ngay về thao tác. Mẻ thứ hai cũng vậy. Lớp chống dính, thìa inox, chảo nhỏ xinh nên không bị lúng túng và dầu dễ dàng chảy nghiêng sang một bên chảo, rất tiện.

Giá như đừng bị ám ảnh về trứng giả, lo không phải thành thuốc tiên mà thành... thuốc độc, thì hôm nay mẹ được trọn một chấm vui của đàn bà nội trợ. Tro thải sau chắt dầu hơi lạ, cứ dính dính bết kiểu nhựa cháy. Mẹ không nhớ rõ lắm thứ tro thải ngày xưa để so sánh chắc chắn. Ngửi dầu thấy có vị thơm thoảng đặc trưng nhưng vì sống trong thời bất an quá thể này nên lòng vẫn thấp thỏm không yên dù rất ý thức quan sát kỹ lòng đỏ, lòng trắng, dây chằng của trứng cũng như độ dai của màng bọc lòng đỏ. Giá có một quả trứng giả để nhận diện!!!

Đã bôi cho con trai hai lần. Các vết cũ khô nhưng vì là ngày thứ hai nên vết mới vẫn rộ lên. Thấp thỏm thêm về trứng. Chó chết thế đấy cái lũ bất nhân!!!

Giờ mà có trứng thật chắc tin, bao nhiêu tiền cũng mua. Không phải trả giá cho thuốc tiên mà thôi, quan trọng hơn là trả giá cho sự yên tâm trong lòng mẹ, góp một phần vào cho mẹ bớt ám ảnh về những khả năng bạo phát của căn bệnh, dù mẹ vẫn thầm khấn trời... 

Khấn Trời, khấn Phật phù hộ cho mẹ con con vượt qua những ám ảnh giả thật này, cho con con lành bệnh!

CẦN CÂU CƠM


Rửa thật sạch mình nhé
Dưa cà cũng là ta
Vừa muối, vừa hành hoa
Lừng thơm, thanh tao thế !

Nào thong dong mình nhé
Ta phụ mình một tay
Cho mắt khỏi vương cay
Cho lòng thôi sầu mặn

Khoảnh khắc đời nào ngắn
Mà cũng có dài đâu
Gạn cho kỹ cùng nhau
Bỏ sâu sia đi nhỉ

Này đây đồng xu chỉ
Ngát hương đời xôn xao
Ai đang tới hỏi chào
Ấy hẳn người tri kỷ

Nào, thêm vào ... như ý
Một quả cà tròn xoe
Một cọng dưa vàng hoe
Dặm bát cơm dâu bể

Ồ thênh thang vô kể
Hoá ra là cà, dưa
Qua hết mọi đung đưa
Cần câu cơm ta vót ...

29.09.2007

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

ĐỀU ĐẶN NGÀY TRÔI

Từ 6h sáng tới lưng chiều vẫn một màu không gian ghi xám nhạt ấy. Không nắng. Không lên xuống tông màu dù đồng hồ vẫn quay báo sáng, báo trưa, báo tỉnh giấc đầu giờ chiều...

Không có tiếng tic tắc của đồng hồ, không có nỗi lo mong tin con gái đi thi, không có nỗi nhớ con trai làm đăm đắm chờ trưa, chiều thì có lẽ mình cũng cứ bồng bềnh trôi đi trong thứ mù sương vô phương khoả gạt của Hà Nội hôm nay.

Tim hơi nặng nặng. Không phải vì xao xuyến trước thiên nhiên đang khép một vòng nhỏ luân hồi. Không phải vì bức bối gì ở cõi nhân gian ngoài kia. Không nhung nhớ miền kỷ niệm nào. Không cả chờ đợi những nỗi niềm nào đó lâng lâng dâng lên trong thế giới thẳm sâu tâm hồn. Hình như tim mình có sự gì quá tải sau chuỗi tháng ngày qua. Yêu quá, giận quá, buồn quá, lo âu quá một thời gian dài từ tháng năm tuổi trẻ qua ngày tóc mơ phai trộn vào nhau thành thứ gì như thuốc nổ chờ một vụ nổ... banh xác. Hic. Nặng hơn cả ngày xưa tim đập uỳnh uỳnh lên bờ xuống ruộng vì mấy quả yêu đương. Chắc ngày xưa là cơn nặng cấp tính, giờ mới lòi ra trạng thái nặng mãn tính này.

Nhưng biết không trống rỗng, chỉ cứ đều đặn thế thôi. Rỗng làm sao nổi. Hễ rỗng thì sẽ muốn... tự tử. Đằng này lại sợ chết. Sợ chết khi còn phải nợ trước mặt, nợ sau lưng, nợ người trên, nợ người dưới. Thế gọi là bao đồng đấy. Thế gọi là cầu toàn nợ đồng lần đấy.  Còn muốn, còn định, còn yêu thương và muốn được thương yêu thì rỗng thế quái nào được.

Ngày cứ thế thôi. Không phải ngày nhạt nhẽo là được rồi. Chợt nghĩ mai sau ấy bấc ngắn, dầu vơi thì khoảnh khắc một hơi thở cũng quý chứ kén cá chọn canh chi ngày nỏ, ngày ỉu, ngày bốc bay, ngày trầm lết.

Tim nằng nặng, sương chùng buông, hình như mình lại bắt đầu quãng lặng giữa đời. Không tung bay, không ủ dột. Không ngạc nhiên, chẳng thờ ơ.

Thở hơi nhè nhẹ, nhè nhẹ...

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

ĐEM NGÀY LẠNH ƯỚP NƯỚC MẮM CHO ẤM

Nhớ ra là đã hai ngày con trai ở trong buồng ngủ. Có hai lần nó bước chân ra bếp, một lần để mè nheo mẹ đang nấu cơm, một lần để tự rót nước uống. Quả là một kỷ lục "cấm cố" đối với bất kỳ ai, càng vĩ đại so với đại gia Quốc An nổi tiếng lang thang bát phố bất chấp lệnh giới nghiêm của ba mẹ và chạy lao qua đường bất kể xe máy, ô tô lướt.

Lạnh, trường nghỉ. Trẻ con sung sướng được nghỉ học để chuyển sang tình trạng "biệt giam". Kéo theo mẹ phải nghỉ làm quản ngục. Ai điện thoại nó cũng giành nhấc máy. Khi nghe hỏi vì sao không đi học thì lập tức khoe "Quốc An nghỉ cho khỏi lạnh".  Thế mà ba gọi điện về thì cậu nghe rất lơ đãng rồi chuyển máy "ba nói chuyện với mẹ nhé". Ba cụt hứng, lo đi trực dài ngày thì con nó quên mặt mất. Mẹ phải giải thích đấy là vì nó đang mải... gặm bánh mì. Hic.

Suốt ngày mẹ loay hoay giữa bếp với phòng ngủ. Mắt mẹ chăm chăm canh đồng hồ kẻo mụ mị đi thì không nhớ mà nấu ăn hầu cậu đúng bữa. Cậu chả được chạy tung tẩy nên hình như lâu đói, ăn uống ì ạch, nhõng nhẽo hơn thường ngày. Kệ, cứ đến bữa là mẹ nhồi vào diều cậu chẵn một tô vì sợ lạnh mà ăn không đủ nó ốm thì mẹ nguy to. Hết cháo gà, cơm trứng tráng lại cháo tim. Mẹ hoa cả mắt vì quay vòng.

Được cái có thể vì trời lạnh nên ý chí phá, quậy của cậu ... co bớt lại. Cậu chỉ mê tivi, tô màu và chọc ngoáy chị Hà An. Chị rú lên càng tốt. Chị gào lên còn tốt hơn. Chị dọn nhà gấp đôi thời gian cũng không gọn nổi vì có một thằng đi sau để phá tung thành quả của chị. Thế là co bớt rồi đấy. Mẹ động viên chị chịu đựng cậu vì thế còn hơn là chạy rông khắp khu, gào khản cổ tìm chả ra thằng giặc đang lê la ở nhà ai.

Mỗi ngày mẹ vọt ra chợ độ 2 lần. Mỗi lần chừng 10 phút. Lần nào mẹ cũng đấu tranh tư tưởng mãi mới đi. Ấy là vì trời lạnh quá chứ không phải vì sợ cậu phá lúc ở nhà một mình. Cậu có vẻ không còn nhu cầu chạy rông nữa. Nghe mẹ dặn trông nhà cho mẹ đi chợ là cậu ừ luôn và ngồi xem tivi rất nghiêm túc. Chuyện cậu tranh thủ nhấn chuyển kênh đến tụt cả núm điều chỉnh là chuyện nhỏ như con thỏ mẹ nhé. Chuyện mẹ về đến cửa đã choáng váng vì tiếng tivi cỡ khủng, còn con thì đang loay hoay càng định hạ thì càng tăng vọt vì nhầm phím cũng là thường luôn. Hic.

Trời lạnh, mẹ trổ hết các kinh nghiệm chống rét. Cậu khoái nhất vụ mẹ lấy vợt múc lẩu để đựng bồ kết, gừng, quế, tỏi, sả, hoa hồi làm bữa xông khói thập cẩm tinh dầu cho ấm nhà. Mẹ không cho cậu sờ vào vợt đang đựng than đỏ, hơi khói nghi ngút. Thế mà cậu cũng lừa lừa được một quả, nhân lúc mẹ đi đổ bô hầu cậu, cậu đã túm cán vợt để xóc đảo than. May tàn than đỏ không vung vào thảm... Thoát vụ cháy. Nhờ món xông tinh dầu này cậu đã khỏi chảy mũi nước như mấy bữa trước đi học. Cậu có vẻ nghiện hơi khói thơm, cứ đến bữa ăn lại ra điều kiện mẹ phải làm khói mới nuốt ngoan. Tối lên giường, rúc vào chăm đệm khô nỏ, thơm mùi tinh dầu khói, cậu ngủ tít sau khi hẹn mai sáng dậy lại đốt mẹ nhé. Ba dặn mẹ cất nguyên liệu kỹ càng kẻo cậu đốt nhà có ngày.

Cô bạn gọi điện hỏi thăm, than lạnh, mẹ bày mẹo xông nhà và xúi húp nước mắm ốc cho ấm người. Trêu cô bí quá thì ướp cả nhà vào nước mắm cho ấm. Cuộc nói chuyện chưa dứt, cậu đã vọt lén ra bếp - lần thứ ba trong hai ngày - lấy chai nước mắm Chin su vào buồng ngủ, tót lên giường. May, mẹ quay lại nhìn đúng lúc cậu đang loay hoay mở nắp chai. Bị phết phát rõ đau vào đôi mông cộm quần len, cậu rú lên thanh minh định rót nước mắm để ấm nhà. Ặc ặc ặc... Bao giờ thì giời ấm cho giặc nó đến trường được? Tình hình này thì khéo nó ướp hết mùa đông vào nước mắm cho ấm chưa biết chừng. Mẹ nó lấy đâu ra tiền để vừa thiệt phần nước mắm lại mất công xà phòng, nước nôi, nước thơm tẩy giặt!!!

Ôi là ngày lạnh. Chỉ mong nó đi học để mẹ ra đường, đi làm cho thoát khỏi cơn mụ mị toàn ăn, ngủ, ị, tè và ám hơi bồ kết, nước mắm này.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

MÙA HÈ Ở BẮC CỰC (phóng sự do phóng viên thường trú tại Hà Nội thực hiện)



Bắc Cực đang là mùa hè.

1.
Băng chỉ còn đóng trong tủ lạnh nào sót lại chưa rút điện. Thực ra là vì ở trong tủ lạnh thì nó không biết là mùa hè đã tới để tan cho đúng... mode.

Giá như phải dùng đến tủ lạnh thì bà chủ đã nhớ ra mà tắt điện, khỏi còn băng luôn. Gần tháng nay thức ăn để ở bên ngoài cho đảm bảo tươi ngon. Trong tủ lạnh làm sao gió lùa phả hơi lạnh thoáng và đều như ở ngoài được. Trong tủ lạnh chẳng có mưa li ti đậu đâu trên da người thì lạnh giá của giọt mưa lập tức hiệu quả như mũi kim nhọn xuyên thấu chỗ đó. Hồi mùa đông, Bắc Cực chỉ có băng đóng cứng trên râu, trên lông mi lông mày chứ làm gì có thứ mưa bay huyền diệu như... Hà Nội này. Người Bắc Cực học tập người Hà Nội, để thức ăn ngoài tủ lạnh, khỏi lo hỏng như bỏ trong tủ.

Các bà nội trợ rút phích điện trong trạng thái phấn khởi vì tiết kiệm được một khoản tiền bù vào vật giá đang lên vù vù do ảnh hưởng bởi giá vàng đang lên, giá VND đang lùi về mức dưới khiêm tốn ở Hà Nội.

2.
Trẻ con Bắc Cực phấn khởi ở nhà chơi, khỏi học hành gì. Ngành giáo dục ở đây đã học hỏi tinh thần  ngành giáo dục ở Hà Nội, dưới 10 độ C là các bé mẫu giáo và tiểu học được ở nhà. Kể ra thì cũng là rập khuôn vì chỉ có dân Hà Nội mới không chịu thấu cái rét dưới 10 độ chứ ở Bắc Cực đang là mùa hè cơ mà. Hồi mùa đông còn đóng băng thì sao.

Đúng là ý chí con người mạnh thật. Không dời non lấp biển được thì cũng thừa sức để ra một chính sách và áp dụng. Bố mẹ các bé trở thành suất nghỉ ăn theo con vì nó không đi học thì giao ai giữ được mà đi làm. Mùa hè mà kéo dài thì chết dở. Dân Bắc Cực ngấm ngầm lo sếp đì, mất việc vì mùa hè theo mô hình Hà Nội này.

Trẻ nghỉ cũng phải thôi. Chúng không có quần áo phù hợp để đi ra đường. Giá quần áo Made in Vietnam mỏng vừa với thời tiết đông Hà Nội, hè Bắc Cực rất đắt. Chuyên chở xa quá, không dám trợ giá giảm tiền vì sợ lại bị đưa vào... sách đỏ để hãm. Bố mẹ chúng còn chả có tiền mua cho con nữa là cho mình. Thế là phải nghỉ vì làm sao xài thứ quần áo đông ra đường vào mùa hè được chứ. Khoản này thì thua dân Hà Nội, họ chịu nóng chảy mỡ cũng giỏi mà rét cỡ đông Bắc Cực cũng xong. Nắng thì áo hai dây, quần 1 mảnh. Lạnh thì phá chăn lông ra may áo, phụ với len dạ, thành đống rơm to chống rét, sao đâu.

Khéo chỉ có Uỷ ban dân số Bắc Cực là phấn khởi vì tình trạng không có quần áo, ở nhà cả ngày cả đêm sẽ tạo điều kiện tăng dân số rất tốt. Khoản này thì ngược với ở Việt Nam. Chính vì thế nghe đồn ở Bắc Cực, vào mùa hè, viagra đội giá, còn ở Hà Nội mùa rét thì thị trường vật phẩm KHH GĐ hút hàng mạnh.

3.
Vào mùa hè ở Bắc Cực, người ta mơ ước có Hồ Hoàn Kiếm đặt ở chính đầu trục trái đất là khỏi phải đi du lịch tới tận Việt Nam làm gì cho xa ngái. Chả may tính toán nhầm thời tiết, đến trúng mùa hạ cháy bỏng thì dân Bắc Cực chỉ có nước chui vào tủ lạnh, vào tủ kem Tràng Tiền, vào ... nhà lạnh các bệnh viện mà trú.

Còn ở Hà Nội, khi được đài thông báo nhiệt độ của Thủ đô yêu dấu đang ngang bằng với mùa hè Bắc Cực thì người dân thở phào vì vậy là còn ấm chán. Người ở Bắc Cực chịu được độ rét băng giá thì chả có cớ gì chúng ta thua các cường quốc năm châu mà phải lo chết rét.

Hôm nay trẻ con Hà Nội cũng nghỉ học. Chỉ khác ở Bắc Cực là sếp các cơ quan Hà Nội thông cảm cho mẹ trẻ con ở nhà chứ bố chúng thì không được nghỉ theo mẹ chúng. Bực cũng phải chịu.

Mấy blogger Bắc Cực lên bài không giấu nổi nỗi lo ngành giáo dục và các sếp bên đó mà cũng kịp thời cập nhật tình hình Hà Nội, chỉ cho mỗi mẹ nghỉ thì ở nhà buồn chết đi được.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

ĐẲNG CẤP CHỬI TỤC (Nhảm khủng khiếp, Nhằm kâu kòm)

Lại phải mở ngoặc, tục chứ không bậy. Tục là văng từ lúc này lúc kia bị xem là không thanh , kể cả là mang ngữ nghĩa bậy,  chứ không phải là (bậy) bạ chỗ nào, lúc nào cũng văng. Nhớ là chửi tục chứ không phải chửi bậy.

Lý do chửi, văng tục thì nhiều lắm. Thuận mồm đến mức bản năng. Vì văng cho... vui. Vì cần ra oai, cần chém gió, sành điệu. Vì cần hoà đồng vào nhóm nào đó. Vì cần phải xả ra kẻo nổ tung.

Cách văng có khi là gào vỡ trái đất, có khi lê thê rả rích bào mòn kẻ chịu đòn miệng, đôi phen như tiếng rú giật lên. Ấn tượng kinh nhất là rít một tiếng chửi qua kẽ răng - đấy mới kinh, mới đe doạ khủng khiếp...

Độ nhiều ít thì cũng quá đa dạng. Có người đời chỉ một lần văng ra miệng, số lần còn lại văng trong dạ, lầm bầm  thì không đếm được. Chắc chắn là thế vì chả có ai chưa bao giờ văng thầm mà lại có lúc "xuất chúng" văng ra miệng được. Có người xưng xưng như cơm ăn, nước uống, chả bận tâm phán xét hay dở làm chi. Có người lại chỉ văng khi không thể kìm nổi, xem như bị đời xô đẩy đến chỗ mất đi tí lương thiện. Có người đúng là cả đời không nói tục, văng tục, nhưng họ chửi thanh mà tục thì lại đẳng trên tài mọi thứ tục kể trên. Cũng thừa nhận có người chả bao giờ văng tục, chửi tục nhưng nghe bảo họ có cách xì khói khác có khi còn hại hơn lời nói. Làm gì có ai thánh nhân từ bé xíu tới già được.

Nghĩ lan man nhảm nhí thế vì hôm qua nghe lỏm được một cách phân nhân gian thành các đẳng cấp chửi tục:

- Người trần tục: chửi vì phải chửi, kể cả chửi đổng lẫn chửi đích danh.

- Kẻ phàm phu: chửi bất chấp thời tiết, đối tượng, cảnh huống.

- Kẻ gớm ghê: năm thì mười hoạ mới rít một tiếng chửi mà làm xung quanh bạt vía.

- Kẻ thâm nho, nhọ đít: chả chửi bao giờ mà tiếng thanh gằn lên còn hiệu lực hơn lời tục nhất.

- Kẻ lấy tục làm vui: đổ tại đời đưa đẩy, lấy tục làm kế giao lưu, có thể nại cớ đi với ma mặc áo giấy.

- Kẻ nói tục mà thanh: Đại gia ngành chửi. Kẻ này thường là tâm thanh nhưng miệng tục. Có chửi cũng không tạo phản cảm.

- Bậc thiền nhân: từ khi quen chả nghe chửi bao giờ nhưng đời đã trải qua đủ đẳng, thuộc, hiểu vô khối "ý tục, ý thanh", giờ không còn xem chửi tục là thú vui, vũ khí đường đời.

Nghe thế, ghi thế. Tin là đời rộng bao la, chuyện lời tục còn là không thể bao quát hết đâu mà xếp. Nghe nói nhân gian còn có món gọi là "văn hoá chửi" cơ mà.

P/S: có lúc nghe ai đó được khen "nó chửi tục nhưng tốt", "nó tốt dù hay chửi tục". có lúc mình cũng chửi, nhưng may là còn kiềm chế được độ tục. kinh nỗi thời nay có rất nhiều thứ làm thiên hạ và cả mình ngứa lưỡi. mỗi lần thế lại nghĩ chuyện ra phố làm ngụm nước chấm ốc cho vị mắm, ớt, gừng xua đi chán chường nhân gian, đẩy khí tà buồn bực, khỏi phải chửi thì tốt. giờ đi  kiếm đĩa ốc nhể cho dứt cơn nói mò đây. ai đi cùng không?

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

TRĂNG ĐẾN RẰM

Mấy tháng nay con gái lớn bổng. Cao bằng mẹ và có xu hướng cao hơn, to hơn mẹ.

Hàng phố không nhận ra nó. Có người hỏi dạo này con gái đi đâu mà không thấy. Họ hàng xuống dự đám tang bà nội cũng phải giới thiệu mới nhận ra Hà An. Ai cũng kêu rồi nó cao nhất họ.

Cao. Ai bảo cao là đẹp thì cứ thử cao sẽ biết. Hồi xưa mình cao so với trang lứa. Ba đứa cùng đội cao đi trong sân trường đại học mà phát ngại. Cao vừa thôi, đừng qua khỏi mức chung chung của tuổi thì hơn. Tất nhiên trong lúc bao người nhồi can xi cho con cao thì xem như Hà An là "phỏm tự tạo" không lo phần chiều dài.

Đáng nói là số giầy của nó lên nhanh quá. Đầu hè số 35, giữa hè 36, giờ số... 38. Vượt mẹ một số. Mấy hôm vừa rồi mua cho con đôi bốt để chống lạnh. Số 38 vẫn đau chân. Tối nay đi tìm số 39 mới đủ rộng để đi tất. Nó bảo tụi con gái lớp con toàn đi số 38. Choáng quá. Thế hệ "rằm" này trăng không bằng cái đĩa mà bằng cái nong đại à.

Mặc vừa quần áo của mẹ hơn mẹ. Thế là những quần áo nào của mẹ mà nó thích là mẹ phải tự hiểu ý chuyển luôn. Nó mặc vừa và căng tròn hơn mẹ.

Năm ngoái năm kia đi mua đồ cho nó rất khó. Tính còn trẻ con quá mà mặc toàn cỡ S, cỡ M người lớn nên chọn kiểu rất khó khăn. Năm nay nó chê đồ kiểu baby là trẻ con quá. Nó có xu hướng mặc kiểu người lớn. Lại Cả lớp con đều thế. Mới rằm mà trăng già???

Hôm qua đi qua chỗ bán măng tô và váy dạ. Mua màu đen cho mình rồi quay ra thử một loạt carô đỏ trắng, cả váy và măng tô. Mấy cô bán hàng trố mắt vì tưởng mẹ cưa sừng làm nghé. Phải giải thích là con mặc vừa đồ mẹ nên chỉ cần mẹ thử mà rộng tẹo là con mặc ổn.

Trăng đến rằm trăng tròn. Con 15 tuổi, con phổng. Mẹ lo thắt ruột vì vẻ đẹp cứ ngời ngời. Lo quá, thế là chả thấy con đẹp nữa. Hôm qua cô giáo của em Quốc An gạ cho chị nó đón em để cô thấy chị nó ra sao mới giật mình. Hoá ra mấy cô khác đồn là thằng QA còi còi chứ chị nó cao to, đẹp lắm, da, tóc nọ kia... Chả biết tự hào hay âu lo bây giờ. Thời nay... Nhưng lại nhủ, trăng tới rằm trăng còn tròn nữa là.

Tối nay nhìn con chăm em, thấy con lớn thật rồi. Nhưng những âu lo về sự học hành, rèn giũa con ở tuổi dở trẻ con, dở người lớn này làm mẹ không dám trọn vui. Thế mới thấm thía câu lo âu lòng mẹ biết bao giờ nguôi.

Lâu lắm mới viết về con. Mừng mà thấy còn vời vợi gian nan dìu dắt để con thành thiếu nữ, phụ nữ, đàn bà...