Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

TÌNH BÊN QUÁN PHỞ

Dạo này mình có dấu hiệu chán cơm thèm phở.

Trưa cơm hộp, chiều cơm nhà đã đành. Đêm cứ thấp thỏm dậy sớm để sáng còn đi phở.

Hấp tấp đánh răng rửa mặt, thử cười khì cái trước gương lấy thêm điểm tự tin là sấp sấp ngửa ngửa, vội vội vàng vàng cắp Quốc An quẳng vào nhà trẻ. Rồi ngay lập tức rẽ quặt vào ngách nhỏ, luồn sang dãy 5 tầng gần đáy khu tập thể. Không kịp là bạn thể nào cũng dớn dác mắt tìm: sao hôm nay ra muộn thế hả. Biết là không lẩm bẩm đâu. Người đàng hoàng không ai làm thế, nhưng tớ thừa biết có người nghiện tớ rồi.

Hàng phở ở đấy đấy. Cả khu Thanh Xuân hiếm hoi có một hàng ăn ngon như phố nhớn duy nhất ấy. Có lẽ cái lưỡi mình hơi khó tính. Hoá ra còn có người khó tính hơn mình.

Mình im ỉm ăn thôi, còn về đi làm. Đâu có dông dài như bác được hả bác. Ăn lại còn tủm tỉm lúc khen, lúc chê, nhấn nhá sốt ruột. Nhà em cơm hay phở cũng húc vèo để còn lo việc khác. Bác cứ cảnh vẻ cho bà Giang béo phải lỏng tay bánh, tay thịt là sao? Chỉ được cái khéo mồm sinh lợi!!!!

Mấy lần đầu mình còn ghét quá cái người ồn ào. Ăn uống mất cả vui vẻ. Thế mà rốt cuộc lại bị người ta túm cổ lúc nào không hay.

Hôm qua còn dám bốc lên rủ hôm nào cuối tuần rảnh thì đi... vũ trường. Khiếp chưa. Mình nghe choáng toàn tập.

Biết là mến nhau lắm rồi. Nghiện nhau ấy chứ. Đã bảo từ đầu còn gì. Nhưng mà thú thực, chui vào đấy nhạc như gõ thùng phi và ánh sáng đảo điên như sấm chớp oánh giữa đồng hoang, chắc mình vào đến cửa là bật tưng ra ngoài. Bác già khằng thế được mấy nả mà máu. Nói phét đủ rồi bác ơi.

Ừ. Công nhận cứ nghĩ người già là vô vị, về hưu là hưu toàn tập. Lâu rày cũng nghe đến nghỉ ngơi tích cực, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi.

Khi ông bà ngoại An An nghỉ hưu, mình cũng quan tâm chú ý để hễ các cụ có triệu chứng sốc chuyển đoạn là xông vào dùng kiến thức trị liệu tâm lý học mót hòng nâng giấc, báo hiếu. Nhưng hai cụ hoá ra phải xếp vào tầng lớp người già gương mẫu, lạc quan phơi phới. Cụ bà hoạt động dân phố đến quên con cháu. Cụ ông thì quay về với giấc mơ thời trai trẻ vì bận gánh sông hồ mà phải ém lại tới giờ: đam mê văn chương và sử Việt. Chưa kể hai cụ còn rảnh rỗi chế tạo những món ăn theo cách rất mới (bật mý lúc khác nhé đồng bào).

Rồi mình cũng đọc và hiểu biết chút ít về tâm lý người già trong quan hệ xã hội, với các thế hệ kế cận, thế hệ mầm chồi. Tuy vậy vẫn chỉ nhìn người già như những người đang gắng gượng đi nốt cuộc đời với bề bộn lên xuống tinh thần và tâm tư chứ chưa có cái nhìn tích cực như họ là những người đang hăng hái tận dụng mỗi giây mỗi phút mà yêu đời tha thiết, mà sống có ích tới khắc cuối kiếp người.

Gần đây, chứng kiến nhóm bạn phở của mình, bị các bác giai, bác gái lôi cuốn thì mới ngộ ra điều thú vị đó.

Mỗi sáng, đúng tầm mình gửi con xong rẽ vào làm bát ấm bụng trước khi cống hiến sức lao động cho xã hội, thì cũng là lúc các cụ ồn ào hớn hở đổ bộ vào hàng phở. Không hoành tráng như thế giới thể thao ten nít, nhưng mỗi cụ phơi phới một kiểu, vừa rời sân thể dục mà. Chỉ giống nhau ở giọng nói sảng khoái, mặt mũi tươi rói và yêu đời tới mức lũ con cháu như mình phải ngạc nhiên.

Rồi chả hiểu các cụ với mình thành bạn vong niên từ bao giờ. Trước hết là chung sở thích uống chè xanh cắm tăm miễn phí của hàng phở. Mình rót cho mình dám nào không mời các cụ một tiếng. Và các cụ nỡ nào dốc cạn ấm mà để nó chết thèm.

Lân la nữa là các cụ bị nó chài bởi công thức nấu những món ăn rất rẻ, quen thuộc mà lại hiệu quả khác biệt. Thí dụ rang lạc lướt muối tinh mà để lọ... 2 tháng không ỉu chả hạn. Hay mới sáng nay là cách nấu miến để 1 ngày vẫn giòn, không vữa. Hìhì.

Nó thì bị các cụ chài bởi những lời khuyên rất chí tình về đối nhân xử thế cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội (về hưu rồi, ràng buộc gì nữa với quan trường mà sợ bị bật cánh... Hihi). Chưa kể các cụ biết con nó nhỏ, đi chợ lại hay rẽ qua gửi cho tụi nhóc tý nọ tý kia.

Công nhận "chả có ai tẻ nhạt ở trên đời", "gừng càng già càng cay". Giao lưu với các cụ hoá ra mình yêu đời hơn nhiều. Và các cụ còn chẹp miệng: tiếc nhỉ, đến lúc mày về hưu thì chúng tao xuống lỗ mất rồi... Tiếc gì hả cụ, hôm nào hội các cụ đi chùa thì cho cháu đi với. Sáng kiến nhá. Ủng hộ 100% số cánh tay vung lên mạnh mẽ như sinh hoạt Đoàn. Đấy, còn máu rủ mình đi vũ trường cơ mà.

Qua cơn choáng, mình thều thào: các cụ khoẻ cỡ nào chứ cháu vào đấy thì chỉ có nước cấp cứu. Ối zời, thanh niên mắc lỡm người già:

- Ờ, tai mày tinh, mày vào đấy chịu không nổi. Chứ tai chúng tao giờ điêng điếc rồi, nhạc to thế chứ to sập nhà chả chắc đã nghe thấy mà lo...

Hêhê... Hoan hô bệnh nghễnh ngãng của người già... Hoan hô tinh thần lạc quan và kiên cường yêu tha thiết cuộc đời...

Lạy Trời cho con sống tới ngày được hưởng hưu!!!!

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

NHƯ YÊU BLOG (Tuyệt đối không nhảm)

Công nhận trên đời có những thứ cực kỳ khó thổ lộ hiệu quả. Thí dụ nghe câu em yêu anh, anh yêu em. Nghe thế thì biết thế. Hơi là trừu tượng. Ít nhiều, kiểu gì, đầu tư thời gian công sức tới đâu, hứa hẹn bao lâu thì chán... Bảo không tin thì phải tội, tin thì khá ư chập chờn.


Nhưng chỉ cần có blog và chơi blog chân thành, thế là rất dễ ăn nói, rất chi dễ hiểu, tin tưởng hoàn toàn: Em/Anh yêu Anh/Em như yêu BLOG. Xong béng.


Vẫn không tin ư, tuỳ. Vậy thì Anh/Em khó tính quá, kỹ tính quá và... quá... quá. Người ta có thể thề thốt móc tim ra mà trao nhau. Chưa ăn thua, làm gì có ai khờ thế. Ai đi yêu một cái xác chết ngay sau khi tỏ tình với mình. Điên. Kể cả thời công nghệ bây giờ, chả điên mà đi yêu cái kẻ dám coi thường mạng sống, lợn lành thành lợn què chỉ vì yêu ta: dám đổi tim thật cho ta ngó rồi lắp một cái cục sắt, cục nhựa chi đó vào ngực sống thoi sống thóp hưởng tình yêu của ta. Mịa ui, chả biết được bao năm thì tình ấy ngỏm. Không dám đâu. Nhưng đã phải lấy blog ra thề là không phải đùa.


Một cái blog, ngó qua tưởng ảo mà lại phải sống với nó rất toàn tâm toàn ý. Có ngỡ lòng như hờ hững thì rồi cũng có câu: Blog là cái chi chi, Trăm ngàn lần quyết bỏ đi không đành.  Đời yêu đương, dám bỏ đến mấy trăm ngàn lần không? Thế thì nhàm lắm. Nhưng blog, có bằng mười lần số ấy, ngày quyết bỏ 24 lần/24 tiếng cũng đã thành đâu. Tuỳ, thấy vẫn còn chưa đủ để hiểu lòng chung thuỷ thì cứ chơi con blog đi, hiểu liền. 


Như yêu blog. Không phải chuyện đùa. Thương hiệu là đấy, danh dự là đấy. Có cần giải thích thêm nữa không em/anh? Nghe tin báo hoảng blog bị spam tục tĩu, phản động... Đảm bảo tìm cách nhanh nhất để dập lửa. Khác gì cháy nhà. Bảo trọng tới thế, em/anh còn chưa thấy lòng trân trọng yêu thương ư?


Dấu hiệu bảo tín của một tình yêu là nhớ. Yêu có thể đầu môi chót lưỡi chứ nhớ đần thối cả mặt mũi lẫn tháng ngày thì giả vờ không phải chuyện ngon ăn. Các cụ ví nhớ như nhớ thuốc lào, chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Ừ, khí phải. Nhưng thay thuốc lào bằng thuốc lá, thậm chí phê hơn là thuốc phiện cũng chuyện thường. Tại sao trên đời lại có blog? Chịu thôi. Thay blog bằng gì đây? Không biết, không tài gì biết được. Và nỗi nhớ blog thì cũng không thể nào tả nổi.


Nên tránh né cách ví von nỗi nhớ blog kiểu "vật", "vã" như thuốc phiện, ma tuý mà dân ngoại đạo hiểu nhầm tư cách blogger. Cần lắm thì có thể chứng minh vài dẫn chứng nhỏ nhỏ, vụn vụn. Đi làm, cơ quan mất net thì muốn vọt ra quán có wifi hoặc về nhà để thăm anh/em bò nóc tí. Không có cách gì nữa, chỗ nào cũng mất điện thì có thể gọi đi tỉnh khác, nước khác, nửa bán cầu khác nhờ: ngó hộ có ai cmt trên blog tớ không. Mình không thích dẫn ra đây cái chuyện tinh mơ dậy là quờ tay bật máy tính cập nhật đâu. Chuyện ấy nó thật quá, bất tiện. Đấy, nhớ thế đấy. Chưa tin nữa thì tuỳ.


Yêu như yêu blog. Nói như vậy là rất nhiều anh/em ạ. Chân thành đến không thể nào kể cho hết. Còn chưa hiểu, chưa tin nữa thì cũng chả thể sánh đôi. Chấm hết.


P/S: Ai tin thì tin, không tin thì thôi. Bao giờ biết chơi blog đi thì quay lại đây. Không thì chờ cái người mượn blog ra ví von ấy cai được blog thì chơi tiếp.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

QUYẾT GÂY ÁN MẠNG

1.
Hình như mấy cái dây sạc điện thoại của mình ngon mồm lắm. Lũ chuột cắn nát không biết bao nhiêu lần. Đêm qua mỗi dây đứt thành nhiều khúc.

Rất có thể sẽ bôi mật, mỡ lên dây điện cho chúng cắn chết chùm luôn.

Chúng chết thì không phải là án mạng? Có là án mạng cũng mần. Hức.

Để chúng yên thì có ngày mình mất mạng. Đứt như chơi ấy chứ. Dây mạng internet hình như cũng không đủ điện giật chết lũ khốn nạn ấy.


2.
Những thứ chuyện lặt vặt thế này cũng có tác dụng làm bực mình. Nghe thế "tế nhị" nhỉ. Người ta thường hay cmt khi viết kiểu này là "bình tĩnh, đừng cáu vặt thế, ức chế quá...". Thân chủ ngại ngùng như thể không kiềm chế những "dục vọng tầm thường" ấy là còn đáng xấu hổ hơn cả... ăn trộm, giết người chả hạn. Hì. Nhưng nói ra dễ chịu lắm.

Thực tế cuộc sống là chuỗi vô tận những lặt vặt nhảm nhí như thế đấy. Những cái to đùng thì hoặc là vô vọng, hoặc là xử lý. Nhưng cái to thì lại "bõ bèn". Cái nhỏ thì tí tách rỏ như nước nhỏ mòn nhũ đá, mòn khát vọng, mòn mỏi... Không thích cái to và cái nhỏ - những thứ rầy rà, phiền hà và luôn luôn chả béo bổ gì.

Không thích cái to như đá núi cho bõ la, hoành tráng. Không thích cái nhỏ như sạn cộm giày, cộm lòng, cộm mắt... Khi không còn xênh xang nổi rằng "mưa to là mưa nhỏ, mưa nhỏ là không mưa" thì lên blog la làng như em Quỳnh Vy tuyên ngôn. Hic.


3.
Không thích lũ chuột cắn nát dây sạc điện thoại.

Thích hỏi bà con xem có thể mua dây sạc xịn mới ở đâu vì đi ra các cửa hàng dù có số có má cũng toàn dây đểu. Chả nhẽ mỗi lần chuột cắn lại phải đi mua nguyên con điện thoại mới lấy dây xịn cho khỏi bực à.

Bó gối viết ẻn chán lại xoay ra ngắm chồng đang hì hục nối dây. Bữa nay cắn nát quá, ổng thử lấy đoạn dây nét để nối bù xem có được không. Ặc.

Thì cứ thử đi đàn ông! Đàn ông luôn thử cho tới lúc nản. Hức. Chuyện nhỏ! Thử nối dây thì nhỏ! Đừng thử cái gì lớn chuyện không "nối" nổi nghen chồng.

Ối, nhớ ra chồng cũng tuổi chuột. Dặn thế không có thừa.


4.
Haha. Trong lúc chờ mua sạc xịn mới thì xài tạm dây chồng vừa nối xong dù nhìn cũng kỳ kỳ. Đoạn dây net trắng to đùng nối với đoạn dây sạc nhỏ nhỏ đen thui. Điện chạy ngon ơ. Đèn báo sạc lên sáng loè.

Chồng nói hay để anh cắt rời nối cho thành cái dây giống con rắn cạp nong, may ra chuột nó sợ hẳn. Ặc Ặc.

Thôi, xin! Hoặc anh đi mua sẵn 5 bộ sạc xịn cho cái điện thoại ghẻ này, hoặc mua 5 điện thoại xịn để lấy dây trữ sẵn. Tiếc nữa thì mua mau một dây xịn bằng bất kỳ giá nào đi. Phần vợ sẽ đi mua 10 cái bẫy chuột và một ký mỡ về bôi dây điện.

Tiên sư lũ chuột chết dẫm kia. Chờ đấy!

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

NHẬT KÝ TỰ YÊU

Đừng tưởng tượng nhiều quá thế khi đọc title chứ hử!!!

Là yêu lấy mình ấy. Là sống gấp ấy. Yêu lấy mình nhanh lên khi còn có thể ấy.

Tự yêu, thế mà tốn phết.

Hết 50k để yêu phần đầu tóc, móng chân.

Hết thêm 150 k để yêu... toàn thân. Cũng bõ. Từ chỗ mình còn chán mình mà lúc yêu xong cứ thấy mình hơn hớn, khoẻ hẳn chứ không bã bời nữa. Ở mười mấy năm mới biết một điểm yêu cực kỳ đến thế ở sát sạt. Suốt cuộc yêu cứ được nhắc: em thả lỏng đi. Mới thấy mình cứ âu lo, tự căng thẳng nét mặt thì dại quá. Hẹn lịch tuần tới rồi.

Bổ sung 5k nữa rước về một ẻm mùi hương ngào ngạt đầu mùa có tên gọi mùi già. Đắt thật, ẻm này thì đắt thật so với chính vụ nhưng bù lại ẻm là một phần nghi lễ thiêng liêng mang tên: Tắm. Mỗi năm ít nhất có hai lần run rẩy toàn thân, chết lịm toàn phần khi đón em và em đón ta: bữa tắm đầu mùa và bữa tắm tất niên.

Định tự yêu thêm vài sóng nữa nhưng chừng đó đã hết xừ ngày. Thôi, cũng tạm đủ để hồi lực, đủ để lên tinh thần nấu một bữa thật ngon đãi chồng con sau mấy tiếng dài mình biến mất, trốn đi tự yêu.

Tiện thể nói luôn là thực đơn cũng là một cách tự yêu. Thay vì mua những thứ chỉ có chồng con thích, đây mua thứ hoặc cả nhà thích hoặc mình ta thích thôi. Bốc lên, chiến thắng sức ì, yêu mình thêm phát nữa: mua rau bí tự tước thay vì mua sẵn. Mình nghiện tước rau bí mà lâu nay cứ phải chân thấp đập chân cao tiết kiệm tfhời gian để làm ôsin cho trọn tình vẹn nghĩa. Hức.

Giờ đến khuya, hễ mọc thêm hoặc nhớ ra thêm vụ tự yêu nào ngoài chuyện cắt tóc, sửa móng, mát xa, tắm lá nói trên thì sẽ bổ sung vào ẻn ngay. Được yêu thì... miễn kể. Đó chỉ là hậu/hiệu quả của quá trình tự yêu thôi.

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

NGÀY NHÀ GIÁO - HOA VÀ NỖI NHỚ


 1.
Ai hoa nào, ai hoa đi! Mua mau kẻo giá lên. Vâng, giá lên từng giờ! Vâng, vàng còn khóc thét nhường ngôi cho hoa đây! Ai mua nào, ai mua đi !!!!!

Anh Lại Văn Sâm đang lảnh lót hót ở kênh 8783. Nghe đồn thế. Anh ấy nói đúng. Sự thực là thế. Hoa ngày này không bao giờ ế. Vì thầy cô là Thượng đế. Phụ huynh chống chế thế. Học sinh cũng nghĩ thế.

Cô bạn mình sinh nhật 20.11. Năm nào tặng sinh nhật nó cũng là quà gì đó thay vì hoa. Nó thích thế hơn là hoa vì hoa nó đã có rất nhiều rồi - cô giáo mà. Nó cũng thương mình vì nó biết hoa đắt lắm. Nó cũng tiếc vì rừng hoa ngộp thở ở nhà nó sẽ chỉ một ngày là chuyển bớt ra... xe chở đi... ngoại thành (không nỡ nói phũ về chuyện hoa đi đâu nhé).

P/S: Kênh 8783 - nói tắt của kênh tám bậy tám bạ


2.
Ôi, hoa. Mình năm nay chuyển sang mua lịch. Lời chúc dĩ nhiên không có câu: Nhà em kính tặng thầy/cô cuốn lịch để năm tới... bóc chơi. Chúc là mong thầy/cô/anh/chị/bác có một năm tới  mọi sự như ý chứ.

Trên đời có lịch thật hay. Hay nhất là nó kiểu gì cũng có loại... rẻ hơn hoặc chỉ bằng hoa. Mang cuốn lịch màu đỏ trên tay thì cũng bận y như cầm hoa mà giá trị sử dụng lại tới qua cả 20.11 năm sau.

Mình mang cuốn lịch tới biếu thầy, biếu cô thấy ấm tay và vui chả kém gì tặng bó hoa rực rỡ sắc màu.

Mình không muốn nói rằng trường hợp nào cần bày tỏ tấm lòng hoặc lời cảm ơn bằng chút  phong bì thì bỏ vào túi lịch tiện hơn nhiều so với nhét vào bó hoa. Loại trừ ý nghĩ hối lộ, đút lót nhân ngày lễ, loại trừ cả chuyện hay dở khi tặng phong bì thay quà nhé. Bàn ở lúc khác đi nào.

3.
Mình vẫn yêu hoa ngày 20.11.

Mình mất nghề hơn 20 năm rồi.  Nhớ những học trò đầu tiên. Nhớ những trang lưu bút đầu tiên của học trò. Nhớ những tiết giảng đầu tiên, va vấp đầu tiên... Nhớ mãi những đoá hoa đầu tiên của đời giáo viên.

Năm ấy chả hiểu sao tình cờ cô bạn sinh ngày 20.11 cùng đi thực tập lại chả có bó hoa nào. Cô Hoà, giáo viên hướng dẫn thực tập thật là tế nhị, hiểu xúc cảm đầu đời nghề, tặng bạn ấy bó hoa trò vừa tặng cô.

Năm ấy nhà mình nhiều hoa chưa từng có vì mẹ chưa về hưu và mình mới vào nghề. Bè bạn cũng tới tặng nữa. Dù yêu hoa, cắm hoa khắp nhà thì vẫn còn nhiều bó để chuyển qua hàng xóm. Cả xóm chung vui hoa 20.11. Sau này, có bác nghe nói mình làm nghề khác rồi thì vẫn còn gạt bay đi: nó làm cô giáo chứ.

Mình cũng nhớ bó hồng nhung 7 đoá thơm ngạt ngào anh Hùng "đầu từ" tặng cô giáo - mẹ mình năm xưa lắm rồi. Cô xúc động quá cơ. Sáng hôm sau cô càng suýt té ngửa vì thằng học trò nhất quỷ nhì ma nó hái trụi hoa vườn cô vào tặng cô. Sau này mỗi năm lớp anh ấy tới thăm cô chủ nhiệm cũ đều nhắc lại "truyền thuyết hồng nhung" đời cận đại ấy.

4.
Hai hôm nay dù không mua hoa tặng ai nhưng mình cảm giác hạnh phúc và lung linh sắc màu ghê cơ.

Ấy là vì từ khi mình già già hơn, mình hay hoài cổ. Mình nhớ nhung những màu hoa xưa. Mua hoa đời mới đắt hơn vàng thì vẫn mua khi cần, nhưng tay chọn chúng mà lòng không xuyến xao mãnh liệt như sáng qua và sáng nay chợt gặp hoa quen ngày cũ.

Hoa cúc chi trắng nhiều thế. Rờm rợp mây trên phố. Dịu dàng và thanh tao. Mong manh mà không yếu đuối. Mơ màng mà thực giữa đời. Những chấm trắng êm đềm trong dòng sông phố ngợp trôi nắng , gió đầu đông...

Mình gặp một xe đạp chở hoa thược dược cánh sen. Ôi, phải ba năm rồi mới thấy cố nhân thược dược ấy. Tuy không gặp vào mùa xao động nhất với hoa xưa - mùa sau Tết, nhưng "người hoa" áo hồng sen ấy vẫn cho mình một thoáng dịu êm giữa đời. Giá không bị cuốn đi trong dòng người đang chạy như ma đuổi về đâu chả rõ, vì ngày nào cũng tất bật loạn lên như thế, thì mình đã dừng được để tậu một ôm về cắm rồi. Chỉ cắm riêng thược dược cánh sen thôi. Nụ, hoa, lá, cành vươn đã là một thế giới rất đủ đầy, viên mãn. Một thế giới rất Hà Nội chưa xa. Mộc mà sang, rực rỡ hoan ca mà vẫn âm trầm sâu lắng.

5.
Cứ ngỡ năm nay những tất bật, những mỏi mê khiến mình không còn nữa cảm giác nuối nghề... Nhưng giờ ngồi đây, đọc blast về hoa cúc chi của cô bạn và nhớ những ráng mây hoa ấy, mình nhớ ngày xưa, mình tiếc nghề quá.

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

NHẬT KÝ, BLOG, TÍNH THỰC ngày THIÊN HẠ ĐẠI XẠO

1 Na Mã.

Hôm nay chúng ta bàn về tam giác NBT. Đó là một tam giác đặc biệt. Tuy có ba đỉnh nhưng ba cạnh chưa chắc đã dính nhau theo quy luật hình học thông thường.

N là Nhật ký

B là Blog

T là tính Thực.

Nếu vào ngày nào đó, dưới địa ngục, giữa trần gian hoặc trên thiên đường mở lớp về blog học mà chả may nhà Chuồn được mời buôn chuyện ở đó thì giáo án sẽ bắt đầu sang sảng và đầy tính khoa học lọc cọc như vậy.

2 Na Mã.

N là Nhật ký. Ngày xưa xửa xừa xưa, khi chữ "a" chưa bị... còng, người ta viết nhật ký giấy thôi. Đó là thứ văn viết có các đặc điểm:

1. Có sao nói vậy hoặc có sao - nói bậy, có sao - nói trăng ... xả láng thì vẫn chả bao giờ có comment. Và như thế chả bao giờ lo đang viết vui bị cmt xỏ lá hoặc tai bay vạ gió. 

2. Người ta không gọi là entry vì ai viết nấy biết. Mấy khi đưa cho người khác đọc hoặc bị đọc trộm mà phải ngắt đoạn hoặc tự biên tập số chữ để độc giả khỏi chán, đọc ẩu, cmt điểm danh như bây giờ. Ngắn dài thoải mái con gà mái.

3. Viết không ai biết thì hay dở cũng chả liên quan gì đến độ hot của tác giả, trừ khi vào ngày nào đó bỗng thành sách in gây xao động nhân tâm loài người cỡ Nhật ký Anne Frank, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc... Nhật ký mà viết về tình yêu, về con, về ai đó thì cũng chỉ khiến chính đối phương chới với trong yêu thương và tác giả nặng ký lên trông thấy trong mắt độc giả đặc biệt ấy mà thôi, không khiến tùm lum người đọc ké nuôi trí tưởng bở như thời chữ a bị còng sau này.

Nhật ký liên quan gì đến tính thực? Viết cho mình là chính, nói gì thì cũng không ảnh hưởng tới ai. Viết thực cảm giác vui buồn, yêu ghét... Viết đẹp hơn sự thực về điều gì đó cũng là quyền tự do tưởng tượng bay bổng và vươn đến khát vọng đẹp. Không làm ai hiểu nhầm bản thân tác giả cả. Ai đọc lén mà phải lòng thì xem như tác giả vô can. Trừ phi cố tình viết để dụ thì không phải nhật ký nữa roài nhá.

3 Na Mã.

B là Blog. Blog là thứ để dễ hiểu người ta dịch là "nhật ký điện tử". Ấy là vì bút bỗng có quá nhiều phím và giấy thì hiếm do rừng đã bị tàn phá nhiều quá, chỗ giấy còn lại chỉ đủ in báo, truyện, in vàng mã và in... entry thành sách in. Mốc để đánh dấu thời đại nhật ký rẽ đường mới chính là ngày chữ a bỗng dưng bị còng chả vì đâu. Nghe đồn là vì bị... móc, còn móc gì thì không ai nói rõ. Chỉ thỉnh thoảng thấy thay vì gọi a còng nghe nó già nua, thương cảm, thì người ta gọi là a móc.

Như đã lè vè so sánh sơ bộ khi bàn về N, blog cũng có một bộ phận lớn viết dạng nhật ký đời sống cá nhân tác giả. Nhưng không chỉ là nhật ký thuần tuý thế, blog sau này còn toé thành rất nhiều dạng như viết truyện ngắn, truyện dài, thành công cụ truyền bá văn hoá và phản văn hoá, truyền thông chính trị lề nọ lề kia... Ở đây chỉ bàn về Blog nhật ký và cũng chỉ tạm bàn về tính thực.

Vì có người đọc, có cmt, có PW, tức là chức năng giao tiếp của blog rộn ràng yến oanh cực kỳ, nên tính thực cũng có ít nhiều lộn lạo.

Viết mà đóng chỉ cho riêng mình đọc thì thực sự là thà viết giấy cho an toàn vì blog nào ai biết nhà mạng cho toi mạng dữ liệu một phần hay nguyên khối lúc nào. Nếu vì không quen viết tay nữa mà thường xuyên viết "máy" chỉ mình mình đọc - quá phục vì cảm giác chơi blog một mình lắm phen giống... nhà ma. Nhưng những blog này là những blog độ thực, độ mơ có lẽ gần nhất với nhật ký giấy. Khi ấy cạnh nối NB có thể biến mất hoặc rất ngắn vì khoảng cách của chúng đâu có xa. Cạnh NT và BT gần như thành hai cạnh của tam giác cân đáy NB.

Vì có người đọc blog nên chuyện viết lách càng sau này blogger càng đỡ cãi cùn kiểu lý người Nhắng: blog tôi tôi viết gì kệ tôi. Ấy là một góc của câu chuyện văn hoá blog sẽ bàn trong dịp khác. Thế nhưng tốt đẹp phô ra là tất yếu. Người ta nói đúng cái hay của mình hoặc nói quá lên (vì vô vàn mục đích). Người ta nói sự thực đời sống theo kiểu nói hết hoặc không hết. Người ta nói dở thành hay để tự sướng hoặc làm người khác... choáng, mê, tưởng...

Cạnh NB cũng thiên biến vạn hoá, ẩn hiện khôn lường từng trường hợp. Đáng chú ý, có phen nó... gẫy đôi nhịp cầu vì chủ nhân không còn yên thân để viết cái mình muốn có sao viết vậy, hoặc chủ nhân nổ dữ quá nên blog mang tiếng nhật ký mà lại thành trang "chém gió.com". Hai nửa cạnh  loay hoay tìm nối nhau  chăng nữa cũng cứ vất vưởng như hai ông mù huơ huơ gậy giao lưu thôi. Mù thật vì nhu cầu thể hiện tính thực cá nhân không còn, hoặc muốn mà khó...

Ôi dào, cạnh đáy thế thì đỉnh T đứng đó cho có cái để người đọc thì tưởng, còn người viết thì "mặc định là đúng sự thực" chứ hai cạnh bên NT và BT cũng tung toé luôn. Thỉnh thoảng đọc blog mà gặp được tam giác BTN hoà hợp thì khoái ghia. Chả khác gì tam giác vàng cho tính thực ngày thiên hạ đại xạo trên xứ ảo.

4 Na Mã.

Hí hí, tám đủ rồi nhé các bác. Cứ chơi, cứ viết, cứ thực, cứ mơ, cứ nổi, cứ chìm, cứ nổ, cứ thật, cứ... cứ... cứ... Ai có thân nấy giữ, nấy cởi lúc viết, lúc đọc. Ẻn này... trớt quớt, ba láp í mà. Tin thì tin, không tin thì thôi. Cốt là các bác còm thoải mái cả về chất và lượng cho ẻn là OK.

Thời gian dành cho blog tối nay tới đây là hết. Nhà iem đi viết nhật ký giấy đây. Bí bi!

THƠ GỬI THƯỢNG ĐẾ



 Dường như Thượng đế đã nhầm
Khi tạo ra Eva mềm mại đặt bên Adam hùng dũng
Ngài chủ quan ghê đấy nhá
Hay vì thời của Ngài
Chưa có tivi
Chương trình Tam sao thất bản chưa trình chiếu
Và Ngài ngây thơ
Và Ngài mong chờ
Hậu duệ của hai kẻ hoàn hảo kia
Sẽ giống cội nguồn như Cừu Doly vô tính

Tại Ngài là đàn ông
Hay tại Ngài là đàn bà?

Kẻ đàn ông
Ngài có đủ tự kiêu và buồn tới mức
Nhân bản mình thành Adam?

Kẻ đàn bà
Ngài có đủ đơn côi và kỳ vọng xa xôi
Để tạo ra đối trọng cho mình trong hoang sơ nhân thế?

Cớ sao lại còn thêm số lẻ
Kẻ thứ ba với tên gọi Eva?
Hay chỉ thêm cái cớ
Để hờn, để ghen, để đổ cho mọi cội nguồn tai hoạ
Eva dại khờ... Ngài định thế phải không

Ngài là đàn ông?
Ngài là đàn bà?

Ai cãi được khi Ngài là ảo ảnh
Những hậu duệ Ngài trót gieo làm cảnh
Buộc phải tiếp nhau dằng dặc đường trần
Lỡ tự mình khác dần với cội sinh
Lỡ tự làm NGƯỜI không theo bản gốc
Tốt hơn?
Xấu hơn?
Ai biết đâu chứng nhận
Cho tới hôm nay di chứng nổi chìm

Vui cũng tại Eva
Buồn cũng tại Eva
Adam nói thế

Rồi Eva cũng vùng lên kể lể
Adam bạo tàn
Adam chở che

Nghi ngờ quá về Ngài, thuỷ tổ chúng ta
Ngài là đàn ông hay đàn bà
Hay Ngài là tất cả?
Mà cứ cố phân định thành hai ngả
Bắt tìm nhau vất vả mỏi mòn
Ghép ngỡ khít rồi vẫn còn giấc mơ con
Cứ len lỏi, cứ xói đau nghi hoặc
Rồi cô độc và rồi ao ước
Lại phá tan những hợp ý hợp tình

Ngài là đàn ông hay đàn bà?
Hay Ngài là tất cả
Chẳng ai trước sau, chẳng trên dưới cường quyền
Dựa vào nhau mà thành cõi đoàn viên?

Ngài nói đi?
Ai là kẻ đầu tiên
Bịa ra truyền thuyết?

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

... NHẤT TRẦN GIAN ???

Người nào xấu nhất thế gian?

Không hẳn là người có thân hình xấu, mặc quần áo xấu.

Người "tâm địa xấu lồi lên mắt, lên mặt" mới là người xấu. Nhà Chuồn thú thật là rất hãi hùng ám ảnh vì vài nhân vật thật có vẻ xấu tâm "lồi lên mắt, lên mặt" chuẩn khỏi chỉnh.

Người này lại hay mang kèm theo căn bệnh ác tính nhất trong lịch sử nhân loại là "tính ác".

Cuộc thi không dễ kiếm ra kẻ số một ngay đâu. 

Tất nhiên người xấu "lồi" ấy lại có thân hình xấu, mặc quần áo xấu thì sẽ lọt thẳng qua vòng sơ tuyển để dự hội thi "Xấu nhất trần gian".

Nhưng những kẻ siêu đẳng nhất thường ém kỹ căn bệnh "tính ác" và những thời khắc "lồi xấu" thường lại xen với phút giây nguỵ trang đường nét tô vẽ đẹp đẽ về lời nói, hành vi theo phương châm "mật ngọt làm ruồi chết tươi". 

Chúng chả bao giờ muốn bị đặt lên bàn ban giám khảo của cuộc lựa chọn này cả nên túm được để mổ xẻ là chuyện gian nan. Khéo nó còn tìm cách không những lọt vào ban giám khảo mà còn thành Chủ khảo để lũng đoạn ấy chứ.

An ủi một điều là đứa xấu cỡ đó thì không sớm thì muộn cũng có lúc lộ hàng. Chi bằng chúng ta cứ tỉnh táo mà làm ban giám khảo mọi lúc, mọi nơi. Đứa nào "lồi" ra lập tức bị tóm dính nhá.  Ai không tỉnh thì làm ruồi, ôi, khổ.

Băn khoăn hai điều:

1. Biết bao giờ mới có sản phẩm bình bầu "kẻ xấu nhất mọi thời đại" và các giải phụ mọi lĩnh vực kiểu chết danh như Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh...

2. Khi đã tìm ra kẻ để "gán giải" thì liệu gọi nó là gì đây vì các đại từ kiểu "người", "kẻ", "tên" đều có phần chỉ Người, mà nó thì đâu còn xứng làm người nữa. Ặc ặc ặc.

Trong lúc cuộc thi còn vất vả diễn ra, nhân thế cứ đành còn chịu những điều trời ơi đất hỡi, những tai hoạ do cái "xấu nhất trần gian"  và các ngôi vị {nhì, ba, tư, năm... n} tác quái.

Viết thế này chắc cũng "đụng chạm" lắm đây. Nhưng biết làm sao. Không thích bị đụng thì đừng làm điều ác tâm, ác tính từ nhỏ đến lớn. Hàhà.

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

MỘT GÓC MÓNG CHÂN ĐÃ SỨT



P/S: Nhân dịp một cô bạn than sáng sớm đã bị gẫy một góc móng chân mà không rõ lý do... mình trêu bạn. 


Một góc móng chân đã sứt 

Sau giấc ngủ đêm qua
Nệm êm, chăn ấm, màn rủ hiền hoà
Một góc móng chân vô cớ sứt

Một góc móng chân đã sứt
Hay là đã thực, đã mơ
Những mùa cuồng phong lùa thổi
Đuổi theo, ta vỡ, điên rồ

Một góc móng chân đã sứt
Chắc là ta đạp vào đêm
Quánh đặc kẽm gai tù ngục
Hồn ta ẩn ức phá rào

Một góc móng chân đã sứt
Chiều qua vấp, rớm máu đào
Mà lòng lạnh teo tê dại
Đớn đau chả biết, ôi chao...

Một góc móng chân đã sứt
Hay là ta lại ấu thơ
Dẻo mềm cốt xương da thịt
Vòng chân và gặm ngon ơ

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

NGƯỜI TÌNH KỲ ẢO (đọc sách)

Một cuốn truyện lọt vào tay.  Tên rõ là sến: Người tình kỳ ảo.


Ôi dào, những tình yêu tình báo trong sách vở thường là cổ tích trần gian cho trẻ con háo hức và người lớn an thần.


Ở đó người ta thường định danh rất rõ ràng thứ mà thiên hạ sống đời thực ngẩn ngơ ngó ngoáy lộn đi lộn lại có vài chục kiếp cũng còn bán tín bán nghi: tình yêu.


Ở đó tính vĩnh hằng của một mối tình thường được kết luận trong vài chục, vài trăm, giỏi lắm cũng chỉ vài ngàn trang giấy khổ nhỉnh hơn lòng bàn tay. Nó vội vàng hoặc dễ dàng được mặc định theo ý chí của tác giả hoặc theo gu độc giả. Bất kể truyện tình nào cũng vậy mà thôi. Một mối tình thoáng qua nhưng lại có sức sống dai dẳng trong tim người ta chả hạn. Và nó đeo bám trí nhớ của chủ nhân/ nạn nhân đến mức ám ảnh, đến mức lắm phen phi lý. Tất cả chỉ vì đã tình yêu thì phải đáng nhớ và quý như kim cương. Thực ra trong đời thực để biết chắc một tình yêu là vĩnh hằng hay không thì là cả vấn đề vật lộn nay tưởng, mai ngã ngửa, xỉu lên xỉu xuống của các đương sự.


Điều đó cũng bình thường. Một tác phẩm viết ra để có được sức lan toả phải phù hợp với khát vọng ngọc ngà của người đời về thứ xúc cảm đỉnh cao khó nắm bắt, khó quản trị, khó định vị ấy. Đặc biệt trái tim nào chả muốn tin tình yêu họ có là vĩnh cửu, là không nhầm, là họ sẽ không bị lãng quên dù họ có lỡ lãng quên. Hàhà.


Cảm giác cuốn truyện tình nào phụ nữ đọc mà chết đứng chết ngồi thoả mãn về sự được nâng niu, được trân trọng và che chở tinh tế đến mức tuyệt đối do những tuyệt chiêu tập trung ở các đấng tùng quân chả bao giờ có trên đời... thì y như rằng cuốn đó do tác giả nữ viết ra. Và nữa, tác phẩm tình yêu của phụ nữ viết ra thường nao lòng hơn tác phẩm do nam giới viết. Chắc vì thái độ yêu và giá trị tình yêu trong cuộc đời người phụ nữ khác so với nam giới. Do phát hiện này, gần đây mình mày mò đọc lại các tác phẩm tình yêu  nam giới viết để so sánh.


Với Người tình kỳ ảo, quyết chả thèm để ý xem đó là nam hay nữ viết. Đọc thật khách quan chuyện tình giữa nhân vật thần thoại Hy Lạp lộn kiếp vào thế kỷ 21 với một tiến sỹ tâm lý trị liệu.


Vai nam, chiến binh Hy Lạp với sức mạnh vô song, khả năng tình dục thần thánh và lời nguyền "nô lệ tình yêu" hạ thấp người anh hùng xuống vị trí một "con giống" suốt mấy ngàn năm. Vai nữ, con người hiện đại, khả năng trị liệu tâm lý cũng siêu đẳng trong thế giới con người, có thể vá lỗ hổng mọi trái tim bệnh nhân, nắn lành mọi đứt gãy xúc cảm nhân gian.


Dĩ nhiên người anh hùng dù là con của nữ thần tình yêu, được mẹ rút kinh nghiệm vụ gót chân asin, đã nhúng ngược nhúng xuôi chàng xuống sông thần để không hở chỗ nào yếu đuối hết thì hoá ra trái tim lại hổng miếng tướng, kể cả khi chàng là em của thần ái tình Eros, được Eros giúp đỡ tối đa. Nàng dù là bác sĩ cho mọi trái tim thì lại không vượt nổi mặc cảm đớn đau của mình do bị tổn thương trầm trọng trong mối tình đầu. Thần thánh và người phàm trần gặp nhau qua một lời phù phép cợt đùa. Vậy mà bù đắp nhau. Bù đắp để gặp nhau ở chữ Người.


Để đạt tới đỉnh cao xúc cảm của Người, họ vật lộn với sức mạnh trừng phạt của thần thánh, của bản năng... Cuốn sách hơi nhiều đồ mặn (hì hà), nhưng cách đồ mặn được bày ra không làm đỏ mặt người đọc nhạy cảm đâu mà khá là hợp lý. Cách hai kẻ "cực đoan" ấy bị xúc cảm con tim khuất phục từng bước, khắc khoải tranh đấu với thế lực thần quyền và chính bản thân, sự hy sinh và vươn tới là bài học về những hoà quyện ảo diệu trong động thái "chín" của tình yêu trên đời. Tình yêu ấy thật lắm, tưởng như độc giả đang tự soi vào đó mà hiểu mình.


Ngược với lối ra sức khẳng định tính vĩnh hằng của tình yêu trong các "cổ tích" nói ở trên, cuốn Người tình kỳ ảo hiện thực hoá tính chất mong manh của xúc cảm. Thánh thần rồi cũng nhận ra chân giá trị và tính chất hiện thực, tính hữu hạn của tình yêu. Đến nữ thần tình yêu cũng bộc lộ khiếm khuyết rất người của mình trong tình mẫu tử để hoàn thiện. Anh hùng Hy Lạp tháo nhẫn nguyên soái để đổi lấy sự bình an, khoả lấp tổn thương đời thực của người yêu dấu, qua đó tìm lại giá trị Người của mình. Một phụ nữ trần gian bình thường được dẫn dắt trong thương yêu để hiểu giá trị nữ tính đích thực của mình.


Gấp sách sau một chặng đọc liên tục, trong đó dĩ nhiên mình luôn thấy thấp thoáng bóng ai kia gần gụi lắm với tâm hồn. Mình là kẻ phàm mà, và cuốn sách ấy đâu viết cho thánh thần đọc chứ.


Tình yêu trong cuốn sách mang yếu tố ảo song lại thực đến hoàn hảo dù ngay từ đầu lời tựa đã tuyên bố đây hoàn toàn là tưởng tượng và hư cấu. Vẫn là motip nam tính và nữ tính đâu ra đấy, hài hoà và tấu lên khúc ái ân tuyệt hảo. Song khác với mọi lần, mình không đoán ra là nam hay nữ viết. Câu chuyện trung thực, hầu như chả thiên vị bên nào trong mọi diễn biến tâm lý.


Dĩ nhiên phút cuối, sau khi thoả mãn mọi mò mẫm suy đoán và hài lòng với tính khách quan của tác giả, mình đã biết giới tính của người thể hiện khát vọng tình yêu qua 423 trang viết - Sherrilyn Kenyon.

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

NGÀY CÁNH CHUỒN BẤY BỚT ĐÃ QUA CHƯA?

Khá lâu rồi mới có cảm giác nhẹ nhẹ chút chút thế này.

Mọi thứ vẫn còn bề bộn. Cánh mình vẫn yếu ớt. Đầu mình vẫn chạy chậm chậm. Tim mình vẫn dễ nhói đau cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Kết quả của cả chuỗi dài dằng dặc những dồn nén, những kinh hoàng, những đụng đâu sụp đó về quan hệ, công việc, những mệt mỏi đến mức vô vọng.


Chưa bao giờ mình yếu  về mọi mặt như những ngày qua.  Lúc nào đó từng kề cái chết thì tinh thần lại vững vàng, có lúc tinh thần từng kém đến muốn chết (nhiều chục năm về trước) thì sức khoẻ lại ổn. Đồng loạt như thời gian qua thì chưa. Chưa bao giờ mình phải rục xuống, phải thừa nhận nỗi đau là không thể tự chịu đựng, cần được những người khác dìu đi... như thế.


Vẫn còn bề bộn, nhưng hình như mọi thứ bắt đầu nới ra. Chỉ dám hình như thôi vì trạng thái vừa xong thật là khủng khiếp. Trời xanh, nắng vàng, tiền bạc, thú vui đều chả có ý nghĩa gì với mình.


Có buổi trưa mình ngồi ở cơ quan. Tấp nập đồng nghiệp ríu rít gọi đi ăn, mà mình chỉ muốn đi đâu đó, ngồi với ai đó thật yên, thật tĩnh. Mình chợt thấy mình chả có một người nào để gọi đi cùng. Cô đơn đến vữa ra. Qua đi ít tiếng, mình nhận ra đó chỉ là cảm giác không thật vì thực ra bè bạn và những tấm lòng chia sẻ thực sự dành cho mình thì rất nhiều, mình vốn tự nhủ rằng đó là may mắn trên đời mà. Mình rùng mình vì lúc đó cảm giác nhạt và tàn tệ đến mức nếu thêm một chút gì nữa là ly tràn, là tự sát cũng có thể. Chả còn gì ràng níu trên đời. Một ảo giác khủng khiếp.


Kẻ lạc quan đến mức tự nghi bản thân không có khả năng tuyệt vọng, lạc quan mãn tính và tự tin vào logic thiện trên đời sẽ tự hoá giải tất cả, vào đúng lúc đó đã nhận ra mình không còn khả năng "tự lượng sức". Đã và đang như một cỗ máy chỉ biết chạy theo những nghĩa vụ làm người, làm mẹ, làm vợ, làm con, làm bạn... Chạy mà không biết rằng năng lượng sẽ dừng ở điểm nào.


Trước đó tưởng vài cơn báo động đã làm mình sợ, đã bớt ôm đồm, nhưng rồi không phải. Chỉ khi mình vỡ oà ra thì mọi người thân mới ngỡ ngàng xoay ra trách, rồi tiếp đó mới là đỡ tay các lo âu, sự vụ một cách thực sự. Thực ra mình vẫn được quan tâm, được đỡ tay từ trước, nhưng gánh nặng là quá sức. Mình hoảng hốt khi nhận ra đã mất "phanh" về lượng sức như vậy.


Trong những ngày nằm thiêm thiếp, rồi gượng dậy sống như quán tính theo một thời gian biểu rất đơn giản, mình tập lơ đi những thói quen lo âu sự vụ của "cỗ máy".  Mới hiểu là rất khó. Rồi thêm những nỗi đau do cảm xúc mới gây nên. Nhìn mình trải qua thứ cảm xúc mà không thể lý giải vì sao một người mẹ lại có thể như vậy. Mình hoang mang cả về chính mình. Nhìn đâu cũng tràn trề nước mắt đau đớn và bất lực. Mọi người đã đều hiểu và gượng nhẹ, nâng niu mình để mình có thể đừng sụp hơn. Nhưng khi nghĩ đó là mọi người cũng ráng vượt qua bản thân, nén cảm xúc cá nhân để lo cho mình thì mình lại tiếp tục đau đớn.


Chuỗi ngày ấy, sờ vào việc gì cũng tự dưng hỏng, đổ như ma làm. Suốt hơn tháng ròng rã như thế. Kiệt sức. Tự rời bỏ các kế hoạch, né tránh các quan hệ để đừng bị hỏng mà rồi vẫn tan nát theo cách trời hành. Không tiếc nuối gì cả nhưng buông xuôi. Mặc kệ sông trôi.


Hai ba hôm nay đỡ hơn. Một nhóm bạn bỗng nhặt mình lên, hiền hoà làm mình thật dễ chịu quá. Một công việc to đùng, khổng lồ là khác tới. Phải nói là một thử thách sức tổ chức, điều hành và kỹ năng chuyên môn. Mình đã sợ nó lại là một cái gì sẽ vỡ, sẽ sụp thôi, nhưng nó cứ tới tay mình. Thì thử, dù thực ra trong lòng vẫn sợ dớp lắm. Chuyện riêng cũng nhẹ hơn chút. Nhẹ vì xúc cảm của mình đã ổn hơn chứ còn nguyên khối cần khắc phục, chưa có gì hy vọng ổn thoả cả.


Mình vẫn dễ ngã, cánh vẫn bấy bớt nhưng đỡ hơn chút xíu.

MỖI NGÀY LẠI DÀI THÊM MỘT TIẾNG



Mỗi ngày lại dài thêm một tiếng
Một tiếng riêng tư cho vô tận vui buồn
Hoà trộn không gian
Xuôi ngược thời gian

Một tiếng đời ngân vang đi và đến
Vô vàn đúng và sai, trúng và trượt hẹn
Thoả thích vẫy vùng khôn, dại
Thoả thích tinh ranh và ngơ ngác hâm hâm
Thoả thích phá lên cười
Thoả thích rơi nước mắt
Lặn ngụp tận cùng đáy hồn chân thật
Quằn quại, thăng hoa, cháy, lụi thoả khát mình

Mỗi ngày chả dài ra cũng cứ thế xông xênh
Một tiếng chắt chiu
Úp mặt vào cõi ta
Lắng mặn ngọt ân tình

Mỗi ngày một giờ đãi cát tìm vàng dâu bể
Cô lọc mình trong nhân thế
Yêu ghét thênh thang

Mỗi ngày một giờ
Mỗi ngày một giờ thôi
Rải ra
Để không có ngày 
Chát chua chìm nổi
Giật mình tiếc nuối
Đã quên yêu mình trong đời hun hút bụi

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

CHỮ và TA


Ghép chữ thành ta
Xẻ ta thành chữ
Tháng ngày vần vũ
Cũ đi mới về
Bao giờ cạn chén đam mê
Thì khi ấy ẩn về quê dưỡng già.

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

EM CHÁN SẾP LẮM hay là THÊM MỘT QUẢ TÌNH



P/S: Em Chuồn viết rõ là tinh tướng. Bác X làm giúp blog này đừng ghét em nhé. Biết ơn bác vạn bội vì đã để em nhờ cậy xây nhà xây cửa ngon lành thế này cho thoả cơn khát off với dân blogspot.

Chắc chắn sếp không hình dung nổi việc sáng nay mình bị cưỡng bức nghỉ ở nhà gây hệ luỵ cỡ nào đâu.

Đang vào nếp đi làm ngoan ngoãn như công chức phấn đấu chiến sĩ thi đua cấp quốc gia. Ngày ngày đến cơ quan đúng giờ, không lang thang ra phố hay trốn đi off trong 8 giờ vàng ngọc. Thậm chí cuối giờ cũng về đúng giờ chuẩn để tiết kiệm điện cho nhà nước.

Vì đi làm răm rắp nên lương tâm không hành hạ, không phải thủ theo gói việc về làm tối để tự trấn an. Chồng con cũng phấn khởi vì bỗng dưng vợ, mẹ tối tối chả cày cuốc gì sất. Ăn ngủ đúng giờ, cơm ngon canh ngọt. Đúng chuẩn "vợ làm nghề gì thì làm, miễn đừng mang việc về nhà buổi tối".

Đâu dễ có cái nếp ấy. Thế mà đùng phát, sáng nay sếp báo trưng dụng phòng làm việc của mình để phỏng vấn tuyển nhân viên mới. Thế là mình phải nghỉ việc giữa dòng. Thế là mình đang thích đi làm sau khi gửi con vào nhà trẻ thì lại phải về nhà.

Mà về nhà giờ này thì mình không còn quen chơi rông như thời gian trước nữa. Mình thích làm việc cơ. Ở cơ quan, máy tính bỗng dưng không vào blog được vì mình chưa nhớ ra cái pass, thế là mình lại là mình làm việc hăng say như thuở chưa biết blog là gì. Ở nhà sờ vào laptop thì y như rằng lại ... blog.

Bực. Chả ai cho mình làm người lương thiện ư? Đã thế vào giường đọc tài liệu. Được vài dòng thì lại lơ mơ ngủ mất. Mơ lung tung cả. Toàn mơ ăn, mơ chơi.

Đang mơ hay thì điện thoại báo tin nhắn. Chán thật. Đời cứ xô đẩy là thế nào. Bật dậy nhận email.

Hoá ra ... hoá ra... Hoá ra y như chuyện ông Tàu Khựa kéo nhà khoa học lớn từ Mỹ về bằng cách xây sẵn ngôi nhà, bài trí nội thất y chang nhà ổng ở Mỹ... Mình không phải nhà khoa học nhớn, mình không phải hot blogger, nên mình sững sờ khi đường link trong email dẫn mình tới một blog An Thảo mới tinh ở xứ mới. Cùng tông màu xanh cốm sậm của theme, cùng ava, lại có mấy bài cuối cùng mình viết ở blog cũ đã được bứng qua. FL cũng đã sẵn một nhóm bạn yêu quý ngoài đời chơi blog hăng say chả kém ai. Thế thì mình làm sao không sa vào cuộc tình mới được chứ. Lại yêu anh blog dù rất cảnh giác vụ lần sờ tìm hiểu anh ấy sẽ làm mình mất vài tiếng như chơi.

Mất thật, lại mất. Thế là đống việc mà hạn giục đang réo rắt lại ùn lại. Lại stress.

Sếp ơi! Sếp thấy chưa, cái sự nghỉ việc cưỡng bức tai hại chưa. Sếp có nguy cơ làm hỏng nhịp điệu mẫn cán của nhân viên ưu tú. Chồng có khả năng lại bị thiệt hại do vợ mê thêm một anh (blog) khác. Bản thân em lại sụt xuống vài bậc trên thang phấn đấu trở về làm "công dân gương mẫu dù có blog". Cái đó là chán nhất.

Ôi, chán sếp. Rất chán sếp dù sáng nay em đã sống một buổi sáng không làm vợ, không làm mẹ, không làm lính, không làm thuê...

Giá sếp đừng bắt em sống một buổi sáng như thế, em không phải lộn lại nhớ nhung cái cảm giác uể oải chiếu chăn ngủ nướng, cảm giác gác mọi sự đời trong cơn lũ cuốn, thì có phải em không bị đánh thức cảm giác lười biếng không.

Đáng nhẽ em đã tỉnh táo sáng nay cày sâu cuốc bẫm, xong được mớ việc thì giờ lại mới bắt đầu mà chả chắc đã trôi bằng ở cơ quan.

Em hận sếp! Vì sếp mà em sa vào quả tình với anh blog mới! Vì sếp mà...

NGÀY NẢY NGÀY NAY CÓ MỘT CƠN GIÓ...



Cổ tích đời nay không bắt đầu bằng xưa xửa xừa xưa
Dẫu vẫn giản dị lời nghĩa nhân chia sẻ

Vùng vẫy những phận đời méo, tròn, trong, đục
Cũng lẫn lộn thanh âm ngay thẳng, cong queo
Cũng Cám hỗn hào, cũng Tấm thanh cao
Cũng lẫn những mắt người chênh chao cửa sổ

Cổ tích đời nay không bắt đầu từ những xửa xừa xưa
Phức tạp, ồn ào, giản đơn, dịu nhẹ
Thuở trời đất nổi cơn dâu bể
Chính trị, chính em, chính biến, chính tâm

Cổ tích đời nay lexus, a còng
Ngang dọc trái đất tròn, máy bay, nháy chuột
Thoắt hẹp bờ tre, thoắt eo bến nước
Lại phong phanh gió lùa lối lệ làng

Cổ tích giữa đời gạn đục khơi trong
Chín bỏ làm mười vê tròn nẻo méo
Giông gió lặng về mưa xuân nhuần nhị
Bốn phương ngân dìu dặt bổng trầm

Dòng cổ tích trôi dào dạt lắng thầm
Tóc xoã vai mềm, tay nâng mầm nẩy
Những cửa luân hồi, oán ân, buông đẩy
Trái chín, hương bay hoá giải vô thường

Cổ tích bắt đầu từ ngày nảy ngày nay
Một làn gió rẽ mây gọi sớm mai chim hót
Cổ tích nhắc chuyện muôn đời nhung nhớ
Miền an nhiên mưa thuận gió hoà...

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

BẠN CŨ - ĐÁM MA và BÁN BẢO HIỂM

1.

Bố của cô bạn học phổ thông mất. Các bạn trong lớp tìm nhau tổ chức viếng.

Cú điện thoại thứ nhất:

- Th. à, B. đây. Mình vừa nghe tin bố của H. mất. Cậu có thông tin gì chưa?

- Mình có nghe khi nãy, chưa kịp hỏi lại xem giờ giấc tổ chức đám tang thế nào để báo lại với ban liên lạc lớp. Cậu có nghe nói gì không?

- Mình nghe qua bạn N. thôi. Cũng chưa thấy ban liên lạc báo gì cả. Chỉ là mấy người bạn hay chia sẻ thì muốn bàn nhau trước. Th. ở HN thì hỏi lại rồi báo cho tớ với. Tớ sẽ về.

- Ừ, tớ sẽ liên lạc ngay với mọi người nhé.

Cảm giác ấm áp quá. B. là người kiệm lời, không thích những ồn ào hào nhoáng. Lâu lâu nghe điện của cậu ấy, mình thấy lòng nhẹ nhõm và được bao bọc che chở, sẻ chia dễ chịu khó tả. Thấm thía rằng bạn cũ là thứ thiêng liêng và quý như con ngươi mắt.

Cú điện thoại thứ hai:

- Th. đây S. ơi. Bố H. mất, cậu và ban liên lạc nghe tin chưa?

- Chưa. Cụ mất bao giờ thế?

... vì sao?... bao giờ đưa? ... để hỏi thêm rồi tổ chức... Sau những trao đổi ấy thì hẹn nhau cùng tìm thêm thông tin rồi báo cho B. và các bạn trong lớp.

Cú điện thoại thứ ba sau cú thứ hai 1 phút:

- Th. à, S. đây. Cậu có bận lắm không?

- Không sao, cậu cứ nói đi. Có tin rồi ư?

- Chưa, tớ gọi mà số H. ngoài vùng phủ sóng. Để mai xem sao.

- Ừ, tớ cũng sẽ tìm cách liên hệ. Cùng cố nhé, nhỡ đưa tang sớm mà không kịp tập trung các bạn thì ân hận.

- Công việc của cậu giờ thế nào Th.? Bận lắm không?

- Tớ cũng bận. Nhưng cậu cần việc gì à? Cứ nói đi.

- Tớ muốn mời Th. làm công việc bán thời gian với tớ. Tớ giờ phụ trách một bộ phận xyz (bạn làm tràng tiếng Anh hoành tráng mà mình ù tai chả kịp hiểu là cái quái rì).

2.

Nói qua nói lại, hoá ra bạn mời mình đi... bán bảo hiểm nhân thọ với bạn. Thực sự mình muốn... chửi bạn nhưng rồi đành nén bực chịu trận 15 phút. Mình nói khéo là mình chỉ có thể làm những công việc dạng abc, còn việc "tiếp cận, thu nạp khách hàng bảo hiểm" thì mình không thích và không phù hợp. Thật là chướng khi nước sôi lửa bỏng lo việc tang ma thế kia mà lại nghe lải nhải thế này. Bạn rất bài bản dụ rằng cứ thử đi, những người làm công việc còn "mô phạm" gấp mấy mình mà vẫn rất thành công khi hợp tác trong lưới của bạn...

Cá nhân mình là kẻ "dị ứng quảng cáo", càng ớn những câu chuyện chào mời mua hàng đa cấp, bảo hiểm hay lời mời vào lưới bán bảo hiểm, lưới bán sản phẩm chức năng. Mình không chê sản phẩm, không phê phán mô hình làm kinh tế ấy, chỉ cực kỳ ghét cái trò "bám sát đối tượng, lải nhải không khoan nhượng một cách bài bản". Đã vài người bạn thân có, sơ có rủ rê các kiểu và mình bao giờ cũng phải trải qua quá trình từ chối từ tế nhị tới huỵch toẹt, thậm chí trốn chạy mới yên.

Câu giàu nhờ bạn ngẫm ra rất sâu sắc ấy chứ. Nhưng bạn là bạn. Mình sợ cái giọng đều đều và khuôn mẫu của bạn, gần như vô cảm, khi thuyết phục nhau kiểu đó. Mình sợ luôn bạn. Bạn mà phải trốn nhau dù bằng lời nói hay là ù té chạy thì buồn. Trò bán bảo hiểm theo lưới, bán hàng đa cấp nó lại dựa vào sự rủ rê chỗ quen thân mới hãi chứ.

Dù tránh xa, ghét cay ghét đắng thì vẫn là nạn nhân của nó như thường.

Mình đã phải bỏ chạy khỏi một cô bạn vì thấy mặt đâu là rủ mua bảo hiểm hết loại nọ đến loại kia. Tình cờ gặp ở quán nước. Mình mất toi bữa đó, mệt rũ ra vì nàng tranh thủ quảng cáo cả bằng mồm lẫn bằng... quà vặt dạng đeo chìa khoá, hộp đựng cạc...

Hồi Hà An học lớp 1, bà chị ruột cô giáo bám sát phụ huynh để bán bảo hiểm. Mình mua cái giá trị bét nhất cho yên thân. Chả tin gì vì tiền vứt vào đó mất giá thảm thương. Ai dè suốt ba năm tiếp đó khốn khổ vì các cú điện thoại giới thiệu dịch vụ mới cả vào di động, về nhà lẫn cơ quan. Hai năm đầu chăm sóc lắm nhưng mình chối tuốt các mời chào. Đến năm thứ ba bác ấy chán chả liên hệ, thậm chí chả buồn đến thu tiền, cho đứa nào ấy vác hoá đơn đến. Mình cắt hợp đồng luôn từ năm thứ tư. Nhẹ cả người.

Một bà chị họ hàng xa độ 5 đời bỗng nhiệt tình điện thoại hỏi han mình đủ thứ. Bả vanh vách công việc, con cái, vui buồn của mình y như... bà ngoại lũ trẻ. Thì ra bả đã cất công rủ được bà ngoại An An mua bảo hiểm, giờ bắt rễ lan sang mình. Bả tán sao mà bà ngoại tin tưởng kể tuốt luốt "tư liệu". Mình buộc phải nói dối là em còn đi công tác triền miên đến hết năm, qua Tết mới có thời gian gặp chị. Liền đó khẩn cấp báo cho bà ngoại cắt giùm thương vụ.

Lạ thật, những người làm nghề kiểu này đều bỗng dưng lên đời về phương pháp bám thắt lưng khách. Thằng bạn mình lâu nay nói năng cũng lủng củng lỉnh kỉnh. Tính nó hiền hoà, vụng về. Cũng quý hoá nhau thôi. Nhưng mỗi lần thêm một người đang yên bỗng xoay ra ăn nói thế này mình thấy mỏi rã rời quá thể, dẫu biết cũng chỉ vì miếng cơm manh áo của họ và mình không thích thì thôi. Thấy bạn, người quen như lột xác thành... robot bán hàng. Họ nói về lợi ích của mình - không phải bạn, người quen mà là khách hàng tiềm năng, một cách rất lấp liếm. Chả nhẽ vạch toạc ra. Cái sự nhịn thật khó tiêu hoá quá. Sao lại phải ăn nói bài bản chả giống bạn nữa thế chứ. Cái lưỡi uốn éo...

Nếu là bạn và muốn rủ nhau dùng sản phẩm, bán sản phẩm, chả nhẽ cứ vẫn cứng đờ theo lối thiên hạ thị trường với nhau vậy ư. Mất cảm tình, mất cảm giác, mất bạn. Và mình không chỉ không thích mà còn thấy cực kỳ dị ứng với những vụ ấy.

Hôm nay sao thằng bạn cũng giở giói đến bệnh hoạn thế kia. Đi đám ma mà gặp, khéo nó lại bắt mình nghe bài dài gấp mấy chưa chừng.

3.

Bạn cũ, bạn mới, người quen... Sống mà không giữ, không xây cái lưới nghĩa nhân ấy thì mình không hình dung nổi. Nhưng sống trong nó, chia sẻ, bảo bọc nhau là khác với cách mấy vị chèo kéo.

Nghĩ mãi chả thấy cú điện thoại ấm áp của B., chuyện sẻ chia nỗi buồn của bạn H. ăn nhập gì với 15 phút "dành cho quảng cáo" kia. Potay.com.canh và một nỗi trống trải khó chịu vô cùng. Chả biết nên trách, nên bực hay nên thông cảm với "bệnh nghề nghiệp" bạn nhiễm phải.

B. ơi, cậu gọi lại cho tớ với. Tớ muốn nghe cậu nói chuyện để xoá cảm giác chán chường này đi.